Truyện ngắn: Con ma thứ 11

(Baohatinh.vn) - Tài trốn chạy khỏi thành phố. Tạm xa các dãy nhà đứng sát nhau như duyệt binh. Xe cộ chen lấn, xô đẩy lẫn nhau. Đèn xanh, đèn đỏ, đèn nháy cứ rối cả mắt. Tiếng là có công ăn việc làm tại thành phố, có nhà cao, cửa rộng nhưng Tài luôn xác định mình là cây tầm gửi. Nay tạm thoát khỏi phận tầm gửi nhưng Tài chưa định sẽ tá túc ở đâu. Quê hương là chùm khế ngọt. Bố mẹ Tài đã chết, anh trai đã bán nhà ra thị trấn ở với con. Mồ mả tổ tiên đã được quy tập về nghĩa trang gần thị trấn…

Vẻ ngoài như những đàn ông thành đạt, Tài có vợ con, có nhà ở phố. Ngày tốt nghiệp đại học, Tài được phân công về cơ quan mà bố vợ tương lai là giám đốc, cô con gái rượu của ông làm văn thư. Số phận các kỹ sư ra trường mấy ai tìm được việc làm theo nguyện vọng của mình, họ cũng như số phận người con gái: “Thân em như hạt mưa sa/ Hạt vào đài các, hạt ra ruộng lầy”. Số phận Tài may mắn hơn, về cơ quan đang bỡ ngỡ, chàng trai tỉnh lẻ đã được ông giám đốc chọn làm con rể, chẳng chạy chọt cũng được đề bạt lên trưởng phòng. Tiếp đến, được đứng tên chủ ngôi biệt thự 5 tầng mặt tiền khi ông bố ứng cử vào thành ủy, sang tên cho con rể để “vô sản hóa” cái tài sản mà ông đã kê khai rất “thành khẩn”. Noi gương bố vợ, Tài cũng cho ra đời độc nhất một công chúa. Học ít, chơi nhiều, giống như đa số con nhà giàu khác, nhưng phương tiện cá nhân thì con gái anh chẳng chịu kém ai. Khi con gái đủ tiêu chuẩn vớt vào THPT, vợ Tài đã thưởng cho chiếc Spacxy. Tài phản đối:

- Em chiều con quá đấy.

Vợ Tài cự lại liền: - Có phải tiền của anh đâu, em phải xin tiền bố đấy chứ.

Bây giờ, bố vợ Tài bị kỷ luật, buộc phải về hưu. Lương hưu hai ông bà chỉ đủ cho họ sống và chơi tennit với thể dục thẩm mỹ, thành ra, vợ chồng cô con gái rượu phải tự túc. Vợ Tài tiêu tiền chùa quen rồi, giờ Tài mới chịu hậu quả. Những ngày đầu không xin được tiền của bố, nàng ôm chặt lấy Tài, hơi thở nóng hổi, cái ngực nần nẩn, nàng cắn nhẹ vào tai Tài: Tiền! Tiền! Tháng trước, nàng bán cái xe máy của Tài: Dạo này, tai nạn xe máy nhiều, anh đi xe buýt cho an toàn. Sáng qua, Tài xách cặp ra bến ô tô buýt, nàng dặn với theo: Nếu chiều nay không đem được 10 triệu về thì “ông” đừng về nữa.

truyen ngan con ma thu 11
truyen ngan con ma thu 11

Trong lúc quẫn bách, người ta sáng suốt hơn, Tài nhớ tới bà cô nhà sát chân núi. Dượng đã chết, chú em con bà cô dạy học trên biên giới Việt - Lào, đưa cả vợ con lên đó. Chỉ có cô anh ở nhà một mình, tuổi già như chiếc lá vàng, biết lúc nào rụng rơi về cội. Thấy Tài về đột ngột, cô cười thật tươi, khuôn mặt rạng ngời, nếp nhăn chồng lên nếp nhăn:

- Anh ở chơi với cô được mấy ngày?

- Đến khi cô hết gạo đuổi cháu đi. Tài cười.

Sáng hôm sau thì chuyện hai cô cháu đã vãn. Tài xách cần câu đi dạo ra khe Đá Ong. Cái khe chảy ngoằn ngoèo giữa các triền đá, tạo nên tiếng róc rách. Những năm trước đây, nước sâu quanh năm, mùa khô năm nay, suối cạn có thể xắn quần lội qua, tất nhiên là phải tránh cái vực Đen. Nó sâu đến nỗi, dòng nước trong vắt mà không nhìn thấy sỏi cuội ở đáy, chỉ thấy một màu đen sâu hoắm. Ngày nhỏ, Tài vẫn nghe các cụ kể lại cái vực Đen này vài ba năm lại có một người chết. Gần vực, có một ngôi mộ tập thể. Thay bằng xây, người ta xếp đá khan. Cứ một người chết là ngôi mộ lại dài thêm một bậc, bao quanh sườn đồi. Khi người chết hết khó, người ta lập đàn, bày cỗ, hương khói, cầu cho người chết siêu thoát, chẳng hiểu sao người ta không cải táng, đem hài cốt về quê mà giữ nguyên mộ, xếp đá cao, rộng ra. Người chết đông thêm và ngôi mộ cũng dài ra theo sườn đồi. Cô Tài đã đếm được chẵn chục rồi. Họ chết với đủ kiểu: Người cắt cỏ, lấy củi về qua tắm, chết. Kẻ ở nhà giữa trưa “ma bóng tròn” đưa ra dìm chết. Cá biệt, có người đêm hè không chịu nổi gió lào, mò ra khe để sáng mai người nhà đi tìm đã thấy nổi lên trên mặt nước. Người ta kháo nhau: Người chết thành ma gác ở vực, chỉ khi nào dìm chết người khác gác thay, mình mới được siêu thoát. Trong làng, tức ai người ta rủa: “Mày là con ma vực thứ 11”. Anh liệu hồn khi câu gần đó. Nghe cô vừa kể, vừa dọa, Tài cười khì:

- Cái bọn không biết bơi mới chết đuối, chứ cháu ở thành phố, tuần nào chẳng đi bơi. Đợt lũ vừa rồi, đi kiểm tra lụt công trường, cháu còn bơi ra giữa dòng nước lũ cuồn cuộn vớt máy móc, thiết bị giúp nhà thầu. Ma nào dìm được cháu. Mà cô ơi? Có khi nào người chết trôi vào vườn ta không?

- Có đấy, đó là lụt năm nọ, dượng cháu mới mất. Thằng Hòa bận dạy không về, mẹ con cái Thắm đang ở nhà với cô thì lụt vào nhà giữa ban ngày. Cái Thắm giúp cô và cháu Bẹp lên chạn, vấn tóc lên đỉnh đầu chuyển đồ đạc lên. Sau đó, thả trâu, dùng thừng buộc các chum khoai, chum lúa lại quanh cột nhà để khi lụt lên thì không bị trôi. Nước lên đến chạn, mấy mẹ con, bà cháu phải dỡ ngói, ngồi lên nóc nhà. Khi chính quyền có chủ trương đi sơ tán thì cái Thắm bắt cô và cái Bẹp đi để nó ở nhà giữ nhà. Cô không chịu, thà có chết thì nó còn nuôi được con. Nó chết, ai nuôi con cho nó. Cuối cùng, hai mẹ con nhà nó đi sơ tán. Cô mang tơi, đội nón, bảy ngày đêm ngồi trên nóc nhà, tay cầm cái sào nứa đuổi trâu. Có con trâu xuống nước luống cuống là chết luôn, nhưng nhiều con lạc hướng, bơi mãi. Con trâu thấy nhà, tưởng là hòn đảo, bơi đến dùng chân quào, không đuổi đi là vỡ ngói, gãy hết rui mè, có khi còn sập cả nhà.

- Thế xác chết trôi vào?

- Không thể dùng sào đẩy ra như đẩy trâu bò được, có xác chết trôi vào, quẩn quanh trong vườn ta. Kéo người ta vào rồi mai táng làm phúc thì sức cô không làm nổi. Cô chỉ có cách là cầu khẩn họ đừng ám cô nữa, cô cũng sắp xuống đó với họ rồi, có thương cô thì trôi đi nơi khác, chứ biết làm sao. Cũng nhiều đấy, đàn ông chết đuối nằm sấp như lặn bắt sò, hến. Đàn bà chết nằm ngửa, giơ cả bốn chi lên trời.

- Sao lại thế hả cô?

- Anh hỏi các nhà khoa học, cô thấy thế nhưng vì sao thì cô không biết.

- Theo cháu hiểu thì làng mình trước nay làm gì có lũ to. Ngày xưa, nước lụt chỉ lên đến gốc đa đầu miếu thành hoàng. Cháu thích có lụt để đi thả cá. Nay nước ở đâu về nhiều thế.

- Anh xem từ mấy ngọn đồi trọc lóc như xương bị chó gặm ấy chứ. Rừng đang xanh, dân mình làm nhà, kiếm củi phá đi một phần, rồi dự án trồng rừng đã cho chặt sạch, bán sạch. Thu lợi hàng tỷ tiền gỗ, họ bỏ ra vài ngàn thuê dân trồng cây, “cha chung không ai khóc”, cây không có ai chăm sóc, sống dở, chết dở, lấy ai che chắn nước mưa, lấy ai dẫn dòng cho nước mưa thấm sâu xuống đất. Để cho mùa khô này suối cạn khô...

- Cô nói như trong sách ấy, thế những ngày lụt, ai đưa cơm cho cô.

- Có con Huyền ở bên kia.

- Có phải cô Huyền chủ trang trại cao su, nhà ở đồi bên kia, bị câm không?

- Anh cũng biết con Huyền à.

- Cháu chưa gặp, nhưng nghe mấy đứa đi câu kể lại.

Tội nghiệp, cũng vì đợt lụt ấy đấy, con Huyền đội mưa bão, ngày ba bữa chống đò đưa cơm cho cô, bị cảm nặng, may mà không chết nhưng mất giọng từ đó. Cũng ba mươi tuổi rồi đó.

- Sao cô ấy chưa lấy chồng.

- Tuổi nó trai làng đã có vợ, có con rồi. Cũng có vài ông, vợ con đàng hoàng đến bờm xơm nhưng nó không chịu. Hay anh về sống với nó đi. Cô biết chúng mày đang giận nhau thì anh mới rỗi rãi chơi với cô lâu thế. Cô đã linh tính thấy trước ngày hôm nay. Vợ anh không phải là vợ hiền, dâu thảo. Nhớ năm bố anh mất, nó không khóc được lấy một tiếng, nếu người ta không nhắc thì cũng không biết thắp cho ông nén hương. Dạo mẹ anh ốm, anh đang ở nước ngoài, nó về thăm, cho cân đường, hộp sữa rồi lên thị trấn thuê phòng ngủ, chẳng chăm sóc bà lấy một ngày, không ăn với bà một bữa cơm.

- Cô tinh thật đấy.

- Không riêng gì cô mà cả dân làng này, ai cũng biết thế. Họ bảo nhau: Cái cậu Tài lấy con sếp, sống trong nhung lụa, đến phải làm đầy tớ hầu vợ suốt đời.

- Chuyện này dài lắm, cháu đi câu đây, cô xem trong vườn có quả dứa nào không, cháu kiếm con cá chình về nấu riêu.

Tài đi ra khe Đá Ong, quen chân, anh lại tìm đến vực Đen thả mồi. Đầu tiên, anh thả mồi gần mặt nước định kiếm con cá nổi nhưng bị mấy con cá mương tranh nhau rỉa hết. Anh phải nới dây phao cho mồi xuống sâu hơn. Bóng cây keo đã tròn, chọn gốc cây làm tâm. Có tiếng bìm bịp gọi nhau gần đây, tiếng trước, tiếng sau như hát karaoke. Ngủ thiếp đi một lúc, Tài dụi mắt thì phao câu đã chìm nghỉm. Anh giật nhẹ cần câu, cần uốn vòng cung, lưỡi câu đã vướng mắc vào cái gì đó. Chắc là có con cá chình nào đó vướng câu, chui vào hang đá. Giật mạnh cần câu, Tài không nhớ rằng, thế đứng của anh đang cheo leo. Khi hai chân trượt xuống vực, anh thả cần câu, chới với trong trạng thái không trọng lượng, hai tay vơ lấy cây dại mọc cheo leo vách đá. Cây dại không đủ sức giữ anh lại. Tài nhớ khi chân anh chạm nước, đánh ùm thì đầu anh cũng va vào vách đá đau điếng…

- Tài tỉnh dậy trong trạm xá xã. Chưa mở mắt nhưng anh ngửi thấy mùi cồn, mùi thuốc tây và một cái mùi gì đó mà các bệnh viện hay có. Thoạt đầu, anh tưởng mình đang nằm trong bệnh viện Hà Nội nhưng tiếng ồn ào làm anh mở mắt. Cô anh đang ngồi trên giường, nét mặt lo âu. Ngoài thềm trạm xá, cả xóm đang tập trung lo lắng cho anh. Người nhà quê, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, không như thành phố đèn nhà ai, nhà nấy rạng. Người ta xúm lấy Huyền, cô giơ tay và mấp máy miệng kể, mọi người tranh nhau “phiên dịch”, đại để là:

Khi Huyền cầm liềm, tranh thủ đi rút dây vằng gần đó, nghe tiếng đánh ùm, biết có người rơi xuống vực. Mặt nước xáo động. Cần câu của ai đó dập dình trên mặt nước nhưng không thấy người chới với, có lẽ đã bị chấn thương. Huyền nhìn quanh, không thấy bóng người để cô gọi hỗ trợ. Sườn đồi vắng ngắt, chỉ có tiếng chim “bắt cô trói cột” nổi lên cô quạnh. Tìm lối chạy xuống suối, chẳng kịp cởi quần áo, Huyền lặn đến lần thứ hai thì

vớ phải một người đã chìm nhưng chưa sát đáy. Với tài bơi lặn điêu luyện, Huyền lặn xuống đạp cho “kẻ chết đuối” nổi lên. Kinh nghiệm vớt “kẻ chết đuối” là không nên tiếp cận với người bị nạn. Vì khi hoảng loạn, bản năng sự sống trỗi dậy, họ có thể ôm chặt lấy mình. Là con gái, lại chỉ có một mình, Huyền còn sợ người đàn ông lạ mặt. Cô bơi một tay, tay kia dùng liềm móc vào áo may ô, kéo “kẻ chết đuối” vào bờ. Vừa kịp có mấy đứa trẻ dong trâu xuống uống nước, giúp Huyền đưa “kẻ chết đuối” nằm vắt trên lưng trâu, đưa về trạm xá.

Theo sự phân công của tòa soạn, tôi về tìm hiểu và viết bài về tấm gương trồng rừng và bảo vệ rừng của cặp vợ chồng Tài - Huyền, được chủ nhà kể cho nghe chuyện trên. Thoát chết ở vực Đen, thoát khỏi số phận làm con ma thứ 11, Tài về Hà Nội thì vợ anh đã làm đơn ly dị để đòi lại cho bố nàng cái nhà 5 tầng. Tài ký đơn rồi xách cặp về với Huyền.

Với ít vốn riêng “thủ” được, cộng với mấy héc-ta cà phê của gia đình Huyền, Tài giúp vợ mở rộng sản xuất, trồng thêm gần một ngàn héc-ta cây các loại, phủ xanh hết các đồi trọc.

- Dạo này có lụt lớn nữa không? Tôi hỏi.

- Làm gì có nhiều nước nữa mà lụt. Tài khẳng định. Các ngọn đồi đã có cây sống nhiều tầng. Lá rụng, cành mục tạo thành thảm thực vật dày vài gang tay. Nước mưa rơi xuống bị giữ lại gần hết, một phần theo rễ cây ngấm xuống đất, một phần trả lại từ từ cho khe suối. Dòng suối đã bớt hung hăng, chảy hiền hòa và biết điều rồi.

- Con ma thứ 10 đã được thay phiên chưa? Tôi đùa.

- Hãy đợi đấy - Tài cười. Các trận lụt cuốn cát sỏi về lấp đầy, vực Đen đã bị xóa tên, còn lâu mới có người chết đuối.

- Tài nhìn ra xa xăm. Huyền đã vớt anh ra khỏi vực, lôi anh ra khỏi kiếp con ma thứ 11 của vực Đen. Nhưng quan trọng hơn, anh đã được đổi đời, được “chuyển nghiệp”. Tài được bổ nhiệm làm giám đốc lâm trường. Vợ chồng anh đã có một cháu trai 7 tuổi học lớp 1. Khoa học phát triển, bệnh viện đã làm cho vợ anh nói lại được. Giờ đây, anh mới thấm thía cái hạnh phúc tự tạo ra có ý nghĩa biết chừng nào.

Trại Sáng tác Đà Nẵng tháng 5/2017.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast