Những điều đã cũ

(Baohatinh.vn) - Có một buổi chiều ngơ ngẩn buồn. Trời vàng vọt nắng. Những đợt nắng cuối cùng của mùa thu đang đi qua một cách lặng lẽ. Trong sắc nắng chơm chớm hơi may bảng lảng, tôi ngồi ở phòng máy đọc hờ hững mấy trang báo mạng.

Chợt nhớ ra bức thư chuyển phát nhanh vừa chuyển đến hồi sáng đang đặt trên bàn, vội cầm lên bâng quơ. Một tấm thiếp mời cưới mà cả hai họ mời đều không biết tên. Lật lại chỗ phong bì, đích thị là gửi cho mình, có cả địa chỉ hẳn hoi. Lần thần đọc lại tên cô dâu, chú rể: Bùi Minh Anh và Nguyễn Khắc Tâm, băn khoăn mãi mới ngớ người nhớ ra. Thì ra là thằng bạn học thời phổ thông với mình. Tên nó là Tấm. Tấm mọc sừng cưới vợ. Tôi bất ngờ ôm miệng cười tô hô khi nhớ đến hắn. Kí ức vỡ òa ra như một cống nước to vừa mở ống xả, ào ào chảy trong tâm hồn tôi những kí ức về một thời xưa cũ có nó.

Tôi và nó là hai thằng bạn thân. Thân đến nỗi có lúc quên hẳn tên nhau, bởi lúc nào cũng gọi thằng này, thằng kia, ôm vai, bá cổ suốt cả ngày, chẳng có lúc nào gọi đúng cái tên cúng cơm của nó. Tâm, hồi ở với tôi nó là Tấm, không hiểu sao bây giờ lại thay tên như thế. Chết thật, dẫu có một cái dấu thôi cũng làm người ta dễ lại xa nhau.

Suốt cả đêm dài tôi ngủ không say giấc. Trời đêm bức đến lạ. Tôi nằm đốt thuốc trên đi văng, chăm chăm nhìn trên trần nhà vô định. Tự nhiên nghĩ đến việc về quê ngày mai. Ngày mai, tôi sẽ về quê, sao điều này lại khó nghĩ với tôi đến thế. Quê năm nào chẳng về nhưng lần trước, lái xe đón tận cổng, vợ chồng, con cái áo váy tưng bừng xách đủ thứ về cho bà nội. Rộn rạo một lúc rồi lại đi, từ ngày xa quê, chưa bao giờ tôi ngủ đêm lại đó. Giờ về một mình, lại ở ít bữa, tự nhiên thấy lo lo như đứa trẻ lần đầu đi xa.

Tôi ly quê từ năm 17 tuổi. Đêm trước khi ra đi lòng cũng chộn rộn như thế này. Một nửa muốn thoát thật nhanh ra khỏi cái làng quê nghèo, một nửa dùng dằng như níu chân ở lại. Đó là một ngày cuối mùa đông, trời lất phất mưa lạnh. Tôi cúi đầu bước trên con đường đất đỏ trơn như mỡ, lầy lội những bùn, bị xe quần rách nát. Hai bên đường, hoa cỏ lau trắng ngập tràn, có đôi chỗ, hoa bị bùn tạt, một vạt đỏ như máu. Tôi đứng trên gò cao nhìn quê hương lần cuối, thấy khói bếp bần thần trên mái rạ và đồng làng chi chít những ô vuông. Tiếng nghé gọi đàn buồn não ruột làm tôi trào nước mắt.

Tôi đã cố giấu nỗi buồn đó tận sâu trong kí ức để không còn lấy lên được nữa. Tôi lăn lộn trong cuộc sống. Để có ngày hôm nay, tôi đã từ bỏ quê hương của mình. Trong mọi chuyện của mình, tôi tránh không nói về quê hương, dẫu trong lòng nhiều lúc nóng như lửa. Cho đến khi trở về, tôi muốn trở về đàng hoàng. Tôi che đậy những xúc cảm thực sự của mình bằng những hành động lịch lãm, sang trọng. Tôi không nhìn con đường đất đỏ, cố tình không thấy những vạt hoa lau bên đường đỏ như máu. Những lúc ấy, tôi không nhìn được chính tôi.

* *

*

Tôi chẳng quên nhưng không nhớ đến thằng Tấm nhiều. Sau này cũng thế, gặp nó hôm ra quân, hai đứa ngồi lặng lẽ bên chiếc cầu ao cũ, không nói với nhau nửa lời. Giận. Không rõ vì lí do gì. Đàn ông đâu có như đàn bà, vậy mà cứ tránh mặt nhau hoài hoài. Thế nhưng, tôi lại nhớ đám ma bố mẹ nó. Nhớ như in, nó xuất hiện lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong giấc mơ của tôi mỗi khi tôi nhớ mẹ. Đám ma cha mẹ nó dài lắm, người người đưa ra đến tận đồng làng. Mùa này đang là mùa thu, hoa cỏ may cháy sém vàng bám đầy cả ống quần của người đưa tiễn. Thằng Tấm đội chiếc nón cời, chiếc khăn tang trắng xé vội tơi tướp sợi vải nhầu nhĩ cột trên đầu. Nó chống gậy, bước từng bước giật lùi và tôi bước cùng nó, cũng giật lùi. Hai đứa lén nhìn nhau rồi cười. Dù sao, hồi đó, chúng tôi cũng chỉ là những đứa trẻ.

Sau ngày đó, mẹ tôi đem nó về ở cùng nhà với tôi. Thời gian qua đi, nó cũng quen dần với nỗi mất mát lớn lao đó. Chiến tranh mà, ngay cả bản thân chúng tôi đây cũng không biết được rốt cuộc ngày mai những ai ra đi. Mộ bây giờ chôn kín đồng, người làng thì ngày một thưa vắng. Mà lũ trẻ con chúng tôi thì không thể ngày một ngày hai đã lớn lên, buồn đấy rồi vui đấy.

Thằng Tấm về ở nhà tôi được đúng 3 năm rồi ra đi. Tôi không nhớ rõ đó là ngày nào nhưng cũng vào độ cuối nắng. Mùa thu đang vào sâu, ngày trở nên ngắn hơn. Mới sáu giờ chiều, trời đã bắt đầu chập choạng. Tôi đã không lường trước được sự ra đi này. Tấm đã không nói gì với tôi cho đến lúc trước khi đi, hắn lôi tôi ra giữa dòng sông Cày thơm ngát mùi hương bần. Cả hai ngụp lặn trong nước giữa buổi hoàng hôn tím ngát rồi nằm vắt vẻo trên rễ cây bần trồi lên giữa sông. Tấm nằm ngửa mặt lên trời nói trống không:

- Mai tao sẽ đi bộ đội.

- Ai cho mày đi? - tôi hồn nhiên.

- Tao đăng kí rồi, trên xã. Chiều mai lên đường.

Tôi lặng im. Một khoảng trống bao trùm lấy tôi đến nghẹt thở. Thảo nào mấy bữa nay, bọn con trai lớp tôi cứ xì xào nói chuyện đi bộ đội mãi, có đứa đã có giấy gọi nhập ngũ. Tôi thì không. Hình như, xã hiểu, cả nhà tôi, bố tôi hi sinh hồi đầu chống Mỹ, anh trai và anh rể tôi đã lên đường nhập ngũ rồi nên tôi không có giấy gọi. Tôi im lặng nằm. Không gian lặng im chợt vỡ ra khi nghe tiếng nói của Tấm.

- Tao bây giờ không còn cha mẹ, anh em, bà con, chỉ có mẹ mày và mày. Nếu tao chết, hãy đưa tao về quê, chôn ngay sát bờ sông để ngày nào tao cũng được ngửi thấy mùi hoa bần nở. Không ở đâu có mùi hương hoa bần thơm như quê mình mày ạ.

Tôi chấp nhận sự ra đi của thằng Tấm một cách miễn cưỡng. Mẹ tôi cầm tay nó khóc mãi. Nó lặng im, tôi thấy sự kiên quyết nằm ngay trên cái đầu đã gọt trọc lóc của nó, nó minh chứng một sự thật dữ dằn "một đi không trở lại" của một thằng đàn ông kiên quyết ra đi.

Tôi bặt tin Tấm ngay từ ngày đó.

* *

*

Sau ngày thằng Tấm lên đường. Nhà tôi có chuyện lớn. Đó là nguyên nhân khiến tôi ra đi. Đó là một ngày mùa đông lành lạnh. Mưa dầm suốt cả tháng. Tôi đang đi bộ từ trường về đến nhà thì thấy mọi người đứng chật cả lối đi. Thấy tôi, họ dạt sang một bên. Tôi ngơ ngác. Trong ánh mắt mọi người nhìn mình, tôi đọc được cả sự căm thù lẫn khinh bỉ.

Mẹ tôi, chị tôi ngồi cả trước sân ngơ ngác như người mất hồn. Giọng ông trưởng ban an ninh thôn gằn lên từng tiếng:

- Giữa lúc chiến tranh loạn lạc, bao nhiêu người hi sinh xương máu của mình thì con trai bà lại đào ngũ, nghe theo lời xúi giục chiêu hồi của địch để được sống sung sướng. Thật là...

Ông trưởng ban an ninh dừng lại giữa chừng. Tôi chết điếng, không tin vào tai mình nữa. Mẹ tôi chỉ lặp đi lặp lại một câu:

- Tôi không tin. Tôi không tin.

Đêm hôm đó. Nhà vắng lạnh. Tịnh không cả tiếng thở nữa. Mẹ tôi ngồi trước bàn thờ cha tôi nghi ngút khói. Tôi lặng im, trong đầu chất chứa hỗn độn những ý định táo tợn. Ngay đêm đó, tôi đến nhà ông trưởng ban an ninh xin được nhập ngũ. Thấy tôi, ông nhổ ngay một bãi nước trầu xuống sân hằn học:

- Anh nghĩ là anh sẽ được gọi đi?

- Tôi tình nguyện - tôi kiên quyết

- Anh trai anh còn trốn nhà đi cơ đấy, rồi cũng đào ngũ cả thôi.

Tôi không nói được nữa, cổ họng cứng lại vì uất ức. Khát. Tôi chạy thục mạng ra bờ sông. Hai bên tai tôi còn vang vọng lại tiếng cười giễu cợt ghê rợn. Khi đã ngụp lặn giữa dòng sông rồi, tôi mới không khỏi bàng hoàng. Anh tôi - tấm gương sáng, lòng tự hào, niềm kiêu hãnh của tôi đã trở thành kẻ phản bội. Rồi bạn bè sẽ giễu cợt, sẽ khinh bỉ, sẽ nhổ toẹt vào thành tích đáng nể trong học tập của tôi chỉ vì tôi là em của một kẻ đào ngũ. Tôi cố lặn sâu xuống nước. Bùn tanh đến nồng nặc. Ngay đến dòng sông cũng đã quay lưng lại với tôi từ hồi nào.

Ngày tôi ra đi, mẹ tôi không còn nước mắt để khóc nữa. Tôi lầm lũi bước như một kẻ trốn chạy. Trời chiều lất phất mưa. Mẹ tôi đứng thẫn thờ đầu ngõ, chị tôi bước cạnh, không nói một lời nào. Tôi hết nhìn chị rồi nhìn mẹ. Tôi đã không đủ can đảm để chấp nhận sự thật đau lòng đó. Thực ra, tôi đang trốn chạy. Lúc đó, tôi đâu nghĩ được rằng, thêm một việc tôi ra đi, vai mẹ tôi đã không còn đứng thẳng được nữa.

* *

*

Những tưởng sẽ chẳng bao giờ tôi trở về quê hương. Ấy vậy mà, có lần, đó là vào dịp đầu hè, trời gay gắt nóng, tự nhiên mấy hôm liền, tôi nằm mơ thấy anh tôi. Anh không nói, chỉ nhìn thôi, đôi mắt thẳm sâu hun hút ánh nhìn trách móc. Sau năm lần nằm mơ liên tục, tôi nhảy xe về quê.

Khi tôi về đến nhà, trời cũng đã nhá nhem tối. Đom đóm bắt đầu tóe ra ở những bụi cây ven đường như những đốm lửa lân tinh. Tôi đứng thật lâu bên bờ chè mạn hảo nhìn vào nhà. Mẹ tôi ngồi im lặng, ánh sáng hắt bóng mẹ đổ dài thành một vệt lớn. Mọi người vây quanh mẹ. Ông trưởng ban an ninh ngồi ngay trên bậc cửa. Tôi rợn người, từ trong sâu thẳm trái tim mình, tôi đã có nỗi căm hận với sự cười cợt, giễu nhại và khinh bỉ của hắn. Tôi bước vào nhà.

Mẹ lặng lẽ đón tôi. Tôi nhìn quanh. Ngay trên bàn một chiếc ba lô sờn cũ. Một người đàn ông lạ mặc quân phục, tay bị thương đến tận nách, chiếc ống áo rung rung theo tiếng nấc của anh:

- Thưa mẹ - người đàn ông đó nấc lên - đây là tất cả những kỉ vật của con trai mẹ, con đã hứa với cậu ấy trước khi hi sinh là đưa về tận tay cho mẹ, nhưng con bị thương... - người đàn ông lại nấc lên - cậu ấy đã hi sinh anh dũng ngay trên đường vào Nam chiến đấu - anh rung rung một tay gỡ túi áo lấy ra một tấm ảnh anh trai tôi đang cười rạng rỡ, đoạn nói tiếp trong nước mắt - đây là bức ảnh cuối cùng cậu ấy chụp nhân dịp kết nạp Đảng.

Mọi người òa khóc. Mẹ tôi lặng im. Tôi thất thần mất một lúc:

- Xin anh cho biết mộ anh trai tôi ở đâu?

- Ở Trường Sơn, ngay chỗ đường 9, đoạn nối từ Khe Sanh lên, chính tay tôi đã chôn cậu ấy, ngay dưới gốc một cây lim lớn và có đánh dấu, nhưng...

- Nhưng sao - tôi hỏi dồn, một nỗi đau khôn tả đang dày xéo tim tôi đến nghẹt thở.

- Mối ở Trường Sơn thật kinh khủng, ngủ rừng ở đây, nếu không cẩn thận thì sáng ra, ba lô của anh chỉ còn một đống đất và súng AK của anh chỉ còn lại phần thép mà thôi... mối đã xông hết tự lúc nào!

- nghĩa là…

Tôi đau đớn nhận ra một sự thật phũ phàng đó. Mẹ tôi từ nãy tới giờ lặng im. Hình như mẹ không đủ sức để nói nữa nhưng khi nghe bạn anh tôi nói thế, bà chỉ kịp hét lên một tiếng "chết vinh còn hơn sống nhục con ơi!", rồi bất tỉnh. ..

Tôi một mình bơi ra giữa dòng sông vào lúc nửa đêm. Trăng vằng vặc sáng. Hương bần thoang thoảng thơm quyện lẫn mùi trái chín ngòn ngọt. Tôi trèo tít trên cây cao, chơi vơi tìm trong ánh sáng của trăng những nụ hoa bần còn ngậm sương ướt sũng và những trái bần chín đỏ đem về đặt lên bàn thờ anh tôi. Hình như anh tôi vui, bó hương phát hỏa cháy rần rật.

* *

*

- Anh về được lâu không? - bà không quay lại hỏi.

- Cưới xong thằng Tấm. Mà nó lấy người ở đâu mẹ?

- Người làng bên - mẹ dừng tay thở dài- tội nghiệp nó, hoàn cảnh thế đấy, con vợ là thanh niên xung phong hồi trước. Không biết có nên con cái gì không, nó cũng nhiều tuổi rồi, nghe đâu tuổi Canh Tuất thì phải, rứa là năm ni mấy rồi nhỉ?- mẹ tôi hỏi lại tôi.

- Hình như là 45 mẹ ạ, con không rõ. Mà hắn có biết con về không?

- Hôm qua, hắn sang đây ngồi nói chuyện cả buổi chiều. Hắn nói tự nhiên đêm ngủ nằm mơ thấy anh cưỡi trên con trâu mộng. Hắn lại nói chắc anh không còn nhớ, làm lãnh đạo rồi người ta dễ quên chuyện cũ lắm, mà lãnh đạo thì hay cựa quyền, quan liêu, hách dịch...đủ cả.

Mẹ tôi nói một thôi một hồi những gì thằng Tấm nói rồi lại nhổ tóc sâu cho tôi. Không gian tự nhiên im lặng kéo dài mãi cho đến khi mẹ tôi mở lời. Bà xoá đi những dằn vặt trong tôi bằng lòng vị tha cao cả:

- Anh ngồi đây chơi, mẹ ra chợ kiếm cái gì, trưa thằng Tấm sang anh em uống rượu. Anh đừng giận nó, cũng là anh em với nhau cả. Chín bỏ làm mười con nhé, có nó qua lại sớm tối, mẹ cũng đỡ buồn hơn.

- Mẹ!- tôi chưa kịp nghĩ gì bỗng vỡ oà tiếng mẹ, rồi cuống quýt vội vàng. Tôi đã làm gì thế này. Cuộc đời đã làm gì tôi thế này, tôi dã bị đẩy đi đến đâu trong cái hư danh phù phiếm? Tôi đánh mất tôi đã đành, lại quên mẹ. Quên đi dáng ngồi như tượng gỗ giữa không gian tĩnh mịch buồn của những ngày không nổi gió. Giờ đây, trong những giây phút hối hận này, tôi mới ngỡ ngàng nhận ra, lòng vị tha bao dung của người phụ nữ bé nhỏ này có sức mạnh làm rung chuyển tất thảy. Tôi nắm lấy tay mẹ:

- Mẹ ngồi lại đây với con tí nữa, ngồi đây bên cạnh con cho con kê đầu tí rồi con với mẹ cùng đi chợ sau cũng được.

- Cha bố anh, sắp thành ông rồi mà cứ như trẻ con vậy.

Tôi nằm im như thế không biết bao lâu nữa, chỉ đến khi tỉnh dậy mới mình biết mình đã mơ một giấc mơ thật dài. Mơ được đắm mình trong dòng sông quê hương thơm ngát mùi hoa bần nở, mơ tiếng sao diều vi vút thổi và bước chân khập khiễng bước theo mẹ ra chợ qua con ngõ rộng rênh ngai ngái mùi chè mận hảo tươi vừa mới cắt tỉa.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast