Nhớ đêm Trung thu tuổi thơ

(Baohatinh.vn) - Mỗi dịp mùa thu tới trên dất Hà Tĩnh , tôi lại bồi hồi xao xuyến nhớ về đêm rằm Trung thu thuở ấy...

Nhớ đêm Trung thu tuổi thơ ảnh 1
Trung thu rước đèn Ông Sao

Năm nào cũng vậy, đến rằm Trung thu, ngay từ chiều mười bốn, cả làng tôi đã vui như hội. Từ làng trên xóm dưới trống đánh liên hồi. Trống càng đánh, trẻ em đổ ra đường mỗi lúc một đông, rồi đội thiếu nhi này nhập vào đội khác, dưới sự hướng dẫn của anh chị phụ trách, chúng tôi theo hàng dọc dài, nô nức đi cổ động.

Mỗi liên đội đã được các anh chị đoàn viên thanh niên làm sẵn một cái băng khẩu hiệu hình chữ nhật đóng khung bằng tre hoặc nứa, nền bằng mực cửu long xanh đậm trên giấy báo cũ, với các chủ đề cổ động: “Toàn dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!”, “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, ra sức thi đua học tập và làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”.

Nhiều bạn tôi hồi ấy có “sáng kiến” lấy những viên sỏi tròn bỏ vào ống bơ lắc cho vui tai mỗi khi hô vang khẩu hiệu; có đứa xin được người quen loại giấy nhuộm đỏ, nhuộm xanh cắt thành cờ để vẫy... Đội thiếu niên hồi đó tuyệt nhiên không có mũ ca lô và giày dép, kể cả anh chị phụ trách cũng “hành quân” cùng chúng tôi bằng chân đất.

Vui nhất là đêm rằm Trung thu, trăng vừa lấp ló ngọn tre, sân kho hợp tác xã đã rộ lên tiếng nói, tiếng cười trẻ thơ. Chúng tôi được cha mẹ chuẩn bị cơm nước sớm hơn mọi ngày. Hồi ấy, tôi mới học lớp bốn, đạt học sinh giỏi tỉnh nên chính quyền xã đã thông báo cho chị Trần Thị Chường - Tổng phụ trách Đội, tối nay, ông chủ tịch UBND xã sẽ đến trao thưởng cho tôi. Chị còn phấn khởi đến tận nhà báo ngay cho gia đình tin vui này.

Chị còn dặn đi dặn lại: “Nhớ tắm rửa, gội đầu sạch sẽ và mặc quần áo mới, mượn dép đi vào cho đẹp mắt. Sau khi nhận được phần thưởng, em nhớ thay mặt toàn liên đội đọc lời hứa quyết tâm. Cố gắng đọc một bài thơ Tố Hữu cho các bạn nghe”. Thấy tôi ngần ngại chuyện đọc thơ, không phải vì mình không thuộc mà xấu hổ trước đám đông, chị Chường động viên: “Cứ mạnh dạn lên, đọc thơ cũng như đọc bài thuộc lòng ở trường, ở lớp thôi mà”. Phải gần 10 phút sau, tôi mới dám nhận lời. Chị Chường cười: “Đừng thay đổi nhé, chị đã lên chương trình rồi nha”.

Tối Trung thu ấy, bà Du đã tự nguyện nấu nước chè đựng đầy chiếc nồi đồng cũ để bọn tôi uống. Ông Lịch thì cho mượn một chiếc đèn măng sông. Sân khấu đêm Trung thu được dựng lên bằng 2 cây tre với 4 chiếc chăn Nam Định làm phông. Trên chiếc bàn gỗ mộc trải tấm ni lông xanh đặt lọ hoa dâm bụt và ảnh Bác Hồ. Cạnh chiếc bàn là hai chiếc ghế băng dành cho các đại biểu đến dự gồm ông chủ tịch xã, anh bí thư đoàn xã và chủ nhiệm hợp tác xã.

Lúc này, trăng bắt đầu lên cao, vầng trăng Trung thu tròn vành vạnh và sáng vằng vặc. Gió thu nhè nhẹ thổi, trên sân khấu, chiếc đèn Trung thu sáng rực, chị Chường bắt đầu điều khiển chương trình. Chúng tôi ngồi trật tự giữa sân nghe tiếng chị Chường đọc diễn văn. Đứa nào cũng rất vui vì sau lễ có kẹo bạc hà và bánh bích quy.

Chị Chường cũng “công khai” luôn: mỗi cháu sẽ được nhận 3 chiếc kẹo bạc hà và 2 chiếc bánh bích quy Hà Nội. Thằng Sơn vỗ vai tôi nói nhỏ: “Thế là ta có kẹo ăn rồi”. Nhưng tôi thì chờ đợi nhất chuyện ông chủ tịch xã phát thưởng. Rồi giờ phút ấy cũng đến. Trong 15 học sinh xuất sắc của toàn xã Sơn Thủy đêm Trung thu ấy được ông chủ tịch xã biểu dương, 2 học sinh xuất sắc được tặng quà đặc biệt chỉ có tôi và thằng Vực. Tôi đạt học sinh giỏi tỉnh, còn thằng Vực lại có công chăm sóc 2 con trâu béo của hợp tác xã và làm được 1 tấn phân xanh.

Tôi và thằng Vực mỗi đứa được tặng thưởng 2 cuốn vở học sinh và 2 xấp giấy trắng. Sau lễ phát thưởng là chương trình liên hoan văn nghệ. Mở đầu chương trình, tôi được vinh dự mời lên đọc thơ. Tôi đứng trên sân khấu, trong ánh đèn măng sông sáng rực, thấy nhiều đứa nhìn tôi cười tủm tỉm. Mặc kệ chúng nó, tôi hào hứng đọc bài Chuyện em Nguyễn Văn Hòa của nhà thơ Tố Hữu. Tuy giọng ồm ồm như tiếng cóc kêu lúc trời đổ mưa nhưng cũng khiến cho tất cả xúc động:

Tên em là Nguyễn Văn Hòa

Bố em thường gọi em là cu Theo...

Bỗng thằng Quỳnh ngồi ở phía dưới nói oang oang: “Răng thằng nớ giỏi rứa lại gọi là cu Theo. Chắc chắn nó đi mô cũng theo mẹ như cái đuôi”. Tất cả bật cười, khiến chị Chường phải nhắc nhở trật tự. Sau chương trình mở màn của tôi, không khí văn nghệ sôi nổi cả sân kho hợp tác xã. Ngoài chương trình múa tập thể của cánh con gái như bài Em là mầm non của Đảng, Voi con, Tình trong lá thiếp, nhiều đứa xin lên hát, kể chuyện.

Đến quá 10 giờ khuya, chúng tôi được chị phụ trách phát kẹo nhưng hầu như đứa nào cũng để dành đưa về nhà ăn. Lúc chuẩn bị tan cuộc, tôi thấy chị Chường gọi thằng Quỳnh lại và bảo: “Đêm Trung thu ni bạn Chinh bị ốm không tới được, chị nhờ em cầm phần kẹo này về cho Chinh tý”. Thằng Quỳnh lễ phép nói: “Em về sẽ thức nó dậy ngay. Nó không ốm mãi được”.

Trung thu hôm ấy chắc vầng trăng cũng không ngủ được vì vui cùng chúng tôi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast