Đêm trắng

Lại nó, thứ âm thanh trong vắt, mềm mại ấy. Nó bơi qua cửa sổ quấn lấy chị, lật chị nằm nghiêng, vần chị nằm sấp. Chị đưa tay áp vào tai. Nó vẫn không buông tha. Đã mấy đêm như thế. Cứ vào lúc đêm yên tĩnh, làng ngủ say, gió nồm nổi là nó lại làm tình làm tội chị.

Truyện ngắn của Đức Ban

- Trời ơi - Chị kêu lên.

- Cái gì thế? - Chồng chị hỏi, giọng ngái ngủ.

- Chẳng gì cả - chị đáp.

- Cớ sao cứ cựa quậy?

Chị ngồi dậy trên gường, thì thào:

- Anh có còn nhớ…

- Nhớ của nợ gì. Đã bảo ngủ đi.

Chị nằm xuống. Nào có ngủ được. Năm năm ở chiến trường, bom đạn với đủ thứ âm thanh khủng khiếp, rồi chục năm bươn chải làm ăn thành người giàu có nhất vùng, chị nào hay nó vẫn ẩn một chỗ nào đó để nay thức dậy. Từ trong chị nó thức dậy.

… Đêm ấy cũng giống đêm nay. Cũng thứ gió nồm hiền dìu dịu, cũng vệt sáng màu tàn giấy luẩn quẩn, cũng hơi đất khay ngọt. Chị, anh Khôi và Uy đi ra cánh đồng trước làng. Đồng vừa gặt xong, trống trải hun hút. Chị vơ rạ xếp chỗ cho ba đứa ngồi. Đủ thứ chuyện trên rừng, dưới biển. Khi sao hôm gác núi, Uy đặt tay lên vai chị nói: “Về thôi. Sương ướt áo rồi”. Chị nói: “Thêm lúc nữa. Đêm đẹp quá”. Khôi nói như hát: “Dịu dàng ơi, dịu dàng…”. Đêm sau vẫn thế, vẫn ba người, có khác là Uy mang theo một con diều sáo. Khôi chạy lèo. Con diều rời khỏi tay Uy lảo đảo một lúc rồi vút thẳng lên cao. Lát sau, nó đứng im như một cái lá đa màu trắng bạc, găm vào nền trời thanh sạch đầy sao li ti. Và tiếng sáo. Tiếng sáo trong trẻo, mượt mà, lắng đọng ở một chỗ nào đấy giữa thinh không rồi bất ngờ vỡ òa ra, rưới xuống cánh đồng, lan vào làng. Cây cối, những chỏm rạ vàng, những bờ ruộng ngang dọc và cả mảnh mây trắng trôi dưới vầng trăng khuyết… thảy như rung lên. Chị nói: “Tuyệt quá, anh Khôi nhỉ?”. Khôi nói: “Ừ tuyệt quá”. Họ đứng gần nhau lắm. Chị nghe tiếng thở không đều của Khôi. Tiếng cào cào đập cánh tanh tách và những cuống rạ chạm nhau lào xào dưới chân họ. Khôi nắm bàn tay chị. Tay Khôi ấm nóng. Cái ấm nóng lan sang người chị, len vào ngực chị.

Đêm tuyệt vời ấy chỉ là đêm ấy. Mấy ngày sau chiến tranh xẩy ra. Bom Mỹ nổ trước khi mặt trời ló rạng. Khôi đi bộ đội. Chị tiễn anh ra đến đầu làng. “Chúc cậu đi bình an” - chị nói, giọng run run. Và chỉ nói được mỗi câu ngắn ngủi ấy. Tại sao chị chỉ nói được mỗi câu ấy? Khôi nhìn thẳng vào mắt chị. Cái nhìn lạ lắm, thăm thẳm. Thế mà rồi chị quên. Quên gần hai chục năm. Ba tháng sau, chị đi thanh niên xung phong. Bộ ba vậy là tan tác, mỗi người mỗi ngả. Uy ở làng. Nghe bảo anh bị bệnh tim.

Chị ở chiến trường về, Uy lên tận phố huyện đón. Hai đứa ngồi trên chiến xe đạp Favôrit bóng nhoáng. Uy vẫn như xưa, từ vóc dáng, nét mặt, giọng nói. Chỉ lời nói là khác. Nhiều những lời về làm ăn, nhà cửa, xe pháo, tiền bạc. Chị phải ngắt lời anh ta mới hỏi nổi mấy câu: “Làng ta thế nào? Có bị đánh phá nhiều không?”. Uy trả lời, dưng dưng: “Như cũ. Có bị vài quả bom, mấy viên rốc két. Bọn anh đã khôi phục thiệt hại”. Chị hỏi, cảm thấy tim đập nhanh hơn trong lồng ngực: “Anh Khôi về chưa?”. Uy đáp: “Chưa thấy mặt mũi đâu. Chắc là không về nữa. Mẹ anh ta chết rồi. Con Tranh - em gái nó thì bị sức ép bom cứ ngơ ngơ hay lắm”. Chị nói: “Trời đất ơi, thế mà anh bảo hay à?”...

Giờ chị còn nhớ rõ lúc ấy cái cảm giác ngộp thở và gió thổi nóng rát trên mặt ra sao. Suốt dọc đường về làng, chị im lặng, buồn bã nhìn con đường mấp mô, những hàng cây trơ trụi, ngơ ngác. Bấy giờ là những ngày cuối tháng chạp, rét ngọt, vườn nhà chị thoang thoảng hương hoa chanh. Mẹ như trẻ lại. Bà cười luôn miệng. Bà lên chợ Thượng, xuống chợ Đoài mua những thứ hồi nhỏ chị thích ăn. Rồi bà đào giun ngoài vườn giong riềng nấu cháo ép chị ăn để tránh cơn sốt rét rừng. Sáng mồng một tết, mẹ chị bảo: “Tính chuyện lấy chồng đi con gái ạ!”. Chị cười, nhưng giọng thì nao buồn: “Lứa tác con còn ở chiến trường chưa mấy ai về. Đầu làng cuối xã chỉ thấy thanh niên choai thua con hàng chục tuổi”. Mẹ chị nói: “Anh Uy đấy, cùng lứa con. Anh ta thui thủi một mình, bảo để chờ con về”. Chị im lặng, lòng bỗng xốn xang.

Một đêm không trăng, không sao, không khí bức bối, chị chạy ra đồng. Tại sao chị lại chạy ra đồng? Là vì tiếng sáo? Là vì Uy? Một mình, lại chân trần. Giữa đồng không mông quạnh. Giữa đồng không mông quạnh chỉ có chị và Uy và tiếng sáo diều trôi trong khoảng không bàng bạc sương đêm. Chị không còn nhớ chị ngã vào vai Uy thế nào. Còn cái cảm giác bồn chồn, tiếng rạ lào xào dưới lưng, dưới đầu, dưới chân thì không quên, mãi về sau vẫn nhớ. Rồi chị thành vợ Uy. Cái Tranh, em anh Khôi dẩu môi: “Đằng ấy không sợ con bệnh đau tim của ông chồng à?”. “Mặc tôi” - chị cáu. Làm sao chị lại cáu với cô ấy? Bọn thanh niên trong làng cũng đã hỏi chị như thế chứ riêng gì cô Tranh. Bố mẹ Uy làm cho vợ chồng chị một căn nhà cạnh lối rẽ vào chợ Sặt. Hôm chuyển ra nơi ở mới, Uy ném con diều sáo cho bọn trẻ chăn trâu. Bọn trẻ tranh nhau đến nỗi con diều rách nát một cách thảm hại. Cái sáo hai ngăn bằng tre, màu cánh gián, chạm trổ tinh vi, đẹp như nét vẽ trên cái bình cổ, bị chẻ thành mảnh. Ngoài chị ra không ai quan tâm đến điều đó.

Uy thường cùng mấy thanh niên tay và ngực xăm hình rồng rắn màu xanh đen, đi đâu đấy. Mỗi chuyến đi hàng chục ngày. Từ ấy, nhà chị cứ nồng mùi rượu và lạch xạch tiếng giấy bạc xát vào nhau. Của chồng công vợ, cái hòm gỗ gắn dưới thoang giường đầy ắp tiền. Họ xây nhà mới, hai tầng, mẫu mã lấy trên thành phố. Tiền dán vào đâu sáng đến đó. Nhà chị bóng loáng. Vật dụng không thiếu gì. Chị thì ngày mỗi ngồn ngộn, phây phây. Hôm Khôi mang cái ba lô lép kẹp về làng, gặp chị ở bến tắm, nhìn mãi mới nhận ra chị. Lúc ấy trời chạng vạng, trên cao vẫn hừng sáng, đây đó còn những tia nắng rớt. Chị ngọt ngào: “Mai kia, Khôi đến nhà chơi. Mình và anh Uy chờ”. Khôi đã không đến nhà chị. Một hôm, chị thấy Khôi mặc quần cộc, vai bặn tấm lưới đi xuống sông Nghèn. Nước ròng, sông thoi thóp. Chị bỗng thấy lòng nao buồn. Chị nói với Uy: “Ta giúp anh Khôi ít tiền để anh ấy sửa sang lại ngôi nhà. Tội anh ấy quá”. Uy nói: “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Cứ phải tự thân vươn lên. Xưa tôi cũng như nó”. Rồi anh ta nhìn xoáy vào mặt chị: “Mà hà cớ sao cô lại có thứ quan tâm vậy, hử?”. Chị nói: “Có giúp chắc gì người ta đã lấy. Mà tôi cũng có gặp anh ta đâu. Hôm đi qua cổng nhà ta bị con Đen xồ ra cắn vào chân đến nay, anh ấy đi lối khác, không cả nhìn vào nhà ta nữa”. Uy cười cười: “Thế là may, nhà ta đỡ bị ám”. Chị thở dài, bỏ ra ngoài sân. Nếu chị nhanh nhẹn như ngày xưa, ngày ở chiến trường thì đâu đến nỗi. Cái xích chó tuột khỏi tay mà chị loay hoay một lúc mới ra khỏi dãy ghế xalông. Tại sao sau đó chị không đến thăm Khôi, không một lời nhắn hỏi cái chân anh ấy thế nào. “Dào. Bom đạn thằng Mỹ kinh thế mà nó vẫn sờ sờ lành lặn, nữa là hai cái răng con Đen” - Uy nói thế lúc chị bảo anh ta đến thăm Khôi. Phải. Mười mấy năm ở Trường Sơn, lên Tây Nguyên xuống giải phóng Sài Gòn, bom đạn cứ tuột khỏi người Khôi…

Minh họa: IN

Minh họa: IN

Nhưng mà ai lường được sự trớ trêu của mệnh hệ. Đấy là về sau. Về sau chị mới nghĩ vậy, hay là chị nghĩ vậy từ hôm ấy. Không còn nhớ nữa. Ngỡ mọi sự đủ đầy sẽ cho lòng chị thanh thản. Té ra không phải. Cái Tranh chắn ngang mũi xe Honđa của chị rủa: “Nhà mày giàu có rồi thất đức. Người và chó đều thế cả. Cái chân anh Khôi tao mà không lành tao sẽ lên đền Đức Thánh Mẫu cầu khấn Ngài cho gia sản nhà mày thành khói, cho cha con, mẹ con nhà mày lê lết ăn xin hè đường xó chợ, cho mày mất ăn, mất ngủ”.

Chị im thít, cổ họng đắng nghét. Mà nói được gì kia chứ. Uy bảo: “Chấp bọn ấy làm gì cho mệt lòng. Ghen ăn tức ở dân làng này nhất nhân loại”. Chẳng biết cái Tranh có lên đền Đức Thánh Mẫu không nhưng chị bị bệnh mất ngủ. Cứ nửa đêm về sáng, chị lại nghe tiếng sáo diều vi vu lẫn tiếng gió lào xào, tiếng cào cào đập cánh tanh tách và mùi hương khay ngọt vừa gần gũi, vừa xa lạ cứ day dứt, ám ảnh chị. Đêm sau, rồi đêm sau nữa vẫn thế, cái mùi hương khay ngọt, tiếng rạ lào xào, tiếng cào cào đập cánh tanh tách và tiếng sáo diều… như chực chờ lúc làng chìm vào bầu yên tĩnh là nó thức dậy lật chị nằm nghiêng, vần chị nằm sấp, dựng chị dậy. Mắt chị mở chong…

- Bao nhiêu đêm rồi… - Chị khắc khoải.

- Cái gì? Uy trở mình, gằn giọng.

- Tiếng sáo... Chị thì thào.

- Kệ mẹ nó. Sáo với chả kèn.

- Nhưng…

- Nằm xuống đi, cứ ngồi như phỗng. Trời phạt à?

- Ờ… Trời phạt… Cái thứ tiếng ấy…

- Đã bảo ngủ đi.

- Không ngủ được, không ngủ được… Giọng chị day dứt khốn khổ.

- Thì im mồm đi.

- Anh ngủ con mắt anh.

Uy bật dậy, hổn hển:

- Cứ lảm nhảm, cứ ngọ nguậy như bị ma ám.

- Bị người ám thì có. Anh nằm một mình sẽ yên thân.

Chị tụt khỏi giường mở cửa, bước ra sân. Màn đêm mượt như nhung, lặng im thăm thẳm. Đây đó những vệt sáng màu tàn giấy mỏng mảnh bay lang thang. Cánh cửa tự nó khép lại sau lưng chị.

1997 – 2013

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast