Những mùa mưa xa

Có những ngày mưa, tôi để mình trôi giữa những cơn mưa dầm trên đất đỏ Tây Nguyên. Mưa dạt vào lòng những nỗi nhớ buồn tênh…

Tôi không biết nơi nào gọi là quê, chỉ biết khi sinh ra đã ở trong khu tập thể của nông trường cà phê. Ngoại tôi là dân di cư từ miền Trung vào, xin làm công nhân nông trường khi mẹ còn là một đứa trẻ lên mười. Mẹ lớn lên bên ngoại, rồi yêu ba tôi, là người Bắc cũng di cư vào lập nghiệp. Ngày ấy miền đất đỏ này chẳng trù phú như bây giờ, toàn cỏ tranh cỏ gấu, phát đồi làm rẫy cũng mất cả mấy tháng trời để đào xới những vạt cỏ gai lâu năm. Bản tính con trai út được cưng chiều, ba chẳng chịu nổi cái khó cái khổ của công cuộc khai hoang, tôi tròn ba tháng tuổi thì ba tìm đường về quê nội. Nhà tôi thêm tiếng trẻ thơ và bớt đi bóng dáng của người đàn ông.

Tôi lớn lên mạnh mẽ như cây cà phê được trồng giữa mảnh đất đỏ trù phú. Ngoại thương đứa cháu cút côi mà chăm bẵm lo lắng từng chút một. Mùa lúa, ngoại gánh gồng đi cắt lúa thuê, đi mót lúa sau vụ gặt. Khó khăn vậy mà nhà tôi luôn có nồi cơm thơm nhất khu tập thể, vì lúa mót có lẫn cả nếp, gạo tẻ, gạo dẻo, gạo thơm. Mùa ngô, ngoại sát thêm ngô non độn vào, ăn ngọt lịm dù chỉ ăn cơm với rau dại chấm kho quẹt. Tôi còn nhớ những mùa mưa đó là những ngày tháng hạnh phúc nhất của tuổi thơ tôi. Khi những con mối cánh đầu tiên xuất hiện, ngoại đã tranh thủ gieo bí chanh, bí đỏ ở vạt đất sau vườn. Đến ngày mưa dầm, như thấy cả dây bí lớn và leo nhanh. Tôi thích cảm giác ngoại ra vườn chọn những đọt bí non vào tước hết dây để xào với nấm mối. Những lúc ấy ngoại lấy cọng bí làm cho tôi một chiếc kèn thổi toe toe, vừa thổi tôi vừa ríu ran đợi ngoại chuẩn bị những món ăn mà với tôi là ngon hết chỗ chê. Những bữa ăn đó, tràn ngập tiếng cười của tôi, cái nheo mắt của ngoại và mẹ thì chẳng còn trách mắng tôi vì điểm số ở trường nữa.


Ngoại tôi nghiện thuốc lá và cà phê. Sáng nào ngoại cũng pha mấy phin cà phê để ở hiên nhà, thể nào mấy chú công nhân đi làm sớm cũng tạt qua uống vài ngụm, nói mấy câu chuyện vui, rồi gom vào ít đường, ít cà phê nhân để ngoại tôi dùng vào sáng hôm sau. Ngoại còn chế thêm món cà phê kem, là chẻ cây đũa cho toe một đầu, cho vào ly vài giọt cà phê đen đặc và vài thìa đường, lấy đũa ấy đánh lên đến khi cà phê bông thành kem trắng mịn. Ngoại lấy kem ấy phết vào điếu thuốc lá, ai hút cũng khen ngon và đậm. Từ đó, ai uống cà phê ngoại pha đều gọi ngoại là má Hai.

Tôi không thích mấy món đó, nhưng tụi nhóc trong khu tập thể chúng tôi cũng biết cà phê là thứ giúp mình có tiền tiêu vặt. Mùa cuối năm cả bọn rủ nhau đi lượm mót, còn về tranh nhau nhặt cà phê vỡ được sàng ra bãi trấu trước trường học. Có năm cà phê để lâu mắc mưa bị thâm đen, nông trường phải thuê người vào nhặt, là cả bọn lại rủ nhau bao bì thúng mủng vào kho. Nhắc đến chuyện đi lượm cà phê đen mà không thể nhịn cười. Đúng là khi lợi ích được đặt lên hàng đầu thì mọi thứ chỉ đứng thứ hai thậm chí là đứng chót. Lũ chúng tôi thân thiết với nhau là thế, khi vào đến kho thì giành giật nhau chỗ ngồi, căn từng ly từng tí, giành nhau bao nào nhiều hạt đen hơn để nhặt, chẳng thiết tha nhớ là mới tối qua còn cùng nhau chơi u, chơi cò cò, còn chia nhau mấy củ khoai nướng, mấy bắp ngô non. Mặt mũi đứa nào cũng lấm lem bụi bặm, tiếng cãi nhau chí chóe, tiếng máy xay ầm ầm, tiết sột soạt bao bì… Tôi là đứa ít tranh giành nhất, cứ ngồi im, nhìn cảnh tượng ấy, hòa vào giữa những thanh âm ấy chỉ biết tủm tỉm cười. Thể nào tí nữa ra về đứa nọ cũng lấy tiền công thu được mà mua kem cho đứa kia vì lúc nãy lỡ nói nặng lời. Đâu cũng vào đó, vậy mà lúc lượm cực khổ tranh giành nhau chi không biết?

Hồi ấy cả xóm toàn công nhân di cư từ mọi miền vào sinh sống, cơ cực chỉ lo miếng ăn đã khốn khổ rồi, lấy đâu ra nghĩ đến việc mua những thứ xa xỉ phẩm như radio và tivi? Chỉ có cô hàng xóm sát vách nhà tôi, có chú người yêu làm thợ mộc, hôm cưới nhau chú ấy tặng cô một cái đài nghe được cả băng cát sét, to bằng con heo con, cả lũ nhóc xúm xít lại xem. Trong cái cục đen sì phát ra nhiều âm thanh vui tai lắm, nghe được cả giọng cô phát thanh viên từ thủ đô nhé. Tôi nghe xong lật đật chạy về hỏi mẹ: “Mẹ ơi ba ở Hà Nội hả mẹ? Mẹ hỏi cô phát thanh viên xem có biết ba mình không mẹ?”. Tôi chỉ nghe loáng thoáng về ba, cứ nghe đến Hà Nội là nghĩ rằng có ba tôi ở đó. Khi ấy đài hay phát những ca khúc về thủ đô, nghe sao mà đẹp đến thế. Tôi nằm nghe lỏm tiếng nhạc mà mơ về nơi có mùi hoa sữa, có mùa thu vàng, mùa đông lạnh, có hương cốm, có nhành đào phai. Tuổi thơ vô tình hỏi những điều rất đỗi ngu ngơ, biết đâu trong mắt mẹ có những giọt long lanh chợt vỡ? Có lẽ, mẹ cũng như tôi, cũng mơ về Hà Nội, vì nơi ấy có người đàn ông đã từng là của mẹ, người đàn ông mẹ rất thương yêu.

Vợ chồng cô hàng xóm có một dạo thường xuyên cãi nhau, tôi chẳng biết vì lí do gì, chỉ biết một hôm chú ấy say khướt về to tiếng rồi… rầm… cái đài nát bét. Lũ nhóc chúng tôi lại tiếc ngẩn tiếc ngơ, những giấc mơ của tôi nát vụn. Nhưng may thay, cuối xóm có vợ chồng cô giáo viên chuyển đến có chiếc tivi trắng đen hay hơn cả cái đài, vì có tiếng lại được thấy cả hình. Thế là từ hôm ấy lũ nhóc chúng tôi bớt đi chơi, canh giờ là về tắm rửa sạch sẽ, đợi đến giờ chiếu phim là giục bố mẹ dắt xuống nhà cô chú ấy xem vô tuyến. Mẹ hay cõng tôi đi xem phim, tôi còn nhớ rõ trên đoạn đường có một cây bơ to. Đến mùa bướm, trên cây ấy có một lũ sâu trắng bằng ngón chân cái, trên mình đầy gai nhọn. Mỗi lần cõng tôi qua đoạn đường ấy là mẹ bảo tôi nhắm mắt lại, đừng nghĩ về mấy con sâu mà nghĩ về cái gì khác sẽ hết sợ. Tôi nhắm mắt, nghĩ về mấy cục kẹo đậu phộng bọc đường mà nuốt nước bọt, đến khi tưởng tượng được cắn một miếng thì mẹ bảo mở mắt ra, đừng sợ nữa vì đã đi khá xa cây bơ rồi. Tôi luyến tiếc, đánh ực một cái, ngoái nhìn bóng cây bơ mờ dần phía sau.

Tuổi thơ ấy cũng trôi qua nhanh, khu tập thể giải tỏa, nông trường chia đất, khoán cho công nhân làm ăn theo sản phẩm. Gia đình tôi khi ấy chơi vơi, vì chẳng đủ tiền làm ngôi nhà mới phải xin ở nhờ. Trên mảnh đất được chia, ngoại và mẹ trồng đậu xanh đậu phộng, làm tạm cái chuồng heo con con để có thêm tiền. Cả khu đất được chia, nhà nào cũng tranh thủ trồng cà phê, trồng xen cây ngắn ngày, có nhà tích góp được tiền thì làm ngôi nhà gỗ nho nhỏ. Chủ nhà mà gia đình tôi ở nhờ hằng ngày nhắc nhở, ngoại tôi buồn rầu. Thế rồi một ngày, ngoại và mẹ quyết định làm nhà mới từ những miếng gỗ cũ, từ tiền bán heo và bán đậu xanh, ngôi nhà tí hin được cất lên với nền đất nhấp nhô. Biết là vất vả đấy, nhưng ba bà cháu vui mừng vì đây là nhà của mình, chẳng sợ phải đi ở nhờ nữa. Ngoại già và yếu dần, nhưng may là bỏ được thuốc lá và cà phê. Trải qua biết bao mùa mưa trên mảnh đất này, đến ngày tôi xa ngoại về thủ đô học, tự mình khám phá những giấc mơ ngày thơ ấu.

Ngoại mất, vào một ngày tôi chưa kịp định hình những điều mình sẽ làm, ngày mà tôi chưa kịp nói với ngoại rằng tôi sẽ mang về cho ngoại những gì số phận đã đánh cắp đi. Nhưng có lẽ, ngoại chẳng cần đến nữa. Với ngoại, gia sản lớn nhất có lẽ là đứa cháu gái đã lớn khôn.
Mưa vẫn rơi, ngoài trời, xanh những triền đồi đầy hoa dại…

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast