Quê hương mùa bão

Thu đến không hẹn trước để rồi bất ngờ sau một ngày oi ả, đêm chợt nổi gió, sáng sớm vương chút lành lạnh khiến nó giật mình bừng tỉnh...

Năm nay, nó được cảm nhận cái thời tiết chuyển mùa này ở miền quê nghèo nơi nó sinh ra chứ không phải mảnh đất Quy Nhơn xinh đẹp từng theo học mấy năm ở đó. Nếu như Quy Nhơn đã chịu ảnh hưởng của thời tiết miền Nam với những dấu hiệu chuyển mùa rất khó để cảm nhận thì thời tiết Bắc Trung bộ lại rất rõ ràng khi thu đến.

Đi tránh bão
Đi tránh bão

Thu đến là khi những chiếc lá trên cành bắt đầu rụng xuống, những ngày oi ả mát mẻ, dễ chịu hơn. Nhưng, nếu như người ta chờ đợi mùa thu để ngắm lá rụng, để được tình tứ dắt tay nhau dạo trên những con đường ngập lá vàng và nép vào nhau mỗi khi gió thoảng qua như trong những bộ phim tình cảm thì những người dân quê nó quanh năm lam lũ với đồng ruộng lại lo lắng vì mùa thu là mùa mưa bão.

Còn nhớ, khi học phổ thông, một buổi chiều bình thường như bao buổi chiều khác, trời không nắng, không mưa, nó và mấy đứa bạn gọi nhau về nhà học nhóm. Rồi bỗng nhiên mưa xuống, lúc đầu mưa nhỏ, nhưng sau đó lớn dần và dường như không có dấu hiệu muốn tạnh. Mưa lớn bao nhiêu thì nước bắt đầu dâng lên bấy nhiêu, nước từ ngoài ruộng tràn vào nhà. Nó hoang mang không biết làm sao với sập lúa đầy khi nước bắt đầu dâng cao.

Nước dâng cao hơn, gió thổi mạnh hơn như chuẩn bị có một cơn bão tới. Bố bắt đầu mang áo mưa đi giúp những người hàng xóm chuyển lúa lên cao, giúp những người già khi con cái họ đi vắng không về kịp. Đến nửa đêm, nước đã đến đầu gối và mọi đồ đạc và người phải chuyển lên nhà trên vì nhà dưới đã bị ngập. Khi cơn bão đi qua, nước rút dần thì làng xóm, nhà cửa hầu như không còn nguyên vẹn nữa. Tất cả mọi thứ qua một đêm mà tiêu điều khiến mọi người nhìn tới đếu phải rơi nước mắt.

Học đại học - khoảng thời gian không phải tận mắt chứng kiến cảnh những mùa bão đi qua làng quê nghèo khó ấy - không phải nó không quan tâm tới những mùa thu ở quê. Trận lũ lịch sử 2010 vẫn còn là nỗi ám ảnh với nó và đứa bạn cùng quê khi mảnh đất miền Trung trong đó có quê hương nó phải gánh chịu hết những gì mà thiên tai mang tới. Những ngày ấy, đi học trên lớp nhưng nó không thể tập trung bởi mấy ngày mưa lũ không đứa nào liên lạc được với gia đình. Cứ đi học về là kéo nhau qua nhà cô chủ xin xem thời sự trưa để cập nhật thông tin ở quê.

Tim thắt lại, những giọt nước mắt rơi, những tiếng nấc nghẹn ngào khi người ta thông báo về số người chết đuối vì nước cuốn hay những người mất tích. Có ai không đau lòng khi càng nghe tin thì lại càng thấy thông tin nước cứ dâng lên và số người thiệt mạng cũng theo đó tăng lên. Điên thoại thường xuyên gọi về nhà và đứa nào cũng nhận được những câu trả lời vô hồn “Thuê bao quý khách vừa gọi tạm thời không liên lạc được”, rồi khi điện thoại reo là vồ ngay lấy mong là bố mẹ ở nhà gọi.

Cơn lũ đi qua, đứa nào đứa nấy cũng nhận được điện thoại từ gia đình rồi khóc trong hạnh phúc khi người thân an toàn. Nhưng liền đó là những ngày vất vả lại hằn lên đôi vai gầy của cha mẹ khi vừa phải làm nuôi sống gia đình vừa phải lo cho con cái ăn học.

Trải qua những tháng ngày như vậy nó mới biết rằng cuộc sống không chỉ là màu hồng như nó vẫn từng nghĩ. Cuộc sống luôn tồn tại những khó khăn, bất trắc chứ không phải mọi thứ luôn diễn ra theo mong muốn của con người. Nếu như mùa thu đi vào trong thơ ca, trong những bài hát với đầy đủ những gì tươi đẹp nhất thì đối với nó, nó muốn mọi người hiểu rằng còn có những miền quê rất ít khi được cảm nhận những vẻ đẹp ấy. Không phải họ không biết cảm nhận mà trong con người đó, những lo toan, vất vả đã chiếm hết phần nhiều trong suy nghĩ của họ.

Một mùa thu - mùa bão nữa đã về. Chỉ mong gió khe khẽ thôi - chỉ đủ làm rơi những chiếc lá vàng - để quê hương đậm chất thơ và đầy tình người này bớt cực!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast