Mùa trám

Mỗi lần chạm cái vị thơm chan chát lại vừa béo ngậy của quả trám, tôi lại nghĩ đến những năm đói khổ của ông bà, cha mẹ tôi...

Tản văn

Khi trong gió đã âm ẩm hơi lạnh, người dân miền núi quê tôi lại lên rừng hái trám về làm thức ăn. Trám có 2 loại: đen và trắng nhưng ở quê tôi hầu như chỉ phổ biến loại trám vỏ đen nhánh, thịt màu tím thẫm, khi chín có vị rất bùi. Xưa kia, trám là một trong những loại thức ăn dự trữ quen thuộc của người nông dân trong mùa đông. Những bàn chân thuộc lối núi rừng cứ cữ tháng 7, tháng 8 âm lịch lại men theo đường cũ đến gốc trám quen hái chia nhau mang về. Cây trám còn được nhiều người trồng trong vườn để lấy quả. Trám có thể chế biến được rất nhiều món và những ai hợp khẩu vị thì đây là món rất “đưa cơm”.

Trám chín bằng cách om vào nước hẩm, nếu lạnh quá trám không chín, nhưng nếu nóng quá thì thịt trám sẽ cứng đanh lại không thể ăn được. Người quen thì chỉ cần nhúng ngón tay vào thử độ nước, còn những người mới làm thì cứ theo công thức “3 sôi, 2 lạnh” sẽ có được nồi trám chín mềm, béo ngậy. Sau khi được om mềm, người ta có thể chế biến được rất nhiều món. Ăn cùng cơm nóng có thể chế biến thành món trám chấm ruốc bể, trám nhồi thịt kho, trám kho cá rô đồng, xôi trám… Đặc biệt, đàn ông, trai tráng quê tôi còn sáng tạo món trám cuộn rau sống cùng thịt ba chỉ làm mồi nhậu có hương vị rất riêng.

Quê tôi là một vùng chịu nhiều thiên tai. Có lẽ vì thế nên người nông dân luôn chuẩn bị sẵn sàng thực phẩm dự trữ trong mùa mưa bão. Cùng với cà, nhút muối thì trám muối cũng là một trong những loại thức ăn để lại dấu ấn sâu đậm trong ký ức nhiều thế hệ. Muối trám cần sự khéo léo, tỉ mỉ bởi khi đun trám đã om chín với nước muối nếu để lửa quá to, nước sôi mạnh thì quả trám sẽ bị nứt khiến thịt trám ngấm quá nhiều nước muối, khắt lại mất vị bùi đặc trưng.

Cha mẹ tôi kể lại, có những lúc đi làm đồng về, được một bát cơm chăm (gạo đỏ) không độn khoai ăn với trám muối thì không gì bằng. Có lẽ cảm xúc ấy, mùi vị ấy là ký ức không bao giờ quên của những người cùng thế hệ với cha mẹ tôi.

Trám bây giờ không còn là thức ăn phổ biến của người nghèo nữa mà đã trở thành đặc sản khó tìm trên chính miền sơn cước. Bây giờ ít người đi rừng hái trám nên bán ở chợ chỉ là trám vườn với số lượng ít ỏi. Ngày xưa, trám được bán theo đơn vị trăm quả nhưng bây giờ người ta bán chục, bán cân, đắt ngang thịt cá. Ấy vậy mà cũng chẳng có để mua, phần thì do chủ vườn để lại ăn, phần thì do người ta tìm mua tận vườn. Hôm trước, tôi nhận được một gói quà là mấy cân trám, tưởng như không có gì mừng rỡ hơn. Người gửi nhắn: “Muối mà ăn dần chứ phải đặt trước mới mua được đấy! Không phải có tiền là mua được đâu”!

Mỗi lần chạm cái vị thơm chan chát lại vừa béo ngậy của quả trám, tôi lại nghĩ đến những năm đói khổ của ông bà, cha mẹ tôi. Cuộc sống chẳng có gì là bất biến. Thế nên, món ăn chống đói ngày xưa giờ thành đặc sản hiếm cũng nên xem là chuyện bình thường. Chỉ cần mỗi khi trời trở lạnh, đứa con miền sơn cước ở phố là tôi, dù ít dù nhiều vẫn được thưởng thức món ăn quen thuộc mà đầy dư vị núi rừng này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast