"Khi người ta còn trẻ"

Hai người chạy vào được ngôi nhà ngũ giác xây trong công viên thì mưa to. Tiếng mưa nghe ù, ào như thác dội. Ông già ngồi soạn các cuốn sách, xếp thành chồng đặt lên chiếc ghế đá. Cuốn sách nào dính nước mưa, ông rút khăn tay cẩn thận lau từng chút một.

Vừa làm việc ông vừa nói với người thanh niên ngồi tạo với ông một góc tù:

“Cảm ơn anh nhiều lắm! Hôm nay mà không có anh, chắc sách của tôi thành cháo hết”.

Anh thanh niên vẫn lặng lẽ xem mưa, gần như không cử động.

“Có gì đâu ông ơi! Giúp nhau một vài việc lặt vặt là chuyện thường tình thôi mà”.

Ông vẫn còn cảm kích và rất muốn nói thêm một lời cảm ơn nữa.

Sáng nay. Như thường lệ, ông già bày sách ra trước cửa lối ra vào công viên Tự Do. Lúc ông dựa chiếc xe đạp cà tàng vào hàng rào thì có một thanh niên chạy lại giúp ông dỡ những chồng sách buộc vuông vắn trong những bao tải xuống vỉa hè. Xong việc, ông nhìn thanh niên rồi nói cảm ơn.

“Không có gì”. Anh thanh niên đáp lại rồi tiếp: “Cháu vừa dọn hàng cắt tóc tới đây. Mong ông giúp đỡ”. Ông già cười:

“Xin tự nhiên cho. Trời đất bao la. Chỗ nào cũng là đất của vua. Mình là thần dân như nhau. Chưa giúp gì cho anh thì tôi đã được giúp trước rồi”. Nhìn thanh niên đang chuẩn bị bước đi, ông tiếp: “Hóa ra hai ta đều là những nhà văn hóa lưu động cả”.

Anh thợ cắt tóc tỏ vẻ không thích, sợ bị mỉa mai bằng câu nói văn hoa. Giá như ông nói chúng ta đều là những kẻ bán hàng rong sẽ làm cho anh ta cởi mở và có thể rất dễ hòa đồng. Anh lừ lừ bỏ về phía bên kia lối ra vào, bày dụng cụ đồ nghề và treo một cái biển lên cành cây. Ông già cũng bắt đầu bày sách ra tấm vải tráng màng ni lon. Toàn sách bói toán xem tiền vận, hậu vận, ngày tốt xấu, xem tuổi vợ chồng...vài ba tập thơ mới xếp chen lấn với mấy quyển thơ nổi tiếng của những nhà thơ đã khuất bóng. Xong việc ông nhìn sang phía bạn hàng mới và chăm chú ngắm cái biển quảng cáo SIM ƠI.Lại Sim ơi! Mat-xa chân Sim ơi! Bún riêu Sim ơi. Cắt tóc Sim ơi! Rất có thể lại thêm một chiêu quảng cáo ăn theo.

Công viên hôm nay vào ngày nghỉ, khách ra vào đông hơn mọi khi. Trời trong xanh và mát dịu như hứa trước một ngày thu hoạch kha khá cho hai kẻ bán hàng vỉa hè.

Đã gần trưa. Trong khi anh thợ cắt tóc đã sang cái đầu thứ bảy. Thỉnh thoảng nhìn sang thấy ông già vẫn chưa bán được cuốn sách nào, vừa ngồi đọc thơ qua bản chữ Nôm, vừa dịch dần chiếc ghế về phía bóng râm của tán cây bằng lăng đang thu dần vào gốc.

Trời bỗng chốc nổi cơn mưa. Cơn mưa mùa hạ ập đến nhanh và rất dữ. Khách trong công viên đã chạy hết. Anh cắt tóc loáng một cái đã thu xong đồ nghề vào một chiếc hòm đóng không thể bé hơn. Ông già thì loay hoay với những quyển sách vừa nặng, vừa cồng kềnh. Thấy thế, anh cắt tóc lại sang giúp một tay chất hết sách, kể cả đồ đạc của anh lên chiếc xe đạp cà khổ rồi người đẩy, người kéo chạy vào ngôi nhà thì vừa vặn mưa to.

"Khi người ta còn trẻ" ảnh 1

Mưa như vắt áo. Mịt mùng những nước rồi lắm lúc đột ngột tạnh hẳn. Mặt trời lại hiện ra. Ánh nắng như từ một chiếc đèn chiếu khổng lồ chiếu xuống công viên, qua những cành cây đẫm nước. Những hạt nước mưa đọng trên lá, thu lấy ánh nắng rồi khúc xạ tán sắc ra muôn màu ánh sáng lung linh. Công viên vắng lặng. Tiếng nước nhỏ từ mái xuống lõng bõng. Hai kẻ lưu vong thu mình trên ghế, mặt ngoảnh ra cùng một phía. Ông già nhìn anh thợ cắt tóc và nhìn chiếc biển cắt chữ SIM ƠI dán đề can. Hồi lâu, cất tiếng:

“Cho phép tôi tò mò một chút. Tôi thấy cái biển lạ quá!”

Anh thợ cắt tóc không nói gì, khẽ đảo người về phía sau, tựa cằm vào thành ghế bê tông, mắt tiếp tục nhìn những hạt mưa rơi trong công viên. Ông già thấy trong đôi mắt có ánh mưa. Anh không trả lời ông mà hỏi lại:

“Ông bán sách đã bao năm”?

“Tôi sống nhờ sách. Ngồi ở đây đã được mươi năm. Thỉnh thoảng có đạp xe di chuyển đến một số địa điểm khác. Nhưng có lẽ tôi có duyên với công viên này”.

“Nhà ông ở đâu, có xa không”?

“Tôi ở làng Vạn Kiếp, cách đây ba chục cây số chẵn”.

Từ đó anh thợ cắt tóc không nói thêm gì nữa.

Trời đã về chiều. Không một lúc nào mưa tạnh hẳn. Nó cứ ào xuống một chặp rồi lại thánh thót rơi như mưa thu. Buồn không thể tả. Hai cái bóng cứ ngồi cô độc, chẳng ai nói với ai. Trời sâm sẫm. Bỗng có mùi khăn khắt. Không gian trở lạnh buôn buốt. Tiếng mưa lục bục nghe khác và lạ. Mỗi một hạt mưa, mặt đất trong công viên lại sủi lên. Mặt hồ. Mỗi hạt mưa rơi. Một tiếng nổ và nước bắn tóe lên.

“Mưa a xít!”

Ông già kêu lên. Cả hai người đứng phắt dậy. Anh thợ cắt tóc nhoài ra. Ông già kéo lại. Anh nhìn ông tỏ ý cảm ơn rồi đứng sát vào nhau.

“Cháu mới biết mưa đá. Hôm nay được chứng kiến trận mưa a xít”. Anh thanh niên mở đầu câu chuyện. Từ đây hai người cởi mở với nhau hơn.

“Tôi cũng thế. Hiếm khi ta mới được bắt gặp sự kỳ thú của thiên nhiên. Năm 1958 tôi đã từng được chứng kiến một cơn gió màu đen chuyển động từ Bắc xuống Nam. Đi đến đâu nó như dựng một bức tường thành màu đen đến đấy. Từng tiếng gió hú nghe như tiếng kêu khóc của hàng vạn oan hồn. Thật khó mà kể hết bằng lời bởi hình ảnh ghê rợn của nó. Nó phải được miêu tả bằng hình ảnh của máy ghi hình hiện đại, còn dùng ngôn ngữ thì chỉ đủ gói gọn bằng hai chữ kinh hoàng. Anh có nghe thấy những âm thanh kỳ dị trong mưa không? Có tiếng gì đó như tiếng thủy tinh đổ vỡ?”.

“Thế ạ”. Thanh niên cũng cố căng tai ra nghe nhưng chả thấy gì ngoài những tiếng lục bục và xèo xèo như tiếng đạn xé gió.

“Thế đấy! Thiên nhiên lạ lắm. Nhưng so với nó, con người còn lạ hơn”.

“Ông nói hay lắm. Chắc ông làm cái nghề bán sách nên được đọc nhiều, hiểu biết rộng”. Anh thợ cắt tóc tỏ ra thích thú hẳn.

“Những thứ đọc được cũng chả thấm tháp vào đâu so với những thứ đang xảy ra”.

“Ông nói đúng. Những điều trong sách tuy không thấm tháp vào đâu nhưng cũng có những thứ kinh khủng, có thể làm chết người đấy”.

Ông già ngạc nhiên lắm. Ông không hiểu ý tứ của anh. Anh định nói gì mà ông không hiểu, hoặc ông cũng chẳng bao giờ nghĩ tới. Ông nhận định anh thợ cắt tóc tuy hành nghề nặng nhọc nhưng dứt khoát không phải tay vừa.

“Sách mà làm cho chết người thì việc gì người ta phải gây ra chiến tranh”.

“Không đến nỗi to tát như thế. Nhưng có những cuốn sách hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp và có thể là tác nhân gây ra tội ác”.

“Có. Có loại sách gây tội ác. Nhưng sách văn học thì ngược lại, nó luôn lên án tội ác”.

“Chưa hẳn. Sách văn học lắm khi cũng dự phần trong thế giới tội ác. Một thứ tội ác mà ai cũng chúi đầu vào đọc, đọc xong chả thấy tội ác đâu! Văn học lên án tội ác, tuyên chiến với nó, nhưng có khi lại vô tình xúi bẩy tội ác”. Anh thợ cắt tóc càng nói càng hăng, rồi như muốn thuyết phục ông già bán sách. Anh nói lúc nãy ông có hỏi cháu về cái biển. Ông thấy lạ, đúng không? Tất cả những điều lạ đều có căn nguyên của nó. Bình thường thì người ta sẽ trình bày một cái bảng hiệu mang nội dung nghề nghiệp hoặc hàng hóa của mình. Còn cái biển kia, nó chả có ý nghĩa gì với việc mình đang làm, nhưng lại có tác dụng với một người, cảnh báo tới một người khác nữa. Anh ngừng một lúc rồi nói như tâm sự: “Cháu thấy ông là người lớn tuổi, hiểu biết rộng, lại giàu kinh nghiệm cho nên cháu chả muốn giấu ông làm gì, không khéo kể ra lại làm cho cháu thoải mái hơn. Vậy cháu sẽ kể vắn tắt cho ông nghe chuyện của mình. Nghe rồi, tùy ông kết tội sách thế nào là tùy ông”. Ngừng lời. Nhìn. Thanh niên bỗng nắm lấy cổ tay ông:

“Ông ạ, cháu đi tìm vợ và muốn tìm giết một người”.

Ông già bán sách như bị điện giật. Đứng đờ người.

“Sim là tên vợ cháu. “Sim ơi” là tên một cuốn sách. Một tay nhà văn nào đó đã từng quen biết vợ cháu. Tên chó đẻ ấy đã đem toàn bộ cuộc đời của vợ cháu viết nên một cuốn sách để bán”.

Hai người trở lại ghế ngồi. Ông già lập cập như vẫn chưa qua khỏi cơn xúc động, có phần lúng túng:

“Anh có điều tra được cái tay nhà văn và vợ mình thực có quan hệ với nhau không?”

“Chắc chắn!” Anh khẳng định rồi bắt đầu kể. Đêm tân hôn của các cặp vợ chồng là quan trọng lắm, phải không ông? Cháu cũng thế thôi. Cháu quen vợ cháu, à mà không, là vợ cháu quen cháu trước rồi chúng cháu yêu nhau. Đêm hôm cưới. Sau một ngày tổ chức mệt chão cả người, cháu vào đi ngủ. Lúc nằm xuống bên nhau thì bao nhiêu mệt mỏi tan biến đi đâu hết. Chúng cháu quấn chặt lấy nhau như những kẻ đói khát. Lúc định cởi áo thì thấy cô ấy vẫn cầm trên tay một cuốn sách. Chẳng thèm để ý, cháu định bỏ nó ra thì vợ cháu bỗng hỏi:

“Anh đã đọc cuốn sách này chưa?”

“Sách nào?”

Cô ấy đưa cuốn sách ra. Cháu cầm mà không thèm nhìn.

“Vớ vẩn. Để mai đọc có được không?”

“Không. Em hỏi thật là anh đã đọc cuốn sách này chưa?” Vừa nói cô ấy vừa giằng lấy cuốn sách. Cháu cầm vào tay cô ấy, lật xem tên – Là cái quyển sách mà cháu vừa kể cho ông đấy. Chó má! Nói thật, nhìn tên sách là cháu đã thấy khó chịu, làm cho người ta mất hứng, lại có cái tên Sim ơi gây cảm giác phiền hà. Nhưng lúc ấy cháu nghĩ cái tên ấy ngẫu nhiên trùng với tên vợ cháu chẳng liên quan gì, trùng tên là chuyện bình thường.

“Chưa. Anh không đọc”.

“Nói dối”.

Thấy bực mình.

“Tại sao anh phải nói dối? Anh không thích đọc sách. Đọc sách chỉ thấy buồn ngủ. Nói thật, cả đời anh nếu tính ra chưa đọc hết hai quyển rưỡi sách”.

Sim quay ra ôm chặt lấy cháu, nài nỉ:

“Anh cho em đọc nốt nó được không? Cả ngày công việc, anh cũng nên giữ gìn sức khỏe. Để mai được không anh?”

Thực tình lúc mới, ai chả chiều nhau. Vả lại đấy là ham mê của cô ấy. Cháu cũng muốn ngủ. Sau khi dặn cô ấy đi nghỉ sớm rồi hai đứa hôn nhau trước khi cháu nằm lăn ra như chết. Ông tính thanh niên mà.

“Thế quyển sách ấy viết cái gì?”

Anh thợ cắt tóc tỏ ra rất giận giữ.

“Nếu cháu mà biết trước cuốn sách ấy viết gì thì đâu đến nỗi thế này. Đêm hôm ấy, thỉnh thoảng thức giấc cháu thấy vợ mình nằm đọc mà nước mắt chan chứa. Cháu vẫn nghe những tiếng thút thít khe khẽ, giấu giếm. Lúc ấy cháu đâm ghen với cuốn sách. Chắc tiểu thuyết tình ái mùi mẫn thôi mà. Đến tận giờ cháu chỉ giận mình quá vô tình, giá lúc ấy cháu tỉnh hẳn dậy hỏi rõ ngọn nguồn thì đâu đến nỗi. Thật là vô tâm!”. Anh ngừng kể nhưng vẫn tự oán trách sự vô tâm ấy của mình.

Ngoài kia mưa đã ngừng rơi. Màn đêm trùm xuống công viên tự lúc nào. Mặt hồ phẳng lặng. Vô số sao trời phản chiếu, lấp lánh, làm cho nó phồng lên giống như một chiếc gương cầu lồi cực lớn.

“Sáng hôm sau dậy muộn. Lúc tỉnh dậy thì vợ cháu đã bỏ đi tự lúc nào. Cuốn sách vẫn để ở đầu giường. Cháu vội vàng đi tìm, hỏi thăm người nhà cũng không ai biết cô ấy đi đâu. Cô ấy bỏ đi không thư từ, không một lời nhắn, chỉ còn lại quyển sách. Cái quyển sách chết tiệt ấy!”.

“Nội dung của nó nói gì mà ghê gớm thế”. Ông già hỏi soắn ngay vào có vẻ như đặc biệt quan tâm tới nó.

“Thì ra cái gã nhà văn ấy đã quan hệ với nhà cháu, biết được tường tận cuộc đời của cô ấy, đã lợi dụng cô ấy để lấy tư liệu. Cháu là chồng cô ấy mà còn nhiều điều chưa biết hết. Chuyện kể về một cô gái tên là Sim. Cái đồ đểu giả bệ nguyên si tên cô ấy ra. Bố mẹ cô gái bỏ nhau rồi mẹ cô lấy chồng khác. Lúc lớn lên, cô bị thằng chồng của mẹ cưỡng hiếp nhiều lần. Cái thằng thú vật ấy còn lấy máu trinh nữ khoe khoang với cả làng, vợ hắn vẫn còn trinh tiết! Đứa con gái chỉ là đứa con hoang của chồng cũ. Mẹ cô là một người đàn bà ích kỷ và bệnh hoạn. Lúc biết chuyện, không những hùa theo chồng lại còn ghen tuông và hành hạ con gái ruột của mình. Cuối cùng Sim bỏ nhà đi ra thành phố kiếm sống. Nhưng thành phố không thuộc về cô. Cô hoàn toàn xa lạ. Một mình bơ vơ giữa thành phố. Cô làm thuê đủ các thứ nghề để sống. Chuyện dài kể lại quãng thời gian vật lộn, bi thảm của Sim nơi thành phố. Sau này cô gặp một anh thợ mộc, cùng cảnh ngộ khiến hai người đồng cảm và yêu nhau tha thiết.

“Tốt quá!”

“Vâng. Tốt! Rõ là hơn cả tốt. Đêm tân hôn. Anh chàng thợ mộc cẩn thận trải chiếc khăn trắng tinh lên chiếc chiếu cưới. Dòng họ nhà anh ấy ai cũng bắt buộc phải làm như thế. Cô dâu nhìn thấy sợ quá liền lấy lý do ra ngoài, viết vội mấy dòng để lại rồi lặng lẽ trốn đi.

“Thế cái cô Sim trong cuốn sách với vợ anh có hoàn cảnh giống nhau không?” Ông già tò mò hỏi. Mặt tái đi.

“Thì cái thằng cha lưu manh ấy nó bệ nguyên si hoàn cảnh, số phận lẫn tên thật của vợ cháu ra mà kể, đến cái bớt màu mực Tàu chỗ kín nó cũng bày ra cho thiên hạ đọc. Thật là độc ác! Cháu thề với ông, đưa được vợ cháu về nhà, dù có đi tới chân trời góc biển cháu cũng tìm bằng được cái tay nhà văn ác nhân ấy. Cháu phải kết liễu đời hắn”.

Ông già bán sách rong không nói gì. Câu chuyện làm cho ông xúc động mạnh, từng thớ thịt trên khuôn mặt già nhăn nheo lằn lên, giật giật trông rất sợ. Anh cắt tóc nhìn mặt ông thấy lòng nhẹ và ấm áp hơn. Mãi sau ông già mới hỏi tiếp: “Cuối cùng truyện kết thúc ra sao? Anh thấy thế nào?”

“Cháu chỉ đọc đến đoạn anh chồng biết chuyện cứ tự dày vò mình, xé nát cái khăn ra từng mảnh vụn. Thì ra trong thư cô ấy viết, cô không còn xứng đáng với anh nữa. Xấu hổ và sợ hãi. Thư còn viết cô yêu anh, mối tình đầu tiên. Cô đau khổ vì trinh tiết đã bị ăn cướp, nên đành ra đi để khỏi phụ anh, khỏi bị những người đàn ông trong họ chê cười. Đọc đến đấy, cháu vừa giận anh thợ mộc, vừa căm ghét tay nhà văn. Chỉ có một điều khác là hắn bịa ra cái anh thợ mộc. Cháu tìm hiểu và biết cảnh ngộ của cô ấy, còn cô ấy lại muốn giấu cháu. Cháu thề với mình là sẽ không bao giờ động đến chỗ bi thương ấy. Sim sợ bị mất cháu. Anh thợ mộc coi cái trinh đàn bà như một thứ linh vật rất thiêng của phụ nữ. Còn cháu, cháu cóc cần cái đó! Với công nghệ như bây giờ, ai cần đến mười cái cũng có. Cháu căm ghét tất cả đàn ông trong họ của anh thợ mộc. Có thể là do ghen với lão dê dượng đã tàn hại đời con gái mà cháu đâm căm ghét, muốn nhổ vào mặt gã bố dượng của cô ấy. Nhưng cái tên nhà văn vô lương kia còn làm cho cháu căm hận hơn. Hắn nỡ hại cuộc đời vợ cháu thêm một lần nữa. Không những thế nó còn như khiêu khích cả lòng tự trọng của chồng cô ấy. Một người đàn ông.

Ông già cúi gục đầu xuống, trong lòng dội lên đầy chua xót. Một người chồng yêu vợ, một người đàn ông bao dung. Ông đã hiểu hết sự tình. Anh chồng sau khi vợ bỏ đi đã quyết tâm đi tìm, lấy nghề cắt tóc rong làm kinh phí vừa tìm vợ, vừa truy tìm tung tích cái tay nhà văn để rửa hận.

Đêm hôm ấy, sau trận mưa a xít, bầu trời như được rửa sạch bụi bặm, hoen gỉ. Trời sao sáng như có trăng suông. Quá nửa đêm. Sao lặn. Công viên chìm sâu vào bóng đêm dày đặc. Anh thợ cắt tóc bỗng thấy người ớn lạnh. Anh nằm xuống ghế, run rẩy. Ông già ngồi xuống bên cạnh sờ vào thấy người anh bỏng rát. Ông hốt hoảng bảo anh ốm. Anh khẳng định mình vẫn còn khỏe mạnh, chỉ có trái tim rét lắm! Tim anh như bị ướp đá lạnh. Ông già lục chiếc khăn quàng chắn tóc cho khách, gấp lại và quấn vòng lấy ngực, lại lấy tấm vải bày sách đắp lên người anh. Xong rồi ông cũng bỗng thấy đầu mình giá buốt, như có chiếc khăn bằng sương muối quấn chặt lấy đỉnh đầu. Ông đưa hai bàn tay khẳng khiu ôm lấy rồi gục xuống chồng sách.

Sáng hôm sau mọi người đi tập thể dục. Công viên đầy ắp tiếng động khiến anh thợ cắt tóc tỉnh giấc. Anh mở mắt ra và hết sức ngỡ ngàng khi thấy mình đang nằm trên chiếc ghế đá trong ngôi nhà ngũ giác giữa công viên. Anh sờ vào tấm vải đắp trên người, nhớ ra ngày hôm qua anh với một ông già bán sách rong đã vào trú mưa ở đây. Mưa không ngừng rơi suốt cả buổi chiều khiến ông già không thể đạp xe về làng Vạn Kiếp, còn anh cũng không thể về được nhà trọ trong thành phố. Anh vươn vai đứng dậy. Không thấy ông già đâu. Sách trên ghế đã dọn sạch. Lối ra vào công viên cũng không thấy bóng ông đâu. Anh thợ cắt tóc rất đỗi ngạc nhiên, không hiểu chuyện gì xảy ra. Khi gấp tấm vải của ông già thì thấy có một lá thư rơi ra. Anh ngồi xuống và đọc:

Anh bạn thân mến!

Bỏ qua cho sự ra đi của tôi mà không chào anh một câu. Chúng ta đã ở với nhau một đêm trong công viên. Tôi được nghe kể một quãng của cuộc đời anh, anh bạn còn trẻ và rất tốt, thế mà tôi vô tâm quá, đến tên anh tôi cũng không biết. Cho tôi xin lỗi về sự vô tâm ấy.

Anh bạn thân mến.

Về nhà đi!

Vợ anh chắc chắn giờ này đã về.

Cuốn sách mà anh kể cho tôi nghe, rất tiếc anh đã không kịp đọc hết nó. Sau khi vợ bỏ đi, anh chàng thợ mộc kia may một chiếc áo trắng và thêu chữ Sim ơi lên trên. Anh ta mặc chiếc áo đó vào và đi tìm vợ. Anh đến tất cả các nơi mà vợ anh đã từng làm việc. Anh ấy đã lang thang trong mọi góc phố. Trong khi đó, vợ anh ấy sau khi suy nghĩ kỹ càng đã trở về thú nhận tất cả những việc xảy ra. Cô ấy tin tưởng rằng chỉ có sự thành thật mới làm cho con người càng gần gũi và yêu thương nhau hơn. Những người tốt trên thế gian này sớm muộn gì cũng được đền đáp đầy đủ. Anh cũng hành động như anh thợ mộc mà không hề hay biết.

Trở về đi!

Vợ anh chắc chắn đang ở nhà.

Còn tôi – tôi chính là nhà văn “chó đẻ”.

Người mà anh cần tìm.

Có điều tôi cần phải nói rõ cho anh biết: tôi với vợ anh không hề quen biết, không họ hàng, không dây mơ rễ má. Hoàn toàn xa lạ. Truyện tôi kể chỉ là câu truyện văn học, không phải truyện của vợ anh. Còn cái tên Sim là do tôi đặt, lại vô tình trùng tên với vợ của anh. Thật tình lúc mới đầu chợt nhìn thấy cái biển, tôi đã thoáng chút giật mình. Một lần nữa lại mong anh lượng thứ cho sự vô tình của tôi. Và còn một điều này, tôi ưa thích sự thật, sự thật làm động lòng khiến tôi viết nên những trang sách. Cuộc sống thế nào, tôi nói thế ấy. Không thể khác được. Bất chấp tất cả! Câu chuyện tôi kể mong sao cho con người đừng dửng dưng, đừng vô tình trước nỗi đau của người khác, vậy thôi!. Còn với cá nhân mình, có lẽ anh đã đúng; tôi đã sống từng ấy năm, tôi chỉ biết văn mà chả biết đời, đời đã sẵn có văn rồi, không còn cần đến tôi nữa. Đợi anh ở làng Vạn Kiếp. Tôi sống một mình. Không có vợ con. Không còn họ hàng thân thích. Tôi chỉ là độc cô hành, một kẻ dặt dẹo vỉa hè. Tôi chẳng có gì, chỉ để lại chút tình văn. Đời nhà văn phạm nhiều việc vô tâm, còn cuộc sống luôn vô tình với nhà văn.

Chúc anh hạnh phúc!

Anh thợ cắt tóc đọc xong lá thư và hết sức ngỡ ngàng. Anh cứ đọc đi, đọc lại rồi đưa mắt ngơ ngác lục tìm khắp công viên. Ngoài ấy, cuộc sống đang tiếp diễn vô cùng nhộn nhịp. Mọi người nhìn anh. Anh nhìn họ. Anh hối tiếc vì chưa đọc hết cuốn sách. Ông già bảo anh còn rất trẻ. Đúng, có lẽ bởi vì anh còn rất trẻ. Cuốn sách về cuộc đời anh vẫn còn những chương dài.

Theo Vanvn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast