Trân trọng tiếng Việt - Hồn cốt dân tộc Việt

(Baohatinh.vn) - Tiếng Việt ra đời, được nâng niu và gìn giữ theo từng bước chuyển mình của dân tộc. Là tiếng mẹ đẻ, là sáng tạo riêng của dân tộc Việt, là văn hóa được lưu truyền từ bao thế hệ cho đến mai sau…

Tiếng Việt lớn lên cùng lịch sử dân tộc

Lịch sử của dải đất chữ S được đánh dấu bằng những cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Có những quãng thời gian dài đằng đẵng, cả dân tộc phải làm thân nô lệ nhưng vẫn không bị đồng hóa, vẫn giữ được bản sắc, hồn cốt Việt. Và ở đó, tiếng Việt như mạch nguồn lan tỏa và lưu giữ những giá trị văn hóa khác.

Học sinh - thế hệ tương lai của đất nước không thể thờ ơ, hời hợt với ngôn ngữ của chính dân tộc mình. Ảnh: Quang Sáng
Học sinh - thế hệ tương lai của đất nước không thể thờ ơ, hời hợt với ngôn ngữ của chính dân tộc mình. Ảnh: Quang Sáng

Cùng quay ngược bánh xe thời gian trở về giai đoạn 1.000 năm Bắc thuộc, người Việt bị ảnh hưởng của chữ Hán. Đến năm 939, Việt Nam đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, giành độc lập, tự chủ. Mặc dù nhà nước phong kiến Việt Nam thời bấy giờ vẫn duy trì việc sử dụng chữ Hán, xem đó là văn tự chính thức nhưng không còn mối quan hệ với chữ Hán trực tiếp và tiếng Hán không còn là sinh ngữ như trước nữa. Từ đây, khi đã trở thành một đất nước tự do, độc lập thì tiếng Việt diễn biến theo quy luật nội tại, như một mầm cây nảy nở trong lòng đất mẹ và còn buộc cả kho từ ngữ gốc Hán diễn biến theo quy luật của mình.

Khi quốc gia giành được tự chủ, người Việt đã sáng tạo ra chữ Nôm để ghi lại tiếng nói. Chữ Nôm là một loại chữ được tạo ra theo nguyên tắc và trên cơ sở của tiếng Hán. Và như thế, bên cạnh viết bằng chữ Hán thì nền văn học dân tộc viết bằng chữ Nôm cũng phát triển theo thời gian. Tuy chữ Nôm không được xem là ngôn ngữ chính thức dùng ở công văn, giấy tờ nhưng lại trở thành ngôn ngữ có uy tín trên toàn bộ lãnh thổ.

Các giáo sỹ phương Tây vào nước ta để truyền đạo thì chữ quốc ngữ bắt đầu được hình thành. Chữ Quốc ngữ được xây dựng theo nguyên tắc ghi âm tiếng Latin. Vào thế kỷ XVII, một số giáo sỹ phương Tây đem nguyên tắc này để áp dụng vào việc ghi âm tiếng Việt, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho mục đích truyền đạo. Mấy thế kỷ tiếp theo, chữ Hán mất dần vị thế của mình, dưới sự áp đặt chế độ thuộc địa Pháp, việc học chữ Hán, thi cử chữ Hán bị bãi bỏ. Chữ quốc ngữ khi vừa ra đời vẫn còn là một thứ tiếng mới mẻ và trải qua nhiều biến cố. Tháng 8/1945, cách mạng thành công là khi tiếng Việt được trao địa vị ngôn ngữ chính thức quốc gia. Và từ đó, tiếng Việt phát triển theo chiều rộng và chiều sâu.

Tiếng Việt ra đời, được nâng niu và gìn giữ theo từng bước chuyển mình của dân tộc. Là tiếng mẹ đẻ, là sáng tạo riêng của dân tộc Việt, là văn hóa được lưu truyền từ bao thế hệ cho đến mai sau.

Tiếng Việt được thổi hồn từ những người chân đất vô danh

Khoan hãy nói về những người kỳ tài đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật được xem là kiệt tác của tiếng Việt. Khoan hãy nói về “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du. Khoan hãy nói về tờ “Gia Định báo” - đánh dấu sự ra đời của báo chí bằng chữ Quốc ngữ với công đầu thuộc về chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh... Mà trước tiên hãy nói về những người chân đất vô danh đã tạo nên kho tàng văn học dân gian.

Khu nhà thờ Tướng công Nguyễn Công Trứ (Xuân Giang, Nghi Xuân). Ảnh: Quang Vinh
Khu nhà thờ Tướng công Nguyễn Công Trứ (Xuân Giang, Nghi Xuân). Ảnh: Quang Vinh

Khó có ai tự tin rằng, mình đã khám phá hết kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Bởi ở đó lưu giữ tầng tầng lớp lớp những giá trị văn hóa, những tinh hoa được chắt lọc từ cuộc sống. Bởi trong kho tàng văn học dân gian có quá nhiều thứ để khám phá, để học hỏi, tìm tòi mà dù niệm thần chú “Vừng ơi, mở ra” cả trăm lần cũng không thể cầm nắm hết núi kho báu đó. Những chuyện cổ tích, truyền thuyết, những câu ca dao, dân ca, thành ngữ, tục ngữ... quả đúng như một tài sản văn hóa vô giá mà người đời trước trao tặng cho người đời sau. Nhưng điều đáng nói ở đây, kho tàng văn học dân gian đó không phải được sáng tạo từ những con người tài hoa, những bộ óc uyên bác, những trí tuệ siêu đẳng mà chỉ được viết nên từ những con người chân đất vô danh. Là nhân dân, giống như lời thơ trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm:

“... Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra đất nước...”.

Chính bởi nhân dân lao động từ hiểu và cảm được hơi thở của cuộc sống đã viết được những câu tục ngữ, thành ngữ đúc kết kinh nghiệm cuộc sống: “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”, “Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng/ Trời tháng mười chưa cười đã tối”.

Đến chuyện tình yêu gái trai của những người chân đất vô danh cũng dùng thứ tiếng mẹ đẻ đầy ý nhị để tỏ tình, cất lên khúc nhạc lòng. Cách thổ lộ với người thương nhẹ nhàng, sâu lắng đến mức khó có ngôn ngữ hiện đại nào so bì kịp:

“Ước gì sông rộng một gang

Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”.

Hay:

“Bao giờ chạch đẻ ngọn đa

Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình”.

Cách đây hàng thế kỷ, nhân dân đã học cách yêu và gìn giữ tiếng Việt. Bằng những tâm tư tình cảm của bản thân, họ đúc kết thành lời nói, thành câu ca để ngôn ngữ mẹ đẻ luôn trong sáng.

Khi giới trẻ “lái” tiếng Việt “lỗi nhịp”

Truyện Kiều còn tiếng ta còn... Nguồn: internet
Truyện Kiều còn tiếng ta còn... Nguồn: internet

Với một kho tàng văn học dân gian phong phú, tiếng mẹ đẻ trải qua hàng thế kỷ được lớp lớp người Việt trau dồi, bồi đắp để trở nên giàu hơn, đẹp hơn. Thế nhưng, trong nhịp sống hiện đại ngày nay, với nhiều người, tiếng Việt đang mất dần sự trong sáng và vẻ đẹp riêng. Điều đáng nói hơn, những người được xem là đang làm tiếng Việt méo mó, biến chất lại chính là một bộ phận giới trẻ. Cụ thể hơn là thứ lớp ngôn ngữ thời @ mà giới trẻ dùng một cách tràn lan, không kiểm soát.

Trong đối thoại hàng ngày của giới trẻ, việc dùng xen kẽ những từ ngữ nước ngoài vào văn viết, văn nói trở thành hiện tượng phổ biến. Điều đáng nói ở đây, số ít những người dùng cách này để học tiếng Anh, xem như một cách để ôn lại từ vựng thì ít mà những người muốn dùng nó để chứng tỏ mình giỏi ngoại ngữ, sành điệu lại nhiều. Chính việc giao tiếp cố tình trộn nửa Anh, nửa Việt vô tình đã làm cho câu chữ trở nên tối nghĩa, lủng củng.

Sự tràn lan của ngôn ngữ mạng, từ thế giới ảo đã “phủ sóng” cả vào đời sống thực. Tiếng Việt được biết đến là một ngôn ngữ muôn hình muôn vẻ, cấu trúc ngữ pháp riêng biệt kết hợp chặt chẽ với âm thanh. Việc dùng tiếng lóng, ký hiệu phức tạp, đan xen ngoại ngữ để tạo ra ngôn ngữ riêng của người trẻ đã rơi vào tình trạng đáng báo động. Bởi việc sử dụng ngôn ngữ này không chỉ dừng lại trong phạm vi nhất định như trên các mạng xã hội, các diễn đàn online, các cuộc trò chuyện, nhắn tin thân mật mà đã ảnh hưởng đến văn phong của các em, trong các bài văn, bài thi trong nhà trường. Chính bởi thế mà thứ ngôn ngữ mới lạ này tạo ra sự phản cảm. Nếu dùng trong một thời gian dài và liên tục sẽ tạo thành sự xuống dốc trong tư duy sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ. Ngôn ngữ “biến hóa” từ tiếng Việt sẽ dần trở thành thói quen trong giao tiếp. Và hệ quả kế tiếp là một bộ phận giới trẻ sẽ mất dần khả năng tư duy và sử dụng tiếng Việt một cách đúng nghĩa.

Nhiều giáo viên cho rằng, việc bắt chước ngôn ngữ của thế giới ảo để dùng trong đời sống thực đã làm học sinh mất năng lực cảm thụ vẻ đẹp của ngôn ngữ mẹ đẻ. Kiểu bắt chước không định hướng, không chọn lọc, sử dụng một cách tràn lan, bừa bãi sẽ tạo nên thói quen khó điều chỉnh. Chính những học sinh, thế hệ tương lai của đất nước không thể thờ ơ, hời hợt với ngôn ngữ của chính dân tộc mình.

Tiếng Việt ra đời trong lịch sử thăng trầm của dân tộc. Trong quá khứ, dân tộc phải đấu tranh để giành lấy độc lập, tự do, để dưới ách cai trị của ngoại xâm không làm mất đi hồn cốt của dân tộc cũng bởi có tiếng Việt soi sáng. Tiếng Việt sinh ra trong lòng dân tộc, được nuôi lớn, được làm giàu đẹp hơn bởi chính những người chân đất vô danh, mà kho tàng văn học dân gian là minh chứng sáng ngời cho điều đó. Mỗi thế hệ đi qua đều cống hiến, góp sức mình vào việc làm giàu đẹp hơn tiếng mẹ đẻ. Ngay cả với một tác phẩm nghệ thuật đích thực dù là văn chương, thơ ca hay âm nhạc, việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt cũng là điều mà những người nghệ sỹ chân chính nhớ đến đầu tiên. Và với lớp trẻ hiện nay, cần có thái độ trân trọng hơn với ngôn ngữ của dân tộc mình mà trước tiên cần phải hiểu sự giản dị, trong sáng của tiếng Việt có đủ khả năng từ ngữ, đủ năng lực để diễn tả mọi điều trong cuộc sống.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast