Truyện ngắn 1.200: ​Chiều ngọt

Những ngày hè oi nóng, anh ra vào chẳng biết làm gì, chỉ tha thẩn ngoài đường chờ ông giao thư. Ba cũng sốt ruột, sáng sớm, ông dắt cái xe đạp ra:

Truyện ngắn 1.200: ​Chiều ngọt ảnh 1

Minh họa: Đặng Hồng Quân

- Để tao lên trường coi sao.

Ba về, vẻ thất thểu buồn bã. Ông đặt bàn tay to bự nặng trịch lên vai anh, nhìn đâu đó phía sau anh, giọng run run:

- Năm sau, ráng thêm chút nữa.

Má anh thở hắt ra, cắm cúi bưng nồi gạo ra sàn nước, một dòng nước trắng đục chầm chậm loang khắp sân. Giọng ba khàn khàn:

- Ráng phụ ba, rồi sang năm ba con mình lại thi.

Con bé út nghểnh mặt nhìn ba, nhìn anh Hai, anh Ba, chợt reo lên:

- Vậy là anh Hai không phải đi học xa, anh Hai ở nhà cùng Út hả?

Anh cười gượng, vò vò mái tóc nó. Trong nhà, nó gần anh nhất, anh đi đâu nó cũng lẽo đẽo theo sau. Con Út, rồi thằng Ba còn đi học, ba mẹ mỗi ngày mỗi yếu, ừ thì...

***

Ông tong tả ra ngõ, vừa đi vừa phủi ống quần. Bữa nay tụi nó về, ông ngóng từ sáng, lại không yên tâm chuyện đồng áng, phải ráng chạy vào chút. Bà vợ ông càu nhàu:

- Thấy ông vậy, tụi nó cằn nhằn cho coi.

Ông phẩy tay thay lời nói, bà nhìn theo ông rồi quay vào cái bếp đang ngun ngún khói. Trong nồi, hai con gà luộc vàng ươm...

Chiếc xe hơi đỗ xịch ngoài cổng, cửa xe vừa hé, một thằng nhóc ùa ra, nó nhảy bám ông y như con chàng hiu bám cọng dây mướp:

- Con nhớ bác Hai quá.

Cánh cửa bên kia nhè ra đứa con gái đang ẵm đứa nhỏ, là con Út với con gái nó. Chà, con em ông càng ngày càng trẻ ra mới ngộ. Nó híp mắt:

- Thưa anh Hai.

Nó nghiêng người cho con gái chồm qua bu lấy ông, con nhỏ nhiệt tình trây trét nước miếng lên khắp nửa mặt ông, cười nhe lợi. Thằng Ba, vợ nó cùng con trai lớn và rể út cũng vừa xuống xe. Thằng Ba choàng tay ghì lấy ông, ông đẩy nó ra:

- Tao mới ngoài đồng về, dơ hầy à.

- Không ai thơm sạch như anh Hai hết.

Ông nhăn mày:

- Học đâu cái thói dẻo quẹo, tao là tao không ưa à. Vào nhà lẹ đi, chị bây đang chờ!

Ông đi sau cùng, bẻ mấy lá cúc tần đưa lên ngửi, một mùi ngai ngái, hăng hắc dịu dàng xông vào mũi. Thằng Ba rất thích ăn cá kho cúc tần, con Út ngày nào cũng hái dây tơ hồng băm băm cắt cắt giả món này món kia chơi bán hàng.

Mới đó đã hơn hai chục năm, con Út ngày nào còn bám đuôi ông lội sình, nay đã là mẹ trẻ con. Thằng Ba lấc cấc chuyên tráo đổi bút thước của ông, nay đã làm tía hai thằng con trai to cao. Nhòm qua ngoảnh lại, ông đã thành ông già.

Thằng Ba tụt lại sau, cái túi xốp trì tận hông. Ông vội đi lên đỡ:

- Về chơi, xách nách làm chi bây?

- Lần này em cho bọn trẻ ở hết hè. Cho tụi nó theo anh vầy bùn.

- Thiệt giỡn, thím chịu không?

- Chịu chớ, đám trẻ nguyên đêm qua không ngủ, nôn quá mà.

Nhìn thằng Ba híp mắt, ông phì cười lắc đầu. Hồi bé nó như cây sậy, đen nhẻm, không biết do cơm gạo thành phố hay có chữ có nghĩa mà giờ nó tròn trịa mỡ màng, hơi chút là mồ hôi như tắm.

Lần nào về cũng rủ anh chị lên thành phố chơi cho biết, thành phố ông còn lạ gì, hồi tụi nó đi học, tháng nào ông chẳng lóc cóc xe đạp chở rau cỏ gạo mắm cho chúng nó.

Nhìn em trai, em rể lui cui lau bàn thờ ba má, bày bày sắp sắp trong khi đám phụ nữ tíu tít ngoài đầu hiên, đám trẻ đang bò dài vây quanh bàn cờ tướng, ông híp mắt cười, có cảnh nào vui vẻ hơn.

Các em ông, ngoài xã hội cũng ông này bà nọ, nhưng về làng vẫn khoanh tay một thưa hai gửi. Anh Hai chúng chỉ là nông dân ít chữ nhưng tụi nó vẫn luôn cung kính dạ thưa. Ba má có linh thiêng chắc cũng mát lòng.

Bữa trưa kéo dài sang chiều, chỉ còn đám đàn ông. Đám phụ nữ và trẻ con đã đi thăm người này người kia trong xóm. Thằng rể út quơ tay nói gì đó, leo lên giường ngủ tịt. Thằng Ba đã cởi áo từ lúc nào, người toàn mỡ là mỡ. Ông chọt chọt eo nó:

- Mầy mập thấy sợ, tao như mầy chắc tao khỏi thở.

- Do hoàn cảnh cả anh Hai, không bia thì rượu, có ngày nào thoát đâu.

- Ờ, như tao khỏe. Ngủ trước gà cũng không ai nói.

Thằng Ba chống tay vào đầu gối, tướng nó ngồi y chang con cóc chửa. Nó nhíu mày:

- Anh Hai có nhớ năm anh thi đại học không?

- Hồi nào ta? - ông vỗ vỗ trán - Lâu quá rồi không nhớ nữa.

- Hồi đó, ba...

- Xa lăng lắc bây bắt tao nhớ làm chi? Ăn tiếp đi, gà chị bây nuôi đó, hơn hai ký một con, thành phố kiếm đâu ra.

Thằng Ba cầm cái chân gà,

đột nhiên hừng hực khóc, ông ngẩn người:

- Cái thằng, uống cho lắm.

Thằng Ba gạt nước mắt, nó lồm cồm bò dậy, kéo ghế kê sát góc tường, định đứng lên với cái khung hình chụp chung cả nhà. Ông kéo nó xuống:

- Xỉn còn leo trèo, chị bây về, bả cạo đầu cả đám à.

Nó vẫn khóc, ông đưa nó lên giường, lững thững vào đồng. Chiều về ngọt lừ, từng đám mây trắng xốp ùn lên từ chân trời, gió lồng lộng thổi tung vạt áo. Đến cái chòi nhỏ sát đìa, ông ngồi bệt xuống cỏ, từ từ ngả lưng nằm luôn xuống, hai tay gác sau gáy làm gối, nghe tiếng cá tòm tõm bên cạnh.

Có người lặng lẽ ngồi cạnh ông, cũng nằm dài xuống cỏ. Ông hắng giọng:

- Nhà là nhà tao, một năm tao lau dọn bao bận, chẳng lẽ không biết có thứ gì đằng sau tấm hình gia đình ha?

Ngày ấy, ba đã khổ tâm nhiều khi quyết định thế. Thật mừng là ông hiểu lòng ba. Thật mừng là đám em ông, rồi đám cháu chịu khó chịu khổ ăn học thành tài vẫn không quên ông anh quê mùa lam lũ. Thật mừng là bà nhà ông chưa một lời oán thán hay ghen tị.

Ông nhỏm dậy:

- Bây còn nhớ cách bắt cá không? Xuống đìa đi, bắt bậy

ít con cho chị bây nấu chua.

Chiều rồi.

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thanh Bình

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast