Hà Nội

Tôi định cư Đức đã hơn hai chục năm nay, nhưng năm nào cũng cố thu xếp công việc và tài chính để được về Việt Nam một lần. Thường tôi về bốn tuần, một tuần dành cho hai lần về thăm quê vợ Thái Bình, ba tuần còn lại hầu như chỉ ở Hà Nội.

Tôi sinh ra, lớn lên tại một trong năm cửa ô Hà Nội, ô Yên Phụ. Học hành, yêu đương, lấy vợ rồi sinh đứa con đầu lòng cũng ở đây. Giờ mẹ tôi và ông anh cả vẫn sống trong một căn hộ mặt phố, nơi từng chứa bảy anh em lít nhít, của ngôi nhà hai tầng được xây từ năm 1929, đúng năm sinh mẹ tôi. Thuở bé, đứng trên sân thượng của căn nhà, anh em tôi có thể nhìn thấy nước sông Hồng đỏ sẫm sát tận chân con đê, thấy Hồ Tây cũng xanh rười rượi với những cánh buồm nhỏ trước mặt.Tôi năng về, vừa để thăm mẹ, phần nữa để du ngoạn cho nguôi ngoai nỗi nhớ quê. Càng đi lâu càng nhớ, càng già, nỗi nhớ càng da diết hơn

Lần gần nhất tôi về vào cuối tháng 2 vừa rồi, ngay sau rằm tháng Giêng. 21 ngày ở Hà Nội chỉ có 2 ngày khô ráo, còn lại toàn mưa rả rích. Đường phố, cây cối, nhà cửa chỗ nào cũng ướt lép nhép.Vậy mà chả ngày nào không đội mưa ra đường. Lúc ra khỏi nhà sạch sẽ, bảnh bao. Lúc về bùn bắn từ đầu đến chân. Đôi giày đen vốn bóng nhoáng, giờ như hai cục gạch chưa nung. Lại nhận ra, bẩn đôi khi cũng có cái thú, mấy khi được sống bỗ bã khác với cách thường nhật. Chẳng riêng gì mình, Tây du lịch cũng khoái chen nhau đi dưới mưa, cũng dầm chân trong bùn, cũng xì xồ, cười nói vui vẻ. Trời khô ráo, đường xá sạch bong, chắc gì đã thích. Mà cái mùa xuân này, Hà Nội không mưa dầm thì cũng chẳng đúng vị. Mưa xuống cho tháp rùa bàng bạc ẩn hiện trong mịt mờ dăng dăng sau hàng liễu rủ trở nên lung linh, huyền bí, trầm mặc hơn.Tôi thích ngắm Hồ Gươm như thế - dưới mưa bay bay, tháp Rùa nguyên vẹn một vẻ cô tịch, rêu phong. Và mặt nước thì rất tĩnh lặng, như lòng người được chùng xuống trong một khoảnh khắc bình yên hiếm hoi. Trong khung cảnh ấy, một người xa xứ trở về, Hồ Gươm đã ngay trước mặt, vẫn thấy còn đây một nỗi nhớ nhung yêu thương da diết.

Tôi có cô con gái nuôi đang học Đại học Sư phạm Thái Nguyên, nhưng sinh ra tận heo hút vùng núi Cao Bằng. Thấy bố về cũng đòi xuống chơi Hà Nội. Thấy nó đi đứng líu quíu, mắt tròn, mắt dẹt, lúc ồ, lúc à. Tôi hỏi, gì vậy con?Nó bảo: Hà Nội hay nhỉ. Phố nào cũng giống phố nào.Không có bố, con lạc chết. Hỏi nó, thế con chưa xuống đây bao giờ à? Nó đáp hồn nhiên: Chưa ạ. Xuống rồi thì con xuống làm gì, tốn tiền bố. Nghe con nói thế tôi càng thêm hăm hở dẫn nó đi khám phá Hà Nội. Một lão già người Hà Nội xa xứ, một đứa con gái vùng cao chưa một lần thấy thủ đô. Tuy khác nhau tuổi tác, khác nhau gốc gác, nhưng cùng một ham muốn là biết Hà Nội cho tận cùng: Một người để thỏa sự hiểu biết, một người để thỏa nỗi nhớ xa quê.

Hai bố con dắt díu đi dưới mưa bay bay. Con bé sợ lạc thật nên cứ như trẻ lên ba, nắm chặt áo bố, dềnh dang trôi trên từng phố cổ. Tôi đưa nó đi nhể ốc ở Hàng Chiếu, ăn nộm bò khô nơi phố Hoàn Kiếm, hứng mưa chụp ảnh chân cầu Thê Húc... Rồi vào nhà Thủy Tạ, ngồi sát hồ, ăn kem cốc trong cái lạnh của mưa, của gió vừa ngắm nhà bưu điện thành phố phía đối diện, ẩn trong mưa như ản trong dải voan trắng mờ.

Nhìn mưa phùn dăng như sương lại nhớ tối hôm rồi, tôi cùng nhóm bạn lên Sen Đầm Trị Tây Hồ. Nghe nói mùa hè nơi đây đông đúc và ngồi đâu cũng ngào ngạt hương sen. Hôm tôi đến, mưa và vắng khách. Đầm sen chỉ còn là khoảng tối đen mênh mông thấp thoáng những tàu lá khô va xào xạc. Bên kia bờ hồ, những đêm trời trong, có thể nhìn thấy hàng đèn trên đường Thanh Niên sáng nhấp nháy. Vượt qua vòng cung vườn hoa Lý Tự Trọng là trường Bưởi xưa nổi tiếng, sau mang tên trường Chu Văn An, một thời tôi theo học.

Mấy anh em ngồi nhậu bên đầm sen, rảnh rang, hát hò, kiếm chuyện tán vui mấy em bồi bàn vốn sinh viên đại học. Vui, ấm áp và lâng lâng tình người.Nhậu xong cũng đúng giờ nhà hàng đóng cửa.Mình cùng thằng em ra đường đón Taxi.Đang ngơ ngáo trong đêm ven hồ. Bỗng có tiếng xe đi tới. Hóa ra hai em sinh viên cũng giờ về làm. Xe đạp máy thư thái, tay cầm ô che. Các em dẻo miệng: Các anh lên đây, chúng em chở về. Hai anh em lên xe, ngồi đằng sau, cầm ô che. Sương mù Tây Hồ chưa bao giờ đậm đặc thế.Nhìn chẳng rõ mặt người.Chỉ nghe tiếng em cười phía trước và, hơi sương hay hạt mưa nhỏ va mặt mát dịu.

Tôi có thằng bạn thân, học cùng lớp, ở cùng phố, nhà gần như đối diện nhau trên con phố Yên Phụ nhỏ, nơi có hàng bàng cổ thụ dày dịt nhất Hà Nội, và xa hơn, nơi cuối phố, là hàng cây cơm nguội cũng đẹp nhất Hà Nội chạy dài suốt từ khách sạn Thắng Lợi tới tận đầu Nghi Tàm. Ngày nào hai đứa cũng đi học cùng nhau. Cùng bám theo một em học lớp dưới tên Tám, nhà ở ngay đầu dốc đường Thanh Niên. Tám xinh lắm, da trắng, mắt đen, môi đỏ hồng và mái tóc dài mượt. Hai thằng cứ lẽo đẽo lặng nhìn Tám từ phía sau, nhìn đôi bím tóc dày lúc lắc sau lưng suốt năm lớp chín, qua năm lớp mười, mà chẳng bao giờ dám gặp tận mặt và nói được một câu.

Cuối năm lớp mười tôi nhập ngũ, huấn luyện trên Hòa Bình ba tháng rồi đi B. Hôm liên hoan chia tay, tôi ngồi nhà mình cùng bạn bè trong lớp, thấy bóng ai thập thò, vội chạy ra, không thể tin đấy là Tám. Em nhìn tôi, đôi mắt đen sáng rực, chưa kịp định thần, Tám đã dúi vào tay tôi một gói nhỏ rồi chạy biến, khuất sau những gốc bàng. Vào nhà mở ra, đó là chiếc khăn mùi xoa của Tiệp, thoảng thoảng mùi nước hoa Trung Quốc. Chiếc khăn đó như kỷ niệm về mối tình đầu trong trẻo thuở học trò theo tôi suốt những năm tháng trong quân ngũ. Đêm nào nằm võng trên Trường Sơn, tôi cũng đặt chiếc khăn lên ngực rồi ngủ thiếp sau một chặng hành quân dài lội suối, băng đèo. Thi thoảng trong giấc mơ của mình tôi ngửi thấy ngay bên cạnh mùi nước hoa ngọt dịu trên mái tóc dày của Tám, nghe cả tiếng guốc gỗ của em chạy trên vỉa hè lồi lõm những viên gạch đỏ trong đêm hôm nào rộn rã như tiếng cười .Cảm ơn hai em sinh viên nhà hàng, chỉ một đoạn đường ngắn ngủi đồng hành trong mưa mà như đã thân thiết, gần gụi.Nó giúp tôi trở về miền kỷ niệm, là ảo giác chứ không phải thật, sao vẫn bâng khuâng đến bồi hồi. Nhất là cái phút chia tay bên hồ, nhìn bóng em cầm ô xa dần cùng tiếng xe đạp máy trong bảng lảng sương khói Tây Hồ, cũng nhói tim, dù không khắc khoải, vì biết chắc không bao giờ còn gặp lại.

Tôi đưa con gái lên cầu Long Biên. Bầu trời xám xịt làm cây cầu vốn cũ kỹ càng thêm đen sì. Mưa nơi sông bãi như mau hạt hơn, gió thổi hun hút dọc con sông rộng, mùa này còn trơ bờ bãi. Nước dưới sông chỉ còn một dải hẹp, vài con thuyền mỏng mảnh đậu leo pheo. Hai bố con dang chân, dang tay chụp ảnh, ghé tai vào thanh cầu, nghe gió thổi u u. Gió thổi hồng bếp than, đưa mùi ngô nướng thơm nồng bay trong gió mênh mang. Tôi ngồi thẫn nhìn dòng người hối hả qua lại. Nhớ những chiều mùa đông cuối tuần của biết bao năm xưa, ngồi trên gióng ngang xe đạp, bố trở về từ nơi sơ tán, khi mặt trời lặn tím đỏ triền đê, cũng là lúc chạm chân cầu. Nhớ những đêm năm nào, từ chiến trường ra, chở người yêu lắc lư trên chiếc gác ba ga yếu của chiếc xe mifa màu cá vàng, vượt cầu từ mạn Hà Nội sang tận Đông Anh nơi có trại an dưỡng. Những kỷ niệm hoang hút cứ theo nhau ùa về. Nếu không trở về, nếu không ngồi chính nơi đây, kỷ niệm cũ tưởng đã xa thật xa.

Người ta đang tính bỏ cây cầu cũ này để xây vào đây một cây cầu mới có hàng chục làn xe qua. Nếu điều đó có thật, một ngày nào đó trở về sẽ không có bếp hồng, không mùi ngô nướng, không cả những nhịp cầu hoen gỉ màu thời gian.Kỷ niệm ơi, mi sẽ lấy đâu chỗ để tìm về? Những người tha hương khi tìm về quê cũ, nơi cây cầu, bờ ao, giếng nước, sân đình không phải để tìm về cái hiện hữu, mà nhờ cái hiện hữu còn neo giữ kỷ niệm xưa, để sống lại cái thời mà vĩnh viễn người ta không trở lại. Người cũ có thể xa khuất, nhưng vật cũ còn, ân tình của người xưa vẫn như ẩn dấu ấm nơi đây.

Tôi về Hà Nội nhiều lần nhưng chẳng lần nào dám tự điều khiển phương tiện giao thông trên đường, dù có đến 20 năm thâm niên lái xe ở xứ người. Đơn giản vì ở nhà đi đứng chẳng tuân theo luật lệ được quy định. Người xe đi lại như mắc cửi mà mạnh ai nấy đi. Xe nào phân khối lớn, còi to được chiếm quyền đi trước. Khi xảy ra tai nạn, phương tiện nào đắt tiền phải bồi thường cho các phương thiện thô sơ hơn, nhờ đám đông phân xử theo luật rừng, bất phân đúng sai về luật pháp. Nên cứ về đến Việt Nam, cho dù đi gần đi xa, tôi leo lên Taxi cho lành. Khổ nỗi 99% dân lái Taxi là người ngoại tỉnh nên đường xá nhất là các phố cổ họ mù tịt.May mà tôi là người Hà Nội nên toàn phải hướng dẫn cho họ vào, ra khu phố cổ.Nhưng khi ra đến những khu đô thị mới tôi lại ngô ngọng, còn họ lại thành thạo. Hình như Hà Nội với 36 phố phường chỉ đậm nét trong tâm trí những người Hà Nội gốc, đặc biệt những người Hà Nội xa xứ và ít nhiều cho những tìm hiểu của khách du lịch. Còn với những công chức mới, những người ngoại tỉnh di dân về Hà Nội, những khu Hà Nội mới mở mang mới là tâm điểm của một Thủ Đô văn minh, hiện đại mà họ chú ý.

Tôi thích ăn phở, thèm ăn phở từ nhỏ, nói nghiện cũng không oan. Nhưng ngày xưa lấy đâu phở mà ăn. Muốn ăn phở phải chờ ốm. Lần em gái tôi sốt cao, nhưng chẳng chịu nằm trong nhà, cứ tựa cửa nhìn ra phía Hồ Tây đang vàng vọt hoàng hôn.Mặt nó vốn đỏ vì sốt, càng đỏ ửng hơn. Mẹ bảo, con hỏi xem em có ăn phở không thì mua cho em một bát. Tôi ra hỏi, nó lắc đầu.Nhưng tôi nói vống, em bảo có.Mẹ đưa tiền, tôi cầm cạp lồng vọt ra hàng phở nhà bà Kim béo đầu phố. Lần nào đi mua phở tôi cũng nói giọng nài nỉ, bác cho cháu nhiều nước ạ. Lần nào nói xong bà ấy cũng đưa đôi mắt bé tin hin như muốn đổ sụp xuống vì mỡ, lườm mình một cái rõ dài, mà kết cục chẳng bao giờ cho thêm một giọt. Mang phở về đứa ốm có ăn được đâu. Lại mấy đứa khỏe tranh nhau ăn.Có tý phở chia sao nổi năm anh em, nên mẹ múc cơm ra bát chan cho mỗi đứa tý nước, tý cái.Mấy anh em sì sụp ăn, quên cả đứa ốm.Lần ấy em gái tôi bị viêm màng não.Sốt cao tới mức phải ngâm vào bể đá tới tím tái mới hạ sốt. Mẹ xót ruột cứ bế lên, được năm phút người nó lại nóng rẫy như hòn than, sợ quá lại bỏ xuống. Vì chuyện em ốm nặng suýt nữa thành phế nhân mà tôi nhớ mãi bát phở năm ấy.

Về Việt Nam gần như ngày nào cũng ăn phở. Không có bát phở vào mồm thấy như thiêu thiếu. Không ăn sáng thì ăn đêm. Ăn no rồi đi qua hàng phở, ngửi mùi phở, vẫn thòm thèm. Thằng cháu tới chở đến nhà bạn ăn cỗ. Đi qua hàng phở quen, bảo nó dừng lại, nó gàn. Chuẩn bị ăn cỗ rồi, ai lại ăn phở. Đi thêm đoạn nữa, cương quyết bắt nó quay lại.Sao thế chú?Tao nghĩ rồi, đến đấy bọn nó thọi rượu mạnh lắm. Thôi làm bát phở độn vào chống say. Nói thế thôi, tôi uống rượu cỡ như hảo hán Lương Sơn Bạc, ngại gì say. Chẳng qua bị phở nó “vật”, không ăn không được, thế thôi.

Khi về Việt Nam hăng hái, tung tẩy bao nhiêu, khi trở lại Đức lại ỉu xìu bấy nhiêu, như cánh buồm đang căng lộng bỗng mất gió. Từ sáng đến tối lăn hết từ giường ra đến Salon, ngủ vùi, ngủ dập như chưa từng được ngủ. Tới bữa cũng chẳng thèm ăn. Phải mất vài ba ngày dặt dẹo như thế, đến bước chân ra cửa còn ngại huống hồ đi đâu. Rồi thì quen giờ Việt Nam cứ ngày ngủ, đêm thức nữa chứ. Nằm trằn trọc không ngủ, thấy sao mà thèm đến thế một ly cà phê Hà Nội. Mà phải là cà phê vỉa hè. Còn nữa, nhất định, bên cạnh là một người bạn, với những câu chuyện bất tận không sao dứt được. Mới sang được mấy hôm, sao đã nhớ Hà Nội và bao người thân đến thế. Mẹ tôi năm nay đã gần 90, hôm tôi đi, đầu cứ gục vào ngực tôi, vai run run. Tôi ôm mẹ trong tình cảm yêu thương như ôm thằng con út tôi 12 tuổi. Cũng xoa xoa, vỗ nhè nhẹ vào lưng mẹ như xoa lưng và nói với thằng con trai hôm tôi về Việt Nam, giọng dỗ dành: Rồi con sẽ sớm trở về, mẹ ạ.

Đành trở dậy châm điếu thuốc rồi mở cửa bước ra ban công, gió ùa vào lạnh buốt. Từ khung cửa tầng hai nhà mình, tôi có thể nhìn thấy tháp truyền hình nổi tiếng của thành phố Berlin, thấy cột đèn giao thông chuyển màu, cả những vì sao li ti thức muộn trên nền trời đêm xanh tím. Ở Hà Nội nhìn đâu cũng thấy nhà cửa san sát. Rất khó tìm một khoảng trống đủ tầm mắt.Muốn nhìn thấy trăng vời vợi phải về quê, hay lên tận mạn Hồ Tây.

Cây cối Berlin đến cuối tháng ba rồi mà vẫn như mùa cây chết.Toàn những cành đen đúa đâm thẳng lên trời.Cố tìm mới gặp một cây bật mầm, nụ bụ bẫm, trắng nhoa nhoá trong đêm y như búp bàng Hà Nội khi chớm hè. Hôm ngồi với bạn bên cà phê Cộng, góc phố Hàng Nón, còn nhìn thấy cây bàng dày lá đỏ sậm, xao xác bay mỗi cơn gió về. Sang tuần quay lại, cây chỉ còn trơ cành. Cây bàng Hà Nội cũng nhạy cảm như con gái Hà Nội, hơi tý là buồn, hơi tý lại vui. Vừa trút xong lá, chỉ thêm vài tuần nữa, với đà mưa này, trời ấm thêm chút, nụ bàng lại bật nhua nhúa trên những cành khô khẳng, cho một mùa xanh lá mới.

Hà Nội so với Berlin dù không tận mắt, ai cũng biết Hà Nội bẩn, Berlin sạch. Hà Nội còn lúi sùi, lạc hậu, Berlin hiện đại, văn minh.Vậy mà mấy chục năm sống ở nơi đây lòng cứ đăm đắm hướng về nơi đấy. Đã sinh ra, lớn lên và gắn bó, có lạ gì từng góc phố, mỗi con đường, đến từng mùi vị mỗi món ăn như hương gió theo mùa của Hà Nội. Vậy mà cứ mỗi lần về là cả đêm trên máy bay mất ngủ, vẫn hồi hộp như lần đầu gặp lại.

Thằng con lớn, cũng đẻ ở Hà Nội giờ quốc tịch Đức, bảo:"Bố lạ thật, năm nào cũng về một đôi lần, chỉ loanh quanh ở Hà Nội, mà không biết chán. Nếu dùng số tiền ấy để đi du lịch, hơn 20 năm qua bố đã đi được một vòng quanh thế giới, mở mang biết bao nhiêu tầm mắt".

Định mắng nó một câu:"Trứng khôn hơn vịt". Nhưng ngẫm ra nó nói đúng. Mang tiếng hơn 20 năm xuất ngoại, mình đã đi được mấy đâu trên trái đất này, khi lòng chỉ nặng trĩu hình hài Việt và tiếng Việt, nhất là một Hà Nội, nơi chôn dấu bao kỉ niệm, dầu cho khi tôi về, vào mùa thời ẩm ướt, thời tiết trái kheo vẫn cứ đăm đắm nhớ nhung mãi khôn nguôi.

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast