Lại nghe trống hội ngày rằm

(Baohatinh.vn) - Trong không gian hương đào mai còn phảng phất, hương trầm ngày tết còn vương vấn đó đây, thầy mẹ tôi lại chuẩn bị ra chợ sắm sanh cho một dịp lễ hội thiêng liêng mang đậm chất truyền thống: Rằm tháng giêng.

lai nghe trong hoi ngay ram

Lễ giỗ Vua Mai được người dân Mai Phụ (Lộc Hà) tổ chức vào 13 tháng Giêng hàng năm

“Cả năm được rằm tháng bảy/ Cả thảy được rằm tháng giêng”. Với người dân Việt Nam, ngày rằm tháng giêng là dịp dân chúng đi lễ đền, chùa, ước nguyện điều lành, cũng là dịp mời ông bà tổ tiên về đón cùng con cháu ngày rằm đầu năm mới. Bởi vậy, dù tết vừa mới qua đầu ngõ, thì nhà nào cũng thành tâm chu đáo lễ vật cúng ngày rằm tháng giêng.

Những ngày cận kề, thầy mẹ lại cho anh em chúng tôi về nhà thờ họ để quét dọn, sửa soạn, làm công tác chuẩn bị. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều nhà khác trong họ cũng đến. Mỗi người một tay, quét mạng nhện, rửa đồ thờ cúng, nhổ cỏ xung quanh khuôn viên nhà thờ... Người lớn nói chuyện con cái, ruộng vườn, trẻ con khoe nhau tiền lì xì ngày tết, các anh chị lớn hơn thì hỏi nhau chuyện học hành, chuyện đôi lứa gái trai... Ngôi nhà thờ họ tuy nhỏ nhưng dường như có một sức mạnh gắn kết, quy tụ tất cả con cháu cùng hướng về.

Vui nhất là những lần về tế họ. Thầy tôi tuy gia trưởng nhưng lại không phân biệt con trai, con gái về họ trong ngày tế lễ. Trong không gian mưa phùn bảng lảng xuân, các cỗ bàn được đặt ngay ngắn trong nhà thờ, từ xôi gà, hoa quả, bánh kẹo, hương vàng giấy áo... đủ màu sắc hài hòa. Trên bàn thờ, khói hương nghi ngút. Con cháu xếp hàng trật tự. Cụ tộc trưởng áo xiêm chỉnh tề quỳ đầu tiên. Đã thành thông lệ, không ai bảo ai, mọi người rất nghiêm trang, quy củ.

Khi trống chiêng vang lên, tộc trưởng cất lời cúng khấn, cả không gian dường như chìm vào hư không, linh thiêng, xúc động. Những lời cúng lúc gần lúc xa, hòa trong nhịp chiêng trống, gợi nhớ về lịch sử gây dựng họ tộc từ xa xưa, nhắc nhở con cháu gìn giữ truyền thống họ mạc… Già trẻ, lớn bé lần lượt thắp hương, nguyện cầu tiên tổ chứng giám, phù hộ cho những ước vọng trong năm mới thành hiện thực. Cuốn gia phả lại được bổ sung thêm những thành viên mới, những công trạng mới…

Bao giờ cũng vậy, lễ xong đến hội. Mâm cỗ xôi gà được hạ xuống, con cháu cùng nhau quây tròn hưởng lộc, chuyện trò trước sân nhà thờ. Trên nhường dưới, trẻ kính già… tạo nên một tết Thượng nguyên ấm áp, sum vầy trong những ngày đầu năm mới.

Người Việt mình dù đi đâu, làm gì cũng nhớ về tiên tổ, về nhà thờ họ trong ngày tết, dịp rằm. Tết đang vãn, rằm lại về, lại náo nức nghe trống hội đêm rằm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast