Câu chuyện lúc mờ sáng

Tình cờ tôi gặp người đàn ông ấy trong một quán ăn Việt tại thủ đô Berlin. Cô chủ quán bé nhỏ, người mà tôi đã có mối thâm tình suốt mười năm qua, hớn hở giới thiệu: Đây là bác Thành, bác của em. Bác mới ở Việt Nam sang.

Tôi nhã nhặn bắt tay và thoáng nhìn. Một gương mặt đàn ông có tuổi, đen đúa và khắc khổ. Chắc khó tính và lạnh lùng nữa, tôi chợt nghĩ, khi thấy ông ta cười mà chỉ vành môi thâm sì và khô khốc khẽ nhếch lên còn phần còn lại của gương mặt vẫn chìm trong vô cảm.

Lần thứ hai tôi gặp ông ta tại một quán Disco theo lời mời của vợ chồng cô bé chủ quán. Biết ông bác là đại gia bất động sản và kinh doanh khách sạn có tiếng ở Hà Nội lại sành điệu nên cô cháu đã phải mất cả buổi trên internet mới tìm ra chỗ này. Nghe nói sau mười hai giờ đêm tại đây sẽ có màn nhảy sexy rất bạo liệt.

Tiệm disco nằm ngay phố Friedrich, con phố cổ kính, sang trọng và sầm uất nhất ở phía đông Berlin. Tiệm nằm sâu dưới tầng hầm của một khách sạn 5 sao. Đường đi xuống ngoằn ngoèo theo những bậc thang bằng đá màu xám như đường đi trong những pháo đài thời trung cổ. Đi theo hướng tiếng nhạc xập xình, cũng phải mất vài phút chúng tôi mới nhìn thấy sàn nhảy. Trong nhoay nhoáy của ánh sáng muôn màu tràn xuống từ sân khấu, đám nam thanh nữ tú đang uốn mình theo tiếng nhạc. Khi chúng tôi mang tiếng là thổ dân còn đang lúng túng không biết ngồi đâu ở một nơi sang trọng như thế này thì đã thấy ông ta ung dung thả mình trên một chiếc ghế bành rộng ngay sát sân khấu. Buông mình trong khói thuốc và li rượu pha theo đúng tiêu chuẩn châu Âu được chừng nửa tiếng, không thấy có màn sexy như quảng cáo, ông ta ngáp dài rồi đòi về, không cần biết những người đi cùng có đồng tình hay không? Chúng tôi miễn cưỡng đứng dậy khi rượu vừa bắt đầu ngấm, nhạc bắt đầu say. Từ lúc ấy, tôi ác cảm với ông đại gia hợm của, bất lịch sự này. Vì thế tôi đã viện mọi lí do để từ chối các cuộc gặp mặt sau đó có ông ta, cho dù vợ chồng cô em đã hết lời chèo kéo.

Một tháng sau sự kiện đó, cô em lại gọi điện cho tôi:
- Ngày mai ông bác em về nước. Bọn em làm bữa cơm chia tay tại quán. Anh đến nhé.

Thấy tôi ngần ngừ, cô bé nói thêm:
- Bác em muốn gặp anh. Tại em nói ngày xưa anh cũng là bộ đội tham gia chiến đấu ở chiến trường...

Tôi nhận lời cô bé trong tâm trạng nghi hoặc. Lạ nhỉ, chỉ vì lí do tôi đã từng đi bộ đội, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam mà ông ta muốn gặp, trong khi ở hai cuộc gặp trước thì đúng là nhạt hơn nước ốc.

Mang tiếng là tổ chức tiệc nhưng gia chủ vẫn phải đợi đến lúc hết giờ bán hàng cho khách thì bữa tiệc cho mình mới được bắt đầu. Dân làm quán chơi với dân làm quán, cùng một hoàn cảnh, có mời sớm cũng chẳng ai đến. Giờ đó mọi người còn đang mải xào nấu, bưng bê phục vụ “thượng đế“. Cho nên lúc khai tiệc bao giờ cũng là lúc nửa đêm. Đêm đó, tôi được xếp ngồi đối diện với ông ta. Tôi không khỏi ngạc nhiên, khi dù nói là muốn gặp tôi nhưng thái độ của ông ta cũng chẳng mặn mà gì hơn hai lần gặp trước. Cả bữa tiệc ông ta ăn ít, nói ít. Nhưng uống nhiều, hút nhiều. Khi mọi người líu ríu dọn bàn để hát karaoke, ông ta mới đứng dậy kéo tôi ra sân ngồi.

Con phố cổ giữa trung tâm thủ đô Berlin ban ngày náo nhiệt du khách là thế mà ban đêm tịnh yên như một làng quê Việt Nam vùng heo hút. Các hàng quán đã xích bàn ghế để ngoài hiên lại với nhau và tắt đèn đóng cửa từ lâu. Những ngọn đèn đường trong đêm vắng dường như cũng tù mù, ủ dột hơn. Chỉ có mảnh trăng thượng tuần treo vắt vẻo nơi đầu tháp nước cổ là vẫn bình thản trải những ánh sáng mỏng manh bạc trắng lên những tán lá đang lao xao trong gió nhẹ.

Lặng lẽ rít đỏ điếu thuốc, ngươiời đàn ông đột nhiên hỏi:
- Có phải anh đã từng ở chiến trường không?
Tôi gật đầu. Ông ta hỏi tiếp:
- Anh chiến đấu ở đâu? Năm nào?

Thường thì những cuộc gặp mặt đồng đội từng cùng tham gia chiến đấu, nhất là ở xứ người như thế này khiến tôi rất xúc động, rất hào hứng. Những năm tháng đẹp đẽ nhất của tuổi thanh xuân chúng tôi đã dành cho Tổ quốc. Mọi thứ tình cảm cá nhân, cảm xúc cá nhân, khát vọng cá nhân lúc bấy giờ đều dành cho hai chữ Tổ quốc. Bước ra từ chiến tranh, đối mặt với cuộc sống khó khăn, rồi bươn chải ở xứ người, càng vất vả khốn khổ thì những năm tháng đẹp đẽ đã lùi xa trong quá khứ càng sáng rõ. Đôi khi, nó như một điểm tựa để một người dù đã trải qua đủ mọi hỉ nộ ái ố lúc yếu lòng, dựa vào vẫn thấy vững tâm hơn.

Nhưng với một người như ông đại gia vừa lạnh lùng và nhạt nhẽo, vừa khó hiểu và bí hiểm này, tự dưng tôi không có cảm hứng để nói chuyện. Tôi trả lời lấy lệ:
- Tôi ở mặt trận Quảng Trị năm 1972 đến năm 1976 ra quân.
- Sau đó anh sang đây luôn à?
- Không. Tôi còn làm việc ở một vài nơi. Năm 1979 “nổ” mặt trận biên giới, tôi lại tái ngũ theo lệnh tổng động viên.
Đến lượt ông ta nhìn tôi nghi ngờ, rồi chẳng ngại ngần, phán luôn:
- Xin lỗi, nhìn anh không giống như dân đã qua chiến trường.

Tôi định nổi xung. Nhưng tự so sánh mình với ông ta, cùng qua chiến trường mà về hình thức, quả thật, tôi với ông ta khác nhau một trời, một vực. Tôi trắng trẻo, mũm mĩm. Thậm chí, môi còn hồng dù vào tuổi lục tuần. Ông ta khô đét, đen và môi thâm sì, cặp môi đặc trưng của người đã nhiều lần bị vi trùng sốt rét hành hạ. Tự nhiên trong tôi dấy lên lòng trắc ẩn. Dù gì tôi với ông ta cũng là đồng đội, một thời chung chiến tuyến. Tôi dịu giọng:
- Anh nhìn đi - tôi kéo tay áo cho ông ta xem vết thương ở bắp tay - đây là kỉ niệm trận Quảng Trị, còn đây... - tôi kéo khuy áo vạch cho ông ta xem vết thương nơi ngực trái, ngay sát tim - là biên giới phía Bắc.

Thực ra, chẳng mấy khi tôi khoe khoang những “chứng tích“ chiến tranh ấy, bởi chiến tranh đã lùi xa rồi. Tôi không muốn gợi cho người khác nhớ về nó. Nhất là những người không đi qua cuộc chiến. Như thằng con trai út tôi sinh bên này, khi nó hỏi, tôi cũng đùa bảo, bố bị chó cắn. Nhưng với ông ta hình như tôi cũng có chút tự ái. Cũng muốn chứng minh rằng tôi đã không đùa bỡn với cái quá khứ, dù đau thương, nhưng cũng có cả những tự hào của những người đã từng đi qua nó.

Ông ta sững lại nhìn tôi, nhìn từng vết thương rất chăm chú. Rồi bỗng dưng đặt tay lên từng vết sẹo rất ân cần như thời tôi nằm trạm phẫu thuật tiền phương có mấy chị y tá cũng chăm chút từng vết đau của tôi ân cần và tỉ mẩn như thế.

Câu chuyện lúc mờ sáng ảnh 1
Minh họa: Nguyễn Nghĩa Phương


Tôi thấy dịu lòng và nhìn ông ta với ánh mắt thân thiện hơn. Ông ta lặng đi một chút, rồi nắm chặt lấy tay tôi từ tốn nói:

- Vậy là tôi đã tìm đúng người rồi.

Ông nói tiếp:

- Bởi chỉ có người đã trực tiếp tham gia chiến đấu mới có thể hiểu được...

Ông ta nhìn tôi trân trối rồi nói vừa như bộc bạch, vừa như thanh minh:

- Đêm qua tôi đã suy nghĩ rất nhiều, gần như không ngủ được chút nào. Tôi muốn kể cho anh nghe một câu chuyện…

Dừng lại, hít một hơi dài rồi ông ta mới tiếp:

- Kể ra làm thế này thì cũng vô duyên thật. Vì vốn dĩ tôi với anh hoàn toàn xa lạ, không có bất cứ mối liên hệ nào. Nhưng… quả thực khi biết anh cũng từng là một người lính, tự dưng ở nơi xa xôi vạn dặm này tôi lại nghĩ tới việc kể cho anh nghe. Câu chuyện này, bao năm nay nó như một cái nút thắt, thắt thật chặt ruột gan tâm trí tôi, muốn quên đi để sống mà không quên được. Muốn cởi được cái nút ấy thì tôi phải kể ra. Nhất định tôi phải kể nó ra. Nếu không, nó càng ngày càng thắt chặt hơn nữa, khiến tôi đến lúc chết cũng chưa chắc đã nhắm được mắt… - Ông ta nuốt khan mấy cái – Nói hết với anh, không phải tôi mong tìm một sự thông cảm, thật vậy. Khó ai mà thông cảm được. Mà chỉ là tôi không thể giấu được nữa. Một lúc nào đấy nó sẽ nứt toác ra, vỡ vụn ra…

Người đàn ông nói đến đấy thì dừng lại, đưa tay lên vỗ vỗ vào ngực như thể cái nút vô hình mà ông ta vừa nhắc đến lại đang thắt chặt thêm một chút. Tôi ngồi im thít. Tim tôi tự dưng đập thình thịch. Tôi có cảm giác câu chuyện mà tôi sắp nghe là một bí mật ghê gớm. Đương nhiên, nó chẳng liên quan gì đến tôi, vì đúng là có lục tung cả trí nhớ thì tôi cũng không thể tìm thấy tôi và ông ta có bất cứ mối liên hệ thân sơ nào. Nghe mấy chữ nứt toác, vỡ vụn, tự dưng tôi nổi hết cả gai ốc.

Người đàn ông dụi điếu thuốc cháy dở vào cái gạt tàn. Tôi cảm thấy những ngón tay của ông ta đang run lên, căn cứ vào sự run rẩy của đốm lửa đỏ đang tàn dần nơi đầu điếu thuốc. Tôi kiên nhẫn chờ đợi. Thứ nhất là không biết nói gì, thể hiện sự háo hức tò mò hay lạnh nhạt thờ ơ đều không phải lẽ; thứ hai là tôi cảm thấy nếu mình mở miệng thì có thể sẽ va phải vùng kí ức sâu thẳm đang trỗi dậy của ông ta.

Phải mất thêm vài phút im lặng ông ta mới bắt đầu câu chuyện. Tất cả hiện dần ra trước mắt tôi qua giọng kể lúc sôi nổi lúc run rẩy của ông ta:

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Năm 1972 khi chiến trường Thành cổ Quảng Trị và Đường 9 Nam Lào đang hồi ác liệt, tôi nhận được giấy gọi nhập ngũ. Lúc đó tôi chưa tròn 18 tuổi, vừa mới tốt nghiệp phổ thông trường Chu Văn An. Sau ba tháng huấn luyện cấp tốc tại Tân Lạc, Hòa Bình, đơn vị tôi nhận lệnh đi B. Cứ tưởng chúng tôi được bổ sung cho chiến trường miền Trung Trung bộ như các đơn vị đi trước, ai dè chúng tôi lại vượt Trường Sơn qua Lào, vòng xuống Campuchia rồi lội bộ về miền Tây Nam bộ. Lần đầu tiên một đơn vị lính thủ đô được điều động đi xa như thế. Lần đầu tiên những chú lính măng tơ Hà Nội chỉ quen với ba sáu phố phường nhìn thấy ngút ngàn rừng tràm, rừng đước, mênh mông cỏ lác, đầm lầy, cơ man nào chim cò, tôm cá. Dần dần chúng tôi cũng quen với phong thổ sông nước miền Tây, quen với cách đánh chớp nhoáng kiểu du kích nơi mà thực lực ta yếu hơn địch. Bốn, năm trận đánh nhỏ đi qua, trong số lính Hà Nội cũng đã có người hi sinh, người bị thương. Tôi cũng bị dính thương nhẹ và phải nằm điều trị ở cứ mất hai tháng.

Đầu năm bảy lăm, chiến dịch tổng phản công và nổi dậy đã giải phóng một vùng rộng lớn ở Tây Nguyên. Khí thế chiến thắng tràn xuống Huế, Đà Nẵng… và xuống tận miền Tây Nam bộ. Ngày chiến thắng gần như đã cận kề. Chúng tôi cũng háo hức chuẩn bị cho một trận đánh lớn. Lần đầu tiên bộ đội miền Tây đánh mô hình liên tiểu đoàn. Trước đó, chúng tôi chỉ đánh mô hình cấp đại đội có sự phối thuộc của đơn vị hỏa lực tiểu đoàn. Mục tiêu của trận đánh vì thế cũng lớn hơn. Đó là chi khu quân sự Bình Minh. Tức trung tâm quân sự của huyện Bình Minh thuộc tỉnh Vĩnh Long (cũ). Nhiệm vụ của trận đánh là tiêu diệt chi khu quân sự, phá sập cầu Cái Vồn cắt đứt con đường chi viện của vùng 4 chiến thuật, lúc đó còn đang mạnh, với Sài Gòn. Vì hệ thống phòng thủ của chi khu quân sự rất mạnh lại được trang bị hai khẩu pháo 105 li. Bên ngoài chi khu còn được bảo vệ bằng một hệ thống các đồn bốt dày đặc. Ban chỉ huy trận đánh đã chọn một phương án công đồn thật táo bạo và bất ngờ. Đó là đưa gần như toàn bộ lực lượng bí mật xuyên qua các lớp đồn bốt bên ngoài tiếp cận sát chi khu quân sự rồi đồng loạt nổ súng nhanh chóng tiêu diệt địch tại khu trung tâm. Cùng lúc, một số ít tay súng chủ yếu là địa phương quân đánh nghi binh khu đồn bốt phía ngoài khiến chúng hoang mang mà bỏ chạy.

Nhưng sự thật trận đánh đã diễn ra không đúng như kế hoạch tác chiến. Nó diễn ra thê thảm như một ngày định mệnh đen tối. Không phải chỉ với tôi, với những người bị thương, với những người đã vĩnh viễn nằm xuống mà cả với truyền thống vẻ vang của một đơn vị Anh hùng. Đó là ngày 12 tháng 4 năm 1975. Tức chỉ còn 18 ngày nữa là đến ngày toàn thắng. Đôi khi tôi lẩn thẩn nghĩ: Nếu biết trước chỉ còn 18 ngày là hết chiến tranh không biết chỉ huy đơn vị có quyết định đánh trận đó không? Bởi trận đánh đó dẫu thất bại thì cờ chiến thắng vẫn tung bay trên cả dải đất hình chữ S. Nếu không có trận đánh đó sẽ không có những người bị chết. Tôi sẽ không bị địch bắt. Sẽ không có 18 ngày thấp thỏm trong lao tù. Không có mấy chục năm đau đớn trong dằn vặt.

Đêm đó chúng tôi bí mật hành quân. Bước ra khỏi căn cứ rừng tràm, bầu trời đầy sao trải rộng trước mắt. Vì quen ở rừng nên lâu lâu chúng tôi mới được nhìn bầu trời cao rộng đến thế. Cả đoàn quân lội bì bõm trên cánh đồng bất tận lúa đang thì con gái. Từ khoảng sáng phía xa nơi căn cứ địch thỉnh thoảng lại rộ lên một tràng súng cầm canh. Những viên đạn lửa đỏ như máu lao vun vút về phía đoàn quân như dọa dẫm rồi tắt ngấm. Lội bùn cả tiếng mới bắt gặp một cái lều của người chăn vịt giữa mênh mông đồng nước. Le lói trong đó là ngọn đèn dầu. Đó là dấu hiệu duy nhất của hòa bình, của yên lành trong không khí sực mùi thuốc súng này. Cứ mỗi lần như thế, tôi thấy lòng mình chùng xuống như đi bộ nhiều ngày giữa những cánh rừng hoang vu gặp một làng nhỏ hồi hành quân trên Trường Sơn. Thời bình mà cho ở đây một mình chắc giãy nảy vì cô đơn, heo hút. Vậy mà thời này mỗi lần đi qua những lều vịt dù tồi tàn, lụp xụp lại ước muốn được dừng chân. Muốn được nằm thảnh thơi trên chiếc giường được dựng bằng chạc cây, ọp ẹp, sực mùi cứt vịt để khỏi phải chứng kiến những mất mát của chiến tranh.

Khi trời còn đang tối đen như mực cả đơn vị đã sẵn sàng ở vị trí chiến đấu. Rạng sáng, DKZ của ta bắn khai hỏa tín hiệu mở màn cho trận đánh. Chúng tôi vừa định xông lên thì bất ngờ hỏa lực của địch đủ loại, như chờ sẵn, đồng loạt phản công. Chúng tôi chưa ai kịp nổ súng đã bị đánh bật khỏi vị trí xuất phát. Chỉ vài phút sau máy bay trực thăng quần thảo trên đầu bắn không tiếc đạn. Phía quốc lộ 4, xe lội nước đã tràn xuống ruộng kéo theo sau là bộ binh dàn hàng ngang vừa đi vừa bắn về phía chúng tôi. Cả trung đội tôi bị dồn xuống một ao nuôi cá rồ. Tất cả nằm bẹp nơi bờ ao, nhấp nhổm chờ cho máy bay trực thăng đảo qua là ào chạy về phía sau. Có lẽ tôi là người chạy cuối cùng trong đám người ướt lướt thướt và hoảng loạn ấy. Băng qua một vườn chuối trong chát chúa của tiếng nổ từ bốn phía, vừa bén chân vào khoảng sân gạch của một nhà dân tôi nghe có tiếng người gọi tên mình. Vừa chạy vừa ngoảnh lại tôi nhìn thấy Mai, người cùng trung đội, đang bò lết trên sân với đôi chân không còn nguyên vẹn, máu me đầm đìa. Hình như trong khoảnh khắc đó tôi có dừng lại và còn kịp nhìn trong ánh mắt hoảng hốt của Mai có cả sự cầu cứu đầy tin cậy. Bỗng tiếng súng lại nổ rộ. Chẳng kịp suy nghĩ tôi quay đầu bỏ chạy. Vẫn nghe giọng Mai tức tưởi gọi từ phía sau: Thành ơi! Cứu tớ với! Cứu tớ với!

Người đàn ông ngừng kể. Trên những hàng cây bên kia đường chim đã rộn ràng hót. Trong số đó có một giọng hót cao vỏng, lảnh lót nghe thật tha thiết. Mảnh trăng thượng tuần cũng lẩn mất từ lúc nào. Chỉ còn ánh sáng ngọn đèn đường soi qua những cành cây nghiêng ngả thành những vệt sáng ẩn hiện trên gương mặt vốn khắc khổ của người đàn ông. Từ trong khóe mắt ông ta những giọt nước mắt cứ lặng lẽ chảy. Một lúc lâu, ông nói tiếp trong sụt sùi:
- Anh có tin vào thuyết nhân quả không?

Ông ta hỏi nhưng không chờ trả lời mà nói luôn cái mạch nguồn đang tuôn chảy trong lòng ông.
- Còn tôi đã tin vào điều này, rất tin, khi mà chính trong trận đó, mặc dù đã tìm mọi cách chạy trốn, chui lủi để giữ mạng sống mà cuối cùng tôi vẫn bị địch bắt khi đang nấp tưởng là an toàn trong một ruộng lúa. Âu cũng là sự quả báo.

Ông ta nhìn mông lung ra khoảng sáng trước mặt. Nhìn mà như không để định dạng rồi ngậm ngùi kể tiếp:
- Khốn nỗi, ngay cả khi nằm trong xà lim an phận với cái chết thì tiếng kêu cứu và ánh mắt của Mai vẫn cứ xoáy vào tim tôi hàng đêm. Biết mình sẽ chết nên cái chết không đọa đày tôi bằng cái đói. Chưa đủ tuổi hai mươi, đang sức ăn, sức lớn mỗi ngày hai bận tôi chỉ được phát một lưng cơm hẩm với một chút mắm cá. Vậy mà khi người quản tù đến chia cơm, tôi ôm chiếc mũ sắt nhà binh chìa trước ô cửa xà lim để nhận phần ăn của mình rồi lại đặt ngay ngắn nơi góc phòng mời Mai về ăn trước. Tôi tự bảo mình hãy chờ năm phút cho Mai ăn xong đã. Nhưng có khi chỉ chờ được một phút tôi đã vồ lấy ăn như một thằng chết đói. Lại có khi tôi lặng ngồi nhìn mũ cơm rồi khóc mùi mẫn quên cả ăn. Đấy là lúc tôi thấy cậu ấy nhìn tôi thật thân thiện. Vẫn mái tóc dài xòa xuống vầng trán thư sinh. Vẫn cặp mắt to đen như mắt con gái. Vẫn nụ cười hết cỡ khoe chiếc răng khểnh phía hàm bên phải. Cậu ấy là người Nghệ An, hình như ở huyện Quỳnh Lưu, da trắng trẻo, người nhỏ nhắn. Cậu ấy về đơn vị chiến đấu trước tôi khoảng năm tháng. Nghe nói hồi đi học cậu ấy học rất giỏi. Lại là người yêu văn thơ.

Tôi ra tù và trở lại đơn vị cũ ngay sau ngày đại thắng. Đồng đội gặp lại mừng mừng, tủi tủi. Vì ai cũng tưởng tôi đã hi sinh trong trận đó. Tôi hỏi về Mai mà không nói cho ai biết tôi đã nhìn thấy Mai trong hoàn cảnh nào. Mọi người ngậm ngùi kể: Bộ phận tải thương của đơn vị đã gặp Mai và cõng Mai về một nhà dân nơi tập kết các thương binh để sơ cứu. Nhưng ngay sau đó một quả đạn pháo oan nghiệt đã rơi trúng ngôi nhà, cướp đi sinh mạng của tất cả mọi người, trong đó có Mai.

Mấy tháng sau hòa bình, tôi và một số anh em trong đơn vị, những người đang học dở đại học hoặc có giấy gọi đại học, được trở về trường học tiếp. Trên đường ra Bắc, khi đi qua chi khu quân sự Bình Minh mọi người đề nghị dừng xe. Tất cả anh em đứng lặng trên cầu Cái Vồn nhìn về chiến trường xưa. Chỉ có mấy tháng mà cỏ lau đã ngập tràn che lấp hết lối đi. Chẳng thể nhận được nơi mình đã đi qua. Không biết thi thể của Mai và bao đồng đội đã được quy tập về nghĩa trang chưa hay vẫn nằm đâu đó dưới đám cỏ lác và lau sậy dày dịt kia. Nghe nói sau trận đánh bọn giặc đã điên cuồng đào một hố to, vứt xác tất cả đồng đội của chúng xuống đó rồi cho máy ủi san bằng.

Nếu tôi đủ dũng cảm để cứu Mai và số phận cho Mai được sống thì giờ này cậu ấy cũng cùng ra Bắc với chúng tôi. Cậu ấy sẽ được trở về ngôi nhà nơi có bao người thân hằng mong đợi. Có thể chỉ là nếp nhà tranh, nhưng ấm cúng và rộn rã tiếng cười. Cậu ấy sẽ được chăm sóc bố lúc ốm đau, nâng giấc mẹ lúc trở trời. Rồi cậu ấy sẽ yêu, sẽ lấy vợ, sinh con như bao người đàn ông bình thường trở về sau chiến tranh. Vậy mà tôi đã không cứu cậu ấy...

Trong ánh sáng mờ ảo giao thoa giữa đêm với ngày, tôi nhìn thấy những giọt nước mắt nặng nề rơi xuống mặt bàn lấm tấm vệt tàn thuốc. Tôi quay ra phía con đường đang trải dài trước mặt. Trời đã bắt đầu hửng, đủ để nhìn từ phía xa một tháp cao như tháp cột cờ Hà Nội. Ở trên đỉnh cũng gắn một ngôi sao. Và xa nữa, phía chân trời, cũng có một vì sao bé li ti miệt mài nhấp nháy trên nền trời đang chuyển dần sang màu tím nhạt. Hồi lâu tôi quay sang bên cạnh, người đàn ông cũng đang nhìn về hướng ấy - nơi có ngôi sao bé bỏng đang miệt mài nhấp nháy - với vẻ mặt vô cùng mệt mỏi. Tôi vươn người qua bàn, đưa tay nắm lấy bàn tay ông ta đang đặt trên bàn, xiết chặt.

Mọi lời nói đều thừa. Tôi tin và mong rằng, sau đêm trắng này, người đồng đội già của tôi sẽ được thanh thản đi nhiều phần, sau khi đã cởi ra được cái nút thắt ở trong lòng…

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast