Giữa khu vườn đất ẩm

(Baohatinh.vn) - Từ góc quanh của con đường lớn, rẽ vào giữa cánh đồng, đi non chừng một cây số giữa hai bờ hoa cỏ dại cho đến khi chạm phải bụi tre đầu tiên là rẽ vào nhà chị. Nhà chị thoáng lắm. Nằm ngay đầu làng. Ngôi nhà nhỏ xinh luôn đầy gió, bên bờ rào nhìn ra, dãy bạch đàn mùa nắng cũng như mùa mưa thơm nồng mùi khuynh diệp dập gãy.

Bà mẹ ngồi ngay bậc thềm như tượng gỗ. Thấy chị, mắt bà như vui hơn nhưng dáng người vẫn không thay đổi:

- Mẹ!

- Về muộn thế?

- Dạ, con phải làm một ít dụng cụ dạy học cho ngày kia thao giảng. Chưa xong nên con lại đưa về nhà.

- Ừ! Thế thôi để đó, tối về cùng làm - bà nói rồi nhìn vào túi ni-lon treo ở xe - Cái gì thế kia?

- Dạ! đùm hạt bí. Vườn nhà mình đất ẩm, mẹ con bảo đem về thả. Giống này quả nhỏ gọn, ăn dẻo như sáp, lại chữa được bệnh đau đầu của mẹ. Thả đấy, không ăn quả thì ăn lá, ăn hoa chứ để đất không thế kia cũng phí.

- Ôi dào! Bệnh của mẹ mãn tính rồi, thuốc thang không khỏi nữa là. Nhà có mấy mụn người, nhiều nhặn chi mà trồng rồi lại gọi hàng xóm ăn dùm.

Minh họa của Huy Tùng

Minh họa của Huy Tùng

Bà nói vậy rồi quay quả bước vào nhà. Túm hạt bí rơi vãi ra đất. Chị nhìn theo dáng mẹ đổ còng về phía trước. Không khóc mà tự nhiên nước mắt lưng tròng.

*

Bà mẹ chồng là người đưa chị về đây trước khi anh chồng biết chị. Bà quen chị hôm đi qua dãy nhà tập thể giáo viên lụp xụp được dựng tạm trên chòi đất trống chỉ mới mình chị đến ở. Hôm đó, sau buổi dạy, chị ngồi buồn trước sân nhà:

- Răng con?- bà nhỏ nhẹ nhìn cô gái mỏng mảnh ra dáng thị thành đang ngồi bó gối khóc.

- Dạ, không! - chị dụi mắt cười ngượng ngùng nhìn bà cụ phúc hậu đang đứng trước mặt mình - Con thấy vắng quá, con sợ!

- Nhà bác ở bên kia đường, gần trước cổng trường đấy, lại ở một mình. Nếu con không chê thì sang nhà bác mà ở tạm, bao giờ tập thể đông người thì dọn về lại cũng được.

Chị về nhà mẹ đơn giản và nhẹ nhàng như thế. Ở vùng quê nghèo miền núi này họ quý các thầy giáo, cô giáo đến lạ. Bởi họ biết, nếu không trông chờ vào những cô giáo, thầy giáo về cắm bản thì chắc chắn con họ không thể biết đến cái chữ được. Nhất là lứa tuổi mầm non, các cháu sẽ chỉ biết đến đất cát, lăn lóc theo bố mẹ ra đồng chứ làm gì biết đến những bàn tay thơm tho, sạch sẽ, những con thú, bông hoa nhiều màu nếu không có những cô giáo dưới xuôi lên cắm bản. Những năm chưa có khu tập thể, họ chỉ chờ nhà trường đến mở lời là mời ngay các cô, các thầy vào ở.

Rồi chị cũng ra ở nhà mẹ. Bà mẹ mừng lắm. Coi chị như con. Chẳng gì thì bà cũng chỉ có một anh con trai công tác xa, mấy năm mới về thăm bà một lần nên có chị, bà vui vẻ, hoạt bát hơn hẳn. Bà xới đất trồng rau. Bà thả thêm mấy con gà. Trồng thêm vài bụi chuối. Chống cái rèm tranh trước sân đón nắng buổi sáng cho thơm tho nhà cửa. Cứ mỗi sáng, chị xách cặp lên lớp là bà chạy ra tận ngõ mở cổng. Chiều về lại ra ngõ đón chị. Tối, hai mẹ con lại lích rích thức đêm cắt cắt, dán dán những đồ dùng dạy học cho chị. Thỉnh thoảng bà cầm những con thú ngộ nghĩnh lên xem rồi cười nói một mình “anh cu sau này chắc thích lắm đây!”. Chị nghe thế thì cười, còn bà mẹ vui ra mặt. Chẳng giấu gì ai, bà cứ nói bà muốn chị làm con dâu của bà hơn bất cứ cô gái nào.

*

Chị ở với mẹ được một năm thì anh Hải về phép. Chị nhớ hôm đó là mùa đông. Trời lất phất mưa rét. Chị đón anh ngay từ đường quanh vào cánh đồng. Cánh đồng mùa tháng mười ta u buồn như một người đàn bà quá lứa đã thôi hy vọng và chờ đợi, cứ ngồi trân trối nhìn vào vô định. Bầu trời xám xịt. Đồng chiều trơ gốc rạ. Gió rít từng cơn u u. Chị nhìn anh. Anh nhìn chị cùng cười. Đây là lần đầu tiên anh và chị gặp nhau, dẫu trong những bức thư của mẹ, mẹ cũng đã nói qua với anh về chị.

Anh lóng ngóng đón cái ô màu đỏ từ tay chị cười ngượng:

- Cô giáo có cái ô đẹp quá!

- Dạ.

Cả hai chỉ nói được với nhau từng ấy rồi im lặng suốt cả một đoạn đường dài về nhà. Chị vốn đã kín tiếng, anh hình như kín tiếng hơn. Tính Hải có vẻ lặng lẽ kiểu của người đàn ông thâm trầm, đĩnh đạc, lại rất chỉn chu, nề nếp và lịch thiệp, nhưng không hiểu sao chị không thấy ấn tượng nhiều về anh như lời mẹ kể vì thế chị cũng không nghĩ mình cần phải tỏ ra quá gần gũi. Những lần anh với mẹ vui vẻ, chị đều ý nhị đi ra ngoài để mẹ con anh có dịp tâm sự nhiều hơn.

Sau lần nghỉ phép đó, Hải về thêm một lần phép nữa và hai người nên duyên vợ chồng. Duyên trời đã định thì khó mà cãi được.

Nhà có ba người từ đó.

*

- Cơm thôi!

- Dạ.

Bữa cơm dọn ra chỉ có hai người đàn bà lặng lẽ. Hải từ dạo chuyển công tác về gần nhà lại đi công tác thường xuyên nên ít có dịp cả nhà ăn cơm cùng nhau. Bà mẹ gắp miếng cá ngon bỏ vào bát chị rồi lại lặng lẽ chống đũa nhìn ra ngoài trời thở dài:

- Lại thêm một mùa mưa rét nữa.

Câu nói bâng quơ của bà lúc này không còn là một sự thông báo nữa. Chị biết, trong thâm tâm bà không hề có ý định làm tổn thương đến chị nhưng sự đời nó thế, cái gì cứ ăn sâu vào tâm trí như một sự vướng bận không yên thì không gì có thể giấu giếm mãi được. Đã bao nhiêu năm sống chung, chị biết bà đã mong đợi, đã hy vọng gì ở chị nhưng lại rồi thất vọng. Chị chưa có con là chuyện không chỉ khiến chị đau lòng. Mỗi lần thấy chị có tháng là bà lại thở dài. Không nói ra, nhưng bà cũng đã chờ đợi đến lúc mệt rũ rồi. Chị biết. Chị cay đắng và xót xa lắm chứ! Vợ chồng chị cũng đã đi khám rồi. Ông bác sĩ khẳng định anh chị hoàn toàn bình thường về sức khỏe và có thể sinh con được. Ông khuyên hai người nên thoải mái, không nghĩ ngợi nhiều ảnh hưởng đến tâm lí. Nhưng chị không thể không nghĩ ngợi được khi chồng chị cũng là một người hoàn toàn khỏe mạnh? Sau nhiều lần thất vọng, nó như một mạch nứt ngầm chảy quanh ba người. Cả ba đều co cụm lại. Căn nhà lại trở nên lặng lẽ như xưa.

Nhưng không thể để lâu tình trạng này được nữa. Chị vội vã cắn miếng thức ăn bà mẹ gắp lên bát nói mau:

- Mẹ à, con định...

- Chi con?- câu hỏi bà mẹ bật ra ngay đầu môi như đã sẵn từ bao giờ.

- Con định xin mẹ về nhà mẹ con ở một thời gian.

Nói được lời mở đầu khó nói ra rồi, chị nói như một cái máy. Chị nói ngôi trường mới ở gần ngay nhà mẹ đẻ, chị mới nhận công tác nên bề bộn công việc chắc không về thường xuyên được nên chị ở dưới tiện hơn.

Bà mẹ im lặng lắng nghe. Bao nhiêu năm ở cùng với con dâu, tính nết nó thế nào bà hiểu rõ. Chắc nó phải suy nghĩ nhiều lắm mới nói ra được như thế. Bà nào muốn vợ chồng nó cách xa nhau nhưng bà cũng cần có một đứa cháu để bế bồng lúc tuổi già. Thằng Hải ban đầu cũng đã không đồng ý. Chỉ vì bà, bà ép nó vì bà thương đứa con gái về ở với bà không nề hà những khi bà trở trời trái gió mà muốn lưu nó lại một cách danh chính ngôn thuận. Giờ nó ra nông nỗi này bà cũng đau lòng. Nó đau lòng một, bà đây, cái thân già này đau lòng đến ba lần: một lần cho con trai, một lần cho con dâu và một lần cho con gái. Vì bà xem chị như con gái mà thấy cuộc đời sao bất công với chị nhiều quá!

- Thôi mẹ không ăn nữa. Dọn đi rồi đưa đồ dùng học tập ra mẹ làm cùng.

Chị lặng lẽ bưng mâm ra bậu giếng. Giếng tối thui. Chị thả gầu. Chiếc gầu rơi tõm xuống lòng giếng sâu hun hút.

*

Hải đi nhậu về muộn, lôi xềnh xệch chị vào phòng rồi đóng sập cửa lại. Chị vừa khó chịu, vừa ngại ngần với bà mẹ đang ngồi giữa đống đồ dùng dạy học của chị. Anh chồng túm lấy hai tay chị, bẻ ngoặt ra phía sau y như người ta vặt cánh một con gà để cắt tiết. Rồi cứ thế anh đè nghiến lấy chị. Mặc cho chị vùng vẫy trong tuyệt vọng. Chị khóc, chị nhìn anh như van lơn nhưng khi chạm vào ánh mắt lạnh lùng của anh, chị mới hiểu được ra rằng: giữa anh và chị không có một sự hòa hợp nào cả. Chị nhắm mắt. Cảm giác chịu đựng, uất hận, buồn bã, ê chề chiếm lấy tâm trí chị. Chị có cảm giác mình đang tan loãng ra rồi bay lên từ cơ thể vỡ vụn của mình.

Chị bó gối ngồi suốt từ đó cho đến sáng. Ánh đèn ngủ hắt bóng mình lên vách dị dạng như một khúc gãy làm chị rùng mình. Đến bây giờ chị mới nhận ra không phải tình thương, trách nhiệm là làm nên một cuộc hôn nhân trọn vẹn. Phải có tình yêu. Mà giữa anh và chị lại luôn có một khoảng cách êm ái mà xa đến nghìn trùng. Những cử chỉ quan tâm của anh đôi khi làm chị e ngại. Nó giống như sự xã giao hơn là sự đồng điệu từ trái tim vậy. Rõ rồi! mọi vở diễn đều đến hồi kết thúc. Chỉ có tình yêu mới đem đến những phép lạ hằng ngày. Phải là cơn mưa tưới tắm đất lành mới làm cho hạt mầm tách vỏ. Phải là cơn gió để nâng con diều bay cao. Phải là dòng sông thì con thuyền mới có thể lênh đênh được. Và con người cũng thế, nhất định phải có được những giây phút thăng hoa thì lúc đó mới có phép lạ sinh tồn.

*

Buổi trưa mùa đông. Ánh sáng nhạt nhẽo và buồn tẻ luồn qua những cành cây lạnh lẽo. Trên cành cây cao nhất có đôi chim sẻ ri lích rích chuyền cành. Hình như cũng sắp đến mùa sinh sản của chúng thì phải. Chị nghĩ vậy khi thấy con chim đực đang ngậm một sợi rơm nhỏ. Con chim thi thoảng nghếch lên, ưỡn cái yếm màu đen ngay dưới cổ ra chiều kiêu hãnh trong khi con chim mái bé nhỏ nhảy vòng quanh trông chừng sốt sắng lắm. Giống cái ấy mà, bất cứ loài nào rồi cũng giống nhau, cứ nhảy quanh cái tổ, sốt sắng tưởng tượng ra sau êm ái đất trời là những con chim con hếch chiếc mỏ xinh xắn đòi ăn những con sâu béo mầm được bố mẹ nhặt ở dưới vườn rau sạch ngay dưới mặt đất. Cuộc sống chỉ cần có thế, ước mơ là thế, giản đơn là thế! Ấy vậy mà chị cũng không thể nào làm được. Đôi lúc chị chỉ muốn giá như mình có thể chết đi. Chết đi để nỗi buồn một lúc nào đó rồi cũng sẽ nguôi ngoai trong lòng những người ở lại, còn hơn chị cứ sống, cứ đẹp đẽ, cứ trong héo ngoài tươi thế này chỉ làm đau lòng những người quanh chị mà thôi.

Nhìn đôi chim ngoài kia chợt chị nghĩ đến anh. Phải rồi, đã không thể hòa hợp thì không nên cứ giữ mãi một phép xã giao được. Vợ chồng không thể xã giao, lịch sự, nhũn nhặn với nhau mãi được. Chị nghĩ, khi chị nói ra chuyện chia tay, có thể có hai kết quả. Một là anh đồng ý, hai là anh sẽ nạt nộ, trách mắng chị. Cả hai cách đó chị đều đã dự tính từ trước. Chị sẽ không khóc, chị sẽ kiên quyết. Chị đã tưởng tượng ra cảnh chị nói với anh “anh Hải à! Cơ thể chúng ta không hợp nhau. Anh và em không thể có con được, chi bằng chúng ta chia tay nhau để cả hai đều làm lại từ đầu”. Rồi chị nghĩ lúc đó anh sẽ im lặng. Tính anh bao giờ cũng im lặng mất một lúc rồi mới mở lời: “Như thế thiệt thòi cho em”. Lúc đó chị sẽ nói rằng: “Không, không thiệt thòi. Anh và em, chúng ta hãy vì mẹ. Mẹ già rồi. Anh hãy cho mẹ thỏa nguyện được có cháu bế”, rồi lúc đó chị sẽ lại nói thêm “Em vẫn sẽ là con của mẹ. Mãi là vậy!”

Nghĩ chán, chị lại nằm xuống võng. Cánh võng đưa nhè nhẹ. Đôi chim vẫn cần mẫn xây tổ. Chị nhớ lại đoạn hội thoại tưởng tượng ra hồi nãy rồi lại băn khoăn. Nhỡ anh Hải không nói thế, nhỡ anh nói “anh hy vọng không bao giờ em nhắc lại chuyện đó”, lúc đó chị sẽ làm thế nào. Chị sẽ không làm căng lên được. Rồi lại lặng lẽ ngồi cắn móng tay mà khóc mất thôi. Mẹ chị cũng đã từng nói: đời chị luôn chịu thiệt thòi vì chẳng bao giờ làm căng lên được chuyện gì. Tại chị. Tất cả là tại chị. Khi chị luôn nhìn mọi vấn đề một cách nhẹ nhõm, không méo mó, không xô lệch, không áp đặt.

*

Nhưng đã đến lúc chị phải nói. Chiều nay, chắc chắn chiều nay chị sẽ về sớm, sẽ ghé ra chợ mua một ít thức ăn tươi về nấu bữa tối. Một bữa cơm tối nhẹ nhõm, vui vẻ sẽ khiến chị dễ mở lời hơn.

Chị chạy xe từ từ. Từ từ quanh qua những con đường, hàng cây, đôi khi ngó nghiêng rất chậm nữa. Chẳng mấy chốc cánh đồng hiện ra khiến chị sững sờ. Bao nhiêu năm qua rồi chị đi đi, về về trên con đường này, gặp những hình ảnh đốt đồng đã nhiều sao chiều nay chị lại thấy nao lòng đến thế. Mùa đốt đồng đến khi các chân ruộng đã khô, đất đai được cày xới, phơi ải. Từng cột khói ngoằn nghoèo không bay cao, cứ là là mặt đất, gặp cơn gió heo may lại tản ra, rồi hợp lại, rồi tản ra như dùng dằng không dứt.

*

Chị dừng xe lại đầu ngõ, lặng lẽ đi vào nhà. Con ngõ dài quanh co trồng kín những bụi từ bi bàng bạc lá. Cũng lạ cái loài cây này, dù nắng hạ hay mưa giông, dù bão tố hay giá rét thì nó vẫn chỉ là một màu bàng bạc, buồn buồn. Vườn nhà giờ chỉ còn mỗi rau cải đã lên ngồng già, lún phún mấy bông hoa vàng sắp nở. Từ đó chị chẳng ra vườn nữa. Vì cứ mỗi lần chị định ra vườn, mẹ lại ngồi bên bậu cửa, nói chỉ đúng một câu lúc vui cũng như lúc buồn, chỉ khác mỗi hai từ cuối khi có, khi không là biết ngay thái độ: “Trồng làm gì, nhà có bao người mà trồng hở con?” hay “trồng làm gì, nhà có bao người mà trồng!” là chị biết ý mà đặt nhát cuốc xuống đất hay đem cất đi cho cụ khỏi buồn mà thôi.

*

Chiều nay, nhà yên ắng quá. Chị về đến đây rồi mà không thấy mẹ chạy ra mở cửa. Chị lặng lẽ đi vào nhà. Qua cánh cửa khép hờ, chị như không tin ở mắt mình nữa. Mẹ và Hải đang ngồi trước ipad của anh xem đoạn video một em bé chừng vài tháng tuổi đang khua chân múa tay như vòi bế. Mẹ vừa quệt nước mắt, vừa chạm tay vào màn hình lại vừa trách móc anh. Chị nghe rất rõ tiếng mẹ con anh nói chuyện.

- Cha bố anh! Sao anh giấu mẹ. Thằng cháu được đến chừng này rồi - rồi bà lại nấc lên - Biết ăn nói làm sao với con Thùy, mẹ thương nó đứt ruột.

- Thôi mẹ! - tiếng Hải nhỏ nhẹ cất lên - Con không biết phải nói như thế nào với cô ấy. Nhưng dù thế nào đi nữa con sẽ không bỏ Thùy đâu. Cô ấy đã vì mẹ con mình mà chịu nhiều thiệt thòi. Con thương cô ấy, thương đến biết ơn mẹ ạ!

Chị thôi không nghe nữa. Lặng lẽ bước nhanh ra ngõ. Nước mắt chẳng kịp rơi xuống đã bị gió thổi dạt sang hai khóe mắt lành lạnh. Chị đi như chạy, dù chị biết mình không phải là người phải trốn chạy. Nhưng cái việc mà chị mong chờ, chị định bụng nói ra đó tự nhiên khiến chị thấy mình như một kẻ ngu ngốc, ngây dại trước một sự thật ngang trái mà chị đã thấy. Chị như kẻ lạc đường khi xung quanh mình, những thứ thân thuộc phút chốc trở nên xa lạ đáng sợ.

Đang bước ra giữa khu vườn đất ẩm đen nhức ấy, chợt chị nhận ra một vài mầm bí chị thả lần trước đã bật mầm lên xanh. Có đôi cây khỏe đã bắt đầu ra tua, bò lan man ra đất...

Tháng 11/ 2015

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast