Xóm cũ tôi về

Quá nửa tháng Ba, những đợt mưa dầm ở quê nhà đã tạm lắng. Bây giờ lúa đang thì xanh sắc chờ tiếng sấm tháng ba vỡ ra thì trổ đòng đòng. Tháng Ba thưở xưa “Ngoài đồng vàng mơ trong nhà mờ mắt” như còn nhói trong tôi kỷ niệm mùa giáp hạt, nhưng hôm nay về lại quê đã khác hẳn xưa. Làng không còn hộ đói và đang tiếp tục thoát nghèo.

Ký ức về tháng ba

Tuổi nhỏ ai chẳng thích tháng Ba, riêng tôi và nhiều bè bạn đã sinh trưởng ở xứ sở này lại càng thích. Thích vì vùng quê ngút ngàn cây cối, ngào ngạt hương hoa.. Hoa bưởi trắng nồng nàn đơm đầy vườn, hoa chanh hoa khế đua sắc cùng hoa bưởi.. Không ít những lần tôi leo cao trên những ngọn đồi quê để ngắm nhìn làng tôi tròn như một mâm xôi phủ trắng màu hoa xoan, hoa gôm, hoa dung.. và bao nhiêu hoa của những loài cây khác nữa..

Dòng Ngàn Phố thơ mộng
Dòng Ngàn Phố thơ mộng

Nhiều hoa dĩ nhiên là lắm chim, suốt đời tôi chẳng thể nào quên được hình ảnh con chim chào mào có đầu lông đen nhú lên ngộ nghĩnh với đôi má đỏ tươi. Thanh bình quá yên tĩnh quá, khi đôi chim chào mào tình tự trong chùm hoa cau trắng nõn nà rồi thả vào không gian lãnh lót những khúc nhạc chim..Bắt chim, đuổi bướm, đuổi chuồn chuồn đã cho tôi một thế giới đầy cổ tích huyền thoại.. Tuổi thơ của chúng tôi cũng hồn nhiên trong bộ quần áo dây đầy mực tím và chân đất, đầu khét nắng và đứa nào cũng thèm ăn trái cây.

Thằng Vực tính tháng, tính ngày cây vải trước cửa nhà ông Phức bao giờ sẽ chín. Thằng Danh thì mách tôi buồng chuối nhà nó mấy quả đã “ đỏ” rồi. Nó đang tính kế tìm liềm cột vào sào nứa để đưa chuối xuống..Tháng ba chúng tôi vẫn khoái nhất là được thưởng thức sắn nướng. Hôm nào tôi được bố giao nhiệm vụ lên chòi cao để trông chim đừng phá lạc là hôm đó thế nào tôi cũng rủ được mấy thằng bạn tới. Đứa đi tìm củi khô, đứa đào lò , đứa nhổ sắn. Vừa canh giữ chim vừa thưởng thức củ sắn chín còn nóng hổi trên tay.. Chao ôi ! đến bây giờ mỗi lần về cố hương gặp lại nhắc những chuyện xưa đứa vào cũng thấy bồi hồi xao xuyến… Đó là những kỷ niệm vui khó phai mờ trong ký ức nhưng tôi cũng khó quên những kỷ niệm buồn của quê một thời với những gương mặt bà con cô bác lam lũ quanh năm. Họ bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng cứ đến tháng ba là lo chạy ăn đứt bữa..

Tháng Ba dường như những cối xay tre nằm im hơn, không còn cần mẫn xay vù vù, xay thâu đêm suốt sáng sau vụ gặt tháng năm, tháng sáu.. Tháng ba nhiều gia đình buổi tối lên giường nằm sớm hơn vì họ không có tiền để mua đèn dầu hoả. Những lúc như thế con cái họ phải cắp sách sang nhà bạn để học chung đèn. Những lúc ấy tôi thấy mẹ tôi lục tục dậy, dường như mẹ đang nghĩ nhiều đến làng xóm, đến những người đói khổ nhất trong xóm như bà Phù, bà Miên, bà Dụng, bà Chiu.. và đến cả ông Túc bố thằng Dùng người bạn thân nhất của tôi nữa.. Chiều hôm qua tôi vừa về mách mẹ một tin sốt dẻo rằng: Thằng Dùng bị ông Túc đánh vì hắn chỉ hái được mấy ngọn rau lang, làm sao đủ để trộn với bột gạo làm nồi cháo cầm hơi cho cả nhà. Đúng là thằng Dùng bị cha nó đánh oan. Chính tôi lúc đó chăn bò ở Đồng Họ đã chứng kiến cảnh ông bảo vệ hét inh ỏi, rồi cầm gậy tre đuổi mấy đứa nhỏ đi vì chúng đang toả ra khắp đồng khoai hợp tác xã để hái trộm..

Dùng bị cha đánh, nó chỉ biết bưng mặt khóc và tôi nhìn thấy thương nó quá.. Không để đồng khoai hợp tác xã bị vặt trụi lá nên tổ bảo vệ thôn lại tích cực đi thăm đồng kể cả những đêm mưa dầm gió bấc..Thời bấy giờ cứ khoảng gà gáy canh ba xong, làng tôi lại nghe râm ran tiếng người gọi nhau vào rừng để đào củ mài và tìm kiếm rau má. Củ mài và rau má là hai món ăn thần dưỡng nhất giúp người “bần cố” ở Sơn Thuỷ qua cơn hoạn nạn.. Rau má dễ tìm và ai cũng có thể hái được đầy giỏ, còn cũ mài nhiều cây ẩn sâu dưới tầng đất đá rất khó đào. Kiếm được vài cân củ mài có khi mất công cả ngày..Vất vả thế nhưng cái bụng vợ, bụng con và cả bụng mình đang lép kẹp thì vất vả mấy cũng phải tìm..

Cảm cảnh với dân đào rau má mà gia đình tôi cũng dành hẳn nửa số thóc trong nhà để cứu trợ người đói qua cơn hoạn nạn. Gia đình tôi thời ấy thuộc diện khá giả nhất làng: Vào những năm 1964-1965 với diện tích vườn đồi hơn gần 2ha, vườn nhà tôi lúc nào cũng đầy ắp cau, cam, chuối mít, trầu.. Nhà nuôi tới 5 con hươu sao (trong tốp 15 gia đình nuôi hươu đầu tiên huyện Hương Sơn). Mỗi mùa tính cả chăn nuôi hươu và tiền bán 4 chum cau khô thu nhập 6 ngàn đến 7 ngàn đồng.. Tiền thu nhập từ kinh tế vườn gia đình tôi mua thóc dự trữ lúc đói kém. Trên chạn nhà cha tôi dựng hẳn 4 chiếc cót đựng lúa đầy ắp và thường trực “hai vệ sĩ mèo tam thể” canh chừng chuột đến..

Lúa nhiều thế nhưng anh em tôi cứ tới tháng Ba là phải ăn cơm độn sắn, độn khoai khô.. Mẹ bảo “ Lúc ni các con được ăn no là tốt rồi..Thóc gạo lúc này mẹ phải cho người hàng xóm vay đã..”. Lời mẹ nói lúc ấy tôi còn khờ dại làm sao hiểu được tấm lòng bao dung của mẹ tôi.. Mãi tới bây giờ cứ tới tháng ba đến là tôi lại bần thần nhớ mẹ.. Tôi nhớ mẹ tôi lúc ấy cương quyết không quảy gánh thóc ra chợ bán để kiếm đồng tiền chênh lệch giá, dầu bán thóc lúc ấy gia đình tôi sẽ có thêm đồng tiền rủng rỉnh.. Nhưng mẹ tôi lại nghĩ khác tình nghĩa xóm làng thiêng liêng hơn nhiều.. Nên sự vay này không cần ban ơn và vay không cần lấy lãi một hạt thóc nào. Mẹ ơi mẹ để con ăn cơm độn những năm tháng làng quê nghèo đói ấy để suốt đời con làm thơ tôn thờ mẹ. Cái phúc mẹ để cho con cho cháu bắt đầu từ những nghĩa cử tháng ba này..

Tháng Ba niềm vui râm ran ngõ xóm

Lần này tôi trở lại quê gặp bao nhiêu sự biến đổi ngỡ ngàng. Vừa bước chân tới đầu cổng làng đã thấy dưới chân ngọn núi Nầm đất đá ngổn ngang. Những cỗ máy húc máy ủi đang ngoạn vào bờ núi và một con đường đỏ quạch màu đất hiện ra.. Khi tôi xuống dốc Nầm bất chợp gặp cụ Kiều, cụ Kiều nắm lấy tay tôi một hồi lâu và cảm động nói: “Chú đã đi nhiều nơi không biết cuộc sống của họ bây giờ ra răng. Chứ xã Sơn Thuỷ nhà mình đi mô cũng thấy đường bê tông vào, lối nào cũng thấy đường mới mở.. ”.

Cụ Kiều ngày xưa làm Trạm trưởng y tế xã với dáng người khoẻ mạnh vâm vấp, bây giờ trở thành ông lão tóc bạc phơ. Ngoài tuổi tám mươi, cụ vẫn nhớ như in “con đường đau khổ” thưở trước. Hơn hai thập kỷ, khách lạ nghe nhắc tới Sơn Thuỷ là họ vẫn thấy khiếp đảm về đường. Đường từ Tiên Bì vô Am Đông, Am Trảy, đường từ Nhà Rui đến Cơn Lã cứ mỗi trận mưa ập tới thì sáng nào cũng có vài ba trẻ em đi học bị ngã lăn vì bùn lầy, nước đọng. .Đặc biệt khúc cua vòng dưới chân núi Nầm chỗ cụ Kiều ở, phía dưới là khe suối sâu và đá gan gà lởm chởm. Mặt đường hẹp, hai chiếc xe đạp đi ngược chiều nhau đã khó tránh chứ nói gì đến chuyện xe máy, ô tô hay phương tiện cơ giới khác. Vậy mà Dự án phát triển hạ tầng cơ sở nông thôn đã giúp xã Sơn Thuỷ đổi đời. Mỗi km thảm nhựa giá trị hơn 1 tỷ đồng, một con đường vòng từ đầu làng tới cuối làng ngót ngét hơn vài chục tỷ đồng.

Đúng là người dân quê tôi giờ nằm mơ cũng không thấy được.. Khi đường mở các nhà thầu đã có sáng kiến đến từng thôn trưởng rồi gặp gỡ từng gia đình một để “đổi đất lấy nền nhà”. Chả là quê tôi có tới hàng chục gia đình nhà ở chênh vênh sườn đồi. Mỗi khi lên xuống khá mệt nhọc. Giờ san đất, nhà nhà từ cao hạ xuống thấp. Cái ngõ cũng được mở rộng, ai chẳng thích làm. Còn nhà thầu tiết kiệm được khối tiền mua đất. Thằng Nỉ cháu tôi bảo: “Cậu xem đấy, cái Bộng Trụp đường qua nhà cậu ngày xưa toàn đá dựng lởm chởm. Ai qua đây cũng khom lưng bò qua đá. Bây giờ trở thành đường bê tông đẹp nhất xóm ni”.

Từ chuyện cả xã dồn sức làm đường tôi lân la hỏi chuyện làm ăn.. Thằng Nỉ tâm sự: Cậu biết ngày xưa ai đói nhất xóm không? gia đình thằng Cảnh Tùng đấy, ai khổ chăn không có đắp không? gia đình thằng Quang Thế đấy. Vậy mà bây giờ nhiều người khó theo kịp chúng nó”. Nhắc đến ông Tùng tự nhiên tôi lại thấy thương, thương ông lão chăn bò ở trại Cửa Khâu quanh năm mặc quần áo nâu cọc, da đen như cột nhà cháy. Thằng Cảnh con ông Tùng học chưa xong lớp 4 phải bỏ đi chăn bò thuê cùng cha. Vậy mà thời thế thay đổi, gia đình Cảnh cũng như bao gia đình khác làm ăn khấm khá nhờ sau giải thể hợp tác xã nông nghiệp và chuyển sang khoán hộ.. Năm sào ruộng khoán với 5 sào vườn. Cứ trồng lúa nuôi bò, nuôi lợn và dành dụm tiết kiệm nuôi con.

Bây giờ con cái Cảnh đã trưởng thành, vào Sài Gòn lập nghiệp, đã có tiền gửi về cho cha mẹ sửa lại nhà và mua xe máy. Không chỉ Cảnh giỏi làm ăn mà đứa em út Cảnh con ông Tùng bây giờ lại trở thành người thợ mộc giỏi nhất làng..Đóng tủ, đóng bàn đặc biệt là làm trần nhà khó ai theo kịp. Thằng Nỉ đưa tôi đến chơi gia đình Quang Thế. Vừa vào đã trông thấy đôi hươu trong chuồng phô lên cặp nhung hồng đẹp mắt.. Thằng Quang nhắc lại “Ngày trước nhà bác nuôi hươu là thuộc diện người giàu của huyện. Bây giờ xã Sơn Thuỷ mình có tới 600 con hươu”. Quang quay sang phía Nỉ và bảo: “Nhà em nuôi hươu nhưng thu nhập không bằng ông Nỉ nuôi lợn, nuôi gà đâu”.

Tôi nghe Quang dẫn chuyện không ngờ Nỉ lại là kiện tướng nuôi lợn nái nhất xã Sơn Thủy này. Cách nuôi của Nỉ không cầu kỳ lắm: cho ăn ngô, ăn cám và ăn cây chuối vườn. Nhà Nỉ bao giờ cũng dự trữ được vài tấn ngô tấn cám. Một điều cần thiết trong chăn nuôi mà Nỉ làm được là chuồng trại thường xuyên thoáng mát sạch sẽ. Lợn được ăn no và tắm mát nên lớn nhanh. Hơn chục năm Nỉ đã cung cấp hàng trăm con lợn giống cho bà con trong xã để phát triển chăn nuôi.. Tôi hỏi Quang: “Xã mình bây giờ mùa giáp hạt này có ai đói ăn nữa không ?”. Quang nói một cách quả quyết “Người nghèo có thể đang còn nhiều chứ hộ đói thì không có.. Ngày xưa rau má cứu đói, bây giờ ở chợ mua rau má đắt hơn gạo đó anh ạ..”

Tôi ngủ một đêm tại quê nhà để thưởng thức lại những kỷ niệm xưa. Thưởng thức ánh trăng quê dịu dàng tĩnh lặng. Khuya lắm rồi tôi vẫn không sao ngủ được, có gì cứ dâng đầy trong tôi mà tôi không hiểu nổi. Kỷ niệm quá khứ ư hay tương lai thúc dục? Tôi một mình đi ra ngõ ngắm hoài những đàn đom đóm chao lượn giữa đồng xanh, đom đóm đang thắp đèn múa cho lúa đồng thêm tươi. Xa xa trong lùm cây rậm lại nghe tiếng cuốc kêu gọi bạn về...

Bút ký

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast