Vì em yêu anh

(Baohatinh.vn) - Theo kế hoạch, 6h sáng mai, đoàn sẽ tập trung ở nhà khách Ủy ban nhân dân tỉnh bạn để về lại tỉnh nhà. Chiều nay, chị đến thăm gia đình Hoa - một cán bộ phụ nữ huyện...

Dù chỉ mới quen nhưng Hoa cứ tha thiết: “Chị Hồng phải đến nhà em chơi. Quê mẹ em cũng ở miền Trung. Chồng em trước cũng ở Khánh Hòa. Nếu có ảnh ở nhà ảnh cũng rất vui khi gặp được đồng hương. Nhà báo mà! Đi suốt chị ạ. Nhà chỉ có hai mẹ con”.

Ngôi nhà xây nằm khiêm tốn trong vườn cây ăn trái của một xã ngoại thành. Một thằng bé khoảng 7-8 tuổi xếp lại quyển truyện tranh, khoanh tay chào:

- Con chào mẹ mới về. Cháu chào cô ạ!

Chị vuốt má thằng bé:

- Chào cháu. Cháu ngoan lắm!

Chị nhìn quanh gian phòng khách. Vật dụng bài trí hài hòa. Ánh mắt chị dừng lại hơi lâu trên bức ảnh cưới phóng to lồng trong khung kính.

- Em mời chị! - Hoa trao cho chị ly nước. Hình ngày cưới của vợ chồng em đó. Mới đó mà đã tám năm rồi chị ạ.

- Em nói ông xã em là nhà báo?

- Dạ. Trước đây ảnh là giáo viên. Sau khi chia tay với người vợ trước, ảnh chuyển vào đây mới làm báo.

Nghe như có luồng điện chạy dọc sống lưng, chị buột miệng hỏi như một phản xạ:

- Ông xã em tên gì?

- Người ta gọi ảnh là nhà báo Phan Quang – Hoa hơi sững. Cô chợt thấy lạ trước những câu hỏi của người bạn mới quen – Mà chị có quen ông xã em?

- Không. Chắc là người giống người - Chị vội lắc đầu, rời mắt khỏi khung ảnh cưới.

- Chắc vậy. Hoặc có thể chị gặp ảnh ở đâu đó khi ảnh đi tác nghiệp. Bây giờ chị ngồi chơi uống nước nhé. Em xin phép xuống bếp! - Hoa giơ tay ngăn lại khi thấy chị nhỏm dậy – Không. Em không cho chị xuống bếp đâu. Chị là khách mà - Hoa cười, mắt nhìn khung ảnh cưới – Chị biết không? Có ông xã em ở nhà thì ảnh sẵn sàng xuống bếp để chị em mình ngồi chơi. Đàn ông mà chịu khó lắm chị ạ. Hình như cánh nhà báo họ đi nhiều, viết nhiều nên hiểu nhiều. Cùng là phụ nữ em không muốn nói người trước mình, nhưng ảnh nói vợ trước ảnh đoảng lắm. Chuộng địa vị quyền lực hơn hạnh phúc gia đình. Thậm chí không muốn có con vì sợ ràng buộc.

Hoa xuống bếp. Chị ngồi lại trên sa lông phòng khách. Những lời nói sau cùng của Hoa tác động khủng khiếp đến chị. Một sự xếp đặt nào đây của tạo hóa để chiều nay chị có mặt ở gia đình này. Chị nhìn khung ảnh cưới. Không! Không thể! Chỉ là người giống người thôi. Khuôn mặt ấy… ánh mắt ấy… nụ cười mỉm ấy…

*

* *

Cuối năm lớp mười hai bổ túc, Hồng cảm nhận được sự săn đón của thầy Hoàng. Nhưng cô còn phải phấn đấu học tập. Cha mẹ là liệt sĩ, bản thân sinh ra ở cứ, Hồng nằm trong diện quy hoạch cán bộ của lãnh đạo. Hồng không thể thả trôi tình cảm. Nghĩ vậy, nhưng trước tình cảm của thầy Hoàng, những chống đỡ yếu ớt của lý trí đành chịu khuất phục trước trái tim hai mươi tuổi. Hồng chỉ có thể nói được với thầy “Em chấp nhận tình yêu của anh. Nhưng hãy để em tiếp tục việc học cho xong”. Hoàng gật đầu: “Anh đồng ý. Là thầy giáo làm sao anh có thể ngăn cản một người ham học. Anh chờ em”.

Sau khi hoàn tất chương trình phổ thông và đào tạo cao cấp chính trị, Hồng trở về địa phương và được cử làm bí thư huyện đoàn. Chị và Hoàng cưới nhau. Năm đầu của cuộc sống vợ chồng, hạnh phúc êm ả hòa trong cuộc sống. Chồng chuyên tâm dạy học, vợ chuyên cần công tác lãnh đạo đoàn thể. Khi năng lực lãnh đạo được thể hiện qua việc giải quyết nhanh những tình huống khó khăn (có sự đóng góp phía sau từ cái đầu thông thái và từng trải của Hoàng), Hồng là nhân tố nổi bật trong lớp cán bộ trẻ của huyện, là đích ngắm của lãnh đạo cho chức danh phó chủ tịch huyện tương lai. Và anh, khởi đầu cho sự nghiệp viết lách đã có được truyện ngắn và thơ đăng báo. Do điều kiện đặc thù công tác, chị đi sớm về khuya, vô hình trung anh trở thành người nội trợ của gia đình. Dù là nhà giáo, anh cũng là một người đàn ông, một người chồng không thể không khó chịu, nhất là khi có người khịa “Có vợ làm quan sướng nhỉ. Nấu ăn quan bà có khen chê gì không?”.

Anh bộc bạch với chị những điều ấy. Nhưng đâu cần anh nói, tự thân chị cũng hiểu khi có một người ở cơ quan huyện đã ly hôn khuyên “Làm người phụ nữ, làm vợ mà gánh vác việc xã hội thì phải cho khéo em ạ. Đừng bao giờ quên bổn phận làm vợ của mình. Nghe em nói thì chồng em rất tốt. Nhưng người đàn ông nào cũng có sĩ diện của đàn ông. Chớ vô tâm, ỷ lại đến khi hối thì không kịp”. Chị cố gắng chia nhỏ thời gian để dành cho anh. Nhưng thói quen làm việc, ý thức trách nhiệm với công việc cứ cuốn chị đi ngược lại mong muốn.

Một hôm anh nói: “Mình đã cưới nhau hai năm rồi. Ba mẹ già mong có cháu bế lắm, cứ cắn mắc anh mãi. Em hãy sinh cho anh đứa con. Thôi thì mỗi người một số phận. Ai bảo anh yêu em làm chi. Em cứ vắng nhà suốt. Có đứa con, đi dạy về cha con anh hủ hỉ cũng vui. Chứ nhiều lúc anh nghĩ mình như không có một gia đình. Nhà cửa vắng lặng đến dễ sợ”. Chị ôm ghì lấy anh mà nghe niềm thương dâng đầy, tự trách mình bấy lâu quá vô tình không nghĩ đến điều mà người đời nói là sợi dây gắn kết hai vợ chồng. Chị úp mặt vào ngực anh, nói trong hơi thở hổn hển: “Em xin lỗi anh. Yêu em đi. Em sẽ sinh con cho chúng mình”.

Chị có thai. Anh vui mừng khôn xiết. Trước đây, anh khó chịu vì làm việc nhà thay chị thì bây giờ anh vui vẻ làm tất tần tật mọi chuyện. Và chị, trong sự yêu chiều tưng tiu của anh, chị cảm nhận một niềm hạnh phúc mới khi mang giọt máu của anh, cái nghĩa chân phương của hai tiếng mẹ con mới ngọt ngào êm dịu làm sao.

Nhưng hạnh phúc thật mong manh. Khi đứa con trong bụng đã qua tháng thứ năm, chị sẩy chân té lăn cù xuống tam cấp. Một cơn đau xé ruột. Máu chảy tràn xuống gót chân. Chị ngất lịm…

Chị tỉnh dậy trong bệnh viện, bàng hoàng khi biết đứa con của mình đã sẩy. Ân hận. Chị khóc. Rồi một nỗi đau kinh hoàng lớn hơn cả sự kinh hãi mà một người mẹ có thể tưởng tượng khi chị đòi được nhìn đứa con lần cuối. Chị thét lên và ngất đi…

Chị xuất viện về nhà mang theo lời khuyên của bác sĩ. Lời khuyên nói về những đứa con và người mẹ. Và anh chứng tỏ là người đàn ông, người chồng giàu nghị lực, là bờ vai để chị dựa lúc tinh thần bị suy sụp. Anh ân cần chăm sóc, an ủi chị. Anh còn viện dẫn đến thuyết số mạng để khuyên giải chị chấp nhận rủi ro, hướng niềm tin vào những đứa con sẽ chào đời sắp đến. Những lúc như thế, chị như lên cơn sốt, yêu anh mãnh liệt, nói như mê sảng: “Ước gì em sanh được một đứa con. Ước gì em sanh được một đứa con”… Rồi trước tình yêu và tình nghĩa của anh, chị lắng dần nỗi buồn. Công việc lại cuốn hút chị. Và chị đi đến một quyết định theo lời khuyên của bác sĩ…

Thời gian cứ thắm thoắt trôi. Bây giờ chị đã là một phó chủ tịch huyện. Chức vụ là phần thưởng cho công sức phấn đấu của chị, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của anh nơi hậu trường. Đường quan lộ của chị rộng mở nhưng hạnh phúc gia đình đi vào bế tắc. Đã mấy mùa trung thu qua từ sau lần sẩy thai mà không nghe chị báo tin mừng, anh nói: “Hình như em xem chức phó chủ tịch quan trọng hơn việc anh có một đứa con, hơn mong muốn được làm cha của anh? Hay sau lần sẩy thai, cơ thể em có trục trặc gì? Em đi khám xem”. Nghe anh nói, chị rùng mình khỏa lấp: “Dạ. Để em đi khám. Em còn muốn có con hơn anh ấy chứ”. Nói cứng vậy nhưng lòng chị bấn loạn. Quá yêu anh, làm sao chị dám nói với anh sự thật để tìm sự cảm thông, để sức mạnh tình yêu xoa dịu được nỗi đau vô hình hiện hữu khi mà áp lực gia đình đè nặng lên tinh thần anh…

Một hôm chị về nhà, thấy mấy vỉ thuốc rỗng để tràn trên tờ đơn ly hôn anh đã ký. Chị cầm mấy vỉ thuốc lên và chợt hiểu. Một nỗi khủng hoảng nổ toát trong đầu khiến chị loạng choạng vịn vào thành bàn. Anh hiện ra nơi cửa. Chị nghẹn ngào: “A..n..h sao đành…”. “Đơn tôi đã ký sẵn. Cô ký rồi gởi tòa”. Giọng anh rít lên: “Cô là con quỷ đội lốt người! Loại ham muốn quyền lực như cô làm sao có tính người?!”. Anh chộp mớ vỉ thuốc dứ dứ trước mặt chị: “Cô mà cũng muốn có con ư? Cũng muốn làm mẹ ư? Cô đóng kịch khéo lắm! Trời ơi!... Bao năm nay tôi đã ngu dại đi yêu thương loài thú… Loài thú còn biết thương con, ham con. Còn cô. Cô còn thua loài thú! Cô đã giết con tôi từ khi chúng còn trong trứng với loại thuốc quái quỷ này. Đồ ác phụ!”. Anh dằn mạnh mớ vỉ thuốc trên bàn rồi hầm hầm đi ra.

Vậy là hết. Nỗi lo sợ ly tan nay đã thành sự thật. Chị không còn đứng được nữa, quỵ gối ngồi bệt xuống nền gạch hoa. Không thể làm mẹ, tình yêu không còn thì còn điểm tựa nào để sống? Ý nghĩ tự vẫn lởn vởn rồi vùn vụt lớn mạnh trong đầu. Chị chống tay ngồi dậy đi lại chiếc tủ con sơn chữ thập đỏ gắn trên tường. Ánh mắt vô hồn lướt qua khung ảnh của mẹ chị để trên bàn. Khuôn mặt mẹ, ánh mắt mẹ như thôi miên hút chị đứng lại. Chị cầm khung ảnh mẹ lên… Từ vực sâu u mơ, chị thoắt tỉnh lại, thổn thức với ảnh mẹ: “Con khổ quá mẹ ơi! Đau đớn quá mẹ ơi!...”. Hình ảnh tuổi thơ có mẹ lướt trong đầu, và lời mẹ phút lâm chung: “Đừng khóc, con! Phải gắng sống để xứng đáng là con của mẹ. Cha mẹ sinh ra con, tạo hóa tạo ra con là con người thì con đã nợ bổn phận một đời làm người. Còn hơi thở là còn quyết sống cho tốt.”.

Trong thoáng chốc, một ý thức mới mẻ nảy mầm trong chị qua dòng hồi tưởng với mẹ. Chị cầm tờ đơn ly hôn... Có lẽ phải có chia ly. Anh cần phải có tương lai hạnh phúc cho đời mình. Thiệt thòi này chỉ mình em gánh chịu. Em không nên vì yêu mà nói ra sự thật làm anh khó xử… Một cảm xúc dội lên trong lòng. Con tim cơ hồ bị một bàn tay bóp chặt đau buốt khiến chị đặt tay lên ngực đè mạnh. Nước mắt giàn giụa, chị cầm viết ký vào đơn ly hôn…

* *

*

Hoa đặt lên bàn hai ly lớn, nói:

- Trời nắng nóng, em mời chị chè hạt sen ăn cho mát. Ông xã em làm nhà báo nếm đủ thứ nhưng về nhà là thích ăn chè hạt sen em nấu.

Chị nhìn Hoa, ngẫm nghĩ. Người phụ nữ này luôn nhắc đến chồng và nghề nghiệp của chồng, chắc là tự hào về chồng lắm. Chị hỏi:

- Chắc Hoa yêu và tự hào về ông xã em lắm?

Hoa nhìn chị, mắt long lanh:

- Dạ. Yêu chồng thì đành rồi, còn tự hào về chồng thì em tự hào lắm. Một tỉnh có cả mấy triệu người hỏi có mấy nhà báo hả chị? Không những làm báo, ảnh còn viết truyện, làm thơ nữa. Em yêu thơ ảnh trước khi yêu ảnh đó chị ạ.

Chị lại như thấy có một luồng điện chạy dọc sống lưng. Chị liếc nhìn lên khung ảnh. Có phải thật là anh đó không? Chị thấy một dấu hỏi trong tâm…

- Chị biết không? Có thể chị không tin nhưng nhiều khi em thầm cảm ơn người vợ trước của ảnh. Nếu chị ta không ham địa vị, quyền lực, không uống thuốc ngừa thai giết chết mầm sống của con ảnh, ảnh không ly hôn thì làm sao em có được ảnh. Một người đàn ông chịu thương, chịu khó, lại tài hoa lịch lãm như ảnh mà chị ta không biết trân trọng lại đi tham cái bả quyền lực nay có mai không, thật em không hiểu làm sao nữa. Em xin phép”. Hoa lấy di động trong túi quần nghe gọi…”. Chị Hồng à, ông xã em mới về. Một tiếng nữa sẽ đến nhà. Ảnh mời chị ở lại chơi chờ ảnh về”.

Chị lại nhìn lên khung ảnh cưới, lòng phân vân. Ở lại thì sẽ có một giải đáp xác định cho một nghi vấn. Nhưng nếu đúng là sự thật thì chị có đủ tỉnh táo để đối mặt hay không? Có thể nói ra một sự thật đã chôn kín bao năm để minh oan hay không? Vì đến lúc này, nhìn hình người trong ảnh ấy, tình yêu bùng dậy gần như vẹn nguyên trong chị. Còn nếu ra về? Cánh cửa quá khứ sẽ vĩnh viễn khép lại một thời dĩ vãng. Mà nên vậy! Hãy để sự bình yên an bình trong cuộc sống mỗi con người. Trước đây, vì tương lai hạnh phúc cho người chị yêu thương, chị im lặng. Thì bây giờ, vẫn thế. Chị nói:

- Cảm ơn em. Chị phải về. Còn ít việc phải thu xếp cho xong. Cho chị gởi lời chúc sức khỏe ông xã em và cháu trai nhé.

Chị vừa đứng lên thì thằng bé con Hoa đi vào. Chị chợt nhận ra nó giống người trong ảnh. Giống như hai giọt nước. Bỗng dưng lòng chị nhói đau…

Chị không về nhà khách Ủy ban tỉnh mà gọi điện xin phép trưởng đoàn rồi đón xe đò về thành phố. Chị đến nơi chị phải đến. Dù đến đó là đến với nỗi đau đớn tận cùng của người làm mẹ, đến với nỗi đau xót số phận… Trình giấy tờ tùy thân và bày tỏ nguyện vọng, người ta cho chị vào. Chị tìm đến mã số… Chị rùng mình. Con chị đó! Một bằng chứng về chất độc màu da cam. Một quái thai!

Dù tự nhủ phải thật bình tĩnh, một nỗi đau vẫn dội lên trong chị. Nỗi đau bạo liệt, cô sắc làm chị suýt ngất. Chị vội ra về sau khi gởi lại một ánh nhìn không định được tên vào cái vật dị dợm ngâm trong thẩu thủy tinh. Để rồi cái hình ảnh quái dị ấy cứ chập chờn xen với hình ảnh đẹp đẽ của thằng bé con Hoa trong chị suốt quãng đường dài…

Truyện ngắn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast