"Giải phóng" – tiểu thuyết mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hoàng Quảng Uyên là một trong số những nhà nghiên cứu lâu năm, tâm huyết với đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh đã có nhiều phát hiện, nhiều bài bình, bài viết công phu đăng tải trên các báo văn nghệ lớn của cả nước, giúp bạn đọc hiểu thêm, hiểu sâu hơn về vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh qua thơ văn.

Nhà văn Hoàng quảng Uyên
Nhà văn Hoàng quảng Uyên

Lần này, cũng xuất phát từ niềm kính yêu vô hạn đối với Bác và khát vọng muốn làm mới mình, Hoàng Quảng Uyên đã từ lĩnh vực nghiên cứu dấn thân sang sáng tác. Anh viết tiểu thuyết về Bác. Ở lần dấn thân này, anh đã thu được trái ngọt đầu tay. Ngay khi vừa “chào đời”, tháng 5 năm 2013, tiểu thuyết Giải phóng của anh đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng tác phẩm hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Giải phóng là cuốn tiểu thuyết, theo tôi, Hoàng Quảng Uyên dồn hết tâm sức, bút lực. Tiểu thuyết dày hơn 600 trang, mang đậm dấu ấn sử thi, trong đó nổi bật lên mấy điểm đáng chú ý như sau.

Về thời gian, cuộc đời Bác trải dài trong 79 mùa xuân, bao gồm nhiều chặng đường hoạt động cách mạng khác nhau. Mỗi chặng đường cách mạng lại toát lên vẻ đẹp khác nhau trong con người Hồ Chí Minh. Khi viết về Bác, mỗi người cầm bút, tùy theo ý đồ nghệ thuật, khả năng nắm bắt, xử lý tư liệu sẽ lựa chọn những khoảng thời gian khác nhau trong cuộc đời cách mạng phong phú của Bác.

Với mong muốn làm rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan về việc ra đi tìm đường cứu nước của Bác, ở tiểu thuyết Cha và con, thiếu tướng nhà văn Hồ Phương chọn quãng thời gian Bác còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung theo cha ra Huế cho đến thời điểm chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành lên tàu vượt trùng dương bắt đầu hành trình bôn ba “tìm hình của nước”. Còn đối với Hoàng Quảng Uyên, anh tập trung khắc họa hình ảnh Bác trong giai đoạn “chín năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”. Đây là sự lựa chọn có chủ đích.

Chúng ta đều biết từ 1945 đến 1954 là giai đoạn cách mạng Việt Nam nói chung và Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bác nói riêng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách lớn lao do những biến động lịch sử tạo nên như phải gấp rút thành lập chính quyền cách mạng trước khi quân đồng minh vào giải giáp phát xít Nhật; phải đối mặt với 30 vạn quân Tưởng núp dưới danh nghĩa giải giáp quân Nhật hòng chiếm đoạt nước ta thông qua chính quyền bù nhìn do chúng dựng nên và dã tâm quay lại cướp nước ta của thực dân Pháp; nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chưa được các nước trên thế giới công nhận… Có thể nói, đây là giai đoạn cách mạng nước nhà luôn ở tình trạng “trứng để đầu đẳng”.

Nhưng chính trong lúc nguy nan đó, bằng trí tuệ và bản lĩnh của mình, Bác Hồ kính yêu đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhân dân Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác mà đỉnh cao là trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chọn giai đoạn chông gai nhất trong lịch sử lập nước và của Đảng Cộng sản Việt Nam làm thời gian trung tâm của tiểu thuyết, Hoàng Quảng Uyên muốn khắc họa thêm sâu, thêm đậm, thêm rõ tài năng và trí tuệ của Bác.

Một thế mạnh của Giải phóng là có nguồn tư liệu dồi dào, phong phú. Sau nhiều năm miệt mài cất công sưu tầm, tra cứu, Hoàng Quảng Uyên có trong tay một số lượng lớn tài liệu quý về Bác. Những tài liệu này đã được anh công bố ít nhiều dưới hình thức bài nghiên cứu. Đến Giải phóng, anh đã “tiểu thuyết hóa” làm những tư liệu ấy trở nên sống động, có sức lan tỏa thấm vào lòng người hơn.

Những tư liệu về Bác trong Giải phóng thường mang tính chất “diễn giải cụ thể” sự việc, giúp bạn đọc hiểu một cách kỹ càng và toàn diện hơn những sự kiện liên quan đến Bác. Ví như việc trước ngày khởi nghĩa, Bác ốm nặng tưởng chừng không qua khỏi, kịp may trong thời khắc hiểm nghèo ấy, Bác được một ông lang người dân tộc chữa khỏi bệnh, tiếp tục lãnh đạo cách mạng vùng lên giành chính quyền. Chi tiết này đa phần mọi người đều biết. Nhưng đọc Giải phóng, chúng ta biết thêm rằng người đầu tiên chữa bệnh cho Bác… là y sĩ binh nhất người Mỹ Hoagơlăng, thành viên đội Nai của quân đội Mỹ có nhiệm vụ hỗ trợ huấn luyện quân cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Nhật tại Việt Nam. Chính Hoagơlăng đã phát hiện ra căn nguyên khiến Bác bị mệt, lên cơn sốt là do bệnh lỵ và đưa ra phương án chữa trị kịp thời, nhờ đó mà Bác đã cầm cự được cho đến thời gian ông lang già người dân tộc đến kịp.

Hay như hành trình chuyến đi thăm bí mật Liên Xô và Trung Quốc của Bác vào những ngày đầu năm 1950 để khai thông biên giới, nhận sự viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhờ những tư liệu Hoàng Quảng Uyên sưu tầm, chúng ta mới biết về cuộc đối thoại giữa Bác với Xtalin, việc tình báo Xôviết “đánh cắp” quyển họa báo có chữ ký của các đồng chí trong Bộ Chính trị nước này do lo ngại nếu “bằng chứng” về tình hữu nghị Việt – Xô được công bố sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Xô – Pháp lúc bấy giờ. Có thể nói đây là những tư liệu quý, làm nổi bật lên bản lĩnh, trí tuệ Hồ Chí Minh. Tuy nhiên việc lạm dụng tư liệu đôi lúc lại tạo “hiệu ứng ngược”. Ví như trong chiến dịch Điện Biên Phủ, có những trường đoạn Hoàng Quảng Uyên mô tả lại từ đầu đến cuối việc quân ta tiến công ngày nào, giờ nào, bắt sống được bao nhiêu tên địch, thu được bao nhiều súng ống, đạn dược… Thiết nghĩ, đó là công việc của nhà sử học chứ không phải của nhà tiểu thuyết.

Về hình tượng trung tâm của tiểu thuyết, Hoàng Quảng Uyên khắc họa hình ảnh Bác bằng hai phương thức điểm và diện. Về diện, anh chủ động khắc họa Bác trên nhiều bình diện khác nhau như hình ảnh một nguyên thủ quốc gia có tác phong sinh hoạt bình dị (thông qua các chi tiết từ chối món canh gà hầm sâm khi đang ốm được dân quân mang lên, mặc bộ quần áo kaki bạc màu, từ chối ở khách sạn hạng sang mà lưu trú ở căn nhà bình dị khi sang thăm nước Pháp…); một bậc thi nhân mang dáng vẻ tiên phong đạo cốt (qua các chi tiết tặng thơ, ngâm thơ, vịnh thơ với các cụ Bùi Bằng Đoàn, Huỳnh Thúc Kháng, cảm tác trên sông Đáy, trên chiến khu Việt Bắc); một người cha già thân thuộc trong mọi gia đình Việt Nam (thông qua các chi tiết nói chuyện với đồng chí Nông Thị Trưng, Vũ Đình Huỳnh …); một nhà quân sự kiệt xuất (thông qua nhận định về chiến dịch Việt Bắc thu đông và chiến dịch Biên giới 1950, chiến dịch Điện Biên Phủ); một nhà ngoại giao lỗi lạc có năng lực cảm hóa người tiếp xúc (thông qua các chi tiết đối đáp với các chính khách Pháp, Trung, Mỹ).

Về điểm, Hoàng Quảng Uyên chú trọng miêu tả nhân cách vĩ đại của Người: lòng yêu hòa bình tha thiết. Từ đầu đến cuối tác phẩm, Hồ Chủ tịch hiện lên với hình ảnh con người suốt đời phấn đấu cho nền hòa bình, tự do không chỉ của nước Việt Nam mà còn của toàn thể nhân dân tiến bộ trên thế giới. Mặc dù tiên liệu việc phải chiến tranh vũ trang với quân Pháp để giành độc lập cho nước nhà là không thể tránh khỏi, nhưng tự đáy lòng, Bác vẫn hy vọng điều đó không xảy đến. Người đã tìm mọi cách để trì hoãn chiến tranh, tránh cho dân tộc phải đổ máu (nhưng vẫn phải giành được tự do, độc lập một cách thật sự). Vì khát vọng hòa bình, Người chê trách đồng chí Phạm Văn Đồng vì… quá giận mà lỡ lời trên bàn đàm phán tại Hội nghị Fontainebleau. Thậm chí khi thực dân Pháp ngang ngược đánh chiếm Hà Nội, khi đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, nhưng với tấm lòng tha thiết với hòa bình nên Người đã ở một nơi rất gần Hà Nội để đợi phản hồi “tích cực” nhân dân tiến bộ và chính phủ Pháp. Lúc cuộc kháng chiến đã diễn ra, khi đại diện nước Pháp muốn gặp để truyền đạt những điều kiện tiến đến hòa bình, Người ngay lập tức đã đồng ý với hy vọng có thể tránh cho máu của nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp phải đổ. Dường như không ai yêu hòa bình hơn Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Qua những điều trình bày ở trên, có thể nói, Giải phóng đã khắc họa một cách toàn diện chân dung Bác Hồ kính yêu trong những thời khắc lịch sử quan trọng nhất của dân tộc. Một cuốn sách hữu ích, rất cần cho phòng Hồ Chí Minh của các đơn vị trong toàn quân và hệ thống các thư viện trên toàn quốc.

Theo HẠ VŨ/vannghequandoi

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast