"Khắp nẻo giăng đầy hoa cỏ may..."

Một hồn thơ dung dị và tự nhiên, nồng nhiệt và đắm thắm, là nơi tựu trung của tất cả những mảng màu cảm xúc trong cuộc sống: có vui, có buồn, có hạnh phúc, có âu lo, có niềm tin và cả hoài nghi vụn vỡ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng nói âm vang từ đời sống rất thực, tiếng hát của một trái tim chân thành, nồng ấm với những khát khao yêu thương không bao giờ ngơi nghỉ...

Bởi thế mà Xuân Quỳnh được xem là một trong những thi sĩ viết thơ tình hay nhất trong nền văn học Việt Nam hiện đại từ sau năm 1945. Những thi phẩm đi từ chân trời của một người đến chân trời của nhiều người, ‘’Thuyền và biển’’, ‘’ Thơ tình cuối mùa thu’’.

Và, ‘’ Hoa cỏ may’’ là một minh chứng rõ nét cho điều đó.

Hoa cỏ may

Cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ

Không gian xao xuyến chuyển sang mùa

Tên mình ai gọi sau vòm lá

Lối cũ em về nay đã thu.

Mây trắng bay đi cùng với gió

Lòng trời như biếc lúc nguyên sơ

Đắng cay gửi lại bao mùa cũ

Thơ viết đôi dòng theo gió xa.

Khắp nẻo giăng đầy hoa cỏ may

Áo em sơ ý cỏ găm dầy

Lời yêu mỏng mảnh như màu khói

Ai biết lòng anh có đổi thay?

Thiên nhiên từ xưa đến nay luôn giữ vai trò quan trọng trong thơ ca, đó không chỉ là đề tài, nơi khơi gợi biết bao mạch nguồn cảm xúc ,đó còn là nơi kí gửi tâm tình, là nguồn thi liệu không bao giờ vơi cạn. ‘’Hoa cỏ may’’ mở ra đầu tiên bằng câu thơ viết về thiên nhiên với ‘’cát-sông-cây’’:

Cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ

Câu thơ 7 chữ với nhịp thơ 2/2/3 vẽ nên một không gian mênh mang, im lìm. Câu thơ giàu hình ảnh nhưng lại thiếu âm thanh. Sông đầy nhưng không có tiếng sóng gợn, có cây nhưng chẳng nghe thấy tiếng là xì xào. Chỉ với một chữ ‘’đầy’’ cũng đủ để Xuân Quỳnh gợi mở biết bao liên tưởng trong lòng độc giả, đầy nắng hay đong đầy những nước, hay là cả hai!

Không gian xao xuyến chuyển sang mùa

Điểm nhìn từ bến sông được mở rộng hơn, xa hơn. Bức tranh thiên nhiên dưới ngòi bút của Xuân Quỳnh sống động hơn khi nhà thơ khoác lên vạn vật sự sống, nghệ thuật nhân hóa đã được dùng khéo léo với hai từ ‘’ngẩn ngơ’’ và ‘’xao xuyến’’. Đất trời bao la đang lắng nghe tiếng vạn vật chuyển mình trong thời khắc giao mùa. Dường như trong khoảnh khắc chuyển mùa ấy thời gian trôi qua khẽ khàng hơn, gọi cả những kỉ niệm ùa về.

Tên mình ai gọi sau vòm lá

Lỗi cũ em về nay đã thu

Nhân vật ‘’em’’ xuất hiện một cách đầy ‘’tình cờ’’, thấp thoáng tiếng gọi cất lên sau vòm lá, là tiếng gọi của thời gian đã qua. ‘’Lối cũ’’ em về rải đầy biết bao mảnh kỉ niệm của những mùa thu qua.

Nhà thơ Xuân Quỳnh
Nhà thơ Xuân Quỳnh

Với lối tả chân, màu sắc thường kết hợp từ màu thực là một trong những đặc trưng rất riêng của thơ Xuân Quỳnh. Nhìn thế giới bằng bằng nhãn quan bay bổng, lý tưởng, thể hiện phong cách phóng khoáng, yêu đời, nữ thi sĩ Xuân Quỳnh thường chọn những gam màu sáng để tô màu cho bức vẽ riêng của mình. Này là màu trắng của mây, màu xanh biếc của trời…. sắc màu tươi sáng, rõ ràng của đời thực. Từ nét bút vẽ thiên nhiên ‘’ mây trắng bay đi cùng với gió’’ nhà thơ ‘’vẽ’’ cả tâm hồn mình bằng những vần thơ rất đỗi chân thực ‘’ lòng như trời biếc lúc nguyên sơ’’. Phép so sánh được khéo léo dùng để lấy một hình ảnh trừu tượng là ‘’ lòng người’’ so sánh với hình ảnh cụ thể ‘’trời biếc’’. Màu xanh gợi ngay cho ta đến niềm tin và hy vọng. Bởi lẽ mỗi một màu sắc có một thứ ngôn ngữ riêng, hiểu được ngôn ngữ của sắc màu đó bằng chính những rung động của trái tim, của cảm tính. Màu xanh trong câu thơ này gợi cho người đọc hình dung về tấm lòng thuần khiết của tình yêu thuở ban đầu. Sắc xanh ấy cũng đã được phủ đầy trên những dòng thơ của Xuân Quỳnh:

’ Và niềm tin cũng là ở đó

Tôi chẳng tìm mà đã có từ lâu

Như trời xanh sẵn có ở trên đầu…’’

( Trích Chúng tôi)

Hay:

’Cờ xôn xao trong nắng gió mùa thu

Trời mới xanh trước mỗi hiên nhà…’’

(Trích Những lớp người cùng bài hát ra đi)

Tâm trạng của nhân vật trữ tình được bộc bạch, giãi bày tự nhiên cùng đất trời cây cỏ

Đắng cay gửi lại bao mùa cũ

Thơ viết đôi dòng theo gió xa

Những nỗi niềm xưa, trăn trở, khổ đau,mất mát tất cả được nữ thi sĩ gói lại trong hai chữ ‘’ đắng cay’’ với một chút tình chua xót. ‘’Đắng cay’’ ấy là một phần của cuộc đời đã đi qua, đã in hằn thành kí ức. Và kí ức ấy dù tốt đẹp hay phủ kín nỗi buồn cũng là những mảnh ghép trong bức tranh muôn màu của cuộc sống. Bởi thế mà không thể vứt bỏ hay xóa đi mà chỉ là ‘’gửi lại’’. Gửi lại đắng cay để ta thôi ngoái nhìn về quá khứ, không ôm ấp những mộng đẹp đã vỡ tan mà chọn cho mình một tâm thế sống bình yên, than thản, tự do gửi vào ‘’ thơ viết trôi dòng theo gió xa’’

Hát với thiên nhiên khúc giao mùa vừa sang và đây là lúc nhân vật trữ tình hát với lòng mình

Khắp nẻo giăng đầy hoa cỏ may

Áo em sơ ý cỏ găm dầy

Lời yêu mỏng mảnh như màu khói

Ai biết lòng anh có đổi thay?

Hoa cỏ may- cũng chính là nhan đề của bài thơ được nhắc đến trong khổ thơ cuối bài, bởi đây chính là nốt trầm của cảm xúc, khoảng lặng của tâm hồn mà nhà thơ muốn chia sẻ. Hoa cỏ may, một loài hoa của đồng nội, không kiêu kì, không hương sắc, mộc mạc và bền bỉ, kiên cường đến lạ kì. Chỉ cần có gió thổi là cỏ may sẽ đặt chân đến bất cứ đâu. Hoa cỏ may ở đây biểu trưng cho tình yêu dung dị, cho hạnh phúc đời thường và cho cả khát khao được yêu đương nồng cháy, thủy chung. Trước khoảng không phủ đầy cỏ may đó, nhân vật trữ tình cất lên một câu hỏi khẽ khàng, không lời đáp: ‘’Ai biết lòng ai có đôi thay”

Ảnh: quehuongonline.vn

Thơ Xuân Quỳnh ghi lại xúc cảm rất thật của chính nhà thơ, là nốt vang của từng cung bậc cảm xúc trong tình yêu. Với khát khao hạnh phúc lớn lao, chính trong tâm hồn của người phụ nữ vẫn luôn tồn tại những lo sợ, những dự cảm,hoang mang. Trong sáng tác khác của mình, Xuân Quỳnh đã viết

‘’ Em đâu dám nghĩ là điều vĩnh viễn

Hôm nay yêu mai có thể xa rồi’’

( Trích Nói cùng anh)

Với thi phẩm ‘’ Hoa cỏ may’’, nhà thơ đã thể hiện sự tinh tế của mình khi đặt sự lớn lao của đất trời bên cạnh cái dễ vỡ của tình đời. Câu thơ cuối chưa đựng quy luật nghiệt ngã của tình yêu, bởi tình yêu là nhịp đập của trái tim nên lắm khi nó quay vần theo vòng xoáy của cảm xúc.

Một trong những bài thơ tiêu biểu nhất trong hành trình sáng tạo của Xuân Quỳnh, ‘’ Hoa cỏ may’’- 1 thi phẩm xinh xắn, gọn ghẽ với thể thơ thất ngôn. Với kết cấu mạch lạc, từ hướng ngoại để tìm sự đồng điệu nơi đất trời lúc sang thu để rồi quay trở về cái tôi để giãi bày tâm trạng. Không cầu kì, gia công trong ngôn ngữ và hình ảnh, chân chất, mộc mạc và ‘’cháy’’ hết mình với những cảm xúc rất thật, điều đó là làm nên sức sống bền bỉ của thơ Xuân Quỳnh trong lòng độc giả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast