Gửi lời chào lớp Một: thơ của ai?

Cư dân mạng cho rằng bài thơ Gửi lời chào lớp Một trong sách Tiếng Việt lớp 1 (tập 2 - NXB Giáo Dục) giống với một bài hát thiếu nhi Nga.

Gửi lời chào lớp Một: thơ của ai? ảnh 1

Bài thơ Gửi lời chào lớp Một trong sách Tiếng Việt lớp 1 hiện hành - Ảnh: Thuận Thắng

Nghi vấn “cầm nhầm” thơ trong sách giáo khoa (SGK) đang đặt ra nhiều câu hỏi cần giải đáp.

Lớp Một ơi! Lớp Một! Đón em vào năm trước Nay giờ phút chia tay Gửi lời chào tiến bước...

Đã có biết bao thế hệ học sinh đi qua thời lớp 1 thuộc làu ít nhất là một đoạn trong bài thơ này. Những câu thơ cứ ngân nga như một thời thơ ấu tràn đầy kỷ niệm với bảng đen, bàn ghế, thầy cô, bút mực...

Mỗi lần sửa là rớt chữ ?

Ở SGK Tiếng Việt lớp 1 (tập 2) dưới bài thơ ghi tên tác giả là Hữu Tưởng. Người đưa nghi vấn đầu tiên về tác giả là nickname Tran Trung.

Trên trang cá nhân của mình, Tran Trung chia sẻ: “Internet thật là tuyệt! Nhờ nó mà tình cờ mình biết được bài thơ quen thuộc một thời Gửi lời chào lớp Một là lời bài hát trong bộ phim Liên Xô (cũ) Maruxia đi học, sản xuất năm 1948”.

Những độc giả khác truy tìm trên mạng thì thấy quả kịch bản của phim Maruxia đi học này có lời bài hát Nga tựa như bài thơ Gửi lời chào lớp Một trong SGK. Dòng trạng thái này của Tran Trung được nhiều bạn bè, cư dân mạng chia sẻ với nhiều câu hỏi.

Nickname Uyên Thảo Trần Lê cung cấp thêm thông tin: “Bài thơ này tôi nhớ học từ năm lớp 1 cách đây 50 năm, khi ấy người ta ghi là phỏng thơ”. Nickname Mai Anh cũng viết: “Bài này hồi mình học năm 1970 đã biết là của Nga mà”.

Qua tìm hiểu, được biết sau năm 1975, SGK lớp 1 có hai lần được sửa chữa. Lần chỉnh sửa thứ nhất là năm 1979, xuất bản năm 1981. Lần chỉnh lý thứ hai là năm 1989, xuất bản năm 1994. Sách Tiếng Việt lớp 1 được lưu hành hiện nay dựa trên bản chỉnh lý năm 1994.

Gửi lời chào lớp Một: thơ của ai? ảnh 2

Sách Tập đọc năm 1981 ghi chú ở phần tác giả bài thơ là "Theo Hữu Tưởng" - Ảnh: ThS Trần Mạnh Hưởng cung cấp

Trách nhiệm của người biên soạn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Đặng Thị Lanh, chủ biên của sách Tiếng Việt lớp 1 hiện hành, cho biết bản chỉnh lý sách Tiếng Việt lớp 1 năm 1994 dựa trên sách Tập đọc lớp 1 xuất bản năm 1981.

Lúc đó, sách vẫn đề tác giả bài thơ Gửi lời chào lớp Một là “theo Hữu Tưởng”. Còn với những bản gốc trước năm 1981, bà Lanh cho hay bà cũng không biết nên chưa có cơ hội đối chiếu.

“Tôi cũng không biết tác giả Hữu Tưởng là ai. Khi làm sách thì chúng tôi không thể gặp từng tác giả một. Chúng tôi chỉ trích lại theo nguồn (năm 1981) mà thôi” - bà Lanh nói.

Thạc sĩ Trần Mạnh Hưởng - người cùng tác giả Nguyễn Có được giao chỉnh lý sách Tiếng Việt lớp 1 năm 1989 - cũng xác nhận bài thơ Gửi lời chào lớp Một trong quyển Tiếng Việt lớp 1 hiện hành được trích lại từ sách Tập đọc lớp 1 năm 1981, ghi tác giả bài thơ là “theo Hữu Tưởng”, còn bản hiện hành để tên tác giả là Hữu Tưởng.

Theo ông Đào Duy Mẫn - nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, một đồng nghiệp cũ của ông Hữu Tưởng - thì ông Hữu Tưởng tên thật là Nguyễn Hữu Tưởng, nguyên viện phó Viện Khoa học - giáo dục trước đây, đã mất vào những năm 1980. Theo đánh giá của ông Mẫn thì tác giả Hữu Tưởng là một đồng nghiệp rất uy tín.

Như vậy, xung quanh tác giả bài thơ Gửi lời chào lớp Một đã có nhiều thông tin lẫn lộn - học sinh thuộc những năm 1970 cho biết bài thơ được phỏng theo một ca khúc Nga, học sinh từ năm 1981 đến nay hiểu là thơ của Hữu Tưởng.

Để giải quyết sự không rõ ràng này, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Người làm sách cần phải tra cứu lại những bản sách trước sách Tập đọc năm 1981, xem lại bài thơ có giống như bài hát Nga đã nói không. Nếu có, cần phải chú thích lại cho rõ”.

Thiết nghĩ đó là việc những người biên soạn cần làm cho một tác phẩm được đưa vào SGK.

Tạm dịch nghĩa lời bài hát tiếng Nga trong bộ phim Maruxia đi học (http://vault.exmachina.ru/1class/chapters/13/)

1/ Lớp một! Lần đầu tiên Năm ngoái đón chúng em Giờ chuyển sang lớp hai Chúng em chào lớp một.

2/ Phấn, bảng, tranh, bản đồ/ Cũng cùng em lên lớp/ Bàn học cũng cao hơn Như cùng em khôn lớn.

3/ Chúng em mến thương nhau/ Vì bạn em vững vàng/ Và cùng em bạn cũng Chuyển lên vào lớp hai.

4/ Còn cô giáo thì sao Chẳng lẽ bỏ rơi em? Không, cùng em cô giáo Cũng chuyển vào lớp hai.

5/ Và như thế đường vui Đều chân trong đội ngũ Cùng với lớp, với trường Cùng cả nước thân thương.

6/ Lớp một!/ Lần đầu tiên Năm ngoái đón chúng em Giờ chuyển sang lớp hai Chúng em chào lớp một.

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast