Tre già

Đó là một ngày lạ lùng. Mưa rát rát. Mưa rầu rĩ không dứt ngay từ lúc còn đêm cho tới tận đã bảnh mắt vẫn còn mưa. Bầu trời sũng những đám mây đen. Kiểu trời này có thể mưa sẽ kéo dài suốt mấy ngày.

Nhà văn Kao Sơn
Nhà văn Kao Sơn

Tôi mò sang nhà thằng Rật. Nó chắc cũng đã dậy từ lâu và đang ngồi bên con Quýt, cạnh đó là một chiếc nơm con và một chiếc giỏ. Nó đã chuẩn bị mọi thứ có thể để đi bắt cá rô lóc, ra ngòi úp cá tràn bờ: Đợi tí, chờ ông tao về rồi chúng mình đi. Tôi ngồi xuống bên nó. Con Quýt nghếch cái mõm đen ướt lên dụi dụi vào tay tôi. Tôi vuốt nhẹ lên cái đầu nhỏ nhắn của nó, sốt ruột: ông mày đi đâu sớm vậy? Chắc là ra xem nước - Thằng Rật nói mắt vẫn đăm đăm nhìn ra khoảng sân nơi có những chiếc bong bóng nước cứ thoắt hiện lại thoắt tan trong những vũng nước mưa: Mưa được thế này ông tao mừng lắm đây. Suốt một tháng qua ruộng nhà tao chẳng được một giọt nước nào, lúa đang héo vàng ra. Tôi nhìn thằng Rật. Mặt nó nhăn như mặt một ông già. Tôi thấy nó rất giống ông nó. Và tôi cũng hiểu những điều nó đang nghĩ...

Tôi không biết vì sao tôi lại thân với thằng Rật. Bố tôi làm chủ nhiệm hợp tác xã. Và bố tôi thường tỏ ý không thích khi tôi ngày nào cũng mò sang nhà thằng Rật: Nhà nó là nhà cá thể, mày liệu hồn đấy mà chơi. Bố tôi nẹt tôi vậy. Tôi biết điều gì làm ông không vừa lòng. Cả xóm tôi đến lúc này nghe đâu chỉ còn có năm nhà là chưa vào Hợp tác xã. Ông thằng Rật là một. Nhà tôi và nhà thằng Rật cách nhau chỉ một cái ao. Những ngày đầu vận động dân vào Hợp tác, bố tôi sang nhà thằng Rật luôn nhưng ông thằng Rật không chịu: Ruộng này là ruộng Cụ Hồ ngày xưa chia cho tôi. Bây giờ các ông lại bảo là đem góp vào Hợp tác làm của chung, chẳng hoá ra tôi mất ruộng? Ông thằng Rật cãi vậy và mặc cho bố tôi nói thế nào thì nói, ông vẫn dứt khoát đứng ngoài. Và vì vậy mà cả xóm trở nên xa lánh ông cháu nó. Mấy năm trước còn đỡ, năm vừa rồi nắng hạn kéo dài, xã làm căng. Người ta ép bằng cách không cho người đến giúp, thậm chí còn không cho ông nó bới rãnh nhờ qua ruộng hợp tác để dẫn nước vào ruộng riêng. Ruộng nhà ông cháu thằng Rật nằm lọt thỏm giữa đồng, vây quanh là ruộng hợp tác, không có đường dẫn nước, ông nó phải gánh nước từ ngòi lên để tưới cho lúa. Nhưng rồi cả đi lên bờ của ruộng hợp tác cuối cùng người ta cũng định không cho nữa. Đến thế thì chịu. Chờ liền mấy tháng nay trời vẫn không mưa, lúa ở rộng của ông cháu thằng Rật héo vàng cả. Đã có lần tôi nghe mẹ tôi càu nhàu với bố tôi, bảo không làm vậy với ông cháu thằng Rật được, làm vậy là ác. Nhưng bố tôi chỉ im lặng, cằm bạnh ra trông rất dữ. May hôm nay mưa to. Có lẽ giời đã thương ông cháu thằng Rật.

Đợi mãi vẫn không thấy ông thằng Rật về. Trời vẫn mưa rát rát. Thằng Rật có vẻ lo. Nó hết đi vào đi ra lại bó gối ngồi đăm đăm nhìn ra ngõ. Tôi sốt ruột leo lên giường nằm. Con Quýt cũng nhảy lên nằm cạnh tôi. Một lát có tiếng cuốc xẻng va ngoài sân. Tôi nhìn ra. Thằng Rật đứng bật dậy. Ông nó đã về. Ông bước lên hè, lụi cụi khom người để chui đầu ra khỏi chiếc áo tơi cũ. Nước có bị tràn bờ không ông? Thằng Rật hỏi. Tôi thoáng ghen với nó. Nó có vẻ người lớn, được lo việc của người lớn. Nhưng ông nó chỉ nhìn nó im lặng. Ông kéo vạt áo nâu lên lau mặt. Mặt ông đẫm nước. Và ông cứ lau mãi. Tôi ngạc nhiên khi thấy ông lau mãi mà mặt vẫn chẳng khô. Có lẽ nước mưa đã ngấm vào ông quá nhiều và bây giờ thì nó đang liên tục ứa ra. Thằng Rật đăm đăm nhìn ông, vẻ mặt nó đầy lo lắng. Tôi bỗng cũng thấy lo. Điệu bộ của ông thằng Rật có gì đó hơi khác thường. Vai ông run và thỉnh thoảng lại giật cục lên như người nấc. Như người đang khóc. Bỗng ông ngồi khuỵu xuống nền nhà ôm mặt. Đúng là ông đang khóc thật. Chúng tôi cùng chạy bổ tới. Thằng Rật túm lấy vai ông, giọng nó lạc đi: ông ơi, sao thế ông. Lúa chết hết rồi à? Ông thằng Rật không nói, chỉ khẽ lắc. Ông vẫn gục mặt vào lòng hai bàn tay và từ đó tiếng khóc của ông bật ra như tiếng rên. Thằng Rật nhìn tôi cầu cứu. Mặt nó tái đi đến lạ. Tôi chả biết làm gì hơn. Tôi nắm lấy vai ông thằng Rật. Vai ông run và gầy và như đang xều xạo chực rời ra dưới lần áo mỏng. Giá tôi biết được điều gì đã xảy ra với ông...

Minh họa từ internet
Minh họa từ internet

Chúng tôi cứ ngồi như vậy trong nỗi hoang mang tột độ. Một lúc sau, ông thằng Rật ngẩng lên. Mặt ông đầy nước. Mắt ông đầy nước và chòm râu ông, nước cũng làm cho bết lại. Ông giơ tay quệt ngang mặt, mắt nhìn chúng tôi như ngơ ngác. Rồi ông chống tay vào gối run rẩy đứng dậy. Suýt ông ngã. Thằng Rật đỡ vội lấy ông. ông nó gạt nó ra, dừng một tí như để định thần lại rồi nặng nhọc lần đến bức tường đất nơi có treo tấm ảnh Bác Hồ, run run gỡ bức ảnh xuống. Bức ảnh đã quá cũ, giấy ố vàng và được nẹp trong một chiếc khung tre. Ông đưa bức ảnh đến bên bàn thờ kính cẩn đặt lên, rút từ trong ống ra ba nén nhang, run run châm lửa, run run cắm nhang vào bát hương và cứ thế đứng vái liên tục. Thằng Rật cầm tay tôi bóp chặt. Chúng tôi nín thở nhìn ông lòng bỗng dưng thắt lại bởi một nỗi sợ hãi vô hình: Các con... Cụ Hồ mất rồi. Đang vái, bỗng ông thằng Rật quay lại chúng tôi mếu máo. Cả tôi và thằng Rật đều đứng sững. Chúng tôi nghe mà cả hai đều không hiểu điều ông vừa nói. Cụ Hồ mất rồi. Ông thằng Rật nấc lên và lại quay về phía bát hương chắp tay run rẩy vái. Thằng Rật trợn mắt nhìn tôi hồi lâu rồi bỗng chẳng nói chẳng rằng nó nắm chặt tay tôi chạy ào ra ngoài trời mưa...

Hóa ra cả làng chỉ có hai đứa chúng tôi biết tin Bác Hồ mất cuối cùng. Khi chúng tôi chạy ra đến Ủy ban xã thì ở đó đã đông kín người. Nhiều người cũng đầu trần và ướt như chúng tôi. Mặt người nào cũng nhoè nước. Trong gian hội trường lớn người ta đang khiêng bàn ghế và bây biện gì đó. Mấy anh thanh niên đeo súng không cho bọn trẻ chúng tôi vào. Thằng Rật lại kéo tay tôi. Chúng tôi chạy ra chỗ ngã ba đường cái quan. Ở đấy cũng có một toán các anh chị thanh niên đang hì hục dỡ bỏ chiếc cổng chào mà suốt tuần vừa qua, để chào mừng ngày Quốc khánh, họ đã mất bao công sức để dựng lên. Nét mặt người nào cũng khó đăm đăm. Tôi nhìn thấy một chị vừa khóc vừa bê một cây luồng. Đầu cây luồng buộc một lá cờ với dải băng đen... Người ta trồng cột cờ có dải băng đen ấy thay cho chiếc cổng chào.

Liền mấy ngày bố tôi ở lỳ ngoài văn phòng hợp tác, bữa ăn cũng không thấy về. Mẹ tôi lấy một chiếc bát đổ đầy gạo vào để làm bát hương, đốt nhang cắm và cứ đến bữa lại xới một lưng cơm với một quả trứng đem đặt dưới tấm ảnh Bác Hồ treo ở gian giữa nhà. Mắt mẹ tôi đỏ hoe. Nhìn điệu bộ ấy của mẹ, tôi lại nhớ đến ngày ông nội tôi mất, mẹ cũng làm như vậy. Tôi và thằng Rật đi lang thang suốt. Ở đâu cũng thấy mùi nhang trầm. Cả làng để tang Bác. Trời vẫn mưa không dứt, hết sáng lại qua đêm. Mưa như khóc.

Cả làng đang vui bỗng trở nên tang tóc. Bác Hồ mất. Người lớn dấm dúi khóc. Nhiều đứa con gái con trai bằng tuổi tôi cũng khóc. Ủy ban xã đông người ra vào nhưng mặt ai cũng rầu rĩ, ngơ ngác. Trẻ con được dặn không nô đùa.

Ngoài sân kho HTX người ta dựng rạp để chuẩn bị làm lễ truy điệu Bác. Hầu như cả làng đã không ai bảo ai đổ cả ra đấy. Các bà các cô chít khăn tang trắng. Đàn ông thì đeo một miếng băng đen nơi ngực. Có người khóc nhiều quá ngất đi phải khiêng ra trạm xá cấp cứu. Ông thằng Rật cứ khật khừ ra vào. Ông nó không được ra đấy. Chỗ ấy chỉ dành cho những người đã là xã viên. Ông nó ngồi bó gối bên một bụi tre già nhìn và quỳ xuống và cứ thế bái vọng về phía sân kho nơi có tiếng loa phóng thanh. Thằng Rật cũng không dám ra. Nó ngồi bên ông mặt già khọm, môi mím chặt.

Sau đấy mấy ngày, ông thằng Rật đổ ốm nằm liệt giường đến gần nửa tháng. Tỉnh dậy ông nó gọi tôi sang và đọc cho tôi viết hộ lá đơn xin vào HTX: Tôi cảm thấy mình có lỗi với cụ Hồ. Cụ linh thiêng xin cụ rộng lòng đại xá . Tôi chả biết viết thế có đúng cách không nhưng ông bảo cứ viết. Tôi đưa lá đơn xin vào HTX của ông thằng Rật về cho bố. Bố tôi ngạc nhiên nhìn tôi hồi lâu rồi lặng lẽ đến bên bàn nước ghé sát lá đơn vào ngọn đèn dầu đặt trên bàn. Ông đọc rất lâu. Mẹ tôi cũng đến ngồi bên cạnh. Bố tôi đưa lá đơn cho mẹ tôi, cằm không bạnh ra nữa nhưng mặt ông đầy nếp nhăn. Mẹ tôi đọc xong cũng ngồi im, mắt đăm đăm nhìn ngọn đèn. Một lát, bố tôi bỗng bảo: Bà đem lá đơn này sang cho ông ấy. Bảo ông ấy cứ nghĩ cho kỹ đi đã. Còn cái chuyện... ruộng nước thì... bảo để ông ấy yên tâm. Từ nay nếu muốn thì cứ đào rãnh qua ruộng của hợp tác mà tát nước cũng được. Mẹ tôi vẫn ngồi im. Mặt bà sầm tối. Một lát sau bỗng tôi thấy mẹ tôi kéo vát áo lên lau mắt. Bố tôi nặng nề đứng dậy im lặng bỏ ra ngoài sân...

Năm tháng dần qua. Cảnh vật, con người cũng nhiều đổi thay. Ông thằng Rật từ sau cái đận góp ruộng vào hợp tác chỉ vui lên được mấy tháng rồi đột ngột mất sau một trận ốm nặng. Tôi vẫn nhớ, đám ma của ông được tổ chức ở sân kho hợp tác và có rất đông người đến đưa tiễn. Rật bạn tôi lớn lên đi bộ đội đánh Mỹ, sau đó anh bị thương được phục viên trở về làng và trở thành chủ nhiệm hợp tác xã thay cho bố tôi...

Bây giờ làng xóm đã đổi thay hẳn, có nhiều nhà mái bằng, có cả nhà cao hai ba tầng nữa nhưng bụi tre đầu làng nơi ông thằng Rật ngồi ngày làm lễ truy điệu Bác xưa vẫn còn đó. Nó mỗi ngày một dày thêm, ken chật cứng từng khóm bó chặt vào nhau. Và đêm đêm, nhất là nhưng đêm mùa hạ, khi có gió nồm nam thổi, nơi bụi tre già ấy vẫn thỉnh thoảng phát ra những tiếng kẽo kẹt, nghe như lời của người già đang nhọc nhằn kể về một thuở xa xưa...

Nguồn: nhavantphcm.com.vn

Truyện ngắn của Kao Sơn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast