Những ngày liên hoan thơ quốc tế Ấn Độ

Liên hoan thơ quốc tế Ấn Độ lần thứ VI được tổ chức tại thành phố Kolkata, thủ phủ bang Tây Bengal từ 5 đến 9/1/2012. Ban tổ chức liên hoan thơ lần VI đã mời hơn 30 nhà thơ nước ngoài và 300 nhà thơ Ấn Độ sinh sống ở nhiều quốc gia trên thế giới về dự. Đoàn các nhà thơ Việt Nam, được Hội Nhà văn Việt Nam cử đi dự liên hoan thơ gồm 4 nhà thơ: Trần Quang Quý, Lê Huy Mậu, Nguyễn Ngọc Phú, Đặng Thị Thanh Hương, do nhà thơ Trần Quang Quý làm Trưởng đoàn.

Ngay khi xuống sân bay Kolkata, các nhà thơ Việt Nam đã được chào đón bằng những bông hoa thơm ngát của Ủy ban đoàn kết Ấn - Việt và Ban tổ chức Liên hoan thơ. Chủ tịch Ủy ban, nhà báo, nhà hoạt động nhân văn, nhà cách mạng, đồng thời là người luôn vun đắp cho tình hữu nghị Ấn - Việt, ông Geetesh Sharma đến tận nơi đoàn ở và bày tỏ: “Chúng tôi là tổ chức làm công tác xã hội, còn rất nghèo, nhưng sẽ lo chi phí cho đoàn Việt Nam trong những ngày liên hoan thơ ở Kolkata. Làm việc đó là niềm vui, là hân hạnh của chúng tôi”.

Đoàn nhà thơ Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với các bạn thơ quốc tế
Đoàn nhà thơ Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với các bạn thơ quốc tế

Nữ nhà thơ Kusum Jain, Thư ký Ủy ban hồ hởi khi nói về vị Chủ tịch đã ở tuổi 80 nhưng vẫn năng động, nhiệt thành của mình. Ông là người đã từng 17 lần sang Việt Nam, từng gặp và yết kiến Thủ tướng Phạm Văn Đồng và coi xây dựng mối đoàn kết hữu nghị, nhân văn giữa hai dân tộc Ấn - Việt như sự nghiệp của cả đời mình. Ông cũng là một trong ba nhà thơ ở Kolkata sẽ sang dự Liên hoan thơ Châu Á - Thái bình dương ở Việt Nam tháng 2/2012.

Buổi sáng trước khai mạc Liên hoan thơ (ngày 6/1/2012), đoàn Việt Nam được Ủy ban dẫn thăm quan một vòng thành phố, tất nhiên là chỉ lướt dạo ở trung tâm thành phố. Kolkata là một thành phố có bề dày lịch sử và văn hóa, nhiều cảnh đẹp và có thương cảng lớn, nằm ở phía Đông Ấn Độ. Đây cũng là thủ đô của Ấn Độ từ 1911 về trước. Thành phố nằm trải dọc hai bên sông Hoohly theo hướng Bắc - Nam, và là thành phố lớn thứ ba Ấn Độ sau New Delhi và Mumbai, với dân số khoảng hơn 14 triệu người.

Kolkata từng là trung tâm văn hóa, giáo dục, khoa học, chính trị và ngày nay là trung tâm tài chính, thương mại, công nghệ thông tin Đông Ấn. Thành phố đang vào thời kỳ cải cách kinh tế, bề bộn bởi công việc xây dựng đô thị, hệ thống giao thông, sân bóng chày và xử lý môi trường…Đây là quê hương của thi hào R. Tagore. Nhiều năm gần đây, thành phố luân phiên tổ chức hội chợ sách và liên hoan thơ quốc tế vào dịp đầu năm. Kolkata cũng là biểu trưng cho tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết lập và xây dựng từ nhiều thập kỷ trước. Thành phố có Đại lộ Hồ Chí minh và tượng của Người đặt trang trọng ở vườn hoa trung tâm.

Tác giả bên lư hương ở chùa Việt Nam Phật Quốc Tự do thầy Thích Huyền Diệu xây dựng ở đất Phật tại bang Bihar, Ấn Độ
Tác giả bên lư hương ở chùa Việt Nam Phật Quốc Tự do thầy Thích Huyền Diệu xây dựng ở đất Phật tại bang Bihar, Ấn Độ

Liên hoan thơ khai mạc vào 15h ngày 6/1/2012 và bế mạc vào tối 8/1/2012. Ở lễ khai mạc, Chủ tịch đoàn cùng nhau thắp 5 ngọn nến, tượng trưng cho ngọn lửa thơ từ các châu lục hội tụ tại đây. Trước mỗi thay đổi Đoàn chủ tịch (một ngày nhiều Đoàn chủ tịch luân phiên chủ trì) lại có một nữ nghệ sĩ hát một bài dân ca Ấn Độ làm điểm nhấn chuyển chương trình.

Ngay buổi chiều khai mạc đoàn Việt Nam được mời đọc thơ, cùng các nhà thơ đến từ Serbia, Israel, Australia… Nhà thơ Trần Quang Quý giới thiệu về các nhà thơ Việt Nam, giới thiệu nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú đến từ Hà Tĩnh, quê hương Nguyễn Du: “Nếu người yêu thơ Ấn Độ tự hào về thi hào Tagore, thì người Việt Nam cũng rất tự hào về thi hào Nguyễn Du…”. Các nhà thơ Việt Nam, đặc biệt là Trần Quang Quý, Nguyễn Ngọc Phú gây được sự chú ý bằng giọng đọc đầy biểu cảm và sự trình diễn của mình, được khán phòng vỗ tay nhiệt liệt (Nguyễn Ngọc Phú và Lê Huy Mậu đọc bằng tiếng Việt, Trần Quang Quý đọc lại thơ các ông qua bản dịch tiếng Anh).

Điều đặc biệt ở Liên hoan là, các nhà thơ quốc tế đọc thơ say xưa trong ba ngày liền, đọc thông tầm giờ trưa, ai đói thì ra nhận phần cơm hộp ở căng - tin, còn trên diễn đàn suối thơ vẫn chảy, mà chúng tôi vẫn bảo “thơ chảy như sông Hằng”, không có các chương trình văn nghệ hoặc hoạt động phụ trợ. Thơ tiếng Anh, thơ tiếng Hindi, thơ tiếng Bengali, thơ tiếng Việt cứ thế nối nhau, mặc dù, có lẽ cũng chẳng mấy ai hiểu được thơ nhau, mà chỉ “cảm” qua ngữ điệu của tâm hồn là chính. Xen kẽ ba ngày đọc thơ là 3 hội thảo ngắn về thơ: Mỗi buổi chiều với các nhà thơ nước ngoài; Những vấn đề của thơ với con người?; Sự tương thích của Tagore ngày nay.

Trước giờ bế mạc, vào cuối chiều 8/1/2012, đại diện cho đoàn Việt Nam, nhà thơ Trần Quang Quý cảm ơn Ban tổ chức Liên hoan thơ quốc tế, đã tạo điều kiện cho đoàn các nhà thơ Việt Nam cơ hội gặp gỡ, chia sẻ với các nhà thơ, các vùng ngôn ngữ và các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Thơ cũng là nhịp cầu hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc. Đoàn Việt Nam trao tặng ngài Chủ tịch Liên hoan thơ quốc tế lần thứ VI, Giáo sư Ashis Sanyal bức phù điêu chân dung Hồ Chí Minh và Tạp chí thơ, số tháng 6/2011 với diễn từ: “Đây là chân dung Hồ Chí Minh, danh nhân văn hóa thế giới, nhà lãnh đạo xuất sắc của Việt Nam, đồng thời là nhà thơ nổi tiếng. Ông cũng là người có công thiết lập mối quan hệ và tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Ấn Độ từ nhiều thập kỷ trước - tiếng vỗ tay nồng nhiệt vang lên khắp hội trường - Và đây là Tạp chí thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, được xuất bản hàng tháng. Trong số tháng 6/2011 rất đặc biệt này, chúng tôi đã giới thiệu R. Tagore và thơ của ông. Ông là nhà thơ lớn, rất nổi tiếng trên thế giới, được nhiều thế hệ bạn đọc ở Việt Nam tìm đọc thơ ông”.

Nói chung, sự xuất hiện của các nhà thơ Việt Nam trên diễn đàn khá ấn tượng, được các nhà thơ và báo chí địa phương chú ý, giới thiệu ngay số báo trong thời gian Liên hoan thơ. Các cán bộ của Ủy ban đoàn kết Ấn - Việt cũng rất hài lòng, khen ngợi đoàn. Nhà thơ Biplab Majee, một trong ba nhà thơ ở Kolkata sẽ sang dự Liên hoan thơ quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương ở Việt Nam vào tháng 2/2012 hồ hởi gặp đoàn bày tỏ: “Thời thơ ấu của tôi, tôi đã nhiều lần tham gia biểu tình ủng hộ Việt Nam trong đấu tranh giải phóng đất nước. Chúng tôi đi trên đường phố và hô vang hai tiếng Việt Nam. Việt Nam chính là tôi!”.

Một số đoàn ngỏ lời mời đoàn nhà thơ Việt Nam thăm đất nước họ, hoặc tham dự các cuộc liên hoan thơ trong tương gần, đặc biệt là các nhà thơ Bangladesh, nơi có một diễn đàn thơ Bengal, đã tổ chức các liên hoan thơ hàng năm tại Cox’s Bazar, bãi biển dài nhất thế giới. Khi biết Việt Nam sắp tổ chức Liên hoan thơ quốc tế Châu Á - Thái bình dương, nhiều nhà thơ Bangladesh rất muốn “tự túc” toàn bộ chi phí tham dự nếu nhận được lời mời.

Trong thời gian ở Kolkata, đoàn cũng ghé thăm văn phòng Ủy ban đoàn kết Ấn - Việt và tặng quà lưu niệm. Đó là cơ sở rất nghèo, chật hẹp nhưng ấm áp tình hữu nghị.

Tối 8/1/2012 đoàn lên tàu đi Gaya, bang Bihar. Những ngày tiếp theo là những ngày đi thăm chùa Việt Nam Phật Quốc Tự (còn có một số chùa Việt nhỏ hơn ở đây), do thầy Thích Huyền Diệu xây dựng ở đất Phật tại bang Bihar, Ấn Độ và tại Lumbini, Nepal. Hai địa điểm quan trọng này cũng là hai trung tâm phật giáo thế giới (nơi Phật sinh và nơi Giác ngộ, thành Phật) có hàng chục chùa của hàng chục nước trên thế giới được xây cất, như là các “Đại sứ quán” phật giáo của các nước hội tụ: chùa của người Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp, Canada, Đức, Bangladesh, Áo… Thời điểm từ 1/1/2012 trở đi là mùa hành hương, lễ hội nên khách thập phương đến rất đông, có đến hàng triệu người từ Ấn Độ và các nước có đạo Phật trên thế giới nườm nượp đổ về Thủ đô Phật giáo này. Tại hai chùa Việt Nam Phật Quốc Tự (ở Ấn Độ và Nepal) đều có ban thờ thờ các anh hùng liệt sĩ Việt Nam, cầu nguyện cho Việt Nam quốc thái dân an.

Thầy Thích Huyền Diệu muốn phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức các trại sáng tác văn học tại Việt Nam Phật Quốc Tự.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast