Con cá loay hoay

Vợ dặn: “Trên đường đi anh ghé chợ mua con cá!”, tiếng thằng con léo nhéo, anh chỉ kịp nghe loáng thoáng “nấu chua”. Món canh chua, dù vợ không dặn chi tiết song anh khá tự tin, anh rành sáu câu nó cần những thứ gia vị gì.

Minh họa: Kim Duẩn
Minh họa: Kim Duẩn

Nhà anh một tuần ăn mấy bữa canh chua, chả phải giàu có hay thích thú gì, chẳng qua nó chua chua dễ đưa cơm.

Mấy thau cá xếp hàng cạnh nhau, những con cá giống hệt nhau, da trơn, màu bạc, mồm ngoạc rộng có râu nhưng lại mang những cái tên rất khác, tra, hú, bông lau, ba sa... Anh chỉ thấy chúng bằng những khoanh, những khúc xếp trên đĩa, có thêm ít cọng bạc hà, mấy cọng giá, lát thơm... Bà bán cá nhiệt tình tư vấn cho anh muốn nấu chua thì chọn cá hú, muốn kho thì lấy cá bông lau, và túm lại một câu, cá gì cũng ngon hết (!). Anh chỉ con cá có đôi râu rất dài, nước da trắng bóng, mình trơn nhẵn khỏe mạnh.

Bốp một cái, bà bán cá nện cho nó một cú trời giáng, con cá nằm ngay đơ. Thế là xoẹt, xoẹt, máu văng ra, anh lùi lại mấy bước, ngửi mùi máu tanh nồng.

Một chiếc xe máy cà tàng chỉ còn trơ khung sắt chở hai cái thùng khá to sầm sầm tiến lại. Cầm lái là cậu thanh niên không mặc áo lại đeo khẩu trang, cậu ta phanh gấp nên cái xe chao nghiêng sang bên. Hai cái thùng to và nặng nên cậu ta không thể chống chân, phải khuỵu xuống. Cả xe lẫn thùng từ từ đổ. Trong thùng, những con cá da trơn lách mình nhao ra đường, chúng hiên ngang trườn, quẫy tìm cách thoát thân. Thằng con anh mở to mắt nhìn, miếng bánh mì gặm dở đưa tới miệng bị đông cứng ở đó. Chắc chưa khi nào nó thấy nhiều cá thế.

Cậu trai vơ quàng vơ xiên, hất từng con cá vào thùng. Thằng con bỗng nhìn anh bối rối. Anh vẫn dạy nó phải biết giúp đỡ người khác, đây phải chăng là lúc anh cho nó thấy việc anh làm đi đôi với điều anh nói. Với trẻ con, không gì thiết thực bằng hành động. Anh nhớ có lần nó đã viết một bài văn nói bố là người nó ngưỡng mộ nhất vì bố chăm chỉ. Nó kể bố nó biết nấu ăn, biết quét nhà và còn biết... đổ bô cho em. Trẻ con luôn là tờ giấy trắng chờ người lớn viết lên đó từng dòng.

Anh dựng chân chống, xuống xe, rút chìa khóa bỏ túi. Nhớm bước, nghĩ sao anh lại quay người bồng luôn thằng bé xuống đất. Lũ cá thật khỏe, chúng trườn cả lên đôi giày của anh, để lại những vệt nước nhớt nhợt. Mùi tanh cá ùa lên. Bị lùa quay lại, chúng càng oằn mình tìm hướng thoát xa. Anh như nhìn thấy vẻ quyết tâm tìm đường sống hiện lên trong từng đôi mắt cá.

Có tiếng rú ga rất gần anh. Anh giật mình quay lại, thấy cái xe máy của mình đang chạy về hướng xa dần. Mà người cưỡi trên nó, chết tiệt, không phải là anh.

Anh hô: “Cướp! Cướp!”.

Con trai anh sau phút kinh hoàng chợt òa khóc. Anh nhảy qua đám cá trơn nhẫy để đến gần con. Thằng bé vô cùng sợ hãi. Dù đã nhảy như nhảy sạp, anh vẫn đạp nhằm con cá, suýt ngã ngửa.

Người ta ùa đến, không phải để phụ anh bắt cướp mà chỉ muốn nghe cho rõ câu chuyện. Rồi từ đây, câu chuyện sẽ mang đi bốn phương tám hướng, mỗi người sẽ có cách kể của riêng mình, rồi câu chuyện lại bay xa hơn theo cấp số nhân, vài chi tiết thật đắt có thể được thêm thắt vào làm câu chuyện trở nên sống động và ly kỳ hơn.

Rồi anh cũng có được một lời khuyên là nên đến công an phường trình báo. Người ta chỉ đường cho anh đến đó.

Một lần nữa, anh quay lại “hiện trường”, kể lại cho đồng chí công an miệng còn hơi mùi rau thơm ăn kèm món bún bò nghe chuyện đã xảy ra. Có một vài người sốt sắng phụ anh kể để câu chuyện thêm chi tiết, sinh động hơn. Một vài người, cùng một vài con cá làm nhân chứng.

Cậu nhóc chở cá lúc này đã lột khẩu trang, khụt khịt mũi liên tục, mắt không ngừng nhìn đám đông xung quanh, nhìn anh, những cái mụn trên mặt cứ đỏ dần lên.

Cậu ta hẳn đang lo lắng, sợ người ta nghĩ cậu ta tiếp tay cho tên cướp. Ngay cả anh, cậu nhóc và những người xung quanh đều không nghĩ, đã có một kẻ nào đó, dáng vẻ thờ ơ nhưng lại rất nhanh trong việc làm cho cái xe nổ máy, biến mất trước bao người.

Anh những muốn nói gì với cậu nhóc, lại không biết nên mở miệng thế nào.

Tội nghiệp mấy con cá, chúng khỏe mạnh, tươi ngon. Vô tình chúng trở thành công cụ cho tên cướp, cũng là kẻ cản đường người bị nạn tốt nhất.

Anh dắt tay con thất thểu đi trên vỉa hè, thằng bé vẫn chưa thôi khóc. Anh không biết lúc này con đang nghĩ gì, sợ hãi vì những điều trông thấy hay buồn vì bố làm mất xe máy. Một ngày có hàng trăm vụ cướp to nhỏ, có hàng trăm cái xe máy giã từ chủ ra đi. Mặc dù trình báo, anh không hi vọng mình tìm lại được cái xe. Anh đang lo không biết sẽ ăn nói làm sao với vợ, rồi ngày mai một nhà bốn người sẽ đi đứng bằng gì?

Ngẫm lại anh thấy mình vẫn còn may. May là anh đã bế con xuống đất... Anh rùng mình không dám nghĩ đến tình huống con trai mình ngồi trên xe, tay cầm ổ bánh mì ăn dở, khóc thét vì sợ hãi và một tên cướp cuống cuồng chạy trốn. Tên cướp sẽ làm gì thằng bé, sẽ thô bạo gạt nó xuống bất kể sống chết hay chịu khó dừng lại, bỏ thằng bé xuống nhẹ nhàng như cách anh, bố nó, đã làm?

Quay đầu lại sau nhìn đám người đang xô ra bắt cá quanh cái xe cà tàng, anh thấy mắt mình cay cay. Món canh chua hôm nay của gia đình anh sẽ có vị gì chủ đạo, chua hay cay? Anh tưởng tượng gương mặt vợ xám ngoét vì xót của, vì giận dữ, vì xót xa, thấy tim mình nghẹn lại. Vợ chồng dành dụm, nhịn ăn nhịn mặc mãi mới mua được cái xe, tiền nợ còn chưa trả hết.

Anh thấy mình không khác gì một con cá, loay hoay vùng vẫy trên mặt đường đầy bụi, tìm đường sống.

Truyện 1.191 chữ của NGUYỄN THỊ THANH BÌNH

Nguồn: tuoitre.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast