Nơi Hàn Mặc Tử tắm trăng cùng với biển

Chúng tôi đến Ghềnh Ráng khi trời đã nhạt hơi sương, nắng dát vàng trên biển và đổ ánh sáng rạng ngời khắp đồi thi nhân. Buổi ấy trên mộ Hàn Mặc Tử khói hương của du khách viếng thăm đã bảng lảng khắp cây cối, nước trời Ghềnh Ráng. Sắc khí ấy làm nhạt phai hẳn cái cảm giác cô đơn âm bản trong tôi mỗi lần nghĩ đến chàng thi sỹ tài hoa bạc mệnh mà mình hằng mến mộ.

Nơi Hàn Mặc Tử tắm trăng cùng với biển ảnh 1

Mộ Hàn Mặc Tử tại Gềnh Ráng

Sau bao nhiêu lần lỗi hẹn với lòng mình cuối cùng tôi cũng đã đến được bên mộ Hàn. Dốc Mộng Cầm khiến bước chân tôi hơi tần ngần và lòng nhiều nhói xót nhưng rồi tôi chợt nghĩ biết đâu ở cõi vô thường kia họ đã hợp duyên như lời hát trong ca khúc “Hàn Mặc Tử” - “Tình đã lỡ xin một câu hứa kiếp sau ta tròn đôi”? Mộ của Hàn Mặc Tử bây giờ không giống như lời tiên tri của anh trong “Duyên kỳ ngộ” về nỗi cô đơn dai dẳng bám riết mình tới khi xa lìa dương gian, rằng: “Một mai ở bên kia khe nước ngọc/ Với sao sương, anh nằm chết như trăng/Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc/Đến hôn anh và rửa vết thương tâm”. Sau gần 20 năm nằm cô đơn ở chân núi Quy Hoà, năm 1959 mộ của thi sỹ đã được gia đình cải táng ra Gềnh Ráng ở khoảnh đất bằng phẳng trên đầu một gò cao, lưng tựa núi, mặt hướng ra biển khơi. Tuy không thoả ước nguyện được chôn cất ở Đèo Son nhưng ít nhiều nơi đây cũng đã thoả niềm ao ước: “Chiều chiều hiện hồn lên nhìn non nước” của Tử lúc bình sinh. Đặc biệt, trong hơn mười năm trở lại đây, khi Ghềnh Ráng trở thành khu du lịch thì mộ của Hàn lúc nào cũng ấm khói hương bay và ngày càng thêm nhiều “nàng tiên” đến “rửa vết thương tâm” cho chàng.

Mộ Hàn đơn giản, trang nhã và dễ khiến người ta xúc động. Trên đầu khuôn mộ hình chữ nhật là tấm bia dựng bia có tạc hình Đức Mẹ Maria đứng nhìn xuống nấm mộ, đưa tay ra như để đón linh hồn Tử đang quỳ phía dưới. Dưới chân tượng Đức Mẹ Maria là dòng chữ giản dị: “Nơi đây yên nghỉ trong tay mẹ Maria Hàn Mặc Tử tức Phêrôphanxicô Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22 - 9 - 1912 tại Lệ Mỹ (Quảng Bình), tử ngày 11 - 11 -1940 tại Qui Hoà (Qui NHơn – Bình Định)”. Phía sau mộ, là miên man núi, từng lớp từng lớp chạy ven theo biển cho tới Quy Hòa. Phía trước mặt là biển Quy Nhơn mênh mông và vũng Thị Nại huyền hoặc những đêm sáng trăng. Chợt hình dung những đêm trăng lên, vật vã trong cơn đau, Hàn Mặc Tử đã đắm say trong vẻ đẹp ma mị của Hằng Nga để chống chọi bệnh tật với những dòng thơ liêu trai: Ha ha! Ta đuổi theo trăng/ Ta đuổi theo trăng…/ Trăng bay lả tả, ngã trên cành vàng(...)/ Hô hô! Ta đuổi theo trăng, ta đuổi theo trăng!/ Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng! Trăng! Trăng!/ Thả nàng ra! Tôi thả nàng ra!/Hãy buông nàng xuống cho ta ẵm bồng.

Qua dốc Mộng Cầm, đến bên mộ thắp nhang tưởng nhớ Hàn, tôi men theo lối nhỏ dạo bước quanh đồi thi nhân, những dải mai vàng Nhật Bản như vàng hơn trong nắng biển Qui Nhơn và gợi nhớ những triền ký ức xa xôi, nhớ buổi đầu biết đọc thơ Hàn, biết cảm nhận nỗi đau đớn trong trái tim chàng để rồi từ đó cái hồn thơ cuồng điên, đê mê nhưng rất thơm tho, tinh sạch ấy đã đậu vào hồn tôi mãi mãi. Trong miên man hồi tưởng, tôi chợt nghĩ đến những giai nhân một thời của Hàn. Những bóng hồng ấy giờ chắc cũng đã yên nghỉ một nơi xa xôi nào đó và giả hồn phách họ vẫn còn vương vấn chút ăn năn, day dứt nào đó sau ngày Hàn khép cửa trần gian đi vào cõi vĩnh hằng thì giờ đây họ hoàn toàn có thể an tâm bởi chốn an nghỉ này của chàng là nơi tuyệt đẹp và không có chỗ cho nỗi bất hạnh nào nữa. Ngọn đồi thuở xưa ông hoàng Bảo Đại từng chọn xây lầu thưởng ngoạn từ năm 1985 đã khoác lên mình tên gọi mới là đồi thi nhân do anh em nghệ sỹ Qui Nhơn đặt. Phía trước là biển xanh sóng trắng vỗ âm điệu đại dương, cho cây lá đêm ngày du dương trong miền khởi thuỷ. Phong cảnh ấy chẳng phải rất hợp với tâm hồn thi sỹ của Hàn sao? Phong ảnh ấy chẳng phải sẽ gột rửa những nỗi đau trong cõi lòng thi nhân sao? Và cảnh sắc ấy cũng khiến du khách như được trả lại sự thư thái, thanh thoát trong tâm hồn mỗi lần đến đây. Trong khuôn viên khu mộ còn có căn nhà lưu niệm, trong đó lưu giữ những kỷ vật quí giá của thi nhân, giúp du khách rõ hơn về giá trị văn chương cũng như cuộc đời nhiều giông bão của Hàn Mặc Tử.

Chúng tôi rời Ghềnh Ráng khi trời trưa tròn bóng, sóng biển Qui Nhơn lặng yên đưa tiễn. Dẫu đã thoả mong muốn viếng mộ thi nhân nhưng trong thâm tâm tôi vẫn hoài nuối tiếc vì không được biết đến đêm trăng trên đồi thi nhân. Nhưng tôi tin rằng ở đó, trong những đêm nguyệt ngời Hàn Mặc Tử vẫn ngạo nghễ: “Ta bay lên! Ta bay lên!/ Gió tiễn đưa ta tới nguyệt thềm/ Ta ở trên cao nhìn trở xuống/ Lâng lâng mây khói quyện trăng đêm”- “Để nghe dưới đáy nước hồ reo/ Để nghe tơ liễu run trong gió/ Và để xem trời giải nghĩa yêu...”

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast