Về quê

1. Về chăm mẹ ốm ở quê lưu lại vài ngày mới có thời gian tìm lại mấy đứa bạn học thời phổ thông. Một phần đã mất, số còn lại thì nghỉ hưu.

Tất cả đã lên ông lên bà, mới nhận ra mình đã già. Mình vẫn đi lại phăm phăm, giá không gặp chúng, vẫn tưởng mình là thanh niên. Gặp L. nguyên trưởng phòng địa chính huyện. Nó lê chân xuống bậc thềm đón: Ôi, mày đấy à, tao không nhận ra. Đấy vẫn chỗ đất bố mẹ xưa, có chuyển đi đâu đâu.

Tôi đứng trong sân bao quát, ngôi nhà cấp bốn mái ngói tường xây kiểu cách, có mảnh vườn vài sào trồng cây ăn quả, thấy đủ thứ trong vườn, cả một khóm thanh long đóng trụ. L. vẫn hiền lành như xưa, đi đứng lệt bệt. Sách Tàu bảo tướng đi như ngan ngỗng thì làm quan to nhưng nó lại chỉ dừng chân ở chức trưởng phòng địa chính đến lúc nghỉ hưu. Của đáng tội, nó từng được chủ tịch huyện (một thằng học sau mấy lớp, nhưng có hơi bố từng trong thường vụ tỉnh, nên được đào tạo làm chủ tịch) lôi lên làm chánh văn phòng. Tính nó cẩn trọng thật thà quá không đáp ứng được ông ấy, nên một năm thì lại trở về địa chính với nghề đo đạc. Chủ tịch đưa một thằng khác có máu Hòa Thân lên để tung tẩy đáp ứng đúng nhu cầu.

Nó kể: “Cũng may là tao không làm nổi. Giá làm được thì cũng không rõ mình ra sao. Ông Chủ tịch giàu ức vạn nhưng sau mất chức nên uất ức kết bệnh ung thư mất mấy năm rồi. Hai đứa con ông ấy nghiện cả. Một thằng chuyển si-đa chết mấy năm nay, giờ còn một thằng đang dặt dẹo, và vợ nó sắp lấy chồng khác. Hết!”

Nó kể tiếp, thằng máu Hòa Thân thay tao, thỏa mãn được chủ tịch, té nước theo mưa nên cũng giàu ú ụ mày ạ. Nhưng quả báo thế nào chủ tịch ra đi, thằng ấy cũng rớt đài…

Ngồi với L. nhìn ra cánh đồng trước nhà thấy hương lúa xuân ngào ngạt. Màu xanh lúa chấm tận mép đồi phía xa. Chỉ có thiên nhiên vẫn vô tư, gió vẫn reo và lúa đổ sóng dập dờn. Nghĩ thầm may cho ông bạn cùng lớp được một thời trong sạch trở về với tuổi già yên ổn.

2. Thằng thứ hai thì học hành bỏ dở. Bố nó ngày xưa xỏ nhầm giày, nên có theo học cũng không có tương lai, nên hành nghề cắt tóc. Nó cắt tóc giỏi, chỉ cái lược và cái kéo tanh tách mà đâu ra đấy. Hồi tôi thoát ly mấy năm mới biết nó dính vào tội chứa đồ ăn cắp. Bị hai năm bóc lịch. Nhưng cái nghề cắt tóc điệu nghệ khiến nó thành cán bộ trong tù. Các giám quản đều được nó làm đẹp, nên hai năm vèo qua nhanh.

Ra tù lấy vợ sinh con. Vào những năm mở cửa, con cái nó phương trưởng lái xe đường dài chở gỗ từ Lào. Có vốn phất nhanh. Hôm nay nó khoe: tao vừa đầu tư trăm tỉ vào nhà máy gạch tuy-nen. Định kiếm một biệt thự Hà Nội nhưng tạm dừng cái đã. Bây giờ với nó, chuyện tiền là chục tỉ, trăm tỉ nhẹ như lông hồng.

3. Thằng thứ ba thì lên đến trưởng phòng giao thông nhưng rồi chưa kịp về hưu thì rượu đã nấu chín gan, ra đi lúc còn trên ghế quan chức. Chán thế!

Còn vài đứa nữa, chuyện cũng đủ vui buồn. Mỗi đứa là một dòng sông riêng, đứa thì đầy khúc ngoặt, đứa thì thẳng đơ, đứa thì thành suối cạn. Đời người là như vậy. Nhưng mấy đứa làm to dính vào tham nhũng thì đều có những kết cục rất đáng buồn, không con cái dính nghiện thì vợ đề đóm hoặc ăn chơi đến tan đàn.

Chỉ có dòng sông Công vẫn chảy hiền từ, nước làm đổi dòng đôi chỗ, nhưng vẫn còn là con sông, chưa bị vùi lấp…

4. Ngẫm lại quê hương như cái gốc cây, đám chúng tôi như cành lá. Cứ về đến quê hỏi cái là biết hết luồng lạch của từng đứa. Nhìn lại cái ảnh cuối cấp Ba thấp cao lố nhố, đứa cười đứa bặm miệng, giống như hôm nay mỗi đứa là mỗi thân phận buồn vui!

Nguồn: Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast