6 vũ khí Mỹ đánh bất cứ nơi nào trên thế giới

Trang tin quân sự Wearethemighty (Mỹ) vừa khoe 6 loại vũ khí giúp Mỹ để tham chiến bất cứ nơi nào trên thế giới nhằm bảo vệ quyền lợi cho chú Sam.

1. Tàu ngầm hạt nhân tàng hình

Hải quân Mỹ hiện đang sử dụng 3 loại tàu ngầm hạt nhân tàng hình để "giữ gìn hòa bình thế giới".

Tàu ngầm tấn công có thể săn lùng tàu ​​địch nhưng cũng có thể phóng tên lửa hành trình nhắm vào các mục tiêu trên đất liền, các loại tàu ngầm tên lửa dẫn hướng có thể mang tới 154 tên lửa hành trình, tấn công các mục tiêu trên mặt đất, còn tàu ngầm tên lửa đạn đạo có thể mang tên lửa hạt nhân, có khả năng quét sạch toàn bộ cả một thành phố lớn.

Tàu ngầm hạt nhân của hải quân Mỹ

Tàu ngầm hạt nhân của hải quân Mỹ

Tàu ngầm hạt nhân vận hành nhờ năng lượng phản ứng hạt nhân. Nó có nhiều lợi thế hoạt động so với tàu ngầm điện-diesel. Nhờ có sự đẩy hạt nhân, mà loại tàu này không nhất thiết phải nổi lên mặt nước thường xuyên.

Chưa hết, với nguồn năng lượng khổng lồ từ hạt nhân, tàu ngầm hạt nhân có thể vận hành tốc độ cao trong thời gian dài, và thời gian tiêu thụ nhiên liệu cũng được mở rộng, trừ trường hợp phải tiếp tế đồ ăn.

Thế hệ tàu ngầm hạt nhân hiện tại có thể vận hành trong 25 năm liên tục mà không phải nạp nhiên liệu. Hiện mới chỉ có một số quốc gia chế tạo tàu ngầm hạt nhân do chi phí công nghệ hạt nhân rất cao, chưa kể rủi ro tai nạn hạt nhân tiềm ẩn.

2. Máy bay ném bom tàng hình B-2

Máy bay ném bom tàng hình B-2

Máy bay ném bom tàng hình B-2 (B-2 bomber-stealth) có khả năng xuyên thủng mạng lưới phòng không của đối phương bởi thiết kế tàng hình độc quyền. Ngay cả khi bị phát hiện, tên lửa đối phương cũng gặp khó khăn tấn công do khả năng triệt tiêu tín hiệu hồng ngoại, âm thanh, điện từ, hình ảnh, và radar của B-2 rất hiệu quả.

Như đã có lần đề cập, B-2 Spirit do tập đoàn Northrop Grumman sản xuất, là loại máy bay ném bom đa nhiệm vụ được trang bị công nghệ tàng hình, bom thông thường và bom hạt nhân. B-2 là loại máy bay đắt nhất từng được sản xuất, chi phí ước tính 1,157 tỷ đến 2,2 tỷ $. Hiện tại có 20 chiếc đang phục vụ trong Không lực Hoa Kỳ sau khi một chiếc bị rơi.

3. Tàu sân bay

Cuộc tập trận tàu sân bay mang tên UNITAS 2015

Cuộc tập trận tàu sân bay mang tên UNITAS 2015

Tàu sân bay luôn luôn được Mỹ tán dương là vũ khí át chủ bài mỗi khi có chiến sự xảy ra, hay những "quốc gia mini" di động trên biển giúp cung cấp các loại máy bay tấn công và giúp tạo ra tổng hành dinh chỉ huy cho các lực lượng hải quân.

Thậm chí, Hải quân Mỹ còn khoe, đây là những chiến hạm "lớn quá không thể phá hủy", thậm chí còn mang theo cả mã vùng riêng. Hải quân Mỹ hiện có 10 tàu sân bay lớp Nimitz thường trực chiến đấu và ngay trong năm nay còn hạ thủy thêm một tàu sân bay lớp Ford đầu tiên, cự lớn, công suất lớn chưa từng có trên thế giới xưa và nay.

Tàu sân bay, hay hàng không mẫu hạm, là một loại tàu chiến được thiết kế để triển khai và thu hồi máy bay. Thực chất hoạt động như một căn cứ không quân trên biển, và được coi là tàu chủ lực. Các tàu sân bay không có hộ tống được xem dễ bị đối phương tấn công vì thế nó được sử dụng kèm theo với nhiều loại vũ khí, khí tài khác.

4. Tên lửa Minuteman III

Thử nghiệm tên lửa Minuteman III

Thử nghiệm tên lửa Minuteman III

Các loại tên lửa Minuteman III của không quân Mỹ ra đời với nhiệm vụ chính là tấn công hạt nhân. Minuteman III có tầm bắn 6.000 dặm (9. 656 km), mỗi Minuteman III mang tới ba đầu đạn hạt nhân 335 kiloton. Theo hiệp ước START II, ​​Mỹ có 400 tên lửa hoạt động hiện đang được trang bị mỗi tên lửa một đầu đạn hạt nhân và có thêm 50 tên lửa không được trang bị đầu đạn hạt nhân trong kho dự trữ.

Minuteman III thuộc nhóm tên lửa liên lục địa, tên lửa xuyên lục địa hay tên lửa vượt đại châu, được chế tạo để mang nhiều đầu đạn hạt nhân một lúc. Do khả năng bắn xa và năng lực chứa nhiều đầu đạn hạt nhân, tên lửa liên lục địa đặt trên tàu ngầm và căn cứ mặt đất là những lực lượng mang tính hủy diệt nhất nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân toàn diện.

Khác với tên lửa đạn đạo chiến thuật (dưới 300 km), tên lửa đạn đạo tầm ngắn (dưới 1.000 km) và tầm trung (dưới 5.000 km), tên lửa liên lục địa có tốc độ lớn hơn và tầm bắn xa hơn rất nhiều.

Minuteman III là loại tên lửa 3 tầng, nhiên liệu rắn, trọng lượng 35,3 tấn, chiều dài 18,26m, đường kính thân 1,67m, tầm bắn tối đa lên tới 13.000 km, tốc độ 7 km/s. Với tốc độ này, Minuteman III hiện được xem là ICBM (hệ thống vũ khí tên lửa đạn đạo liên lục địa) có tốc độ bay nhanh nhất thế giới. Minuteman III áp dụng mô hình phóng đa đầu đạn phân hướng, đa phương thức dẫn đường, mang nhiều đầu đạn hạt nhân loại W62, W78, W87.

5. Đội đặc nhiệm

Trong khi các chiến dịch của đặc nhiệm Mỹ không phải là vũ khí hữu hình nhưng rất lợi hại , nhất là khả năng đột nhập, khiến cho đối phương phải nhiều phen thất kinh bát đảo, kèm theo những tổn thất không thể tính hết.

Đội đặc nhiệm MARSOC Raiders đang tiến hành cuộc tập trận

Đội đặc nhiệm MARSOC Raiders đang tiến hành cuộc tập trận

Những chiến dịch đặc biệt này rất đa dạng như trên bộ, trên biển, hoặc độn thổ hay nhảy dù từ các phương tiện trên không một cách bất ngờ và mau lẹ. Những chiến dịch đặc biệt của lính mũ nồi xanh cưỡi ngựa tại Afghanistan khi Mỹ tham chiến cuộc chiến ở quốc gia này hay chiến dịch đặc biệt của SEALs từ máy bay tại Pakistan đẻ tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden được xem là những thành tích điển hình của đặc nhiệm Mỹ.

Lực lượng đặc biệt của quân đội Mỹ (SF), gọi ngắn là đặc nhiệm, còn được gọi là Lính Mũ nồi xanh (Green Berets) bởi 5 dịch vụ đặc thù mà tổ chức này thực thi: chiến tranh đặc biệt (nhiệm vụ quan trọng nhất), quốc phòng, bảo vệ nội bộ ở ngoại quốc, trinh sát đặc biệt, chiến đấu trực tiếp, và chống khủng bố.

Hai nhiệm vụ đầu cần đến kỹ năng ngôn ngữ, văn hóa và đào tạo để làm việc với quân đội nước ngoài. Ngoài ra còn các nhiệm vụ khác như tìm kiếm và cứu hộ (CSAR), chống ma túy, chống phổ biến vũ khí, giải cứu con tin, hỗ trợ nhân đạo, rà phá bom mìn, hoạt động thông tin, gìn giữ hòa bình, hoạt động tâm lý, hỗ trợ an ninh, và truy quét.

Là đơn vị hoạt động đặc biệt, nên đặc nhiệm Mỹ không nhất thiết phải lệ thuộc vào thẩm quyền chỉ huy của nước sở tại. Ví dụ, trong khi tác chiến trong nhà hát, SF có thể báo cáo trực tiếp cho một người đứng đầu tác chiến của khu vực, USSOCOM, hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.

Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Lực lượng tác chiến đặc biệt (SAD) hoặc Nhóm tác chiến đặc biệt (SOG) được quyền tuyển dụng người của SF, SF cũng có thể hợp tác với CIA, MACV, SOG như tại cuộc chiến ở Afghanistan mới đây.

6. Máy bay ném bom B-1 Lancer

Máy bay ném bom B1-Lancer

Máy bay ném bom B-1 Lancer bắt đầu sự nghiệp là máy bay ném bom hạt nhân nhưng sang đến thập niên 90 ở thế kỷ trước đã chuyển sang máy thông thường. Sở dĩ máy B-1 còn được gắn thêm chữ "BONE" trong tên gọi chính thức B-1 “BONE” Lancer bởi vì nó có khoang chứa bom khổng lồ, thời gian bay dài, và khả năng ném bom siêu nhanh, chính xác.

Theo tờ New York Times, B-1 Lancer là máy bay ném bom chiến lược siêu thanh cánh cụp cánh xòe của Không quân Mỹ, sử dụng bốn động cơ phản lực General Electric F101-GE-102, tốc độ bay tối đa 1.448 km/h và có khả năng mang tên lửa hành trình AGM-86B, tên lửa tấn công tầm ngắn AGM-69 cùng nhiều loại bom khác. Hiện tại, Không quân Mỹ đang có 67 chiếc Lancer, dự kiến sẽ hoạt động đến năm 2025.

Phiên bản B-1A được phát triển vào đầu năm 1970, nhưng việc sản xuất hàng loạt đã bị hủy bỏ và chỉ có bốn nguyên mẫu được chế tạo. Năm 1980, dự án B-1 lại được tăng cường vì khả năng đánh bom xâm nhập thấp chớp nhoáng. B-1B đã được phê duyệt và bắt đầu phục vụ trong Không quân Hoa Kỳ năm 1986.

Đến thập niên 90, nó đã được chuyển đổi sang sử dụng ném bom thông thường. B-1 được sử dụng lần đầu với chức năng ném bom thông thường năm 1998 trong chiến dịch Cáo sa mạc, sau đó tiếp tục hỗ trợ quân đội Mỹ và NATO trong khi tham chiến tại chiến trương Afghanistan và Iraq.

Theo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast