Nỗ lực của một cây bút thơ đất Nghệ

Là tập thơ thứ 6, Nguyễn Văn Hùng vẫn nhỏ nhẹ kiệm lời, rung động với những cảm xúc bình dị, trước những vấn đề lớn có, nhỏ có thông qua sự việc, cảnh vật, địa chỉ, con người cụ thể để bày tỏ lòng mình, rồi khái quát được những vấn đề trong xã hội.

(Đọc tập thơ Những lỗ thủng của Nguyễn Văn Hùng, NXB Văn học - 2013)

Ngay mở đầu tập thơ, anh đã thể hiện điều đó:

Không rối rít cảm ơn như người,

Đất lặng lẽ nhận vào mình hạnh phúc.

Tôi lặng lẽ nhận về mình một ít,

Những vui buồn hoa cỏ vườn trưa...

(Vườn trưa)

Cái mạch thơ ấy, anh khai thác từ ngay cả tiếng ve trên đường Trường Sơn:

Bấm nhau để cùng ngước lên cao

Trong chúng tôi vài người râm rấm nước mắt

Có một Trường Sơn không dễ gì được gặp

Hai mươi chín năm giải phóng rồi

còn kêu thế này chăng?

(Nghỉ đêm ở A Lưới)

Cả đến bài “Dọc đường”, anh lại một lần nữa cho ta hay: “Mới ra sao thì vẫn còn mình/ Cũ ra sao để không vứt bỏ/ Chuyện dọc đường ngày thành trắng tóc đêm...”.

Thơ Nguyễn Văn Hùng ý tại ngôn ngoại đạt cao nhờ tứ sâu. Viết về nhà thơ xứ Nghệ Trần Hữu Trung thì rất khó, nhưng Nguyễn Văn Hùng đã thể hiện được:

Tôi gạn hỏi về thơ “Thăm lúa”

Ông nhìn xa

cúi lặng

mỉm cười

Sách trên giá cây bên cửa sổ

Đồng lõa với nhà thơ không thốt một lời.

Ngoài kia, lèn Hai Vai ngày càng hẹp lại

Bên giường ông thế núi cứ ngang tàng

Ngoài kia, lúa trĩu bông có thể làm trật dép

Người chống cuốc trông người đã hóa xa xăm...

(Xa xăm)

Và cả đến anh bạn tôi – họa sỹ Hoàng Nguyên Ái, chỉ lấy đặc điểm “nhại” tiếng người tiếng vật, Nguyễn Văn Hùng lại từ cái đó để nói với đời:

Lắm kẻ tập làm người thì bị lãng quên

Có kẻ tập làm chó thì được nhắc mãi

Cuộc đời hay nghệ thuật đấy, thưa ông?

(Nhại)

Ngay những bài “Với con đom đóm”, “Trà Hoàng Cung” việc nhỏ, chuyện nhỏ thôi, nhưng cái lớn là đời này: “Chúng ta không còn thời gian để làm vua/ Chúng ta vẫn đủ thời gian để làm bạn”.

Nhà thơ Nguyễn Văn Hùng
Nhà thơ Nguyễn Văn Hùng

Tôi say sưa đọc cả tập, không chỉ để có đôi lời mà để thấy được lần này Nguyễn Văn Hùng đi xa hơn, cảm xúc sâu hơn, hình tượng, ý tứ sáng hơn. Tóm lại, thơ hơn nhiều! Anh không tràng giang đại hải, không kể lể, hầu hết mỗi bài chỉ nằm trong một trang in, ngắn mà đủ, ngắn mà người đọc ngẫm nghĩ dài.... Tuy so sánh có thể khập khiễng, nhưng ở Nghệ - Tĩnh, có hai nhà thơ Lê Quốc Hán và Nguyễn Văn Hùng có thể nói là những cây bút kiệm lời mà sâu, lại rất thơ.

Để kết thúc bài viết này, tôi dừng lại ở bài “Tự nhiên”. Nguyễn Văn Hùng nói nhiều để ta liên tưởng ngay trong giáo dục con trẻ hiện nay, tính tự nhiên cũng bị khuôn mẫu, đang bóp chết tâm hồn trẻ con. Con người cần sự đồng thuận với người, với thiên nhiên để đi tới, để phát triển.

Hãy để mọi sự đi và đến tự nhiên

Như nó vốn có, như đất trời vốn có!

Thơ Nguyễn Văn Hùng cũng đã làm được điều nay. Đó là sự đồng thuận giữa ý, lời và cảm xúc, nhờ vậy mà có được những tứ sâu sắc và hình tượng sáng...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast