Giấc mơ đá vỡ

Giấc mơ của Hai Kim tối hôm ấy là về một đàn bướm.

Đàn bướm đông lắm, thình lình trồi lên từ mỏm đá phía Đông của cụm Mặt Quỷ. Lúc đầu đàn bướm xoắn vào nhau như một quả banh chấp chới vàng đen lẫn lộn, sau tản ra, trái banh mở tung thành tấm thảm khổng lồ toàn cánh là cánh. Thảm bướm tiến thẳng về phía làng. Hai Kim nghe rõ tiếng đập từ những đôi cánh mỏng, tiếng gãy cụp, tiếng rơi xạt như có lớp lớp những hòn đá nào đó vừa rớt, rồi rào rào, rầm rập như một trận mưa đá ai vừa ném xuống.

- Chắc nắng hổm giờ oải quá nên Hai mớ thấy mưa chớ gì. Không mưa giờ được đâu à. Chờ nhổ xong mấy đám hành này mới được mưa.

Út Kiên vừa quệt mồ hôi chảy ròng ròng dưới vành nón lá vừa cười chọc chị Hai như thế.

Tay rũ rũ đất rớt khỏi những cụm hành lá, Út Kiên sắp vào gióng cho đầy rồi bước lên bờ. Hai Kim nâng cặp gióng lên vai. Chân bước thoăn thoắt, cặp gióng cái chàng ràng trước mặt, cái níu rịu sau lưng mà Hai Kim chỉ nghĩ về đàn bướm. Giấc mơ này không chỉ đến một lần.

Buổi sáng Ba Sang quăng bộ hồ sơ nhập học trường Đỗ Hữu Vị trên mặt bàn, không quay mặt lại nói với chị: “Hai. Em đi trừ bị Thủ Đức đây. Thời buổi này binh nghiệp là đường tiến thân nhanh nhất, Hai à!” Thì đêm hôm trước đó, Hai Kim đã mơ về một đàn bướm. Không nhiều bằng đàn bướm này. Lũ bướm khi ấy chỉ là một vạt vàng mỏng manh phủ từ chóp ngọn đá Dao sang ba khối tròn đồ sộ của chòm Mặt Quỷ. Xã trưởng cũng là ông bác họ nện đồm độp cái đầu bịt bạc của cây gậy chống: “Thiệt, giỡn? Thiệt là điềm báo của tổ tiên, ông bà chứ chẳng chơi nghe. Phen này làng mình thêm vương, thêm tướng đây!” Bữa tiễn Sang, bác họ còn hứng chí đến nỗi nếu không ai cản đã đốt hẳn một dây pháo cho “tăng thêm khí thế”.

Làng từ thời ông Tám, dòm lên trông xuống, con cháu xa gần đâu mấy đứa được một cái tú tài hai xuất sắc như Sang. Rồi lại cứ thẳng một đường mà vào sĩ quan trừ bị, thẳng một đường mà lên, lên nữa. Ông Tám là tấm gương, là đứa con vĩ đại được sinh ra từ làng.

Minh họa: Thành Chương
Minh họa: Thành Chương

Nhưng sao trong háo hức, chắc nịch của ông bác họ, Hai Kim chỉ cảm thấy buồn. Nỗi buồn không phải như cái kiểu sáng sớm ngủ dậy không nghe tiếng chân Ba Sang chạy thể dục huỳnh huỵch ngoài sân trước, rồi bước vào nhà tắm thấy đâu mất trên dây phơi một cái khăn, một cái quần đùi. Nỗi buồn không như đang nắm trong tay một thứ gì đó mà bị bắt phải buông ra. Nó là nỗi buồn khi người ta biết thứ mình vừa buông ra sẽ mất. Mất biệt hẳn đi, mãi mãi.

Nỗi buồn cắt thẻo Hai Kim ngày ngày trong phấp phỏng lo.

Hai lo ngay cả khi Ba Sang toe toét, bận quân phục chuẩn úy bước chân qua cửa. Lo cả lúc tiếng ngáy em rền một góc nhà át hẳn tiếng cắc bụp, cắc bụp đêm vẳng ra từ phía núi.

Mỗi Út Kiên tết ấy Ba Sang về là vui như trúng đậm lì xì. Chộp cái nón bê-rê đỏ vứt chỏng gọng cuối giường đội lên đầu, tay lăm lăm khẩu P38 vừa móc được từ túi quần anh, Út Kiên le te chạy ra đường. Hai Kim đã vừa chạy theo đứa em trai 11 tuổi vừa gào. Bà bán bánh canh đầu chợ nói tiếng gào làm bà sởn tóc gáy vì nhớ đến năm người ta chở đổ trước cửa ngõ bà xác đứa con trai nát bấy, đắp mền.

Đứa em nghịch dại ấy sau một trận roi tre quắn đít còn bị Hai Kim cột chân vào giường. Cố tình lê xủng xoẻng cọng dây dùng để xích cổ con Mực giữ nhà, nó tức tối khóc, rồi nhề nhệ cả buổi. Nhưng vô ích. Mặt chị Hai vẫn rắn đanh, lầm lịt đi ra đi vô quét bụi, dọn cơm.

Tới chừng giữa bữa ăn, Ba Sang chịu hết thấu, giằng chén trên bàn cái bộp:

- Hai thả nó ra đi. Còn không thì cứ cột nó tới già, tới chết, tới qua hết cái thời này… mặc may.

Thì Út Kiên mới được chị lẳng lặng gỡ cho cái khóa to đùng, lẳng lặng ngồi xoa dầu lên vết bầm in nguyên hình những mắc dây quấn rịt lấy cổ chân.

Út Kiên đã không dám nói một tiếng nào trong lúc ấy. Không phải vì sợ, không phải vì còn giận hờn chị. Mà vì Út nhận ra rớt theo những vệt dầu đổ trên cổ chân là từng giọt, từng giọt nước mắt của chị Hai nhỏ ngày càng nhanh xuống, nóng rẫy.

Út Kiên đã không động vào bất cứ món đồ gì liên quan đến súng ống, đạn đóm từ ngày 11 tuổi đó, dù không có mặt chị Hai. Đi nhân dân tự vệ, cây cacbin M1 được phát làm cả đám bạn bè khoái tởn, riêng Út trừ những lúc đụng đầu ông bác xã trưởng, còn không cứ quẳng cho đứa bạn nào đó mang dùm. Út nói rằng sẽ học làm bác sĩ. Phải làm cái nghề cứu người chứ nhất định không cầm súng đi bắn người. So với cái nóng nảy, rổn rảng của Ba Sang, chậm rãi mà chắc chắn từ Út Kiên làm chị Hai yên bụng rất nhiều.

Vậy thì can cớ gì giấc mơ về đàn bướm lại cứ trở về.

Hai Kim đem theo giấc mơ về đàn bướm lên chùa. Chùa chênh vênh ngay chóp núi. Lính bảo an dưới Văn Thánh miếu thấy có bóng con gái đi lên thò đầu ra định ghẹo, đụng mặt Hai Kim, lè lưỡi lượng sượng thụt hết vào trong bót. Chuyện tay đại úy dù chạy xe jeep ào ào lên con đường vòng vèo, tay rút chốt lựu đạn “Má. Tao còn nghe thằng nào chặn đường chọc chị tao là thằng đó nát bấy như vầy!” được kể tới kể lui gần chục lượt đổi lính rồi mà. Nghe nói lựu đạn khi đó còn quăng sạt ngang mặt tay đồn trưởng vừa lò dò từ đâu về tới. Mấy hôm sau Hai Kim lên chùa, đi ngang qua còn thấy nguyên cái lỗ xoáy to đùng bên cạnh mấy đống đá nát bươm.

Bữa đem giấc mơ đàn bướm lên chùa, Hai Kim quên cả bị trái cây, cả mấy quyển kinh soạn sẵn để đem trả sư thầy. Bước qua cổng đá, Hai mới nhận ra mình đi tay không, tất tưởi.

Chùa lạnh. Ba vách núi chỉ làm những đợt gió thổi thốc lên từ phía biển không thoát ra được, lần phần giật tấm bạt làm hiên che, quật một đám bụi cát rào lên mấy tàu chuối ngả dài trên mặt đất. Chú tiểu người gầy gò, mắt sáng hâm lại bình trà. Sư thầy Tuệ Tâm nhấp một ngụm nhỏ, thản nhiên nhìn gió.

- Con nói đàn bướm bay về phía làng?

- Dạ, thầy… Tụi nó bay đầy hết. Mà bóng tràn tới chỗ nào thì tiếng đá rơi rào rào ngay chỗ đó. Đá vỡ ở đâu không biết. Nhưng rải xuống làng thì nhiều… nhiều lắm thưa thầy.

- A Di Đà Phật.

- Là điềm báo… phải không thầy? Thầy nghĩ nó là hiền hay dữ?

- Là hiền thì không phải dữ. Đã dữ thì tất không hiền. Chuyện đến phải đến, quan trọng chi dữ hay hiền. Cốt yếu là cách con đối diện với nó thế nào.

Lẩn quẩn, loanh quanh Hai Kim vẫn chưa nghĩ ra mình sẽ phải đối diện với chuyện (mà còn chưa biết là chuyện gì) từ điềm báo trong mơ ấy thế nào.

Nên hễ nghe tiếng chân chạy rậm rịch trên đường làng, tiếng xe thắng rin rít rồi tiếng khóc ồ lên từ một chòm nhà nào đó là Hai Kim lại liên tục bị nhồi thúc trong một mớ nhộn nhạo từ hoảng loạn sang nhẹ nhõm, từ tuyệt vọng sang thở phào. Mớ nhộn nhạo nhiều lúc làm Hai Kim muốn nghẹt thở, muốn ngạt chết.

Hai Kim thấy tim mình teo nhỏ lại, mỗi ngày chút một. Quả tim thon thót theo từng tiếng xôn xao dù là nhỏ nhất nếu trỗi lên từ phía đầu làng. Quả tim bắt Hai Kim treo hẳn tâm trí mình lên cái loa ra rả tít đọt dừa kế bên nhà.

Ba Sang đã đi đến đẩu đến đâu. Trong một mùa hè làng cũng tràn tiếng khóc như thế này và màu phượng nở trên đầu núi bỗng đỏ bầm như màu máu, Ba Sang đã còn có thể trở về đùng đùng giong xe jeep chở Út Kiên chạy khắp phố, khắp làng.

Nhưng giấc mơ về đàn bướm… Lỡ mà cũng tiếng động cơ ấy, nhưng dừng trước nhà Hai Kim là một chiếc GMC chở một cái xác hoặc một quan tài, dù nó có được trịnh trọng phủ bằng lá cờ ba sọc đỏ giữa nền vàng đi nữa, thì sao?

Út Kiên vẫn đều đặn sáng sáng ôm cặp đến trường. Những luống hành củ xuống đất vẫn đều đặn mọc mầm trong những lần Hai Kim đứng rì rầm trước bàn thờ ba má lâu dần.

Lệnh tổng động viên xuống khi đám hành lên ngọn xanh rì cao ngẳng như hôm hai chị em cúi lom khom nhổ, Kim kể em nghe giấc mơ đàn bướm bay về phía làng.

Giọng ông Tám, ông vua vĩ đại sinh ra từ làng vọng xuống từ chiếc loa trên đọt dừa kêu gọi làng hiến thêm cho ông những đứa con. Hai Kim sinh ra mà chưa gặp được người bà con cao quý ấy một lần nào. Có thể cả ba má Hai Kim cũng chưa từng gặp ông. Người ta nói ông rời làng từ khi còn là một thiếu niên. Nhưng những mảnh trứng vỡ thì vẫn tự hào dù nó chẳng làm gì để nâng cánh đại bàng. Làng nâng niu, chăm chút từng dấu chân ông để lại. Những đứa con từ làng đã ra đi và không bao giờ có thể trở về theo dấu chân ông để lại. Và giờ trên đọt dừa, quyết liệt dõng dạc ông tuyên bố bấy nhiêu máu vẫn là chưa đủ, cho một cuộc chiến không biết sẽ kết thúc khi nào. Đêm. Trong tiếng chó sủa nhắng, liên tiếp một trận mưa đá làm rớt cái loa vốn vẫn gắn cứng ngắc tít ngọn dừa. Cái loa giãy giãy lên đôi ba tiếng cuối ầm à, ầm ịt trước khi im bặt. Không biết tiếng phát thanh viên hay tiếng ông vua sinh ra từ làng bị chặn ngang, bóp cổ.

Hai anh trai con ông bác họ đều nằm trong độ tuổi bắt buộc của tổng động viên. Hai chị con dâu, mỗi người lằng nhằng hai ba đứa con, lớp khóc lớp réo “ba ơi, nội ơi” ồn ào, inh ỏi trước cánh cửa nhà đóng im ỉm cả ngày trời. Không biết ông bác họ làm gì trong đó. Lúc bước ra khỏi nhà, cũng như lúc đi trước hai anh con trai lên xã, ông đi rất thẳng. “Làng này truyền thống làm vương, làm tướng…”

Bà bán bánh canh đầu chợ nhổ toẹt bãi nước miếng. Vương, tướng lẫn trong đám nước bọt lận cận bã trầu. Chỉ còn lại gương mặt ông bác chảy dài và cái nhìn còn chưa thôi thảng thốt của hai anh con.

Hai Kim giấu Út Kiên dưới hầm được hai ngày. Quân cảnh vào, Hai kê ghế ngồi ngay trên miệng hầm.

“Mấy chú muốn bắt nó đi thì bắn tui ngay tại đây, rồi về nói chuyện với Ba Sang!”

Quân cảnh cũng người quanh quẩn trong làng trong phố. Nhớ làng này đất sinh của ông vua. Nhớ trái lựu đạn khoan lỗ ngay bên cạnh Văn Thánh miếu. Nhớ nên chợn. Đứng vòng trước vòng sau nhà cũng không biết làm gì.

Không biết làm gì, nhưng họ có thể hút thuốc, có thể tán láo, chửi bậy, ăn uống hai ngày trước cửa. Còn Hai Kim thì không thể ngồi riết trên miệng hầm.

Lúc Hai Kim chỉ còn là một cái thây người môi khô miệng tróc, không còn chút sức lực được đưa thẳng ra nhà thương, thì Út Kiên cũng ra khỏi làng cùng lũ lượt gần chục đàn ông khác, trên chiếc xe nhà binh kín bít bùng.

Hai Kim đã không gặp em thêm một lần nào từ lúc đó. Đón Hai Kim bên ngoài cánh cổng trại tạm giam quận không ngờ là gương mặt tua tủa râu ria, bẳn gắt của Ba Sang.

- Khổ quá! Đã nói Hai đừng có giữ. Giữ cũng không được. Nó đi, mai mốt về, lo gì!

Lúc nói câu cuối, Ba Sang không nhìn chị.

Hai Kim vẫn ém mùng, canh chua cá thóc, chế cà phê sáng đều đặn như mọi lần về phép khác của em, chỉ có điều ngày phải cả chục bận Ba Sang nhìn quanh quất không thấy chị đâu.

Là Hai Kim ở dưới hầm. Hai Kim cũng không biết mình ở trong cái khoảng tối mịt, bốn bề vuông vức, chỉ có mùi đất ẩm, mùi cứt chuột, mùi của những tù túng ngột ngạt ấy để làm gì. Tại sao Hai Kim phải ngồi đây, trên tấm phản gỗ mà có lẽ suốt hai ngày ở dưới hầm mồ hôi Út Kiên đã làm bóng cả nước sơn tróc lở rồi.

Tại sao tay Hai Kim lại phải run run xếp vào thùng từng cái áo trắng học sinh, xếp từng cuốn tập còn chưa vương màu mực, xếp cái cặp còn thơm mùi da mới mua cho em bằng tiền bán hai gióng hành.

Mùa tựu trường đến rồi. Út Kiên phải mang cặp chị mua, mặc áo mới, chạy xe đạp tới trường, qua đám nhổ hành vẫy tay chào chị thật to như vầy: “Ráng nhen Hai! Chiều về em nhổ tiếp cho!”

Mùa tựu trường đến rồi. Người ta đã mang đứa em út nút ngón tay chị thay vú mẹ từ lúc mới biết lững chững ấy đi đâu? Đứa em Hai Kim sống chết gì cũng nhất định giữ lại, nhất định kéo nó tránh xa con đường sạm mùi thuốc súng, mùi máu tanh của anh nó, của cái làng đã trót sinh ra một ông vua của nó.

Người ta đã đem tia hi vọng cuối cùng ấy của Hai Kim đi đâu?

- Nó đi rồi về. Đánh đấm mà Hai cứ vậy. Xui thấy bà.

Đội nắp hầm chui lên, tự nhiên Hai Kim phải hỏi mình là Ba Sang đứng đó nói hay một người nào.

Không phải Hai giận vì câu cộc lốc, gắt gỏng em quăng ra bất chợt. Hai chỉ thấy lạ. Là đinh ninh, chắc nịch vẫn lặp tới lặp lui trên miệng Ba Sang rất lạ. Nó đi rồi về. Ba Sang có tin vào thứ mình đang nói không. Ba Sang muốn trấn an chị hay trấn an chính bản thân mình. Hai Kim ghét thứ chắc nịch ấy, nó chỉ làm Hai nhớ đến giọng nói có những nhịp ngân lên, hạ xuống hùng hồn, dứt dạt từ cái loa lúc còn chưa rớt móp méo dưới gốc dừa.

Hai Kim ngó theo cái bóng của Ba Sang trên vách nhà. Cái bóng đổ gập, gãy khúc. Cố gồng lên cố chống càng gập càng gãy. Ba Sang định tha theo cái bóng lặc lìa đó đến tận bao giờ. Định gồng mình với những khăng khăng, tin tưởng ấy đến bao giờ. Chiếc jeep tự hào của Ba Sang rốt cuộc vẫn không bắt kịp chiếc xe đưa Út Kiên ra Đà Nẵng. Đậu lại bên đường với một bánh trước xì xẹp lép sau gần ba trăm cây số không nghỉ ngơi, nó chìm trong lớp bụi đỏ từ đoàn xe chuyển quân rầm rập lướt qua.

Những khuôn mặt non choẹt, những ánh mắt thảng thốt, ngơ ngác lướt qua.

Hai Kim bật đứng hẳn dậy trên ghế sau xe jeep, bàn tay vẫy lia vẫy lịa trong bụi đỏ. Gương mặt đứa em út nhập nhòe đằng xa xa đó. Gương mặt, ánh mắt nào vụt qua cũng là nó. Hàng trăm ánh mắt. Hàng trăm gương mặt. Bàn tay Hai Kim vẫy muốn mỏi rời mà những gương mặt còn chấp chới.

Ba Sang chỉ kịp chồm qua giữ được thân người chị khỏi nhào xuống đất. Giỏ quần áo trên tay Hai Kim không còn lực giữ xổ rời. Mấy cái sơ mi trắng học sinh của Út Kiên bung ra, đất miền Đông trổ trên nền trắng những lởm màu đỏ loét.

Sau chuyến đi miền Đông ấy trở về thì giấc mơ mỗi đêm của Hai Kim lại là chiếc áo lỗ chỗ những lởm đỏ của Út Kiên lởn vởn ngay cạnh đầu giường. Có khi nửa khuya Hai Kim bật ngồi dậy trong tiếng hét của chính mình, run run vạch mùng nghe âm vọng của tiếng hét dội đập qua lại giữa bốn bức tường, giữa bóng tối mờ mịt của căn nhà trống hoác.

Những nửa khuya như thế, Hai Kim thường tức tốc ra sân ngồi gà gật cạnh con Mực già. Sợ chỉ cần ở thêm giây lát nào nữa trong mịt mờ im vắng, cái thân người tròng vào chiếc áo trắng của Út Kiên sẽ lờ lững hiện ra, như giấc mơ. Thân người không rõ mặt. Chỉ có ngực áo trổ dày đặc những đốm đỏ. Không phải bụi đất. Là những lỗ đạn không ngừng phun tóe máu.

Hãi hùng của Hai Kim không chỉ ở những lỗ đạn. Nó còn ở ánh mắt trên khuôn mặt cứ mờ mờ ảo ảo. Cái thân quen, nghẹn ngào từ ánh mắt. Hai Kim càng nhìn sao càng thấy giống cả hai đứa em trai.

Cuộc chiến này đã đem đến cho làng một ông vua. Nhưng còn Hai Kim, còn bao nhiêu người chị, người mẹ, bao nhiêu người đàn bà khác nữa, nó đã đem lại thứ gì? Tiếng khóc, một vành khăn trắng, hay một căn nhà trống. Hay những đêm mòn mỏi một mình đối diện cùng ngọn Đá Dao.

“Mặt Quỷ kị Đá Dao”. Người làng truyền: dưới chân chỏm Mặt Quỷ long khí vẫn bốc lên được từ làng tất cả là nhờ công trấn yểm, giữ lại của Đá Dao. Long khí chỉ đưa được một dòng họ làm vua. Long khí có cứu cho những dòng họ khác, hay cho chính cháu con của dòng họ đó khỏi móng vuốt của chiến tranh không?

Vậy thì chẳng cần long khí nữa, chẳng cần Đá Dao, chẳng cần vua.

Những khuya gà gật bên con Mực, Hai Kim bỗng thèm nghe vô cùng trong chập chờn mơ màng một âm thanh rào rào gãy đổ. Tiếng vỡ của ngọn Đá Dao.

Vậy mà một buổi chiều ngọn Đá Dao đổ thật. Trời không mây mưa, không sấm chớp, không gió bão, đá vẫn đổ. Nguyên cả khối đá cao sững như một lưỡi dao cắm xuống từ trời thình lình ụp xuống. Âm rền lẫn những vụn đá vỡ bắn vào tận dinh tỉnh trưởng trong phố. Nghe nói ông tỉnh trưởng làm rớt ống nghe cuộc gọi nối vào thành phố lớn đến ba lần.

Làng mờ mờ trong bụi đá. Những mái nhà, những mặt người cũng mờ mờ trong bụi đá. Người làng chụm quanh, chỉ trỏ tặc lưỡi với những mảnh xác đá.

Ông bác họ đập tay lên phần còn trơ lại của lưỡi dao là hòn đá tròn làm bệ kêu trời. “Long khí đang tan”, ông thầy bói gần bến cá mắt hấp háy liên tục, thì thầm với tay đồn trưởng giữ Văn Thánh miếu vừa chạy lên.

Không ai, không một ai hết, trừ chỏm Mặt Quỷ đang giơ ba khuôn mặt vằn vện ở phía đối diện kia, đã thấy điều Hai Kim tình cờ thấy được trong đêm ngồi trước nhà bên con Mực: những bóng đen, những bóng người gầy gò thấp thoáng ngay chân lưỡi dao đá. Thấp thoáng dưới bóng trăng.

Chú tiểu hâm trà bữa nghe Hai Kim kể về tiếng đá vỡ trong mơ biến mất. Sư thầy Tuệ Tâm tiễn những gót giày, những tiếng nổ hậm hực của mấy chiếc xe quân cảnh bằng tiếng chuông dài xáo xác hết cả buổi chiều.

Làng còn xáo xác thêm nhiều buổi chiều như thế nữa.

Buổi chiều sâu mẹ, sâu con bò lổm ngổm từ những ruộng hành xơ xác lá lên hàng hàng lớp lớp trên đường. Xe nhà binh rũ rượi bụi đất phóng vù qua, một vạt đường dài bệt vàng bệt xanh thứ sền sệt từ những thân sâu, hằn rõ thêm dấu bánh xe.

Xe nhà binh rồng rắn bám trụ mặt đường. Bướm nở, bay kín trời hệt như trong giấc mơ của Hai Kim. Lũ lượt những đoàn xe nối nhau, ngày cũng như đêm, ngang qua làng. Rầm rập, ào ào.

Người làng nhìn qua những khe cửa đóng kín xem lính về tao tác trong mùa bướm.

Lính miền Trung áo rằn ri sạm đen khói, sạm bụi đường, đầu trần quấn băng, súng vứt chỏng chơ giữa thùng xe. Mệt mỏi. Lính Tây Nguyên súng lăm lăm trên tay hậm hực, những nón sắt đội lệch đầu, áo bỏ thùng nửa trong nửa ngoài. Xốc xếch, vội vã.

Người làng đoán nguồn gốc lính qua đủ kiểu sắc áo, đủ hình thù nằm ngồi đứng rùng rùng kéo nhau qua. Mặt đất làng rêm dừ, ê ẩm vì cứ phải nảy lên, rung lên bần bật theo nhịp rền rĩ ngày cũng như đêm của dòng người xe dịch chuyển.

Dòng dịch chuyển ấy còn chưa tới đoạn cuối thì chát chúa dội xuống làng là tiếng súng. Súng tay đồn trưởng trên Văn Thánh bắn chết người gác miếu. Lính giữ miếu trèo lên nóc miếu dỡ từng mảnh ngói, lật úp tượng Khổng Tử tìm vàng. Có lời đồn lúc xây ngôi miếu ba gian này để hỗ trợ thêm cho sức trấn yểm của Đá Dao ông vua của làng đã cho giấu trong đó cả đống vàng.

Nhà nào nhà nấy trong làng đóng thêm chốt cửa. Đường làng đêm vắng cả tiếng chó sủa. Trong lu lu ánh sáng của ngọn đèn dầu không dám lên tim, người làng thầm thì bàn nhau về một chuyến đi.

Phải đi chứ. Người trong phố nghe đâu đi hết cả rồi. Giờ phố chỉ còn là những con đường chết, không một bóng người. Cộng sản sắp vào. Phải đi chứ. Đi trước khi “mấy ổng” tắm máu hết cái làng nhìn đâu cũng thấy toàn dây mơ rễ má với ông vua đứng đầu phủ tổng thống ở mãi Sài Gòn. Đi thôi. Đến ông vua giờ biết chừng còn không tự lo được cho mình rồi. Đi thôi. Ba nhà đầu làng có ghe lớn đã không còn thấy người.

Ông bác họ móc cái đầu cong vòng của cây gậy bịt bạc lên chốt cửa, răng nghiến kèn kẹt thành tiếng rít: “Ông Tám nhất định không bỏ đất này. Đứa nào đi, tao giết!”

Lỉnh kỉnh đồ đạc, áo quần ra đến bậc cửa bị tiếng rít chặn lại, lùi trở vô buồng.

Nhà thứ tư, nhà ông xã trưởng không rục rịch, những nhà khác đang nhấp nhỏm cũng chùng chình.

Vài xoong nồi, chén bát ra khỏi bao đựng, lổn xổn khua trong những cái bếp bắt đầu ươm lại khói.

Ông bác họ khua gậy đi từ cổng nhà mình đến cuối làng.

- Đó thấy chưa. Ông Tám làm gì bỏ đất này. Mở ra dô mà nghe, ổng kêu đất mình là lá chắn thép chớ chơi sao. Thằng cha tỉnh trưởng chết nhát bị bạt tai chạy về kìa. Rồi thiết vận xa đổ lính đầy đường, đầy sân bay kìa… Úi cha! Biệt động quân nhen, rồi lính bộ, lính thủy quân lục chiến. Ờ. Mà tụi dù của thằng Ba Sang là chủ lực đó nghen.

Cây gậy ông bác gõ gõ ồn ào hơn một chút trước cửa nhà, Hai Kim đang cúi bắt bọ chét cho con Mực, dửng dung không ngó lên. Cây gậy tẽn tò, tiếng gõ trôi lên lại đầu làng.

Giá cây gậy nán lại lâu thêm chút nữa chắc sẽ thấy bàn tay Hai Kim run trên bộ lông con Mực. Càng cố giữ càng run. Dữ dội.

Run như bữa nghe tin Út Kiên mất tích khi vừa vào Đà Nẵng được ba ngày. Run như bữa Ba Sang nhảy từ không vận C130 xuống bãi đất sau nhà, dù còn lùng bùng quanh mình đã lên đạn đánh rốp, lùng từ dưới gầm giường xuống dưới hầm.

- Nó đâu! Thằng chó! Hai xách cổ nó ra cho tui. Hai đừng có giấu! Có tin nó đào ngũ theo Cộng sản kia kìa!

Hai Kim chết sững với họng súng, với ánh mắt vằn vện như nhìn kẻ thù của Ba Sang.

Đây là đứa em trai từng là niềm kiêu hãnh, tự hào của Hai Kim sao? Nó đang dùng ánh mắt hằn học, thù địch để nhìn chị nó. Nó đang cầm súng để sục sạo lùng tìm em nó. Nó định làm gì? Chĩa họng súng ấy vào ngực em nó và bóp cò sao? Vậy thì năm đó, nó cứ để chị và em nó chết đi, chết cùng ba mẹ trong biển lửa từ trái pháo đi lạc thiêu rụi ngôi nhà mái lá, nó khóc, nó lay gọi, nó lôi kéo làm gì? Nó cứu làm gì thứ gọi là người thân, là gia đình này, rồi giờ mũi súng nó lại lăm lăm đe dọa chĩa thẳng vào?

Đăm đăm vào cái nòng đen ngòm vung vẩy giận dữ trên tay em trai, Hai Kim nhận ra không phải mất mát, không phải chết chóc. Đây. Thứ này. Đây mới chính là bộ mặt tàn khốc nhất của chiến tranh. Khi máu của một người thân mình có thể đổ xuống bởi một người thân khác. Khi lửa không ụp xuống từ bên ngoài mà bùng lên trong chính những mái nhà vốn gắn bó, yên bình.

Út Kiên có thật đã theo về phía bên kia không? Rồi nó có cầm súng xả không thương tiếc về bên này chiến tuyến, nơi có anh nó không? Mà liệu nó có nhớ ra ở bên này có một người là anh nó? Hay cũng như Ba Sang, trong mù mịt ác liệt của lửa khói, đôi tay chỉ còn như một cái máy, chỉ nhớ mỗi động tác siết cò.

“Đàn ông người ta sống có lí tưởng, có mục tiêu nên lo chuyện quốc gia đại sự, đàn bà tụi bây biết mỗi xó nhà nên toàn khóc lóc với ba mớ tủn mủn tùn mùn…”

Ông bác họ có lại nói như vậy không khi biết hai đứa em ruột thịt của Hai Kim đang tự giết nhau ngoài kia? Ông cũng là đàn ông. Ông cũng có một niềm tin để sống để chết.

Hai Kim không có gì cả. Đến con bọ chét mập ú máu còn chạy trốn được từ những ngón tay run rẩy của Hai Kim kia mà. Bọ chét chạy trốn… Ba Sang, Út Kiên… Khi đứa này nằm dưới mũi súng của đứa kia, chúng có nghĩ đến mái nhà nơi chúng cùng lớn lên và cho nhau quyền chạy trốn hay không.

Hai Kim không có gì cả. Nên trong tiếng cao xạ, tiếng pháo rền rĩ dội về từ phía phố, những ngón tay, bàn tay rồi cả thân người Hai Kim run lắc, lạnh toát đi không biết bao nhiêu lần.

Ba Sang đội mưa về khi cơn sốt đã quật Hai Kim dính trên giường. Nhét viên thuốc vừa moi được đâu đó từ túi áo, túi quần vào miệng Hai Kim, Ba Sang đứng lặng lẽ bên giường nhìn chị. Thuốc trôi xuống họng Hai Kim khét mùi khói. Thân người bên cạnh Hai Kim khét mùi khói. Nước mưa ròng ròng nhỏ giọt xuống nhà mà không trôi đi trong khét lẹt mùi khói một thứ tanh tanh. Ba Sang chưa bao giờ về nhà lặng lẽ như trong đêm mưa dồn dập tiếng cao xạ dội về khi ấy. Không một lời, không một khua khoắng, không tiếng bước chân chắc nịch. Đứng bên giường Hai Kim chỉ còn lại một cái bóng. Cái bóng nhìn xuống chị mà như không nhìn vào bất cứ thứ gì. Trống rỗng. Rồi chuệnh choạng, lầm lũi cái bóng đi về phía cửa. Không thở dài, không do dự, không quay đầu.

- Sang! Ở lại... Chị kêu em ở lại...

Gượng hết sức mình, Hai Kim vùng dậy trên giường.

Cái bóng chững lại một nhịp. Ngay bậc cửa, nó đã quay lại. Hai Kim đã thấy những thân thiết, những luyến tiếc, những nghẹn ngào và một Ba Sang quay trở lại.

- Muộn rồi, Hai...

Cái bóng cúi đầu rồi thình lình vụt lao ra dưới màn mưa.

Hai Kim không còn sức để đuổi theo cái bóng, Hai Kim chỉ ngồi nguyên tại nơi mình vừa gượng dậy đó, lặng phắt. Trong những tiếng ì ùng đã dần rền vang mặt đất, rền vang núi. Trong tiếng máy nổ, tiếng phành phạch hối hả của cánh quạt trực thăng, tiếng hét gọi nháo nhác vọng đến từ phía biển. Và trong tiếng cơn mưa đầu hè không ngờ đến sớm âm âm gõ trên mặt ruộng hành khô khốc trước nhà, như khẽ gọi những mầm sống mới nào đó bật chồi.

Thị xã giải phóng khi dấu vết của cơn mưa bất ngờ còn vương trên mặt đất, mặt người.

Vài người trong làng làm dạn đi xem về kể phố giờ nào xe tăng T54, nào cờ hoa, khẩu hiệu, hoan hô nhiệt liệt rầm trời. Người trong phố làm gì bỏ đi hết. Họ đứng đầy trước các cửa nhà, còn tràn xuống cả hai bên đường xem quân giải phóng mà. Mấy cậu thiếu niên còn chồm chồm ngó nghiêng xem giải phóng liệu có đuôi như trong mấy tấm hình dán trên phố trước đây không. Ông bà già thì phì cười tụi tâm lí chiến đúng xạo ke, lính Việt cộng đứa nào đứa nấy mặt mũi cũng trắng trẻo, hiền lành như mấy đứa cháu mình ở nhà thôi chứ đâu.

Người trong làng cũng nán lại xem hết buổi diễu quân trong phố rồi nhẹ nhõm thong thả trở về làng. Những cánh cửa trong làng cũng nhẹ nhõm, thong thả mở.

Ra khỏi những cánh cửa, người làng nhận ra làng cũng còn đông đủ mặt hết. Ầm ĩ, nháo nhác suốt cả đêm mưa ngoài bờ biển, người này lại tưởng người kia đã theo tàu, theo trực thăng bỏ làng rồi. Những cánh cửa nhà mở buổi trưa thì đến chiều có lính giải phóng về làng. Ai nấy lại được một dịp xôn xao. Lính giải phóng đâu ai xa lạ, là chú tiểu chùa trên núi. Chú tiểu, giờ là bộ đội giải phóng, đến nhà ông xã trưởng. Ông bác họ của Hai Kim run run đem nộp gần chục cây súng, run run cả mái đầu chỉ sau một đêm bạc trắng. Ông vua sinh ra từ làng bỏ đi rồi. Dưới cánh chiếc máy bay ông là lửa khói, là máu, là những con người bị ông ném vào một thứ trò chơi gọi bằng hai chữ niềm tin. Ba Sang cũng đã đi vì một niềm tin như thế và cuối cùng là để cứu vớt một niềm tin như thế.

Hai Kim đi mà như chạy trên con đường quanh co dốc ngược đổ xuống. Hai Kim phải hỏi Bồ Tát, Hai Kim phải hỏi những mỏm đá sừng sững bao năm trên đỉnh núi. Tại sao. Tại sao ngần ấy năm trong cuộc đời mình, Hai Kim cứ bị xoay vần, bị giằng xé, bị bám theo không dứt bởi nỗi đau của những cuộc ra đi.

- Chị Hai… Hai ơi!... Hai!...

Và câu trả lời Hai Kim nhận được ngay tức thì sau đó. Là một sự trở về.

Bóng người nón tai bèo, áo xanh, quần xanh nai nịt gọn gàng lao lên con đường trên núi.

Từ trên dốc cao, Hai Kim ngó xuống. Miệng cười, tay vẫy, ánh mắt vẫn hiền hiền như con gái. Út Kiên! Nước mắt Hai Kim tuôn ướt đẫm vòng tay ôm chắc nụi của đứa em không gặp lại một lần nào từ hôm ngất xỉu trên miệng hầm. Nước mắt tuôn trên những lặng phắt nghìn năm của núi đá, những rì rào muôn đời của biển, những biến động xoay vòng của thời cuộc, của một đời người.

Đến bao giờ thì Hai Kim mới được khóc như thế này, được ôm như thế này nữa bởi vòng tay trọn vẹn của cả hai đứa em trai?

*

* *

Cháu gái theo ông nội lên ngôi chùa mới trùng tu trên đỉnh núi. Ông thắp hương, cháu vơ vẩn chơi ở bên ngoài. Bên ngoài, nên cháu thấy đầu tiên một người đeo kính chậm chạp bước lên những bậc cấp dẫn vào chính điện. Người lạ dừng lâu trước cánh cửa mở xuống khu đặt hương linh, nơi ông nội đang chắp tay đứng cúi đầu. Tò mò, cháu gái mon men theo sau người khách lạ. Ông khách dường như không nghe thấy những bước chân nhỏ phía sau. Mà có lẽ ông cũng không còn nghe thấy, nhìn thấy bất kì điều gì khác. Một tấm hình trên bàn hương linh đã hút những bước chân ông, hút cả thân người ông. Chầm chậm, chầm chậm, ông bước tới và quỵ xuống. Đầu gối già nua khuỵu xuống nền gạch men làm người đang cúi đầu giật mình quay lại. Hai ánh mắt ngỡ ngàng nhìn nhau. Hai ánh mắt lạc nửa vòng trái đất, lạc gần hết cuộc đời giờ mới lại được nhìn nhau. Cháu gái ngạc nhiên thấy cùng lúc những giọt nước cùng lăn xuống từ hai gương mặt già nua thật chậm, thật chậm. Hai gương mặt cháu gái càng nhìn càng thấy giống. Rất nhanh, cháu thấy ông nội mình bước tới đỡ lấy ông già đang quỳ trên nền gạch.

- Anh Ba về rồi, Hai ơi...

Hai mái đầu bạc trắng rưng rưng tựa vào nhau cùng hướng lên trên bàn thờ.

Cháu gái nhìn thấy rõ ràng gương mặt bà trong hình đang cúi xuống.

Bà mỉm cười

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast