Ký ức mùa bẫy cò

(Baohatinh.vn) - Tuổi mười hai, mười ba, không ai không hiếu động, đối với những cậu bé lanh lợi, thông minh lại càng hiếu động. Tôi cũng vậy! Nói đến mò cua, bắt cá, tôi khoái lắm, bẫy chim lại càng thích.

Ở làng tôi lúc bấy giờ, dọc 2 bờ sông Minh Giang, rừng bần mọc lên tươi tốt lạ kỳ, trở thành nơi tụ họp của các loài cò. Lá bần xanh rưng rức, thân cây bần vươn lên khỏi mặt nước, rễ cắm sâu vào bùn đất. Có lẽ những hạt phù sa của sông đặc sền sệt chính là nguồn dinh dưỡng tự nhiên bồi đắp cho cây bần nên nó ít khi vàng lá. Cò là loài chim rất khôn ngoan, vì rừng bần tán rộng lại nằm trong nước, vừa sạch, vừa đẹp nên thường tìm tới “nghỉ dưỡng” sau mỗi lần kiếm ăn.

Tuy nhiên, không phải mùa nào cò cũng ở đây. Loài cò quần tụ đông đúc nhất ở rừng bần dọc bờ sông này thường từ tháng 8 tới tháng 10, chúng vừa ấp trứng, vừa sinh con. Mỗi buổi chiều, cả đàn cò hàng trăm con từ xa lại hối hả bay về. Chúng sà cánh xuống rặng bần, vỗ cánh phành phạch, gọi nhau loạn xạ. Âm thanh rộn lên, những gia đình ở gần sông nghe đã quen thuộc.

Tôi đã từng được chiêm ngưỡng đàn cò bay về lúc hoàng hôn. Mặt nước sông Minh Giang soi bóng từng cụm mây hồng, mây trắng từ bầu trời cao vợi, yên tĩnh, thoạt nhìn, cứ ngỡ như thiên thần đang cắm trên rặng bần từng bông tuyết trắng xóa. Từng tổ cò sống khá trật tự. Tôi và anh Vĩ nhiều hôm cố tình theo dõi nhưng chẳng bao giờ thấy chúng tranh chấp, giằng xé nhau về ranh giới, thức ăn. Đàn cò rất có trách nhiệm trong việc ấp và nuôi dưỡng con, dẫu nó biết rằng, con lớn sẽ bay đi. Làng quê Việt Nam, nhất là những cánh đồng nằm theo triền sông nước như làng tôi được cò vẽ lên bức tranh quê tuyệt diệu.

Bỏ lại đằng sau những lời ân oán trong cổ tích “con cò và anh nông dân”, những hình tượng ca dao về cò, lớp trẻ chúng tôi thuở ấy không có niềm vui nào hơn khi được đi bẫy cò. Dạo ấy, gạo và thịt đâu có nhiều, kiếm được một con cò ai cũng thèm rỏ dãi. Trong cảnh bần hàn, được xơi thịt cò thấy “ấm chân răng”. Nhà nào bẫy được cò đưa ra chợ bán có thể đong được vài bơ gạo, cứu đói qua ngày. Chính vì thế, chuyện bẫy cò, săn bắt cò đã trở thành nghề phụ của dân làng tôi.

Còn nhớ, lúc đó, tôi mười hai tuổi, cao khoảng một mét rưỡi, nhưng chân tay vẫn gầy nhẵng như chân cò. Vì chuyên mặc quần cộc nên càng bắt nắng, đỏ như thỏi đồng hun. Anh Vĩ lúc đó đã cao hơn tôi một cái đầu. Khác với tôi, người anh tròn lẳn, chân tay chắc nịch. Để được một con cò lọt vào tay mình chẳng dễ tý nào, những người vụng về, chân tay lóng ngóng thì cả ngày chẳng bắt được con nào. Loài cò tinh lắm, nhìn thấy bóng người ở gần đã cất cánh bay. Nhưng ở làng tôi, một số người vẫn có “mẹo” nhử cò vào bẫy. Họ có thể bẫy ban ngày bằng việc đưa vài con cò mồi ra nhử. Trước khi đặt cò mồi, họ đã giăng bẫy bằng những cọc tre dài có bôi nhạ. Nhạ là một thứ nhựa cây đặc biệt, màu nâu trong, có độ dẻo và độ dính rất tốt. Chỉ vương vào một tý là chân cò dính ngay vào cọc tre, y như bị đóng đinh, càng cựa quậy, càng kiệt sức. Săn cò nguy hiểm hơn săn các loài chim khác, bởi mỏ cò dài, chúng sẵn sàng tấn công khi ai đó giở trò khiêu khích.

Ông nội tôi là người có kinh nghiệm bẫy cò và bắt cá. Tôi nhớ, có lần, ông lúi húi cả ngày đan dụng cụ đựng cua, đựng cá, dân làng tôi thường gọi là “con vịt” vì nó giống hình con vịt, có thể bỏ được hàng trăm con cá. Cái “cổ vịt” tuy rộng hoác nhưng lại thiết kế 2 lớp phía trong, “lớp tôi” phía trên nắp tre đậy kín. Những lúc ông khỏe, tôi và anh Vĩ đi cùng ông ra ngoài đồng, bãi. Nhìn vào vũng nước là ông đoán được nơi nào có thể tát được cá, bắt được cua. Có bữa, cả 3 ông cháu tát được cá chất đầy “con vịt”, cả nhà ăn hả hê một tuần. Sau này, do tuổi cao, sức yếu, ông không ra đồng cùng chúng tôi được nữa, nhưng đã truyền cho anh em tôi kinh nghiệm bắt cá trên đồng, bẫy cò trên sông Minh Giang. Anh Vĩ vốn tính cẩn thận và tiếp thu những lời ông chỉ bảo rất nhanh. Nhờ vậy, từ chuyện đi tìm kiếm nhạ tươi trên cây về phơi khô, ngâm tẩm thế nào để nhạ có chất dẻo rồi đổ vào ống nứa, anh đều khá thành thạo. Đi bắt cá, bẫy chim, bao giờ anh cũng rủ tôi đi cùng.

Có những lúc, tôi chẳng phải đụng chân tay vì trời quá tối mà chỉ đứng trên bờ chờ anh bẫy cò. Ban ngày, nhiều người tham gia bẫy nên có lúc, 2 anh em tôi phải về tay không. Chúng tôi chuyển sang bẫy cò ban đêm. Hễ ăn cơm tối xong, đom đóm bay lập lòe khắp ngõ, tôi lại lẽo đẽo theo anh Vĩ ra bờ sông. Anh sắm mỗi người một cây gậy tre thon dài, đầu gậy anh khéo léo tra nhạ, rồi hướng dẫn tôi làm theo.

Giống như lính trinh sát, 2 anh em dò dẫm từng cây một, xem cây nào có cò đang ngủ say, chúng tôi dùng gậy bổ vào tổ chúng, lập tức, cò bị dính ngay vào gậy, cứ thế, nhanh tay bắt. Những đêm sáng trăng, chúng tôi chẳng cần mang theo đuốc đèn mà vẫn thấy đàn cò ngủ say trên cây bần. Càng về khuya, hội bẫy cò càng đông, càng nhộn…

Hôm nay, tôi về lại quê hương, về lại con sông Minh Giang, bến cũ. Rừng bần vẫn xanh biếc, tán lá vẫn um tùm, còn thân cây bần thì xù xì, già cỗi. Tôi chợt bâng khuâng nhớ mẹ, nhớ anh, nhớ bạn bè với những tiếng cười vui vỡ cả ánh trăng thanh mùa bẫy cò thời thơ bé. Dạo từ đầu sông đến cuối sông, chẳng còn thấy lũ trẻ tụm nhau bẫy cò như chúng tôi thuở trước vì dân làng đã no cơm, ấm áo. Đàn cò tha hồ kiếm thức ăn trước cánh đồng xanh bất tận. Nhìn đàn cò vỗ cánh, cất tiếng gọi nhau, tôi lại muốn nói lời sám hối: Rằng thuở ấy, chúng tôi vì quá đói nghèo nên đã xem săn bắt cò như là một nghề để mưu sinh mà đâu biết rằng, việc làm ấy sẽ phá vỡ môi trường an lành mà thiên nhiên ban tặng. May thay, đàn cò không tuyệt chủng. May thay, lớp trẻ bây giờ đã nhận thức được và biết yêu đàn cò. Vì cò là bạn của nhà nông, bảo vệ nó là làm đẹp thêm bức tranh đồng quê muôn thuở...

Tháng 4/2016

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast