Những tình ca mùa xuân

Bài tình ca mùa xuân đầu tiên của những ngày đầu tân nhạc còn được hát tới hôm nay là Bến xuân của Văn Cao.

Khởi phát từ tình cảm riêng với một người thiếu nữ, Bến xuân qua tài năng của Văn Cao đã nhanh chóng loang ra cuộc đời, trở thành ca khúc trữ tình tiêu biểu cho tình yêu thuở đó: Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước/ Em đến tôi một lần/ bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân… Giai điệu Bến xuân đẹp đến mức khi cách mạng thành công, lòng yêu nước và khát khao giành độc lập, tự do cho Tổ quốc đã đẩy Văn Cao tới chỗ biến nó thành Đàn chim Việt những mong nhờ giai điệu chuyển tải tấm lòng người nhạc sĩ tới những người lính đang Nam tiến: Về đây khi gió mùa thơm ngát/ Ôi lũ chim giang hồ/ Bao cánh đang còn dật dờ trên khắp cố đô...



Bên cạnh Bến xuân, bài Cô láng giềng của Hoàng Quý cũng được mở đầu bằng những ca từ thấm chất xuân: Hôm nay trời xuân bao tươi thắm… Bài ca nói về sự chia tay của người trai và lời hứa thủy chung của cô láng giềng chàng đã thầm yêu vào một ngày xuân tươi thắm. Song ý chí ra đi của người trai đã đưa Hoàng Quý tới hành khúc Cảm tử quân hết sức rắn rỏi: Tiến lên đàng/ tới sa tràng/ ta xứng danh là cảm tử quân. Vì sự sống còn lúc đó của dân tộc, chúng ta đành phải tạm gác lại những Bến xuân, Cô láng giềng để hát Đàn chim Việt, Cảm tử quân…

Mùa xuân 1945, tại phố cổ Hội An, nhạc sĩ người Việt gốc Hoa La Hối đã viết điệu vallse lời Hoa rất tươi trẻ và đầy chất khí nhạc mang tựa đề Xuân và tuổi trẻ. Không ai ngờ, La Hối vừa là người lập ra nhóm Tân nhạc Hội An, lại vừa là người tham gia một tổ chức bí mật chống phát xít. Sau khi Nhật đảo chính Pháp ít tháng, La Hối bị Nhật phát hiện, bắt và đưa đi xử tử cùng các đồng chí của ông tại chân núi Phước Tượng. Mùa xuân 1946, đoàn nhạc vũ kịch Anh Vũ của Thế Lữ, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung vào Hội An. Được anh em Hội An cung cấp cho bản thảo Xuân và tuổi trẻ, Nguyễn Xuân Khoát thấy ca khúc hay quá bèn yêu cầu Thế Lữ làm lời cho Xuân và tuổi trẻ, còn chính ông thì viết phần phối cho ca khúc này: Ngày thắm tươi bên đời xuân mới/ Lòng đắm say bao nguồn vui sống/ Xuân về với ngàn hoa tươi sáng/ Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng.

Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, mặc dù các nhạc sĩ dành gần hết tâm trí cho những hành khúc, những bài ca chiến đấu, chúng ta vẫn nghe đâu đó Sơn nữ ca của Trần Hoàn, Nụ cười sơn cước của Tô Hải và Ai có về bên bến sông Tương của Thông Đạt. Bây giờ ngoái nhìn lại, mới thấy sức sống của tình ca cũng mãnh liệt như sức sống của mùa xuân. Dù không khí xã hội có khốc liệt đến đâu thì tình ca vẫn còn, khi tình yêu vẫn còn. Cũng chính trong chín năm đó, mặc dù là trưởng đoàn văn công Sư đoàn 304, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã viết ca khúc Dư âm nổi tiếng trên một cái hang ở nơi đóng quân vào năm 1950. Dư âm, bản tình ca nuối tiếc ngọt ngào và nhân bản của mối tình đầu lỡ dở sẽ còn ở lại mãi với thời gian và công chúng yêu âm nhạc.

Ở vùng tạm chiếm Hà Nội, những tình ca mùa xuân của Phạm Duy, Ngọc Bích… vẫn được hát dịu dàng. Trẻ trung nhất là Gái xuân của Từ Vũ: Em như cô gái vẫn còn xuân/ trong trắng thân chưa lấm bụi trần/ xuân đến hoa mơ hoa mận nở/ Gái xuân giăng lụa trên sông Vân…

Hòa bình, tâm hồn con người bỗng bay vút lên, tưởng như không gì kìm nổi. Những bài tình ca lại tràn qua những mùa xuân. Đoàn Chuẩn - nhạc sĩ của những mùa thu Hà Nội - lúc đó cũng hát da diết tình ca mùa xuân để gửi người yêu dấu nay đã cách xa: Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng/ rừng đào phong kín cánh mong manh hé hoa lòng/ Hà Nội chờ đón Tết hoa chen người đi liễu rủ mà chi/ đêm tân xuân/ Hồ Gươm như say mê/ chuông reo ngân/ Ngọc Sơn sao uy nghi/ ngàn phía đến lễ đền/ Chạnh lòng tôi nhớ đến người em.

Còn Hoàng Việt thiết tha trong âm hưởng mùa xuân xa xứ: Khi đã nghe tiếng ca của lòng người yêu phương xa/ em hãy ngước mắt lên vui nhìn trời xanh quê ta/ chim bay giăng giăng ngoài nắng xuân đẹp thay/ tan cơn phong ba/ lòng đất yên rồi đây/ em hãy nở nụ cười tươi xinh/ như cánh hoa xuân chào riêng anh/ nói nhau nghìn lời/ qua đôi mắt xanh… Ở một phía khác, tình ca lại là nơi bày tỏ tình yêu, những khởi hợp, tái hợp chứa chan nhựa sống như Cô gái hội xuân (nhạc Trần Chung, thơ Hữu Loan), Bài ca gửi noọng của Nguyễn Tài Tuệ, Tình ca Tây Bắc của Bùi Đức Hạnh…và dạt dào, tràn đầy hi vọng trong Bài ca hi vọng của Văn Ký: Từng đôi chim bay đi, tiếng ca rộn ràng/ cánh chim xao xuyến gió mùa xuân gửi lời chim yêu thương/ tới miền Nam quê hương nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ/ ước mơ những mùa xuân bóng dáng tương lai ...


Nhưng rồi những bản tình ca lại tạm lắng xuống, chảy ngầm trong sâu thẳm tâm hồn, nhường chỗ cho một thời hành khúc rực rỡ, vẻ vang. Người dân lại hát Xuân chiến khu của Xuân Hồng, những bài thơ xuân của Bác được phổ nhạc, những bài ca xuân chiến thắng như Chào mùa xuân đại thắng, Chào anh giải phóng quân của Hoàng Vân, Cùng hành quân đi giữa mùa xuân của Hoàng Hà, Mùa xuân lên đường của Phan Thanh Nam…

Nhưng cũng trong những năm chiến tranh chống Mĩ vô cùng ác liệt đó, vẫn đôi lúc chúng ta nghe được Tình em của Huy Du: Anh anh đi bao núi/ tình yêu như khe suối/ Lưu luyến và nhớ thương/ Chảy theo anh khắp rừng/ Anh anh đi xa càng xa/ tình em như cỏ hoa … và cũng nghe thầm thì ở đâu đấy bản tình ca của Hồng Đăng được giải thưởng ở Tiệp Khắc, những tình ca không được hát lên của Dương Thụ như Hơi thở mùa xuân.

Thống nhất đất nước, sau những hồ hởi đầu tiên như Từ ngày hôm nay của Nguyễn Đức Toàn, Trên đường hạnh phúc của Văn An hay Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh của Xuân Hồng, mất có đến vài năm, tình ca vẫn phải gắn với những nhiệm vụ xã hội. Ở nhiệm vụ nào cũng có em và có anh, ở chỗ nào cũng thấy Đôi bồ câu đang bay về hướng - anh cùng em ra nơi công trường… (Trên công trường rộn tiếng chim ca - Ngô Quốc Tính) hay đủ ý hơn nữa thì cũng tới như Phó Đức Phương là “kịch tường”: Mùa xuân đến - cho công trình - màu nắng mới - tình yêu đến tay nắm tay - lòng phơi phới… (Tình ca trên những công trình). Những năm ấy, Đợi anh về của Hoàng Hiệp, Đi qua vùng cỏ non của Trần Long Ẩn hay Tình ca mùa xuân của Tôn Thất Lập… là những của hiếm, quý.

Phải chờ đến sau chiến tranh biên giới phía Bắc, xã hội mới vỡ ra điều gì trước đó cứ làm cứng lại trái tim, lúc đó mới có Mùa xuân gọi của Trần Tiến, Tình ca bên bờ sông quan họ của Phan Lạc Hoa - thơ Đỗ Trung Lai… và đặc biệt là Hơi thở mùa xuân của Dương Thụ. Bài hát được Lệ Quyên mang đi dự thi giọng hát hay thế giới ở Tiệp Khắc. Tại đây, Lệ Quyên đã khóc nức lên khi hát xong vì mừng, rằng đã có bài tình ca Việt Nam khiến cho thế giới phải sửng sốt.

Có thể nói từ 1986 đến nay, ngọn gió đổi mới đã thổi bùng lên ngọn lửa tình ca với những gương mặt đáng kể của một lớp nhạc sĩ như Dương Thụ, Nguyễn Cường, Trần Tiến, Trương Ngọc Ninh, An Thuyên, Phú Quang, Ngọc Đại, Thanh Tùng… Những tình khúc mùa xuân của Trịnh Công Sơn và nhiều tác giả Sài Gòn trước 1975 được hát lại. Gần đây, xuất hiện nhiều tình ca xuân của lớp nhạc sĩ trẻ như Thì thầm mùa xuân, Chiều xuân của Ngọc Châu, Khúc giao thừa ngày xuân của Anh Quân... Những tình ca mùa xuân bây giờ có vẻ riêng tư hơn nhưng lại sa vào mòn sáo. Chúng ta còn phải kiên lòng chờ đợi thêm những tình ca mùa xuân trở thành bất tử trong đời sống âm nhạc Việt Nam.

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast