Về quê

Hắn lên xe với túi xách đeo trên vai, ba lô sau lưng, vai trái vác thêm chiếc bao diêm mới tinh quấn tròn tròn vật gì đó như chiếc gối ôm. Tay phải là chai nước suối. Người phụ nữ đi cùng hắn vóc dáng nhỏ nhắn bẽn lẽn cầm… chai nước uống rồi theo hắn ngồi xuống hai chiếc ghế cuối xe.

Loay hoay mãi hắn mới nhét hết các thứ xuống băng ghế. Túi xách đeo trên vai thì ngồi xuống là giữ khư khư trước ngực. Anh lơ xe nãy giờ chờ thu tiền thúc hối “Tiền xe! Tiền xe trả lẹ nè!”. “Chờ chút! Mỗi ngày một chuyến, không về xe này thì đi vô rừng làm khỉ hay sao mà hối dữ?”. Người phụ nữ huých cùi chõ vào hông hắn. “Bà im nào! Mấy tay lơ xe này mình hiền hiền là không được đâu”. Rồi quay sang anh lơ, hắn hất hàm “Hai mạng, nhiêu?”. “Mười chín lụi”. Anh lơ xe không vừa. “Tưởng tỉ chín chứ! Có trăm chín cũng làm dữ”. Người phụ nữ thò tay vào hai lần túi áo định lấy tiền. Hắn dùng cánh tay gạt tay người phụ nữ, nạt “Bà ngồi im, tướng có một xách, hao bao nhiêu ghế mà phải trả tiền!?”. Rồi vừa móc tiền trả nhà xe, hắn vừa đếm, vừa lầm bầm “Mấy ngày nay hao “đạn” dữ quá! Bao nhiêu đây không biết có đủ cho bả sửa cái nhà, thằng nhỏ lên trường đại học không nữa?”. Vừa lúc ấy chuông điện thoại reo. Móc chiếc điện thoại Iphone ra hắn nói oang oang như chốn không người “Gì? Mua mấy ràng bánh hả? Thêm mớ muối ớt đặc sản nữa hả? Ối… già rồi, ăn uống bao nhiêu mà đòi mua cho dữ. Gì? Không ăn, tặng hàng xóm cho có tình có nghĩa hả? Ô kê… bà có tình có nghĩa nhưng thằng này làm muốn ỉa luôn nè! Nhưng không sao, già cả rồi, chết nay sống mai, chủ yếu vui là được!”.

Tôi lom lom nhìn hắn vì bàn tay mốc khái xù xì thế mà lướt trên chiếc Ai-phôn xịn vậy thật là tội nghiệp… cái điện thoại. Cách nói chuyện của hắn nữa, mới nghe tưởng là nói với vợ, nghe thêm chút giống nói với mẹ. Có ai nói năng với mẹ mình kiểu như thế không nhỉ?

- Bà chị nhìn gì mà nhìn dữ? Ngưỡng mộ hả? Thợ hồ mà xài Ai- phôn là thứ dữ hén?

-….

- Đồ dỏm thôi bà chị ơi! Rừng rú, cây cối, máy móc đầy mà nhìn qua nhìn lại toàn đàn ông với đực rựa. Không có cái Ai-phôn này chắc tui chết vì buồn quá!

- Nhà anh xa lắm hả? Thằng nhỏ lên đại học là ai vậy? Con à?

- Cái gì anh? Bà chị nói tui già lắm hả? Mới hăm bốn thôi!

- À…vậy còn “thằng nhỏ lên đại học” là ai?

- Thằng út. Nhà bảy trự. Bốn tay lớn có vợ hết, nghèo sặc gạch, không giúp được gì cho anh em. Thằng út này học giỏi lắm nhưng mấy phen đòi nghỉ đi làm công nhân. Tui nói khoan, có mấy khu dân cư mới thành lập ở xa cần thợ hồ. Để tao đi coi có kiếm ăn được không, được tao nuôi cho vài năm lên thành phố cho biết người, biết xe.

- Rồi sao?

- Mấy ông thầu ở đó đàng hoàng lắm chị. Ngày làm tám tiếng, lương trăm sáu nuôi cơm ba bữa. Ai làm thêm tính thêm. Lương trả đầy đủ từng tháng. Tui đi năm tháng, đem về cho bà già gần hai chục, chắc đủ sửa cái nhà và cho thằng nhỏ đi Sài Gòn hén?

- Giỏi quá rồi. Còn… kia, vợ à?

- Vợ? Đi mấy tháng đem về con vợ cho bà già cạo đầu à? Đồng nghiệp, bả làm culi, tui thợ.

- Đàn bà con gái lên chốn rừng rú làm gì?

- Chồng bỏ, không tiền nuôi con, nợ tùm lum. Không đi làm lấy gì ăn? Còn bà chị, đi đâu ngồi xe đêm?

- Đi… chơi!

- Chơi con khỉ mốc! Giận chồng bỏ đi “làm nư” thì có!

- Bậy nè!

- Bậy gì? Đàn bà cơm lành canh ngọt mấy khi đi đêm thế này?

- Coi bộ cậu mình rành đàn bà dữ hén?

- Bậy nghen! Tui chưa có bồ đó! Nhưng mà mấy chị ở xóm giận chồng, gây lộn với nhà chồng, bỏ về nhà cha mẹ như cơm bữa. Tui đui sao mà không thấy?

- Chị không giận chồng mà là đang không có chồng, tìm về nhà con bạn chơi.

- Con mẹ nào đó bạn bà chị chắc cũng đang không có chồng luôn hả?

- Sao biết hay vậy?

- Thì chỉ có mấy bà không chồng mới rảnh vậy chứ ai chồng con đùm đề cũng lu bù đầu cổ hết!

Hắn kết thúc câu chuyện mà không cho người nghe phản đối. Cái đầu nghiêng qua phía người “đồng nghiệp” kia đang ngủ sao mà thân thiết dữ. Xe đêm không ồn ào nhưng dồn lắc và chật hẹp vì ai cũng muốn tranh thủ chút khoảng trống mà duỗi chân, duỗi tay. Đây không phải là chuyến xe chất lượng cao nên các thứ trên xe đều rất thấp, cả ánh sáng của chiếc bóng đèn trên nóc xe cũng vậy. Không phải đây là lần đầu tôi về nhà bạn, nhưng lại là chuyến xe đầu tiên trong mấy năm qua gặp cảnh dồn ứ khách và có một gã đồng hành bộc trực như hắn.

Sáng sớm. Xe thắng nhanh ở một quán cơm thị trấn. Tay lơ xe nói như ra lệnh:

- Vệ sinh năm phút, cơm hai mươi phút, mua sắm mười phút. Ai lề mề bỏ lại không trả tiền!

Gã đồng hành bộc trực của tôi ngoác miệng ra định cãi thì cô gái đi chung đã giật giật vạt áo ra chiều im lặng. Hắn biểu cô kia:

- Bà vô quán lấy hai hộp, chút lên xe hai đứa mình ăn. Tui đi vòng vòng coi có chỗ nào bán mấy thứ đặc sản bà già dặn, “đập” vài nhát cho bả vui! Nhớ nghen, thấy có cóc, ổi, mía ghim gì thì làm thêm một bọc!

Dĩa cơm tôi ăn chưa xong, nhà xe đã nhấn kèn tin… tin… Tất tả lên xe, tôi thấy hắn đang vét mấy muỗng cuối cùng của hộp cơm rồi ném cái vỏ hộp qua cửa sổ.

- Bà chị mình, ăn trái cây chơi?

- Hai người ăn đi, tôi mệt, làm biếng nhai lắm!

- Mệt càng phải ăn! Mà chỉ có mình bà chị mình mệt chắc? Bà con đi xe này, ai khỏe nói nghe thử coi!

Không ai nói gì. Vậy chắc là không ai khỏe. Hắn rau ráu nhai mía hết chê lạt tới chê mềm. Rồi hắn kể với cô culi đồng nghiệp rằng, hồi ba hắn còn sống, trồng đụn mía trước nhà cho năm anh em hắn, mía Kô-mít cứng thấy bà cố tổ nhưng ngọt vô cùng. Cái hồi…mỗi chiều đi làm về, ba hắn còn rủ đứa con nhỏ nhất (là hắn) sang hàng xóm quét lá un lấy tro về bỏ vô đám mía. Mía thưa lóng và ngọt như đường. Cái hồi…thằng con trai tám tuổi là hắn thấy cuộc đời này không gì đáng yêu bằng mía của ông già mình! Nhưng rồi một buổi chiều “khỉ gió” nọ, hắn đi học về nhưng không thấy ba đâu. Bà mẹ đang nháo nhào vác dao bầu chặt đám mía, vừa chặt vừa khóc vừa kêu trời như bộng.

- Sao mẹ ông chặt đám mía uổng vậy? Bộ… sắp giải tỏa làm đường hả?

- Làm đường cái con khỉ! Là ông già tui “giải tỏa” đám ngũ quỉ này để đi kiếm một đứa “bưng bê trà nước” thì có! Hàng xóm nói, ổng chê bà già tui “không biết đẻ” nên toàn ra đực rựa. Mà ổng rất ham một đứa con gái, nên ổng phải đi tìm!

- À há… mà mẹ ông cũng lạ. Đám mía có tội gì đâu?

- Chứ bà biểu bây giờ bả chặt cái gì cho hả giận? Hổng lẽ đem mấy thằng con ra chặt?

- À há… Hi… hi…Rồi ông già ông có kiếm được đứa con gái nào không?

- Được… hai thằng đực rựa nữa! Cái hồi… “bà kia” dập tiếp cho ổng thằng đực thứ hai thì bà ta cũng bị sản… sản cái gì đó. Ông già tui tức mình quá, leo lên cây cà, té xuống cây ớt ngơ ngơ ngẫn ngẫn làm bà già tui phải nuôi ổng và “bà kia” luôn với hai đứa nhỏ.

- Trời! Sao mẹ ông vĩ đại quá dzậy?

- Thì… cái hồi đó ổng vẫn là ba của tụi tui, là chồng của bả. Hai đứa kia cũng là em tụi tui. Bả không nuôi thì nuôi ai?

- Hấp dẫn à nghen! Rồi sao nữa cậu mình? - Tôi góp chuyện.

- Ủa? Bà chị kêu mệt mà sao nhiều chuyện vậy? Sao trăng gì, thì má tui cứ nuôi, mấy anh em tui đi làm bao nhiêu đều đưa tiền cho bả nuôi ổng với “bà kia” hết. Rồi… cái hồi hai ông bà rủ nhau “đi bán muối” nhà tui càng khổ dữ. Thằng út là con của ổng với “bà kia” nhưng có hiếu với má tui lắm!

Câu kết của hắn làm tôi và cô culi chưng hửng. Sao trên đời có người đàn bà tốt vậy hở trời? Chắc là vì má hắn tốt, nên hắn cũng tốt lây. Câu chuyện dài ra nhưng hắn không tỏ chút nào mệt mỏi. Mấy người đồng hành từ nửa xe trở ra phía sau đều có vẻ quan tâm câu chuyện nhà hắn. Có người kêu, đấy là chuyện tiếu lâm chứ trên đời có người nào lại tốt đến thế! Người kia “chêm” thêm: “Tôi mà là má của cậu này đó hả? Tôi đi tìm con đó xé xác… chứ ở đó mà nuôi đẻ, còn lo ma chay, lại nuôi con của họ ăn học”. Người lại bảo, đàn ông là giống vô tình vô nghĩa, mình thân tàn ma dại rồi phải chịu chứ sao? Nhưng ở đời, có đàn bà nào con cái nheo nhóc, áo cơm thiếu thốn mà đẹp như hoa hậu hở trời? Hắn cãi “Mấy bà nói đàn ông vô tình là không được! Mỗi người mỗi khác, mỗi lá mỗi sâu. Tui đâu có vô tình, hổng lẽ tui là… con gái?”. Cả xe cười ồ.

Xe đã tới bến, mọi người lục tục lách nhau bước xuống qua khung cửa hẹp trong tiếng nháo nhào giành giật của cánh xe ôm. “Áo đỏ của tui”. “Tui xí áo xanh”. “Áo vàng của tui à!”.

Góc xa xa của bến xe, một dáng áo nâu giấu dưới vành nón lá sờn rách đang sáng ngời đôi mắt đục dang rộng vòng tay đón hắn, vuốt tóc, xoa nắm vai, tay...

Theo Tuần báo Văn nghệ TP. HCM

Truyện ngắn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast