Tuột dốc

Ra Hà Nội lần này, như mọi khi, cô chọn nghỉ ở một khách sạn trong khu phố cổ. Tuy nhiên, do chuyến đi không định trước, nên khách sạn cô thường đến đã không còn chỗ. Cô tìm được một khách sạn nhỏ trên phố Mã Mây.

Minh họa: NGUYỄN NGỌC THUẦN
Minh họa: NGUYỄN NGỌC THUẦN

Khách sạn dẹp như cái hộp diêm quẹt dựng đứng. May là có thang máy. Cô chọn tầng trên cùng, tầng sáu. Mở cửa sổ chỉ nhìn thấy nóc nhà, tường nhà, cửa kính, cửa gỗ, bồn inox và một khoảng trời âm u sũng nước.

Cô tắm gội, lau khô, sấy tóc, giảm độ máy lạnh và bật tivi. Chuyển vài kênh, bắt gặp hình ảnh ngập lụt ở đâu đó, người xe lênh bênh giữa biển nước. Bên ngoài cửa sổ, mưa bắt đầu nặng hạt. Rồi mưa trút rào rào. Mưa xóa mờ đám dây điện giăng mắc nhằng nhịt từ cột điện đến mái nhà lô xô.

Cô bỏ rèm, chuyển tiếp mấy kênh nữa. Cũng không có gì đáng xem, cô tắt tivi và lôi sách ra đọc.

Lần này, cô chỉ mang theo quyển sách mỏng của Trần Huyền Trân.

Lần trước và nhiều lần trước nữa, mỗi khi ra Hà Nội, lúc không phải làm gì cô đọc Vũ Bằng, Thạch Lam, Tô Hoài...Trong không gian nhộn nhạo thực hư, khi đọc lại những trang sách cũ, cô vẫn thấy xao lòng khi bắt gặp hình bóng người xưa cảnh xưa. Có lần, cô ngồi uống cà phê một mình trong một cái quán nhỏ ở một góc phố, vừa nhấm nháp tách cà phê nóng vừa đọc trang sách cũ. Đến đoạn Thạch Lam viết rằng ngày còn nhỏ, ông thầy dạy vẽ của ông từng mở một xưởng vẽ ở phố Bờ Hồ và cái xưởng ấy treo cái biển vẽ một cô gái rất xinh chỉ tay vào mấy dòng chữ...; cô vội trả tiền cà phê, dù mới uống được mấy ngụm, đứng dậy, xăm xăm đi về phía bờ hồ hiu hiu gió và men theo con phố quen thuộc của Thạch Lam. Con phố còn sót lại cái dáng vẻ thanh lịch và vẫn còn những cửa hàng bày bán tranh, tuy hầu hết là tranh sao chép và thỉnh thoảng vẫn còn thấy những người khòm lưng cắm cúi chép tranh. Cô hình dung... cảnh ấy, người ấy, chắc chỗ này này, hàng hiên lác đác lá này này, Thạch Lam được ông thầy kỹ tính dạy pha màu, dạy cầm cọ và rồi không rõ vì sao, tâm trí cô cứ ẩn hiện vẻ mặt thất vọng của người họa sĩ già khi thấy tranh của đứa học trò cưng luôn vương sợi tóc (*). Sau này cô đọc lại Thạch Lam nhiều lần và khi gấp sách lại, dù nỗi khổ của nhân vật thường do đói, do rét, do phẫn uất, do tuyệt vọng nhưng cô vẫn không sao rứt ra được cái cảm giác, ở đâu đó trên trang sách và ở trong cô, sợi tóc cứ gờn gợn.

Tóc cô đã không còn mượt, lần chải tóc nào răng lược cũng vướng những sợi tóc khô. Cô chải sơ, rồi tóm gọn, búi gọn lên đầu. Sau đó cô đặt cái gối vào vách tường và tựa lưng vào đó, mở sách. Cô chọn đọc Bộ áo rét của nhà thơ, có lẽ tên truyện ít nhiều gợi lên cái lạnh mà cô đang gặp phải. Truyện kể chuyện một nhà thơ chỉ sống vì thơ, giàu có về thơ nhưng lại rất nghèo. Ngày giỗ cha, trong cái lạnh cắt thịt da, nhà thơ phải đi cầm bộ áo rét duy nhất của mình để có mấy đồng bạc làm giỗ cha. Câu chuyện thật đến nỗi cô không nghĩ Trần Huyền Trân viết truyện đó khi cô chưa có mặt trên đời này, mà hình như ông còn viết cho cả nỗi mất cha mà cô vừa trải. Rồi cô khóc. Khóc nhiều hơn cả lúc cha mất.

Rồi sợ mình ngập lụt trong nước mắt, cô cố ngăn lại bằng cách bật to tivi, căng tai nghe giai điệu một khúc hát về Hà Nội, rồi vục mặt vào nước mát... Và, cô lại thấy thèm một tách cà phê nóng.

Vén rèm, thấy trời bớt mưa, cô thay quần áo, thoa một chút son lên má lên môi, cầm bóp, ra khỏi phòng và bước vào thang máy. Đến tầng bốn, thang máy khựng lại. Khi cửa bật mở, một đôi trai gái vẫn đang xoắn lấy nhau trong nụ hôn dài, ập vào.

Xuống tầng trệt, nhìn qua cửa kính trời vẫn còn rỉ rả mưa, cô nhờ tiếp tân gọi taxi.

Ngồi vào xe, cô nói với tài xế: “Đưa tôi đến một quán cà phê nào đó gần gần”. Tài xế hỏi: “Chị uống cà phê một mình à?”. Cô ngần ngừ: “Ờ... à... Thôi, đưa tôi đến cà phê Bờ Hồ”.

Khi bước vào quán cà phê mà cô chưa lần nào ngồi một mình, cô biết mình đã chạm vào cái lằn ranh mà từ lâu cô né tránh. Và khi ngồi xuống cái ghế rộng dành cho hai người, như ma quỷ xui khiến, cô bấm số điện thoại mà cô vẫn nhớ. Một khoảng lặng, rồi nghe tiếng anh: “Đợi anh 15 phút!”.

Còn một phút nữa mới tới phút 15, anh đã đẩy cửa bước vào, áo mưa còn khoác trên người. Anh cởi áo mưa, cuộn lại, bỏ dưới chân bàn, ngồi vào chỗ, dĩ nhiên là dành cho anh, cạnh cô. Thoạt tiên, cô ngồi dịch về phía không anh, hai bàn tay đan vào nhau đặt lên đầu gối. Người phục vụ bước tới, chưa kịp hỏi, cô nói luôn: “Cho một tách cà phê đen ít đường”. Anh cười: “Nhỡ anh đổi thói quen, uống nhiều đường thì sao?”. “Thì... thêm đường”, cô đáp và cầm muỗng khuấy khuấy vào tách cà phê uống dở. Khi cà phê được mang ra, anh uống một ngụm, rồi tìm nắm bàn tay cô.

Vẫn giữ lấy tay cô, anh hỏi: “Huyết áp em vẫn thấp à?”. Thì ra, cô vẫn có trong anh. Cả cô, cũng vậy, dù lẩn tránh và trốn chạy nhưng dường như không thể xua được ký ức, dù chúng đã ngả màu, như tóc trên hai mái đầu. Và điều gì đó, có lẽ còn thẳm sâu hơn ký ức.

Lúc chở cô về tới khách sạn, anh quay lại hỏi: “Anh lên với em?”. Thay câu trả lời, cô vòng tay qua bụng anh, siết chặt.

Sáng hôm sau, thức dậy, cô đọc tin nhắn anh gửi vào điện thoại: “Thấy em ngủ ngon anh không nỡ đánh thức...”. Nhìn vào chỗ hõm mà đầu anh đặt trên chiếc gối trắng, cô thấy sợi tóc còn vương lại.

Đột nhiên, cô có cảm giác mình đang treo lơ lửng ở một độ cao nào đó. Cô nhắm mắt, chuồi người xuống giường, vừa bải hoải, vừa cảm thấy dễ chịu bởi chuyến tuột dốc mà cô không lường trước.

(*) Sợi tóc - tên một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Thạch Lam.

Nguồn: Tuổi trẻ Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast