Tôi và con Đốm

Đốm là con chó của tôi ở vùng Đông Bắc. Lúc ấy, tôi đang là lính cao xạ bảo vệ một nhà máy điện nằm nép dưới chân dãy núi Yên Tử vào giữa thập niên sáu mươi của thế kỉ trước.

Tôi có được con Đốm trong một hoàn cảnh khá bất ngờ. Hồi đó, với tình cảnh đơn vị liên miên chuyển trạng thái về cấp một, cấm trại trăm phần trăm, thì được đi chặt ngụy trang là một dịp thư giãn mà anh lính cao xạ nào cũng mong ngóng đến lượt, bởi được tranh thủ vào làng kiếm cớ ghé thăm mấy o dân quân trực chiến, được ra hợp tác xã tiêu thụ để được các em mậu dịch viên bán cho vài điếu Tam Đảo diện “ưu tiên ngoài tiêu chuẩn”... Một chuyến đi như thế, anh nào đẹp trai, khéo miệng nhiều khi còn kiếm được cây nhà lá vườn của mẹ chiến sĩ làm quà cho tiểu đội. Riêng tôi tuần trước còn được hẳn một em dân quân theo về tận đơn vị. Số là tôi thuộc hạng trai mới lớn sức vóc có thừa, nhưng là dân thành thị nên gánh gồng không quen, cứ so vai rụt cổ bước xiêu bước vẹo trông rất thảm hại. Và rồi cái cảnh ấy lọt vào cặp mắt thương tình của một em môi cong, cổ cao, chân dài. Thế là em liền khoác chéo khẩu CKC, ghé vai gánh giúp lá ngụy trang về tận trận địa. Tôi như lập được một chiến công hiển hách. Cả đơn vị nhao lên cười đùa trêu ghẹo, khiến cô bé phải quẳng vội gánh lá, che miệng khúc khích cười, bỏ chạy...

Lần đi kiếm lá sau, tôi vác cây đòn càn buộc cuộn dây bươn qua hai quả đồi lúp xúp, vạch cỏ tranh xuống cuối con khe hợp thủy giữa một thung lũng nhỏ, tôi gặp may ngay. Xen giữa đám cỏ tranh và dứa dại, là những bụi cây xanh rì bởi hút được nước từ mạch ngầm nên chưa đầy hai chục phút, tôi đã chặt xong được nửa gánh. Nhưng đang khi chặt tiếp thì bỗng nhiên có một con chó nhảy xổ ra, nhe nanh gầm gừ. Sói! Sói! Tôi gần như hét lên, dạng chân khua dao thủ thế... Trấn tĩnh, tôi nhận ra một con chó xám gầy dơ xương, cổ tụt xuống hai bả vai đang vằn mắt nhìn tôi đầy căm hận. Hiểu rồi, đây là chó nhà, chắc chạy bom hoảng loạn nên lạc mất đường về. Vậy là tôi tránh nó, vạch cây rẽ lối khác. Nhưng vừa bước được vài mét, tôi lại bị nó nhe nanh chặn đường. Láo! Tao đã tránh mày rồi cơ mà? Tôi chợt vỡ lẽ khi nhìn thấy bộ vú lòng thòng thỗn thện của nó. À, thì ra chó đẻ. Chó đẻ lang và mình đang đi đến gần ổ con của nó. Vậy là mình gặp may rồi. Tôi chặt một cây dứa dại vừa xua đuổi con chó, vừa sục sạo. Cuối cùng, sau một hồi quần thảo chiến đấu với “cẩu mẫu”, tôi đã tìm được một con cún run rẩy nằm nép dưới bụi cây dại. Cũng phải vất vả lắm tôi mới vừa ôm được nó, vừa gánh lá ngụy trang rời khỏi cuộc chiến. Con chó mẹ đuổi theo tôi lên tận mỏm đồi rồi mới chịu quay lại thung lũng.

Bữa đó tôi trở về trận địa như một người lập được chiến công đúp. Gần như cả đại đội náo nức xúm xít quanh con chó. Nghe tôi thêu dệt, kể lại tình huống bắt chó con, chính trị viên cười bảo “Hay nhỉ. Tình mẫu tử đấy. May mà cậu không bị mẹ nó đớp mất chim!” Cả lũ cười khoái chí rồi tranh nhau bình phẩm, xem tướng chó. Người thì bảo loại chó “tứ túc mai hoa” với bốn chân từ khoeo xuống móng màu trắng này là quý lắm. Người lại nói màu vàng tươi như nắng này là cực hiếm. Mà hiếm thật. Tôi đã từng nuôi nhiều chó nhưng chưa thấy con nào có màu vàng chói chang như con này. Toàn thân màu cam, từ giữa mũi kéo lên đỉnh đầu vòng quanh cổ xuống ức, tạo thành một cái yếm màu trắng toát. Các vùng đốm của nó được phân bố đối xứng và cực kì đều đặn.

Chúng tôi đều nhất trí cho điểm cao con chó, chỉ đến khi thằng Ong, pháo thủ số 2 xuất hiện thì tình hình bỗng khác. Thằng này đánh nhau rất hăng, đã từng bắn liền một lúc hai mươi lăm quả đạn pháo tám lăm li, mỗi quả nặng hơn bốn chục cân ngon ơ. Chỉ có điều nó nói năng thì châm chọc, bốp chát, nghe rất khó lọt tai. “Con này là hạng chó… giềng mẻ, đốm đầu thì nuôi, đốm đuôi thì thịt. Chúng mày nghe chửa?” “Nhưng nó lại có cả đốm đầu thì sao?” - Tôi cãi lại. Đám đông phân tâm, ngẫu nhiên chia hai phe, cứ “ừ nhỉ, đâu nào…”, nghe sốt cả ruột. May mà cuối cùng có chính trị viên lên tiếng. Anh nói như quan tòa, phân giải: “Đúng là có đốm đuôi thật. Nhưng con này được “cách” nhất quý phá cửu tiện, tức là một cái quý phá đi chín điều bần tiện. Bần tiện thì chưa thấy, song nó có cái cực quý đó là đốm trắng ở chót đuôi. Cái bút lông đấy, các cậu thấy không?” Chúng tôi nhìn con chó ngạc nhiên, trầm trồ. Rồi chính trị viên nói tiếp: “Nghĩa là chủ con chó này sẽ rất hay chữ, đỗ đạt cao. Cậu đấy!” Anh nhìn tôi và nói thêm: “Cậu nuôi con này là rất may mắn. Mai này hòa bình nhớ dùi mài kinh sử cho tốt nhá.” Được lời như cởi tấm lòng, tôi nở từng khúc ruột.

Kể từ ngày tôi có con chó, mọi thứ với tôi hanh thông hẳn lên. Đầu tiên là đợt thi kiểm tra xạ kích, tôi đạt ngay loại giỏi, thực hiện “ba phát bắn nhanh” chỉ với hai mốt giây. Kế đó, suốt bốn tuần liền, tôi đứng đầu trong thao tác khởi động pháo. Và đặc biệt là tôi đã thay đổi hẳn tác phong trong nhiệm vụ gác đêm. Bởi lẽ đang tuổi ăn tuổi ngủ (là tôi tự bao biện cho mình như vậy), nên trước đó tôi thường xuyên bị chậm, ít thì vài ba phút, nhiều có khi tới cả mười lăm, hai mươi phút. Anh đốc gác biết cái tật của tôi nên sau mỗi lần lay gọi, đánh thức còn kéo hai chân tôi ra khỏi màn, đặt xuống đất lạnh. Mặc, tôi vẫn pho pho ngáy tiếp. Nhưng từ khi có con Đốm thì khác. Vừa lờ mờ nghe tiếng gọi là tôi bật dậy khoác yếm đạn AK chui đầu ra khỏi màn. Cũng đúng lúc ấy con Đốm nằm trên mái bạt đã nhảy xuống xoắn xuýt bên chân tôi. Khi tôi đứng gác, mắt dõi phía chân trời là nó leo lên nằm trên bờ công sự, nghếch cổ nhìn theo hướng mắt của tôi như cùng cảnh giới. Gác đêm của đơn vị cao xạ là canh trời chứ không phải phòng kẻ gian ở mặt đất. Lúc có báo động thì người trực gác có nhiệm vụ tháo bạt che loa hãm lùi. Và bao giờ cũng vậy, khi tôi nhảy lên phía đầu nòng pháo thì con Đốm lao vụt ra khỏi công sự. Nó khéo léo nép sát giao thông hào, không hề làm vướng chân các pháo thủ đang rầm rập chạy ngược vào trong.

Với thành tích “chuyển biến rõ nét, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, cuối quý đó tôi được kết nạp vào Đoàn. Đó là tôi nhờ công của con Đốm. Từ đó tôi càng yêu nó hơn. Hễ làm việc gì tôi cũng như có động cơ giục giã, hãy nhanh nhanh hoàn thành cho tốt để còn chơi với “thằng Đốm”.

Đặt tên nó là Đốm bởi tôi chúa ghét cái trò đặt tên chó theo tiếng tây, jắc jắc, ky ky, nghe nó quỷnh quỷnh sao đó. Thôi thì cứ dựa vào “đặc điểm nhận dạng” của nó mà gọi là tốt nhất.

Tôi và con Đốm ảnh 1

Minh họa: Lê Trí Dũng

Để huấn luyện cho con Đốm, tôi áp dụng “phương pháp sư phạm” vừa chơi vừa học. Chó vốn là con vật thuần hậu, có mối quan hệ rộng, có thể chấp nhận nhiều chủ cùng một lúc, nhưng nó luôn phân biệt đâu là “chính chủ”, còn đâu là những chủ phụ; thậm chí nó còn có thể phân biệt được đâu là người chủ thứ hai, thứ ba. Để con Đốm coi tôi là ông chủ chính danh, ngay từ lúc ôm nó về, tôi đã cởi ngay chiếc áo may ô bọc lấy nó. Sau đó, cứ chiếc áo nào trước khi giặt, tôi đều quàng vào cổ nó vài tiếng đồng hồ để nó bện mùi mồ hôi của tôi. Điều này là tôi học được cách nuôi chó của người Dao ở Yên Bái. Đó là khi con chó nhà họ có chửa, ông chủ bèn lấy một sợi mây làm vòng đeo ở cổ tay. Hai tháng sau chó đẻ, đợi đến trước ngày lũ con mở mắt họ bèn lấy lửa dúi vào ổ chó. Lúc ấy, chó mẹ sẽ lập tức ngoạm bầy con đi “sơ tán”. Con nào được chó mẹ tha đi đầu tiên, đấy chính là con được cưng nhất và đương nhiên cũng sẽ là con chó khôn nhất. Cứ lấy vòng mây thấm mồ hôi người mà tròng vào cổ con cún ấy, lớn lên nó sẽ theo ông chủ như bóng với hình.

Đốm là con chó rất sáng dạ. Chỉ trong gần bốn tháng, cùng với cái đà lớn nhanh như thổi, nó đã thuần thục tất cả “yếu lĩnh động tác” tôi dạy. Nhưng cái đặc biệt hơn cả là nó nhận biết được mọi tình cảnh trong đơn vị chúng tôi.

Lần ấy tiểu đội tôi phải họp kiểm điểm rút kinh nghiệm trong huấn luyện. Theo yêu cầu, hai điểm xạ “ba phát bắn nhanh” phải là sáu viên, vậy mà chẳng hiểu thế nào khẩu đội tôi lần đó lại chỉ bắn được có năm viên. Dù sự việc hai năm rõ mười, thì vẫn phải lần lượt từng người phát biểu ý kiến. Có anh chẳng biết nói gì, cũng cố rặn ra mấy tiếng lục khục: “Tôi thấy chúng ta sai rồi. Xin hứa lần sau không thế nữa.” Không được! Sai là sai thế nào? Nhưng mà sai thế nào thì mấy người trước cũng đã nói cả rồi. Thì chúng tôi nghĩ trong bụng thế chứ đâu dám cãi lại. Vậy là trung đội phó, đại diện cho cấp trên lại phải gợi ý cho từng chiến sĩ, nói rõ nguyên nhân ra sao cùng biện pháp khắc phục cụ thể thế nào. Trùng lặp thì cũng phải ý kiến để “thể hiện nhận thức, quan điểm.”

Trong suốt thời gian chúng tôi sinh hoạt, con Đốm cứ nằm phủ phục ngoài sân. Tôi rất thích cái tướng nằm bò như con cá sấu với mõm đặt giữa hai chân trước, tai áp sát mặt đất của nó. Cái cách này sẽ giúp cho nó vừa có khả năng phát hiện tiếng động từ xa, vừa trong tư thế sẵn sàng chồm dậy xung phong lao lên đớp vào cổ kẻ thù. Nhưng hôm đó nó buồn thiu, mắt lấm lét dõi vào trong lán nhìn các ông chủ cũng đang buồn thiu, nặn óc nghĩ lời phát biểu nhận lỗi. Rõ ràng là nó lo lắng, chia nỗi buồn với chúng tôi. Buổi sinh hoạt kết thúc trong nặng nề. Thằng Ong thấy thế thì kiếm cớ pha trò. Lúc đi qua thấy con Đốm không đứng lên vẫy đuôi như mọi lần, nó bèn cất giọng ngân nga: “Người buồn Đốm có vui đâu bao giờ....” Nghe thế cả khẩu đội bất ngờ cười tóa lên, con Đốm cũng như được giải tỏa, nhảy cẫng lên sủa vui vẻ…

Phần lớn thời gian con Đốm ở cạnh tôi, nhưng thỉnh thoảng nó cũng chạy đi giao lưu khắp trận địa. Một lần nghe tiếng gọi “Ê! Đốm... Đốm! Xương đây, xương đây”, nó liền phóng đi, lát sau hí hởn tha cục xương còn nguyên cả thịt về và đang khoái chí nhe răng gặm, tôi bèn quát: “Đốm! Chưa được phép chưa được đi, nghe chưa?!” Thằng Ong đi qua, nghe thấy bèn phá bĩnh: “Không sao! Ai cho cứ việc ăn. Thực túc binh mới cường.” Nhưng con Đốm vẫn chỉ nghe lời tôi. Nó từ từ nhả cục xương xuống đất, vươn cổ, cúi đầu vẫy vẫy cái “bút lông” đại, mắt hí hớn ra chiều biết tội, xin xí xóa. Cứ tưởng nói chơi chơi vậy mà nó biết nghe lời thật. Các lần sau, mỗi khi nghe tiếng ai gọi là nó chạy lại ngồi chống hai chân trước, ngước nhìn tôi với đôi mắt van nài xin phép, để rồi chỉ chờ nghe câu “Được! Đi đi” là nó lao như gió, phóng đến “nơi có tiếng gọi của xương.”

Con Đốm được cả đơn vị yêu mến, chiều chuộng. Nhưng sau tôi, người yêu Đốm nhất chính là thằng Ong. Bao giờ cũng vậy, khi nghe tiếng sáo của thằng Ong gọi, được tôi cho phép là Đốm ta ngoẹo ngoẹo đít, khoan thai vẫy đuôi, nhín nhín từng bước tiến lại gần. Nó biết thừa ông chủ này sẽ thử thách nó. Quả nhiên, một tay dấu cục xương sau lưng, thằng Ong chìa tay phải ra hô lớn “Bắt tay!” Con Đốm nhẹ nhàng và rất điệu đà đặt chân phải vào bàn tay của thằng Ong. Lập tức thằng Ong rụt tay lại, hô lớn: “Không phải tay này. Tay kia!” Nhưng con Đốm không chịu, nó đã được tôi huấn luyện tay nào chân nấy. Tay phải là chân phải, tay trái là với chân trái, không có chuyện ngược đời. Thế nên nó đứng yên, quay mặt đi nơi khác. Vậy là thằng Ong cười ha hả bảo: “Giỏi! Mày thực hiện nghiêm điều lệnh đội ngũ. Thế là tốt!” Và nó đặt cục xương lên hòn gạch thưởng cho con Đốm.

Thằng Ong nói: “Mai kia hết chiến tranh, cho thằng Đốm này đi đóng phim thì cứ gọi là nhất!” Thằng Ong kể, trong thư viết về nhà nó khoe chuyện con Đốm, cả gia đình ai cũng thích. Rồi thằng Ong rành rọt nói với con Đốm, nhân thể lên mặt dạy đời chúng tôi thế này: “Về quan điểm giai cấp thì chúng tao không được phép khoe mày đâu. Chỉ có bọn tư sản mới làm thế. Các cụ bảo giàu khoe chó, khó khoe con. Nhưng mày cũng giống như con của nhà nghèo tụi tao thôi. Thế nên có khoe mày một tí cũng không bị mang tiếng là mất lập trường.”

Ở với lính chiến, con Đốm đã quen với chiến trận và lại còn biết “tham gia chiến đấu” nữa. Những khi đơn vị về cấp 1, nó nằm trên công sự, mắt cũng chăm chú dõi tít phía chân trời. Tôi biết thừa giống chó mắt kém, bù lại thì thính giác, khứu giác của nó nhạy bén tuyệt vời. Con Đốm có thể nghe được tiếng động cơ máy bay từ rất xa. Hình như nó phát hiện được là nhờ sóng siêu âm rung động trong không khí mà tai của người không thể nghe được. Có một lần nó vểnh tai, nghiêng ngó, rồi khục khục trong cổ. Động tác của nó khiến tôi cảnh giác lia ống nhòm về phía bãi sú theo hướng tai giật giật của nó. Và tôi đã phát hiện ở chân trời tít ngoài mí biển táo tác mấy cánh chim và ngay sau đấy là một chiếc A4D hệt như một con cá đuối từ từ ngóc lên, định mò vào đánh trộm.

Cứ sau mỗi một trận đánh, khi trung đội trưởng truyền lệnh về cấp 2, các pháo thủ bắt đầu lục cục rời vị trí xạ kích là Đốm bò lên khỏi hầm cá nhân chạy vào công sự mừng rỡ vẫy đuôi với hết người này người kia. Song, để có được thói quen này, con Đốm cũng đã một phen bạt vía kinh hồn. Đó là cái hôm một tốp máy bay Mĩ tràn vào đánh Hà Nội. Chúng bay thấp từ biển, ngóc lên cắn đuôi nhau rập rình trên dãy Yên Tử rồi lao về phía tây nam. Nhưng khi trở ra, chúng không theo đường cũ, mà ngay từ giữa đỉnh Yên Tử chúng đã cắt đường lao tắt ra biển. Á à! Khi bay vào lũ giặc lái chỉ chú tâm hành quân đến mục tiêu, tới khi ra chúng mải tranh nhau về hạ cánh xuống tàu mẹ ngoài khơi nên sinh ra chủ quan, bay lấy được. Thế là lũ máy bay nằm gọn trong phần tử bắn “P = 0” của cụm pháo trung đoàn. Chưa có trận nào chúng tôi có được tình huống ngon đến vậy. Chúng tôi mải ngây ngất trong niềm vui bắn rơi hai máy bay trong một trận nên mãi chập tối mới có thì giờ nghĩ đến con Đốm. Nhưng tôi tìm nó khắp nơi, ở lán đạn, ở hầm để ba lô, ở ba bốn cái hố cá nhân mà vẫn không thấy nó đâu. Mãi sau, tôi bắt gặp con Đốm nằm như con gián, nép mình trong hàm ếch dưới bờ ruộng, tai cụp, mắt nhắm nghiền trông thật thảm hại. “Mày hả! Sao thế này?”, tôi quát. Nó bò ra mắt lấm lét, đuôi quặp vào háng, lúc lâu sau nó lần đến chồm lên ôm chặt lấy chân tôi. Tôi chán chường, hất con Đốm văng ra xa, rồi bỏ về lán.

Chó mà cụp đuôi là nó đang trong tâm trạng lo lắng, hoảng loạn. Bất giác, tôi nhớ đến cha tôi, khi ông nói về con Vện hồi ở Thái Nguyên. Đó là dạo gia đình tôi đi kháng chiến, cha tôi thường phải chuyển nhà theo nhiệm vụ mới. Mỗi lần như vậy, đồ đạc của cả nhà được chất lên một chiếc xe ba gác. Cha tôi kéo còn hai anh tôi đẩy. Trên xe có tôi và chị tôi bế đứa em út mới hơn một tuổi. Mẹ tôi đeo túi đựng bình sữa, tã lót đi bộ bên cạnh cùng với con Vện. Nhưng thỉnh thoảng bà lại bị tụt xuống phía sau, khuất nẻo trong những đoạn đường vòng, khiến cả nhà lo lắng vì vẫn nghe đồn quãng đường rừng núi vắng vẻ này hay có cọp. Những lúc ấy hai anh thường rút cây đòn càn đầu vạt nhọn sẵn sàng lao về phía sau. Nhưng cha tôi bình tĩnh bảo, trong trường hợp này là không sao. Chỉ khi nào, con Vện cụp đuôi vào háng, hớt hải chạy lên phía trước mới là lúc nó hoảng loạn báo tin có hổ đang đến gần.

Nhớ lại chuyện xưa, tôi hết giận con Đốm. Vả lại đây là trận đánh đầu đời của nó mà. Nó hoảng sợ là đúng. Trận đầu, tôi cũng sợ đâu có thua gì nó. Nghĩ vậy, tôi ngồi trên phản gọi nó lại gần, một tay vuốt lưng, tay kia xoa xoa, vỗ vỗ dưới cổ nó. Với loài chó đây là chỗ hiểm yếu, nhạy cảm, không phải chủ sờ đến đó là nó đớp liền. Vuốt cổ là biểu thị sự động viên khen tặng, vì thế tôi đợi cho nó bình tâm, ngẩng đầu lên với đôi mắt ươn ướt thì mới nhỏ nhẹ: “Không sao. Không sao. Rồi sẽ quen thôi. Nào! Dũng cảm lên!” Con Đốm có vẻ thấm lời tôi, đôi mắt nó trở lại tươi vui, sảng khoái. Thấy vậy, tôi đổi giọng, quát yêu: “Ê! Vào đây, cùng chúng tao thông nòng pháo.” Nó như bừng tỉnh, chồm lên, bám lấy chân tôi chạy vào khẩu đội.

Chúng tôi và con Đốm sống yên vui với nhau như thế được hơn hai năm thì biến cố bất ngờ ập đến. Sáng hôm đó, vừa hừng đông mà trời đã bừng nắng, xanh trong, cao vòi vọi không một gợn mây. Cảnh này là chắc chắn sẽ đánh nhau to. Đại đội trưởng vừa thông báo đêm qua một hàng không mẫu hạm của Mĩ đã di chuyển lên vĩ tuyến 20 ngoài khơi và bây giờ chính trị viên đang cùng trung đội trưởng đứng trên công sự giữa pháo trường. Hai người nói chuyện gì đó có vẻ nghiêm trọng, thỉnh thoảng lại cùng nhìn về phía khẩu đội của tôi. Có chuyện gì đó liên quan đến tôi và con Đốm chăng? Thôi rồi. Hèn chi mà lúc đi qua lán tiểu đội, chính trị viên không gọi con Đốm và nựng nó như mọi khi. Tôi chột dạ kiểm nhanh lại các công việc của mình trong mấy ngày qua. Không. Không có gì sai sót hết, mọi việc còn chỉn chu nữa là đằng khác. Vậy thì chuyện gì nhỉ? Con Đốm cũng cũng tỏ ra chột dạ, nghển cổ nhìn tôi đầy lo lắng. Rồi nó lẳng lặng chui vào lán đạn trong công sự.

Linh tính của tôi chính xác. Sau đó nửa giờ trung đội trưởng đến lán gọi tôi và tiểu đội trưởng ra “nói chuyện này”. Anh ngập ngừng một lát rồi bảo: “Các cậu phải cho con Đốm đi thôi. Đó là lệnh của tham mưu trung đoàn. Vọng quan sát xa ở núi Nưa vừa báo về, đại đội mình có một con chó đốm trắng sẽ làm lộ trận địa.” Tôi choáng người nhìn trung đội trưởng như dò hỏi. Như để chúng tôi hiểu mệnh lệnh là do hoàn cảnh, là bất khả kháng, trung đội trưởng giải thích: “Các cậu biết đấy, máy bay của địch có thể nhìn thấy cả số hiệu sơn trên khẩu pháo kia mà.”

Đây là lần thứ hai đơn vị tôi bị nhắc nhở việc bất cẩn trong ngụy trang trận địa. Mấy tháng trước, cả đại đội đã phải phạt đi gần trăm cây hoa bươm bướm. Những cây hoa này là do một cậu trả phép mang hạt từ quê lên gieo. Chỉ hơn một tháng sau, những cây hoa họ cúc mọc xanh rì quanh các công sự, tạo thành thảm xanh ngụy trang. Nhưng tháng sau nữa thì nó ra hoa. Những đóa hoa năm cánh mỏng tang ba màu đỏ, trắng, hồng như đàn bướm rung rinh trong nắng mới tuyệt làm sao. Mấy tay lính đồng hương với tôi còn ngắt chúng cắm vào vỏ đạn bày trong lán, chính trị viên nhìn thấy cũng phải tủm tỉm cười, khen: “Trai Hà Nội lãng mạn nhỉ.” Nhưng sau đó, cũng mấy tay ở vọng quan sát xa phát hiện báo về trung đoàn.

Tôi buồn bã ra bờ công sự ngồi một mình. Nước mắt cứ tự nhiên ứa ra. Mấy thằng ở vọng quan sát cứ quan trọng hóa vấn đề lên thế thôi. Suốt ngày chúng áp mặt vào kính quang học có độ phóng đại tới mười lăm lần thì làm gì chẳng nhìn thấy hoa, thấy chó. Còn máy bay nó vụt qua như tên bắn, có thằng giặc lái nào nhìn nổi được con Đốm của tôi?

Cái lệnh phải cho con Đốm đi lan nhanh ra cả đại đội. Ai cũng thấy tiếc. Riêng tiểu đội tôi thì... nói dại, hệt như có đám tang. Khổ thân nó, mà cũng khổ thân tôi. Biết cho ai bây giờ. Tôi điểm khắp xóm. O Thắm chăng? O này mặt bầu bầu, mắt sáng, tóc mai loăn xoăn. Nhưng tôi phải bỏ ngay dự định này bởi chợt nhớ ra chính o Thắm đã từng cho đi cả một ổ chó con vì không đủ cơm gạo nuôi nó. Gửi xuống tiểu đội nuôi quân chăng? Không được. Anh nuôi tuy ở ngoài xóm núi khá xa trận địa, nhưng con Đốm tinh khôn sẽ vẫn chạy về...

Trong lúc chúng tôi thì thầm bàn bạc thì con Đốm đã lủi vào trốn trong công sự, nằm ép mình dưới những thùng đạn được kê cao tránh ẩm, hệt như cách trốn của con Láu khi gia đình ở làng Chèm ngoại thành Hà Nội. Lúc ấy là mùa hanh hao, chó thường thè lưỡi đi lang thang ăn cỏ rồi phát dại sùi bọt mép, mắt đỏ quạch, gặp người là nhe răng chực cắn. Vì thế, phòng y tế huyện đã phải phát thông báo cấm nuôi chó. Để giữ lại con Láu, tôi đã dặn nó không được ra ngoài, không được sủa khi có người lạ đến nhà. Nó nghe lời và đã nằm bẹp dí trong gầm chạn suốt hai tuần nhưng vẫn không thoát. Hàng xóm biết chuyện đã báo cho ủy ban xã. Họ mang lồng sắt, gậy thòng lọng đến tận nhà bắt con Láu.

... Tôi vẫn chưa nghĩ ra được cách cho con Đốm thì chiều hôm ấy một trung đội xe xích đi nhận pháo mới tận Hưng Yên ghé qua trận địa chúng tôi. Tôi chợt lóe lên một ý nghĩ: Cánh lái xe sống gần dân, hay được đi đây đi đó, gửi con Đốm cho họ chắc sẽ được an toàn.

Ý tôi đã quyết. Cả khẩu đội tôi góp cho con Đốm một bữa thịnh soạn đầy thịt và xương, hệt như bữa cơm cuối cùng dành cho tử tù. Tôi dằn lòng bảo “Ăn đi. Ngoan nào Đốm. Tao chỉ gửi mày một thời gian rồi sẽ đón mày về. Nhá...!” Nhưng lần này thì con Đốm không nghe tôi. Nó biết tôi nói dối. Suốt hơn mười phút, nó đứng chết trân, đuôi cụp vào háng, nhìn tôi trân trân. Nó khóc. Đúng là nó khóc thật, hai mắt nó u tối đầy đau khổ. Đác Uyn đã từng viết rằng, con vật nuôi khi đau buồn, nó cũng khóc. Chỉ có điều nó không ý thức được nó đang khóc mà thôi. Thế thì đúng rồi. Con Đốm của tôi đang khóc đây. Nó giống tôi. Nhưng tôi hơn nó biết nuốt nước mắt vào trong. Phút chia tay với con Đốm đầy lưu luyến thương cảm này đã khiến tôi bỗng nhớ đến mẹ hôm tôi nhập ngũ. Lúc chia tay, mẹ tôi nắm hai vai, vỗ vỗ đầu tôi rồi bỏ vào buồng. Cha ngăn không cho tôi vào theo. Ông không muốn tôi mềm lòng...

Tôi không biết phải chịu đựng cái cảm giác ghê gớm khi chia tay ấy đến bao giờ, nếu không có sự xuất hiện của trung đội phó lái xe. Đã đến giờ xuất phát, không thể chùng chình được nên anh phải thân chinh lên đón con Đốm. Thôi thế cũng may, đỡ cho tôi cái nỗi đau phải dắt nó đi. Trước khi giao sợi dây xích, tôi vuốt lưng, xoa xoa nơi cổ con chó. Tôi muốn nói một câu từ biệt mà nghẹn ngào không nên lời. Thấy vậy, trung đội phó lái xe cũng bảo: “Thôi nào, Đốm! Chào các ông chủ đi rồi về với tao. Về với tao được đi du lịch. Tao sẽ cho mày ngồi ca bin tha hồ ngắm cảnh. Nhá...!” Rồi anh dắt Đốm đi. Nhưng nó đã khựng lại, xuống tấn bốn chân. Thấy tình thế không thuận, cả tiểu đội tôi xúm lại động viên nó, thúc giục nó. Con Đốm đành đi. Nhưng vừa bước nó vừa trì kéo sợi xích, đầu ngoảnh lại sau như van xin. Tôi quay mặt đi nhưng tai vẫn dỏng về sau nghe tiếng con Đốm rít lên ăng ẳng cùng tiếng động cơ của những chiếc xe xích rồ lên rồi văng vẳng, xa dần... Lúc này thì tôi khóc thật, nước mắt lã chã ào ra ngoài…

Chiến tranh trôi qua đã lâu rồi nhưng tôi vẫn không thể quên được những năm tháng ấy. Và cái hình ảnh mà tôi tưởng tượng ra lại hiện về xót xa, day dứt. Trong ca bin chiếc xe xích khổng lồ, giữa cái giật cục chuyển hướng của cần lái, giữa tiếng gầm rú đinh tai nhức óc, con Đốm ngoái lại qua kính thông sáng phía sau ngơ ngác, đau khổ tìm hình bóng tôi...

TP. Hồ Chí Minh, tháng 8/2014

AN BÌNH MINH

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast