Kẻ si tình nhất trong Truyện Kiều

(Baohatinh.vn) - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường, bạn bè chúng tôi tứ xứ về hội ngộ. Sau vài tuần ruợu, hỏi thăm nhau tình hình từ lúc ra trường, một người đặt câu hỏi:

- Trong Truyện Kiều, ai là kẻ si tình nhất?

Người đầu tiên cho rằng, đó là chàng Kim Trọng. Mới chỉ gặp Kiều một lần mà lúc trở về đã "nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây", rồi "nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân đi", khi đến không thấy gì, bèn "xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang”.

Mấy lần đến thấy nhà nàng "cửa đóng then cài", bèn giả vờ "lấy điều du học, hỏi thuê" nhà trọ gần nhà Kiều để chờ đợi gặp nàng. Mà thời gian chờ đợi đâu phải là ít, hơn một tháng trời, cứ "tường đông ghe mắt, ngày ngày hằng trông" sang nhà Kiều. Si tình đến thế là cùng!

Kẻ si tình nhất trong Truyện Kiều ảnh 1

Ảnh minh hoạ từ internet

Thế nhưng, đáp án này không được chấp nhận. Người thứ hai nói rằng, đó là Thúc Sinh, một người: "Trăm ngàn đổi một trận cười như không", dẫu người vợ ở nhà rất "tinh ma" và Kiều đã nói nàng là gái lầu xanh nhưng vẫn "đá vàng cũng quyết, phong ba cũng liều", cưới Kiều làm vợ lẽ.

Ý kiến này cũng sớm bị loại bỏ vì Thúc Sinh chỉ là tay ba hoa, khoác lác, không bảo vệ được người mình yêu trước phủ đường và người vợ "tinh ma", hành hạ Kiều trước mặt.

Người thứ ba nói rằng Từ Hải, một người "đội trời, đạp đất ở đời", "giang hồ quen thú vẫy vùng", thế nhưng: "Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều/ Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng". Chính vì quá si tình, nghe lời nàng Kiều để mắc mưu Hồ Tôn Hiến, kết cục phải chết đứng giữa trận tiền... Lý lẽ này vẫn không được chấp nhận.

Một người khác cho rằng, chính nàng Kiều là người si tình nhất. Ngay lần gặp gỡ đầu tiên "tình trong như đã, mặt ngoài còn e", khi Kim Trọng đã lên ngựa "người còn ghé theo", đến lúc trở về nhà, tâm trạng rối bời khi nghĩ về chàng Kim: "Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không?".

Gớm chưa, mới gặp nhau một lần mà đã tính tới chuyện trăm năm! Khi bố mẹ và hai em về sinh nhật ngoại gia, chính nàng đã "gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường”, chủ động đến với chàng Kim Trọng chơi cả ngày và rồi lại còn "xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" để đến thề thốt yêu nhau. Đây là một điều rất cấm kỵ dưới chế độ phong kiến. Chính nàng đã biết "nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha". Chỉ có si tình mới làm trái "thói nhà băng tuyết, chất hằng phỉ phong"!

Chúng tôi thấy lý lẽ người này đưa ra khá thuyết phục, vỗ tay tán thưởng, thế nhưng, người nêu câu hỏi vẫn lắc đầu. Có người bảo:

- Các nhân vật nổi bật trong truyện anh em đều nêu ra hết rồi mà cậu vẫn lắc đầu, thế còn ai nữa, cậu nói đi?

Tất cả chúng tôi đều hướng về người nêu câu hỏi, chờ câu trả lời. Sau khi nhấp xong ly rượu, anh chậm rãi nói:

- Chỉ có "người khách ở viễn phương" là si tình nhất. Người khách ấy mới chỉ nghe tiếng Đạm Tiên, chưa một lần gặp mặt, khi tìm tới nơi thì nàng đã mất. Thế mà người khách ấy đã: "Khóc than khôn xiết sự tình", rồi còn mai táng nàng rất chu đáo: "Sắm sanh nếp tử xe châu" (áo quan và cái linh xa). Các cậu xem, bây giờ, có đấng mày râu nào si tình đến mức vậy không?

Tất cả chúng tôi đều thán phục ý kiến thấu đáo của anh và thống nhất dùng "người khách ở viễn phương" để ví von những người si tình, giống như nói đến Kiều là vẻ đẹp, Hoạn Thư là ghen tuông, Sở Khanh là kẻ lừa đảo, Tú Bà là kẻ buôn bán trên thân xác người phụ nữ.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast