Một ngày trong đời

(Baohatinh.vn) - Vợ tôi đang hồi phục dần, da dẻ có vẻ tươi tắn, có thần sắc hơn. Nàng bảo ở lâu trong căn phòng chỉ nghe mùi cồn và thuốc kháng sinh ngộp thở quá. Nàng muốn đi dạo. Tôi nói sân bệnh viện chứ đâu phải công viên. Tuy vậy, tôi vẫn dìu nàng qua bốn khúc cầu thang từ tầng ba xuống tầng một, đến hành lang bệnh viện nàng chậm rãi đi trước, tôi từ tốn theo sau. Ngoài khuôn viên bệnh viện có những chiếc ghế đá đặt bên lối đi. Nàng chọn một ghế ở hướng đông rồi ngồi xuống.

Chiều thu, trời cao và trong xanh, gió yếu ớt mang theo hơi lạnh làm nàng khẽ rùng mình. Tôi ngồi chắn hướng gió, che không cho gió có cơ hội làm phiền nàng. Giá như ở một nơi nào khác, tôi sẽ ôm nàng vào lòng sưởi ấm cho nàng. Bệnh viện không phải nơi đây để chúng tôi ôm ấp.

- Thằng bé kháu khỉnh chưa kìa. Ước gì chúng mình có một đứa con như thế! - Nàng chỉ thằng bé lon ton bên mẹ nó đang tiến về phía chúng tôi.

Tôi lơ đễnh nhìn không chú tâm. Tôi bảo: - Em khỏe lên rồi chúng ta sẽ có con!

Nàng cầm tay tôi, hơi ấm từ tay nàng truyền sang cả người tôi. Nàng tựa đầu lên vai tôi. Quên mình đang ở trong khuôn viên bệnh viện, tôi quàng tay ôm nàng. Nàng thu mình nhỏ gọn trong vòng tay tôi.

- Kìa, bố Khánh. Mẹ ơi, bố Khánh !

Bỗng dưng tôi nghe tiếng gọi non nớt của thằng bé. Tay tôi xuôi luội. Nàng hết nhìn tôi lại nhìn thằng bé. Tôi sững sờ nhận ra mẹ con cô ấy. Ánh mắt cô ấy nhìn chăm chăm vào chúng tôi rồi đôi mắt buồn cụp xuống. Cô ấy kéo tay thằng bé:

- Đi thôi con!

Thằng bé đã đi qua, nó còn ngoái đầu nhìn lại, nói vọi:

- Bố Khánh! Mẹ đã nói cho con biết rồi! Bố bận chăm vợ của bố nên chưa tới thăm con được!

Tôi ngẩn người vì câu nói của thằng bé. Trông sang thấy vợ tôi vùng dậy hối hả chạy sấp ngửa. Như phản xạ tự nhiên, tôi chạy đuổi theo nàng, miệng nói trong hơi thở dốc:

- Em đừng hiểu nhầm!

Không thèm đáp lời tôi, nàng vừa đưa tay lên quẹt nước mắt, vừa hì hụi chạy, đôi khi lao cả vào những bệnh nhân chậm chạp đi bên hành lang. Nhiều người ngoái lại nhìn chúng tôi. Không biết nàng lấy đâu ra sức lực mà chạy nhanh đến thế. Theo được nàng tới phòng, bở cả hơi. Nàng vơ vội quần áo nhét vào túi xách, vẫn chưa hết giận dữ:

- Tôi ngờ ngợ chuyện anh từ lâu nhưng chưa có bằng chứng. Giờ thì rõ mười mươi! Không chạy chữa gì nữa. Tôi sẽ về. Anh cút đi với người ta. Tôi không cần anh!

- Thì em cũng phải để anh nói đã chứ!

- Tôi không nghe, không nghe! Nàng giơ tay bịt chặt hai tai. Tôi tới ôm ghì nàng vào lòng, nói:

- Em phải tin anh, chúng ta không phải là trẻ con. Bao năm sống với nhau đầu kề tay ấp, lẽ nào em lại nghi ngờ anh.

- Tôi thật khờ khạo khi tin anh - Nàng đẩy tôi ra - Mấy hôm ở viện đây, anh bỏ đi tận chiều, tận tối khuya mới về, tôi đã đi theo sau anh. Cứ nghĩ anh đi thăm người bạn tình cờ gặp trong viện. Sao tôi ngu dại thế! - Nàng đưa tay ôm ngực.

Nghe nàng nói, quan sát vẻ mặt của nàng, tôi bắt đầu thấy sự việc nghiêm trọng. Điều quan trọng là phải nói thế nào để nàng hiểu và thông cảm cho tôi.

- Anh thừa nhận anh quen biết họ. Nhưng…

- Anh định nói rằng thằng bé không phải con anh chứ gì? Rõ như ban ngày mà còn chối cãi. Anh không bằng một đứa trẻ con, chúng đâu biết nói dối! - Nàng cắt ngang lời tôi.

- Anh sẽ giải thích cho em! - Tôi khẩn thiết.

- Tôi mà thèm đi nghe lời giải thích của anh sao? Anh cút đi! Tôi không muốn nhìn thấy anh nữa! - Nàng sấn sổ xô đẩy, cấu xé tôi làm đầu tôi va vào tường đau nhói.

Nàng làm thế là quá quắt lắm. Tôi thấy sức chịu đựng của mình có hạn. Tôi sừng sộ: - Nó là con tôi, thì đã sao?

Nàng nhìn tôi, đôi mắt như mất hết thần khí rồi khụỵ xuống. Tôi lại đỡ nàng, thấy hơi thở nhẹ bẫng, tim nàng như ngừng đập. Tôi kêu như thét gọi bác sỹ tới. Bác sỹ hô hấp nhân tạo một lúc rồi bảo y tá đưa ngay bệnh nhân vào phòng cấp cứu.

Tôi ngồi ngoài hành lang, ân hận vì lời nói vô tình đã đẩy vợ đến chỗ nguy kịch.

* *

*

Năm ngày trước, khi nàng vừa tỉnh sau ca cấp cứu, bác sỹ bảo nên cho nàng ăn chút ít. Tôi chạy ào ra phố mua cháo cho nàng. Đang hớt hải đi vào thì nghe có tiếng ai đó gọi:

- Anh gì ơi, cho hỏi phòng cấp cứu khoa nhi ở đâu nhỉ?

- Tôi không biết - Tôi đáp mà không nhìn. Nghe giọng nói quen quen, tôi ngoảnh lại. Tôi nhận ra cô ấy: - Hạnh, em đi đâu thế này?

- Con em tự nhiên khó thở. Em không biết cháu bị gì?

- Bố cháu đâu, sao lại phải để em vất vả một mình?

Hạnh nhìn tôi, không nói. Một lúc tôi chợt nhớ ra chuyện buồn vì bị người tình phụ bạc của Hạnh. Tôi xin lỗi Hạnh. Hạnh bảo không sao. Tôi nhìn thằng bé, xanh như tàu lá héo oặt người trên tay Hạnh. Biết là vợ đang chờ nhưng thấy thằng bé như thế tôi không nỡ bỏ đi. Tôi hỏi hết người này người khác và rồi cũng đưa thằng bé tới được nơi cấp cứu. Khi thằng bé đã nằm trên bàn cấp cứu, tôi nói với Hạnh:

- Anh đưa cháo về cho vợ rồi sẽ quay lại ngay.

Hạnh im lặng.

Tối hôm đó, sau khi bón được chừng nửa bát cháo mà thuyết phục lắm nàng mới chịu ăn, tôi nói với vợ là muốn đi dạo mát một chút, nhưng ra khỏi phòng, tôi lại ù chạy tới phòng cấp cứu khoa nhi. Tại đây, bác sỹ bảo thằng bé đã về phòng số 16. Tôi nhận ra ngay mẹ con Hạnh ở giường phía trong. Tôi chào mấy người cùng phòng trước khi bước vào. Thằng bé nằm, toàn thân phủ một cái chăn mỏng chỉ trừ mỗi khuôn mặt. Thằng bé vẫn yếu nhưng trông không còn xanh xao như khi mới vào viện. Đôi mắt nó đờ đẫn nhìn tôi. Hạnh nói bác sỹ chẩn đoán bị viêm phổi. Như để chứng tỏ cho tôi thấy, thằng bé cứ co người lên ho sù sụ. Hạnh ôm nó, vuốt ngực nó mong cơn ho chóng qua. “Nước! Nước!” – Thằng bé thều thào. “Mẹ sẽ đi mua cho con”. Hạnh nói rồi ủ thằng bé xuống giường. Hạnh nhờ tôi trông thằng bé, đi nhanh ra khỏi phòng. Tôi hỏi thằng bé có đau lắm không? Nó nhìn tôi, đôi mắt mệt mỏi. Sau đó tôi có hỏi gì nó cũng không nói. Hạnh về, rót nước sôi ra ly thủy tinh, thổi phù phù cho bớt nóng rồi đưa cho thằng bé. Tôi ngồi thêm một lúc rồi chào từ biệt mẹ con Hạnh ra về.

Sáng hôm sau, tôi có việc phải về quê. Đi qua khoa nhi, bỗng nhiên tôi lại nhớ tới mẹ con Hạnh. Tôi muốn biết thằng bé đã đỡ hơn chưa. Tôi tạt vào, định bụng sẽ ở một lúc rồi về. Hạnh bảo mẹ con Hạnh cần một ít đồ dùng, ở nhà có cả nhưng đường xa không nỡ bỏ con một mình, muốn ghé ra phố tìm mua. Hạnh nhờ tôi trông thằng bé. Đi nhanh nhé. Tôi nói vọi theo. Hạnh tất tả ra đi. Thằng bé trở mình nhìn tôi. Tôi cười với nó. Nó đáp lại bằng nụ cười mếu máo, trông tồi tội nhưng cũng rất đáng yêu.

- Cháu học lớp mấy rồi? – Tôi hỏi.

Nó giơ hai ngón tay lên trả lời.

- Lớp hai à! Học có giỏi không?

Nó không nói không rằng.

Cứ thế tôi lên tiếng hỏi, nó trả lời bằng cử chỉ, những cử chỉ ngồ ngộ. Tôi cứ cười suốt. Tôi thấy yêu và gần gũi thằng bé vô cùng.

Tôi nói chuyện với thằng bé, quên cả việc mẹ nó đi quá lâu. Xem đồng hồ thấy Hạnh đã đi được gần hai tiếng. Đường về nhà tôi gần 50 cây số chứ ít ỏi gì. Chiều, tôi lại phải còn tới viện nữa. Tôi cứ bồn chồn trong người.

Hình như thằng bé biết được băn khoăn của tôi, nó bắt đầu lên tiếng, giọng yếu ớt:

- Bác có việc thì cứ đi đi. Cháu ở một mình được, không sao đâu.

- Nói dại nào. Để cháu một mình bác đi sao đành. Bác đã hứa với mẹ cháu rồi mà - Tôi bảo.

Đợi ba mươi phút nữa vẫn chưa thấy Hạnh về. Mấy phụ huynh cùng phòng thằng bé bảo tôi có việc thì cứ đi, họ sẽ trông thằng bé cho. Tôi thấy không đợi được nữa nên đành nhờ họ trông giúp thằng bé.

Về đến nhà rồi tôi vẫn cứ còn áy náy. Áy náy về nhiều chuyện. Quá vãng cứ hiện về. Kỷ niệm bao năm tưởng đã ngủ quên giờ bị đánh thức. Ngày trước Hạnh đã rất yêu tôi. Tôi đọc được điều đó qua ánh mắt và những bức thư Hạnh gửi. Tôi thấy mình có cảm tình với Hạnh nhưng không biết có nên xem đó là tình yêu hay không? Yêu gì mà không tương tư, không nhớ nhung, không ghen tuông. Đọc thư Hạnh hay đối diện Hạnh, thấy thoáng qua trong lòng chút xao xuyến nhưng nó như gió thoảng mùa hạ, đến đó rồi qua nhanh. Tôi nhút nhát. Hạnh có hơn gì. Khi Hạnh nhận công tác ở xa, thi thoảng chúng tôi có gửi thư cho nhau, chỉ toàn nói chuyện công việc giảng dạy của hai người, có chêm vào đôi câu hỏi thăm sức khỏe. Cảm nhận thấy tình cảm chẳng đi đến đâu, tôi rút lui, không viết thêm một lá thư nào nữa. Tôi có nhận được thư Hạnh thêm một vài lần, nhưng không hồi âm. Có lẽ lâu dần nhận thấy sự im lặng của tôi là một cách tôi trả lời nên Hạnh cũng không liên lạc nữa. Đùng một cái, nghe tin Hạnh được chuyển về quê công tác. Hạnh còn đưa người yêu đến phòng tôi chơi. Tôi thực sự cầu mong cho Hạnh được hạnh phúc.

Sang năm học mới, tôi chuyển công tác về thị trấn. Rất lâu sau này, nghe một người bạn kể lại, tôi mới biết mối tình đó của Hạnh cũng dang dở. Rồi nghe tin Hạnh phải vượt cạn một mình.

Tôi gặp được vợ tôi bây giờ và chúng tôi tổ chức hôn lễ trong hân hoan và tràn đầy hy vọng vào tương lai hạnh phúc. Tính đến nay đã bốn năm ròng, chúng tôi vẫn chưa có con, mặc dù vợ chồng tôi đã đi khám và điều trị nhiều nơi. Nhiều người khuyên chúng tôi nên xin một đứa con nuôi rồi sau sẽ con đàn, cháu đống, nuôi không xuể cho coi. Đã có lúc tôi nghĩ đến điều đó. Nàng lại bảo có người cưới nhau dăm bảy năm mới sinh con, mình mới bốn năm lo gì.

Ừ, anh không lo, anh chỉ mong tình yêu chúng mình sớm đơm hoa, kết trái. Tôi vỗ về, bỗng nhiên nàng ngất xuội đi. Tôi cấp tốc đưa nàng vào viện. Không phải vì buồn bã dẫn đến suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể như nhiều người vẫn nói, nàng bị hẹp van tim. Bệnh viện huyện không có đủ thiết bị điều trị, vợ chồng tôi đưa nhau vào viện tỉnh. Bệnh viện yêu cầu phải có giấy giới thiệu từ tuyến dưới mới đủ thủ tục giải quyết bảo hiểm. Tôi phải về quê xin giấy tờ. Suốt cả buổi chiều, chạy vạy nơi này, nơi kia, cuối cùng cũng xong. Lại tất tả vào thị xã.

Trời đã tối, bệnh viện mở cửa cho người nhà vào thăm bệnh nhân. Tôi đi trong dòng người đông đúc, tay xách đầy quà cáp. Tôi mua thêm cả chục quả cam cho thằng bé.

Phòng hơi vắng. Hai thằng bé ở giường bên kia đang nô đùa ngoài sân. Không thấy cô bé ở giường ngoài. Hạnh bảo cô bé đã được xuất viện. Hạnh xin lỗi vì buổi sáng đã đi quá lâu.

- Không sao! Bác chỉ lo cho thằng cún con ở một mình thôi - Tôi nói rồi trao túi cam cho thằng bé. Thằng bé ôm túi cam, lí nhí cảm ơn.

Tôi hỏi thăm Hạnh về việc điều trị cho thằng bé. Tôi đã ngồi quá lâu, quên cả giờ giấc, nếu như thằng bé không nhắc tôi:

- Bác có con không? Sao bác không về với các con bác?

- Nếu con bác đáng yêu như cháu, bác sẽ ở bên nó thường xuyên! - Tôi xoa đầu thằng bé.

- Bác là bạn của mẹ cháu? Bạn tốt thật chứ? - Thằng bé lại hỏi.

- Ừ, nếu không thì bác đã không đến đây với mẹ con cháu - Tôi ôm nó, kéo đầu nó vào ngực mình. Nó để yên, dường như không động đậy.

Tôi nhìn đồng hồ. Đã hai mươi mốt giờ. Tôi đứng dậy chào từ biệt Hạnh rồi cúi xuống nói với thằng bé: - “Tạm biệt cháu yêu. Cháu chóng lành bệnh nhé. Nhất định bác sẽ trở lại thăm cháu!”. Thằng bé nhìn tôi, khẽ gật đầu.

Về phòng với vợ, tôi đưa giấy tờ cho vợ. Định kể cho vợ nghe chuyện thằng bé nhưng rồi lại thôi. Tối hôm đó, tôi nằm trằn trọc. Khát vọng có một đứa con lại cháy bỏng trong tôi. Đôi mắt xanh tròn, miệng cười hiền, lời nói trong trẻo của thằng bé cứ âm vang mãi trong đầu tôi. Sao lại có người bố từ chối đứa con tuyệt vời như thế nhỉ? Dằn vặt tự hỏi mình, khát vọng, ước mong… Rồi tôi lại xua tay. Con cái là của trời cho, không phải cứ muốn là được. Ánh sáng làm tôi lóa mắt. Mặt trời đã lên cao.

* *

*

Sau cơn nguy kịch, tôi đưa vợ về phòng. Bác sĩ khuyên không được làm nàng quá xúc động, phải biết kiêng giữ. Tôi đã tránh không làm một chuyện gì khiến nàng xúc động mạnh. Nàng cứ đay nghiến tôi lừa dối cô ấy, rằng ra viện, nàng sẽ viết đơn li dị, nàng không thể chịu đựng hơn được nữa. Tôi lặng im chịu trận, biết rằng nói gì lúc này cũng không xoay chuyển được tình thế, cứ để nàng nghĩ vậy, phân giải sau.

- Đàn ông các anh có ngàn vạn lý do để biện hộ cho mình - Nàng thổn thức.

Mẹ con Hạnh bất ngờ xuất hiện. Thằng bé cứ lấm lét nhìn, không nói. Trông nó thật tội nghiệp. Hạnh dàn dụa nước mắt. Cô ấy quì trước mặt vợ tôi, nói:

- Lỗi tại mẹ con em. Mẹ con em không mong chị tha thứ. Chỉ xin chị đừng trách anh ấy.

Mắt vợ tôi đẫm nước. Tự dưng, vợ tôi lau nước mắt, nói với cô ấy:

- Tôi phải gặp riêng cô! Tôi cần nói chuyện riêng với cô!

Thằng bé bước giật lùi rồi chạm vào người tôi. Nó giật mình định lùi ra nhưng thấy ánh mắt vợ tôi đăm đăm hướng về nó, nó lại đứng im. Thằng bé thộn mặt như mếu mà không dám khóc. Người tôi chạm vào thằng bé, tôi cũng không hề cử động. Trông tôi lúc đó chắc cũng tội nghiệp không kém gì nó.

- Anh đưa thằng bé ra ngoài chơi! Tôi nghe tiếng vợ đanh gọn, không tin đó là sự thực. Để đến lúc vợ tôi nhắc lại lần thứ hai tôi mới miễn cưỡng ra hiệu cho thằng bé. Rồi thằng bé đi trước, tôi bước sau, không chạm nó, chúng tôi ra ngoài.

Chẳng biết Hạnh và nàng đã nói với nhau những gì mà sau đó, khi mẹ con Hạnh ra về, nàng không nhắc lại chuyện thằng bé nữa. Tôi thì cứ sống trong nơm nớp không biết nàng đang có âm mưu gì. Dĩ nhiên, tôi không dám gợi lại chuyện cũ. Tôi cũng không dám lại khoa nhi một lần nào nữa. Cho đến khi vợ tôi xuất viện, tôi cũng không biết bệnh tình con trai Hạnh như thế nào, thằng bé đã ra viện hay chưa.

* *

*

Đúng ngày đáng nhớ ấy, năm sau.

Hạnh cầm máy ảnh ngắm nghía góc độ, miệng liến thoắng:

- Nào con trai, đứng sát vào bố Khánh, cười tươi lên, thế mới có được bức ảnh đẹp chứ !

Vợ tôi từ trong nhà đi ra, khệ nệ với cái bụng sắp đến ngày sinh nở, nhìn chúng tôi mỉm cười.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast