Tưởng niệm 30 năm ngày mất nhà thơ Xuân Diệu

(Baohatinh.vn) - Sáng 18/12, UBND thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) trang trọng tổ chức tưởng niệm 30 năm ngày mất nhà thơ Xuân Diệu với sự tham gia của các nhà văn hóa, hội viên nhà văn, nhà thơ thuộc Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh cùng đông đảo cán bộ, nhân dân trên địa bàn và con cháu hậu duệ dòng họ Ngô – Trảo Nha.

>> Một cuộc đời dâng hiến

Tưởng niệm 30 năm ngày mất nhà thơ Xuân Diệu ảnh 1
Lãnh đạo ngành VHTT&DL, huyện Can Lộc cùng các nhà văn, nhà thơ trò chuyện về thi sĩ Xuân Diệu

Nhà thơ Xuân Diệu (tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh là Trảo Nha) sinh ngày 2 tháng 2 năm 1916, quê quán làng Trảo Nha, xã Đại Lộc (nay là thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc), nhưng sinh tại quê mẹ ở Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Nhà thơ Xuân Diệu tốt nghiệp cử nhân Luật năm 1943, tham gia cách mạng năm 1944 và được kết nạp vào Đảng năm 1949; là đại biểu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa I, Ủy viên BCH Hội Văn hóa cứu quốc, nhiều năm liền là Ủy viên Thường vụ Hội nhà văn Việt Nam. Năm 1983, ông được công nhận là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Nghệ thuật CHDC Đức.

Tưởng niệm 30 năm ngày mất nhà thơ Xuân Diệu ảnh 2
Đông đảo người dân về nhà thờ Xuân Diệu dâng hương tưởng nhớ ông

Ông nổi tiếng từ Phong trào Thơ mới với tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió. Những bài được yêu thích nhất của Xuân Diệu là thơ tình làm trong khoảng 1936 - 1944, thể hiện một triết lý bi quan, tuyệt vọng về tình ái nhưng lại có một mạch ngầm thúc giục, nhiều khi hừng hực sức sống.

Trong sự nghiệp sáng tác thơ văn của mình, Xuân Diệu được biết đến như là một nhà thơ lãng mạn trữ tình, "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới" (Hoài Thanh), "ông hoàng của thơ tình".

Sau khi theo Đảng (1945), thơ ông chủ yếu ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nên thơ tình của ông không còn được biết đến nhiều như trước.

Ngoài làm thơ, Xuân Diệu còn là một nhà văn, nhà báo, nhà bình luận văn học.

Là cây đại thụ của nền thi ca hiện đại Việt Nam, Xuân Diệu đã để lại khoảng 450 bài thơ (một số lớn nằm trong di cảo chưa công bố), một số truyện ngắn, và nhiều bút ký, tiểu luận, phê bình văn học.

Tại lễ tưởng niệm 30 năm ngày mất nhà thơ Xuân Diệu, các học giả, nhà nghiên cứu văn học, hội viên Chi hội Hội nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh, CLB thơ Xuân Diệu huyện Can Lộc và các nhà giáo yêu thơ Xuân diệu cùng hậu duệ con cháu dòng họ Ngô đã mạn đàm, đọc và ngâm thơ Xuân Diệu nhằm tỏ lòng tri ân, ngưỡng mộ tư tưởng tài hoa của cây đại thụ thơ mới Việt nam.

Tưởng niệm 30 năm ngày mất nhà thơ Xuân Diệu ảnh 3

Dịp này, Sở VHTT&DL, huyện Can Lộc và đại diện thân nhân hậu duệ con cháu dòng họ Ngô – Trảo Nha đã bàn kế hoạch xây dựng dự thảo trình UBND tỉnh cho chủ trương về tổ chức lễ kỷ niệm 100 ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu theo quy mô sự kiện cấp tỉnh, gắn với hội thảo khoa học nhằm tôn vinh đóng góp to lớn của nhà thơ Xuân Diệu cho nền văn học nước nhà.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast