Ước mơ ngắm lũ trẻ trên cánh đồng xanh

"Anh cứ hình dung bọn con nít chơi trên cánh đồng khổng lồ vào buổi chiều, trong đám lúa mạch. Có đến nghìn đứa trẻ mà xung quanh không có lấy một người lớn nào, ngoài anh... Canh giữ lũ trẻ trên bờ vực thẳm trong đồng lúa mạch. Anh biết, đó chỉ là điều ngu xuẩn, nhưng là cái duy nhất anh muốn làm thực sự" (Bắt trẻ đồng xanh, J.D.Salinge, NXB Văn học, 2011).

Cuốn sách Bắt trẻ đồng xanh
Cuốn sách Bắt trẻ đồng xanh

Đôi lúc tôi ngạc nhiên khi một tác phẩm văn học Mỹ, được công nhận là vĩ đại "Bắt trẻ đồng xanh" (The Catcher In The Rye), lại gặp phải sự thờ ơ ngơ ngác của những người tôi quen biết, hoặc họ đã đọc nhưng không thấy có gì hấp dẫn.

Cuốn sách lãng đãng quá, họ nói. Chậm, không có cốt truyện rõ ràng, quá ít hành động cụ thể, toàn diễn biến nội tâm nhân vật chính. Có thể, tâm tư của cậu thiếu niên Holden trong trắng và đầy tình thương, bọc bên ngoài bằng cái vỏ tai tiếng là ngôn từ tục tĩu, không dễ chạm tới tâm hồn của người Việt hiện đại?

Bắt trẻ đồng xanh khó hiểu từ tên sách, nhưng chỉ đơn giản là một ý bâng quơ được Holden nhắc đến trong sách, ước mơ lớn nhất của cậu. Đoạn trích trên là tâm sự của cậu với cô em gái, nghe qua thì rất… lãng xẹt: được làm một người canh giữ lũ trẻ trên cánh đồng lúa mạch. Một cánh đồng mênh mông với hàng ngàn đứa trẻ chơi đùa, duy nhất Holden là người lớn, đứng đó, chiêm ngưỡng sự ngây thơ và canh giữ những đứa trẻ để chúng khỏi rơi xuống vực.

Chiêm ngưỡng sự ngây thơ là trải nghiệm vô cùng quý giá, khiến một số người quyết định suốt đời gắn mình với sự nghiệp giáo dục con trẻ. Thầy hiệu trưởng của ngôi trường làm từ những toa tàu cũ trong Totto Chan - Cô bé bên cửa sổ là một ví dụ. Ở Việt Nam, có Trường vẽ kể chuyện Toa Tàu, trong đó có họa sĩ Bút Chì đồng sáng lập, với tâm niệm tạo ra “Nơi người lớn được làm trẻ con và trẻ con được là chính mình”.

Bởi đơn giản là tôn trọng trẻ con. Cuộc sống khi còn nhỏ không phải là bản nháp cho cuộc sống khi lớn lên. Tuổi trẻ không phải là bản nháp của tuổi trưởng thành. Nhưng nhiều người vẫn nghĩ thế, khi nói các sinh viên tình nguyện đứng làm dải phân cách mùa thi giữa trời nắng 40OC là “trẻ người non dạ, không hiểu sự đời, làm chuyện vô ích”.

Đối với người 40, 60 tuổi thì 20 tuổi là trẻ con. Họ cho rằng sống như họ, nghĩ như họ mới là chuẩn vì họ đã sống qua tuổi trẻ. Giống như các bậc phụ huynh thường nói: “Bố mẹ từng trải nên mọi thứ bố mẹ nói là đúng”. Họ ép những người kém họ mấy chục năm kinh nghiệm cuộc đời phải có thế giới quan giống họ. Điều này là không tưởng.

Ngược lại, có ai từng nghĩ với những cụ già 80 tuổi, tuổi 60 cũng lại là trẻ con. Những người tuổi 60 có bao giờ thử nhìn đời bằng đôi mắt của một cụ già?

Trẻ con có gì sai? Không biết có nhiều người còn nhớ, khi còn trẻ, người ta làm không ít chuyện vô ích, vô nghĩa, vô tâm, về sau ngẫm lại thấy xấu hổ hoặc nuối tiếc. Chỉ có điều, những hành động đó không lên mặt báo nên họ không hứng chịu chỉ trích, vậy thôi.

Tôi tin người ta có thể vừa trưởng thành vừa không hằn học với sự non nớt ngu dại của thế hệ sau, thứ mà chính họ từng có. Hiểu biết chừng nào hay chừng đó, nhưng đừng đánh mất sự ngây thơ của một người đứng nhìn lũ trẻ trên cánh đồng xanh. Không ai mãi mãi là đứa trẻ, nhưng niềm vui thích được nhìn ngắm chúng có thể không bao giờ tắt.

Theo TT&VH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast