Người đã khuất

Tin Đại chết làm tôi mất ngủ mấy đêm liền. Hắn là thằng bạn thân thời niên thiếu, học chung một trường phổ thông, nhưng đến khi tôi đi đại học thì tin túc cũng thưa thớt dần, rồi ra trường đi làm thì bặt tin nhau hẳn. Đại sống ở quê, tính hiền như đất, không dám thi đại học vì nhà nghèo quá. Bẵng đi rất lâu, tôi lên phố mãi mê học hành, quăng quật kiếm sống, không hay gì về Đại nữa. Cho đến khi biết hắn mất, tôi vẫn không thể tin nổi. Cũng một kiếp người, nhưng làm người như hắn sao mà khổ thế.

Truyện ngắn

Hôm ấy trời nắng như đổ lửa. Nắng khô cháy mặt người, nắng đỏ đọc những con mắt đục ngầu bụi khói hậm hực tắc đường. Tôi chui trong phòng làm việc cơ quan có cái máy điều hoà cũ rích làm việc hết công suất để trốn cái nắng thiêu đốt ngoài kia. Đau đầu với một đống báo cáo chiều phải nộp sếp. Ước không phải đi đâu lúc này. Bất chợt chiếc Nokia phản chủ báo tin nhắn từ một số điện thoại rất lạ: “Em co viec muon gap anh. Caphe so 8, Hoang Quoc Viẹt nhé. Hương”. Hương ư? Hương nào nhỉ? Trời ơi có đến ngàn cái tên Hương ở trên đời. Cố lục hết trí nhớ cũng đã có mấy cô tên Hương thời đi học, chưa kể mấy cô Hương ở cơ quan tôi nữa, Hương Già, Hương Trẻ, Hương Đen, Hương Tóc dài, Hương Tóc ngắn... và nhiều lắm những người tên Hương khác nữa mà tôi chưa từng gặp. Đang lúng túng thì lại thêm một tin nhắn nữa: “Anh ra nhanh nhe. Em can gap anh!” Vậy là phải đi thôi, cô Hương này có vẻ đang nôn nóng. Tính tôi lại hay cả tin, không suy xét gì thêm nữa.

Cũng may quán Càphê ấy không xa nơi tôi làm việc là mấy. Chỉ đi vài con phố là đến. Quán nhỏ khiêm nhường nép mình bên những ngôi nhà cao tầng. Vài dây hoa cát đằng màu xanh tím buông mơ màng, hờ hững. Cũng lạ thay loài hoa cát đằng, vẫn mê mải nở hoa bất chấp cái nắng găy gắt của xứ Trung kỳ có thể thiêu cháy tất cả những những gì mong manh nhất. Tôi bỗng có cảm tình với cái quán nhỏ vô danh ấy. Quán lại vắng người, chỉ có một cô gái ngồi xoay lưng về phía cửa. Có thể là Hương.

Một cô gái tôi chưa từng quen. Không còn trẻ mấy. Trông khá từng trải. Mái tóc ép thẳng hoe hoe vàng. Nước da trắng nhưng nhiều tàn hương mà dù có trang điểm rất công phu cũng không che hết. Thấp thoáng vài nếp nhăn ở khoé mắt khi nói và cười. Không phải là cô Hương nào trong quá khứ mịt mù của tôi.

- Anh là bạn của Đại ?- Hương hỏi

Đại nào nhỉ? Tôi giật mình ngơ ngác, hơi lúng túng khi bắt gặp ánh thất vọng trong mắt Hương. Ký ức của tôi như đáy giếng bỏ quên lâu ngày âm u rêu phủ bất chợt bị khuấy động bởi ai đó ném vào một hòn sỏi nhỏ.

- A, thằng bạn thời chăn trâu cắt cỏ. Rất thân!- Tôi reo lên. Nhẹ nhõm vì một phút loé sáng bất ngờ từ cõi tăm tối âm u của trí nhớ.

- Đại cũng nói anh là bạn thân của anh ấy.

- Vậy giờ Đại ở đâu?

- Cách đây vài năm Đại sang Đức buôn bán. Bọn em quen nhau rồi cùng chung vốn làm ăn. Được một thời gian thì Đại mất.- Giọng Hương chùng xuống.

Tôi hơi bàng hoàng. Liệu mình có nghe nhầm không. Ký ức nhoà mờ của tôi chưa kịp định hình gương mặt Đại thì đã nghe tin Đại chết.

- Đại mắc bệnh nặng. Không có cách gì chạy chữa được. Chết bên ấy và cũng hoả táng luôn bên ấy. Đại không muốn ai đưa xác mình về quê.

Hương mở túi và đưa cho tôi một cái hộp được gói rất kỹ, nói là của Đại gửi cho tôi trước lúc qua đời. Đôi tay có những ngón dài xương xương của Hương có vẻ hơi run. Rồi vội vàng, Hương chia tay tôi ra về. Mái tóc vàng hoe như cháy lên giữa cái nắng gay gắt của một ngày cuối hạ.

Còn lại tôi giữa quán vắng người. Vẫn chưa hết ngơ ngác. Ly càphê chợt đắng hơn bao giờ hết. Mọi chuyện xảy ra chỉ trong chớp mắt. Nhanh như một kiếp người vừa đi qua. Bần thần tôi mở chiếc hộp của Đại. Trong ấy có một lá thư Đại gửi cho tôi và một cuốn sổ nhỏ, hình như là một cuốn sổ tiết kiệm cũng được gói rất kỹ.

Người đã khuất ảnh 2

Thư của Đại:

“Gửi Hưng!

Tôi vẫn xem Hưng là bạn của tôi cho dù có thể Hưng đã quên tôi từ lâu. Tôi viết thư này cho cậu nơi đất khách quê người, trong khi tôi đang cận kề với cái chết. Tôi viết thư cho Hưng cũng còn vì một lẽ nữa, ấy là vì Thuỳ. Ngày xưa Hưng học giỏi hơn tôi, Hưng đi học đại học rồi đi làm ở thành phố, còn tôi thì vẫn ở quê, vẫn ngày ngày úp mặt trên những thửa ruộng cằn cỗi. Ngày ấy cả hai chúng ta đều yêu Thuỳ, nhưng tôi may mắn hơn Hưng vì được Thuỳ yêu. Có thể vì Thuỳ thương tôi nghèo. Khi Hưng lên phố, tôi và Thuỳ ở quê đã tính chuyện cưới nhau. Nhưng nhà tôi nghèo, nhà Thuỳ cũng nghèo. Tôi không có bằng cấp, không được học hành cho đến đầu đến đũa, nếu lấy nhau tương lai của chúng tôi sẽ vĩnh viễn chôn vùi trên đồng ruộng. Tôi không muốn viễn cảnh ấy đến với tôi và Thuỳ, tôi không muốn Thuỳ phải lam lũ như những người đàn bà ở quê. Tôi muốn làm việc gì đó để có thật nhiều tiền, để thay đổi số phận của hai chúng tôi. Cũng may nhờ có một người dắt mối, tôi đã vượt biên sang Đức buôn bán. Tôi dặn Thuỳ chờ tôi vài năm, khi trở về đã có một số vốn kha khá, chúng tôi sẽ cưới nhau. Thuỳ khóc nhiều lắm nhưng không thể lay chuyển được ý định của tôi. Sang bên ấy, lúc đầu tôi đơn độc, hoang mang sợ hãi, bị truy đuổi qua hết trại này sang trại khác vì tôi vượt biên, không giấy tờ tuỳ thân. Nhưng rồi tình cờ tôi quen Hương. Hương là người đàn bà từng trải, đã buôn bán làm ăn lâu ở Đức, vốn liếng nhiều mà thế lực cũng mạnh. Dân anh chị trong nghề nhiều đứa còn nể Hương. Hương đã qua một lần chồng và có vẻ thương tôi thật lòng. Gạt đi nỗi nhục của một thằng đàn ông, tôi sống dựa vào Hương, thực chất là dựa vào vốn liếng của Hương để tạm thời làm ăn. Sống với Hương như vợ chồng nhưng không lúc nào tôi nguôi nhớ về Thuỳ, nhớ về quê cũ. Tôi thương Thuỳ đang từng đêm ngóng đợi tôi, mong tôi trở về. Tôi tính một ngày nào đó sẽ nói tất cả với Hương và xin Hương tha thứ. Ở bên này gần hai năm lao đao khổ sở tôi cũng đã có một số tiền kha khá và bắt đầu nghĩ đến ngày về. Lòng tôi khấp khởi và đầy hi vọng, tôi nhìn thấy con đường về quê rộng thênh thang và nở đầy hoa. Tôi nhìn thấy Thuỳ mặc áo cưới trong ngày vu quy, mắt Thuỳ nhoà lệ nhưng cười rạng rỡ lắm... Nhưng rồi một hôm, trong lúc chuyển hàng vào chợ tôi bỗng thấy choáng váng, rồi sau đấy thì ngất lịm đi, không hay biết gì nữa. Khi vào Bệnh viện, Bác sỹ nói tôi có khối u trên não, bệnh của tôi không thể kéo dài thêm nữa. Tôi phải làm gì đây khi biết mình sắp chết. Tôi gần như tuyệt vọng. Ở bên này tôi chỉ có một chỗ dựa duy nhất là Hương, cũng may Hương đã không bỏ rơi tôi khi bệnh nặng. Tôi cũng không thể về quê lúc này. Mẹ tôi đã già yếu, bà không thể gánh thêm sự mất mát này. Còn Thuỳ, tôi không thể sống mà chứng kiến nỗi đau khổ của cô ấy. Tôi sẽ chết ở bên này, với người ở quê xem như tôi đã bỏ làng đi biệt xứ. Những giây phút cuối cùng tôi nghĩ đến cậu. Chúng ta đã từng có một thời rất thân, cậu có thể ghét bỏ tôi vì tôi đã dành mất Thuỳ của cậu, nhưng với tôi cậu vẫn là thằng bạn thân nhất. Và cũng vì lẽ đó tôi muốn cậu giúp tôi một việc. Hãy chuyễn giúp tôi số tiền này về cho Thuỳ. Đó là tiền tôi đã dành dụm gần hai năm trời ở nơi xứ người, hi vọng sẽ xoa dịu bớt nỗi đau của Thuỳ. Số phận đã không cho tôi trở về để gặp lại cô ấy, hãy bảo Thuỳ đừng nghĩ về tôi nữa. Hãy giúp tôi Hưng nhé.

Đại

Những dòng chữ của Đại nhoè đi trước mắt tôi. Lời lẽ của một người đã khuất bao giờ cũng cay đắng. Ngoài kia trời đã dịu nắng. Có vẻ như một ngày oi ả sắp qua đi nhưng tôi thì không thể cất bước nổi về nhà. Có cái gì nằng nặng trong lòng, có lẽ là ký ức của tôi, cứ tưởng nó đã bị vùi lấp giữa hàng lớp lớp những bộn bề âu lo của cuộc sống, giữa những toan tính chạy vạy hết ngày này qua tháng nọ đầu tắt mặt tối. Quá khứ tưởng đã vùi quên bỗng chốc ùa về trong tôi như thác lũ. Tôi nhớ gương mặt của Đại, nhớ ánh mắt của Thuỳ, nhớ đến nôn nao những ngày tháng cũ. Có một thời cả ba đứa chúng tôi cùng đi chung một con đường đến lớp. Thuỳ có mái tóc đen dài thường tết thành hai bím buông hờ hững trên ngực áo. Đôi mắt Thuỳ cũng đen và thăm thẳm sâu như giếng nước đầu làng. Cả tôi và Đại đều yêu Thuỳ nhưng những tình cảm thơ ngây ngày ấy chẳng ai dám nói ra. Cho đến một ngày tôi đòi chở Thuỳ bắng xe đạp đến trường. Đó là chiếc xe bố mẹ tôi mua cho vì thương tôi đi học xa quá. Ngày đó trong lớp chỉ có tôi là có xe đạp, như thế đã là sang lắm, đáng để tôi vênh vang lắm. Tôi cố nài ép Thuỳ nhưng Thuỳ vẫn còn lúng túng ngại ngần không dám lên. Bất ngờ Đại lao vao tôi đẩy tôi ngả nhào xuống bờ ruộng, chiếc xe đạp của tôi ngã chỏng chơ trên vệ cỏ. Rồi Đại nắm lấy tay Thuỳ kéo Thuỳ đi để mặc tôi với nỗi hậm hực ê chề. Từ giây phút ấy tôi biết có một người nữa cũng yêu Thuỳ không kém gì tôi, và cũng từ giây phút ấy tôi biết tình bạn của tôi và Đại không còn lành lặn nữa. Tôi ngấm ngầm ganh đua với Đại. Nhà tôi khá hơn nhà Đại, bố mẹ tôi làm cán bộ ở Huyện, tôi được ăn trắng mặc trơn, chân tay chẳng bao giờ lấm lem bùn đất như Đại. Tôi cũng học giỏi hơn Đại, đơn giản vì tôi chẳng bao giờ phải lùi lũi trên ruộng đồng. Lẽ ra như thế Thuỳ phải yêu tôi mới đúng, nhưng đằng này Thuỳ chỉ yêu Đại, chỉ dành tình cảm cho mỗi mình Đại. Tôi tức tối khổ sở vì điều đó suốt cả một thời gian dài. Ngày cuối cùng trước khi lên phố học tôi vẫn hi vọng Thuỳ sẽ nghĩ lại. “Nếu yêu Đại và lấy Đại, Thuỳ sẽ khổ, Thuỳ biết không? Anh có tương lai hơn nó!” Tôi đã bất chấp cả sự ích kỷ để nói với Thuỳ như thế, nhưng Thuỳ chỉ lắc đầu cười buồn. Có lẽ Thuỳ đã chọn và không bao giờ thay đổi. Suốt bốn năm Đại học tôi đã gửi

không biết bao nhiêu thư về cho Thùy nhưng chẳng mấy khi Thuỳ trả lời. Tôi gần như vô vọng. Ra trường tôi nhận công tác ở thành phố rồi cũng lấy vợ đẻ con. Trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ có thể Thuỳ đã cưới Đại và họ cũng đã con bồng con bế. Có thể họ cũng không còn nhớ đến tôi nữa... Vợ tôi là người thành phố, không đẹp cũng không xinh nhưng lại là con gái Thủ trưởng của tôi. Tôi không biết mình có bao nhiêu phần trăm sự tính toán trong cuộc hôn nhân này nhưng có lẽ tình yêu trong tôi cũng chẳng còn lại bao nhiêu nữa. Tôi muốn có một chỗ dựa cho tương lai của mình. Trong cơ quan tôi được cân nhắc, được nâng đỡ, được hưởng nhiều sự ưu ái nhất từ Thủ trưởng. Nhưng từ khi bố vợ tôi về hưu, sếp mới lên thay, tôi không thuộc phe cánh thế là lại bị ghét bỏ, bị đánh bật xuống làm nhân viên quèn. Tôi chán nản, tôi bất mãn, tôi chẳng thiết tha gì đến công việc. Vợ tôi vẫn quen nếp sống phong lưu như trước kia, vẫn dập dìu váy áo và mua sắm đều đều bất chấp đồng lương công chức của tôi ngày càng còm cõi héo hắt. Tôi phải gánh trên vai cả một gia đình mà nhu cầu thì vô tận, cứ hi vọng đến một ngày nào đó thời cuộc lại thay đổi. Cuộc sống chật vật đầy rẫy những lo toan khiến tôi quên dần qúa khứ, quên những con người cũ, những gương mặt cũ, những tình cảm xưa cũ. Tôi quên cả Thuỳ, quên cả hai bím tóc dài và đôi mắt đen thẳm mà tôi cứ ngỡ không bao giờ quên được. Tôi không còn cả mộng mơ, không còn cả yêu thương, tâm hồn tôi đã cằn cỗi đến mức chỉ còn biết nghĩ đến tiền, làm thế nào để có được nhiều tiền... Tôi những tưởng thứ ấy sẽ làm vợ tôi vui, sẽ làm cuộc sống của chúng tôi hạnh phúc.

Nhưng Đại ơi, tiền để làm gì khi chúng ta chết đi, khi ấy tất cả sẽ chỉ còn là vô nghĩa. Những đồng tiền mà Đại đã phải đổi bằng sự sống liệu có làm cho Thuỳ hạnh phúc hay chỉ càng khiến cho cô ấy đau khổ. Cuộc đời này mới nghiệt ngã làm sao, nó cho ta tất cả nhưng cũng có thể lấy đi của ta tất cả, nó bắt ta phải gồng mình lên để kiếm sống nhưng lại không cho ta được sống để hưởng thụ những gì ta đã kiếm được, nó bắt ta phải bần cùng, phải đau khổ để biết cái giá của sự đau khổ ấy. Một ngày kia tôi cũng sẽ chết như Đại, sẽ chết bất cứ lúc nào, liệu có còn ai nhớ đến tôi, khóc cho tôi nữa hay không. Tôi có còn là tôi giữa cuộc đời đầy những bon chen toan tính này nữa hay không?.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast