Quà tặng của biển

Nét phẳng xa xanh tận chân trời khiến tầm nhìn không giới hạn, từng con sóng nhỏ chạm nhẹ vào bờ rồi chạy ra xa, biển ở bên Thư rộng lớn trong buổi sớm vắng người khiến Thư càng thấy mình nhỏ bé. Thư bước từng bước trên bãi cát phẳng lì có rất nhiều vỏ sò, vỏ ốc nằm lẫn với những cánh sao biển màu vàng ngà. Ngoài kia, không còn cách xa bờ lắm, những chiếc ghe đánh cá đang quay về.


Thật ra Thư chẳng biết làm gì khác hơn là đi dọc bờ biển, khi anh còn chưa thức dậy. Như các buổi sáng vừa qua, Thư sẽ trở về chỗ trọ rồi cùng anh đến căng-tin của chi nhánh công ty để ăn sáng, sau đó anh sẽ phải có mặt ở phòng họp cho đến trưa. Thời gian này, Thư sẽ hoàn toàn tự do, nhưng với Thư, đó là thứ tự do cô đơn. Thư đọc báo, dọn dẹp vài thứ, đi lui đi tới trong căn phòng khoảng 12m², đợi lúc anh về. Thư đã nhiều lần đi theo cùng anh, vì anh nghĩ Thư sẽ rất buồn khi ở nhà một mình, vì anh muốn Thư có mặt bên anh những lúc đi tham quan, hoặc dự liên hoan ở nơi này nơi khác. Thư vẫn luôn chiều theo ý của anh, vì Thư cũng chẳng muốn làm anh buồn lòng, lại luôn nghĩ đến những vất vả của anh trong công việc, kể cả sự nóng tính ít kềm giữ được của anh khi đối diện với những sự việc mà anh không hài lòng.

Minh họa: A.Dũng

Minh họa: A.Dũng

Trong những lúc phải một mình với tâm trạng của kẻ không còn cất giấu nỗi buồn, Thư lại trở về với chuỗi ngày đầu đời của mình ở thành phố quê hương. Đó là những ngày vừa miệt mài học tập vừa phụ giúp việc nhà cho cha mẹ. Hàng ngày, sau giờ học, Thư tất tả ra chợ mua vật liệu cho mẹ làm các món bánh bán trước nhà để nuôi một đàn con. Rồi những ngày vất vả mà đầy ý nghĩa ấy chuyển dạng, khi Thư bắt tay vào công việc ở ngân hàng. Sự cố gắng của Thư cũng đã mang lại kết quả cho phần việc và cho lương bổng của Thư. Thư luôn là người ở trong danh sách được khen thưởng cao. Những ngày ấy, Thư có niềm vui tự sắm sửa từng vật dụng cho cá nhân mình, còn để dành tiền giúp cha mẹ hàng tháng, nhiều khi mua quà cho các em.

Vậy mà hai năm trước, Thư đã rời bỏ công việc ấy, để sau đám cưới, theo anh vào thành phố phía Nam. Đó là sự lựa chọn của Thư. Đó cũng là việc đặt dấu chấm hết cho chuỗi ngày hồn nhiên nhất của cuộc sống. Thư đã đi về phía có anh, cũng có nghĩa là Thư đã tham gia số phận với anh, gạt bỏ đi một phần những gì mình đã có, chỉ vì biết anh mong muốn như vậy, khi anh nghĩ công việc hiện tại của anh đã có thể bảo bọc được cuộc sống của Thư lâu dài.

Nhưng cho đến hôm nay, thêm một lần theo bước chân anh đến thành phố biển, Thư nhận ra đời sống thật sự mà cô mong muốn không phải chỉ là luôn luôn nhận lấy những gì mà anh trao tặng; những gì Thư trân trọng, lẫn cả những điều mà Thư không thích ứng được.

Thư thật sự muốn tránh xa không khí của những cuộc họp mặt vui chơi, ăn uống sau những buổi chiều làm việc của anh. Lúc này, những khuôn mặt nhiễm rượu bia đã bừng lên, bao nhiêu lời lẽ xộc xệch được sử dụng như những thứ gia vị đủ cả đắng cay chua ngọt thừa mứa trên bàn tiệc, những tiếng cười vang vỡ, những ly bia sóng sánh chực tràn đổ. Những lúc này, anh cố trấn an Thư với nụ cười vui vui dễ dãi, như ngầm bảo có sao đâu mà. Cuộc sống ở nơi này nơi khác, cứ thế mà tiếp diễn, lặp đi lặp lại, như thể những mắt xích của một sợi dây vô hình cứ thít chặt lấy những ước mơ.

***

Bỗng chốc những chiếc ghe đánh cá đã vào bờ. Tiếng của người đi khơi chen lẫn với tiếng của bạn hàng, vừa gọi nhau, vừa chuyển cá, vừa mặc cả, làm vang động cả một vùng biển. Hôm nay, những mẻ cá đánh bắt được không nhiều, thoáng chốc bạn hàng đã tản mác, chỉ còn một vài người bán cá dạo đang đi dọc biển, có người gánh đôi thúng trĩu nặng, có người cắp rổ một bên hông, vừa đi vừa rao mời, tiếng rao đều đều, vang dội rồi tan loãng.

– Cô ơi, mua cá không?

Một tiếng nói rõ to vang lên cùng tiếng chân bước gấp sau lưng Thư. Hất chiếc nón lên cao, một khuôn mặt thiếu phụ với làn da nâu sạm và nụ cười cởi mở hiện ra sau vành nón. Thư chưa kịp trả lời, chị đã nói tiếp:

– Đây là mớ cá bạc má cuối cùng, cô mua giùm nhé?

Trước mắt Thư là những con cá ánh bạc tươi ròng, có con đang nảy mình trong rổ. Thư vội trả lời:

– Tôi ở xa đến, tiếc quá, chị thông cảm nha.

– Ồ, không sao - Chị vừa rảo bước đều, vừa liếng thoắng - Cô là du khách hả?

– Ồ, chỉ là đi theo chồng đó mà. Mỗi ngày chị ra đây vào buổi sáng thôi hả?

– Dạ, có khi tôi mua và bán cả vào buổi chiều, tùy theo mùa vụ nữa. Ồ, có những ngày cá nhiều lắm, quà tặng của biển đó, đầy cả ghe.

– Nhưng người ta cũng phải đánh bắt cật lực mới có được, rồi các chị cũng còn phải trao đổi mua bán nữa chứ. Không dễ có tất cả - Thư cười vui - Phải không?

– Dạ. Tôi phải đi nhanh vì có người đang gọi kia rồi, nha cô.

Bóng chị nghiêng nghiêng tiến về phía những người vừa ùa xuống bãi biển; trông chị thật dễ mến với những tất bật, những mệt nhọc vất vả và niềm vui hồn nhiên.

Thư quay về chỗ trọ. Cô không nhìn biển mà thấy biển tràn ngập tâm trí mình, vừa xanh rờn vô hạn, vừa gợi nhắc về cái hữu hạn ở mỗi đời người. Cô lại hình dung ra khuôn mặt của chồng mình khi vừa thức dậy mà không thấy có cô bên cạnh, nên Thư nhanh chân hơn. Một người đàn ông cũng bước nhanh kịp đến bên cô, vừa cất tiếng chào Thư. Thư ngỡ ngàng quay sang, nhận ra đó là Tần, một người làm việc cùng công ty của chồng cô. Một ký ức thoáng vụt qua trong cô, đây là người vẫn có khiếu sáng chế ra những lời bông lơn, đùa cợt để mua vui trên bàn tròn họp mặt với đồng sự mỗi chiều sau giờ làm việc, trong những đợt đi công tác chung.

– Sao Thư lại đi một mình? - Tần hỏi.

– À, sáng nào tôi cũng đi bộ đó mà.

– Vậy là tôi có điểm giống với Thư. Biển đẹp quá nhỉ?

– Dạ - Thư hơi mỉm cười - Trong câu hỏi của anh đã có câu trả lời rồi.

Ở Tần, chẳng còn dấu hiệu của người hay đùa cợt nữa. Anh ta nhìn Thư vẻ thăm dò, rồi nói tiếp:

– Người ta cũng sẽ có tâm trạng khác nếu ở trên những bờ biển khác. Thư đã đến biển ở nước ngoài chưa?

– Dạ chưa.

– Lúc tôi đi dọc một bờ biển ở miền Nam nước Pháp, tôi đã trèo lên một ghềnh đá, thấy biển nơi đó có một vài quang cảnh cũng gần giống với biển ở nước mình. Nhưng lúc đó tôi thấy mình vẫn là kẻ bất hạnh…

Thư chưa có đủ sự thân tình và hiểu biết về người đàn ông dường như đang muốn bộc bạch một điều gì đó về anh ta, nên Thư chỉ biết cố gắng nghe anh ta nói.

– Còn ở đây, bây giờ thì không. Được ở bên búp bê xinh ngoan mà mình mến mộ, tôi đã có một niềm vui.

– Tôi thật sự chưa hiểu hết ý của anh. Tôi chỉ mong anh đừng ngộ nhận một điều gì.

– Ồ, Thư…

Vẻ ngập ngừng bối rối của anh ta làm Thư lo lắng. Thư nghĩ đến chồng mình, rồi cảm thấy con người đang ở bên cạnh mình sao lại mang những ý nghĩ không đâu vào đâu như vậy. Thư cũng chẳng biết anh ta đã có gia đình chưa. Cô chưa có ý định “xử phạt” cho sự bày tỏ dễ dãi và thái độ đường đột của anh ta, cô chỉ e rằng anh ta sẽ không tránh khỏi bị va vấp, bị tổn thương từ những ý tưởng, cảm xúc, hành vi do chính anh ta tạo ra. Cô thấy mình thật khác. Khi anh ta chỉ vào một lối mà anh ta sắp rẽ vào, Thư đã đi như chạy về phía chỗ trọ có chồng của cô đang đợi.

Rồi Thư cũng phải trở về với thực tế của chính mình.

***

– Thư ơi, em đang ở đâu?

Câu ấy đã nhiều lần vang lên trong lòng người đàn ông khi anh trở về chỗ trọ vào buổi trưa và không trông thấy vợ cùng những vật dụng của cô trong phòng nữa. Anh đã thử liên lạc bằng điện thoại di động nhưng chỉ nghe những lời nhắn của tổng đài số “điện thoại đã bị khóa, xin gọi lại sau”. Anh thật sự hoang mang sau khi nhìn quanh khắp phòng, mong có một mảnh giấy của Thư để lại. Tất cả thật trống vắng, đáng sợ. Vậy mà anh tính rủ Thư vào cuối chiều đến một quán ăn dọc làng chài cách khu trung tâm khoảng bảy cây số, hứa hẹn một buổi tối vui với món cua hấp. Anh luôn muốn có Thư bên cạnh mình. Đối với anh, cô thật đáng yêu, thật ngoan hiền, như một công chúa búp bê, là niềm tự hào của anh trước mọi người quen chung quanh. Cô luôn nghe lời anh trong mọi việc. Cô là một phần đời của anh, và chẳng bao giờ anh nghĩ cô lại làm trái lời anh trong bất cứ chuyện gì. Anh hầu như đã quên cô từng là một nhân viên ngân hàng, một người năng nổ trong công việc. Anh cũng rất ít nhớ tới hoàn cảnh ở thành phố đang sinh sống hầu như cô có rất ít người thân. Anh quen với những chăm sóc chu đáo, tận tình hàng ngày của cô, từ chiếc khăn lau mặt, chiếc bàn chải đánh răng, đến bữa ăn, giấc ngủ. Anh nghĩ anh xứng đáng được hưởng sự chăm sóc ấy vì chính anh là người luôn yêu thương cô, chẳng để cho vợ phải thiếu thốn một cái gì trong cuộc sống thực tế. Anh tích cực, cần mẫn làm việc ở công ty, ít khi dừng lại để suy nghĩ về những mong ước của vợ mình, khi đang một mình ở nhà. Niềm tự tin của anh gần như là niềm tự tin của một người chưa hề biết đến nghịch cảnh và thất bại trong cuộc sống.

Khi anh đang buồn phiền về sự vắng mặt của Thư, điện thoại của anh bỗng rung lên và anh đọc tin nhắn của Thư: “Em về thành phố để kịp làm hồ sơ xin làm việc lại. Chú của em vừa nhắn gấp như vậy. Em chờ anh ở nhà. Thương yêu”.

Anh thở phào như vừa bớt đi được một tảng đá đè nặng lên lồng ngực. Lúc ấy, trên chuyến xe đò tốc hành về thành phố, Thư đang buộc tóc lên cao, hướng mắt nhìn về vùng biển mà cô vừa rời đi. Thư nhìn thấy vòng cung bờ biển với những đợt sóng trắng xóa vỗ vào bờ, giống như một chiếc cốc nước xanh đang sủi bọt.

Nguồn: SGGP Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast