"Cái ngọn" - Hướng các em niềm tin yêu cuộc sống và thiên nhiên quanh mình

Thường, người già hay nghĩ về cái gốc, cái rễ ăn sâu vào lòng đất để hút tinh chất nuôi cây, nuôi quả. Nhà thơ Định Hải đã bước vào tuổi già nhưng khi viết cho các em thì tâm hồn ông trẻ lại, trẻ từ cái nhìn xanh tươi mới mẻ, từ những quan sát tinh tế gần gũi với thế giới trẻ thơ. Ông viết về "Cái ngọn", cái hi vọng lớn lên từng ngày, hướng cho các em những niềm tin yêu cuộc sống và thiên nhiên quanh mình.

Cái ngọn

Ngây thơ ngọn cỏ tươi mềm

Ngọn mâm xôi đỏ dọc triền sông quê

Ngọn tre cong đón chim về

Ngọn cau múa gió say mê suốt ngày

Ngọn gió ấp ủ trong mây

Ngọn nguồn len lỏi rừng cây đại ngàn

Ngọn chông canh giữ xóm làng

Để cho ngọn khói nhẹ nhàng lên cao

Ngọn lửa thắp sáng trời sao

Ngọn đèn lặng lẽ soi vào vách em

Mải mê ngọn bút đêm đêm

Sáng ra ngọn gió bùng lên ngọn cờ

Ngọn cây là phần nhạy cảm nhất của cơ thể sống thực vật, ở đó mọc thêm những mắt lá, đơm thêm những bông, những nụ để thành hương thành quả.

Ngọn cây là chỗ cao nhất của cây, hướng thẳng về bầu trời, thách thức với bão gió, nơi chịu nhiều va đập với tự nhiên lại là nơi luôn mở ra những bất ngờ: Ôi từ không đến có/Xảy ra như thế nào" (Xuân Diệu).

Nhà thơ Định Hải đã kể hàng loạt cái ngọn: ngọn cỏ, ngọn mâm xôi, ngọn tre, ngọn cau. Đây là những ngọn thực vật quen thuộc với mọi người. Nhưng qua cái nhìn ấm áp của nhà thơ đã có sự chọn lọc nâng dần lên về chiều cao từ: cỏ đến tre và cao vút là ngọn cau. Riêng ngon mâm xôi gợi cho các em vẻ đẹp phồn thực của đời sống nông thôn gắn bó với con sông làng, với văn minh lúa nước.

Tiếp đó, tình cảm của nhà thơ được hóa thân vào: Ngọn gió, ngọn nguồn, ngọn khói, ngọn lửa, ngọn đèn. Đây là những hình ảnh rất gợi cảm, nồng ấm tình người và lung linh ảo ảnh phù hợp với trí tưởng tượng và hay đòi cắt nghĩa của các em, kiểu như: "Ngọn cỏ ấp ủ trong mây" hay "Ngọn lửa thắp sáng trời sao".

Từ cao vời của vũ trụ là ngọn gió, là trời sao, nhà thơ lại hướng cho các em về với hình ảnh ngọn đèn thân thuộc "Ngọn đèn lặng lẽ soi vào sách em". Đây là nơi hội tụ để rồi tỏa sáng tri thức, một cách giáo dục rất tự nhiên đến với các em bằng tấm lòng đồng cảm.

Bài thơ không có bóng dáng con người mà ta thấy xuất hiện lên con người Việt Nam anh dũng, bất khuất chống giặc ngoại xâm từ hình ảnh: "Ngọn chông canh giữ xóm làng" đến hình ảnh cuối cùng của bài thơ "Sáng ra ngọn gió bùng lên ngọn cờ" nói về tình yêu Tổ quốc bằng biểu tượng ngọn cờ, quốc kỳ của đất nước.

Nhà thơ Định Hải có sự liên tưởng so sánh rất kì ảo từ "Mãi mê ngọn bút đêm đêm" đến "Sáng ra ngọn gió bùng lên ngọn cờ" cho các em hiểu thêm phần cống hiến của mình bằng cách chăm chỉ học tập, say mê với ngọn bút là góp thêm ngọn gió cho lá cờ Tổ quốc bay lên sáng cả trời quê. Đó chính là cái ngọn cao nhất, đẹp nhất, thiêng liêng nhất…

nguyễn ngọc phú

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast