"Cơn đau đầu" của EU sau cuộc bầu cử Quốc hội Ba Lan

Cuộc bầu cử Quốc hội Ba Lan ngày 25-10 đã khép lại với chiến thắng ấn tượng thuộc về đảng đối lập Luật pháp và Công lý (PiS) của cựu Thủ tướng Y-a-rô-xláp Ca-trin-xki (Jaroslaw Kaczynski). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nền dân chủ Ba Lan, chỉ một đảng duy nhất hội đủ đa số ghế trong quốc hội. Chiến thắng của PiS được kỳ vọng mang lại tương lai tươi sáng cho người dân ở quốc gia Đông Âu này nhưng lại đặt châu Âu trước thách thức “kép”: Bên cạnh cuộc khủng hoảng di cư, làn sóng rời xa Liên minh châu Âu (EU) đang làm đau đầu các nhà lãnh đạo ở khu vực này!

Dù các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử đều khẳng định PiS sẽ chiến thắng, song ít ai nghĩ rằng đó lại là một kết quả vô cùng ấn tượng. PiS đã giành tới 39,1% số phiếu, tương đương 242 ghế trong tổng số 460 ghế tại Hạ viện, bỏ xa đối thủ về thứ hai là đảng Cương lĩnh Công dân (PO) trung tả của Thủ tướng Ê-va Cô-pát (Eva Kopacz) chỉ giành được 23,4% số phiếu (tương đương 133 ghế). Điều này đồng nghĩa với việc PiS có được đa số trong Hạ viện, tạo điều kiện để đảng này thành lập một nội các mới mà không cần liên minh với các chính đảng khác. Trong các cuộc bầu cử quốc hội ở Ba Lan gần đây nhất, không có một đảng nào thu đủ số phiếu cần thiết để có đa số ghế mà phải liên minh với các đảng khác để thành lập chính phủ.

Chiến thắng ngoạn mục của PiS cho thấy, người dân Ba Lan không còn hài lòng với chính sách của đất nước dưới thời cầm quyền của đảng PO. Nhiều cử tri cho rằng, chính sách hiện nay chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn và người giàu, trong khi những người dân bản địa, nhất là những người sinh sống tại nông thôn, lại không hề được hưởng mức lương cao như người ta vẫn nghĩ, cũng như họ không được bảo đảm công ăn việc làm hay nhiều lợi ích kinh tế khác. Bên cạnh đó, tâm lý hoài nghi chính sách nhập cư của EU đã khiến cử tri đổ dồn phiếu cho đảng PiS, nơi đưa ra nhiều cam kết đáp ứng sự mong đợi của nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội Ba Lan, từ lớp trẻ cho tới người về hưu và người già.

Trong lúc PiS còn đang trong men say chiến thắng, sự kiện này có thể đặt Ba Lan vào thế “xung đột” với các nước chủ chốt trong EU, khi mà Vác-sa-va chưa làm tròn nghĩa vụ của một nước thành viên dù được hưởng lợi rất nhiều từ quy chế thành viên này.

Đảng Pháp luật và Công lý của ông Yaroslav Kachinsky đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội tại Ba Lan. Ảnh: Getty Images

Đảng Pháp luật và Công lý của ông Yaroslav Kachinsky đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội tại Ba Lan. Ảnh: Getty Images

Kể từ khi gia nhập EU tháng 5-2004, Ba Lan đã thay đổi mình và góp phần thay đổi châu Âu một cách hết sức ấn tượng. Với tăng trưởng liên tục từ 8 năm nay và tỷ lệ thất nghiệp chỉ có 8,6%, Ba Lan được đánh giá là một thành công ngoạn mục tại châu Âu. Năm 2009, trong khi EU chao đảo vì cuộc khủng hoảng nợ công, thì Ba Lan lại là nước duy nhất không bị suy thoái kinh tế. Trong giai đoạn 2008-2013, tổng mức tăng GDP của Ba Lan là 20%, một con số kỷ lục trong EU. Có được thành công trên là nhờ chính sách kinh tế thị trường của đảng PO tập trung tìm kiếm viện trợ của EU kết hợp với đầu tư thận trọng vào tăng trưởng xanh.

Để nắm được “túi tiền” của EU, Ba Lan đã thể hiện là một đối tác “biết nghe lời” và là một "học trò ngoan" của EU, như cách ví von của tờ Le Monde (Pháp). Thế nhưng, kể từ khi cuộc khủng hoảng di cư nổ ra hồi đầu năm, “học trò” Vác-sa-va dường như đã “bớt ngoan”. Trong khi một số nước Tây Âu mở rộng vòng tay đón người tị nạn thì ngược lại Ba Lan lại tỏ ra không mấy khoan dung với người di cư đến từ Trung Đông và Bắc Phi. Với quan điểm cứng rắn với người nhập cư khi PiS lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, Ba Lan sẽ đứng chung hàng ngũ với Hung-ga-ri và Xlô-va-ki-a trong việc phản đối kế hoạch tái định cư cho người tị nạn từ Trung Đông và Bắc Phi, làm sâu sắc thêm chia rẽ trong EU, khi mà Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel) đã chủ trương đưa ra tiếp cận cởi mở hơn.

Thế nhưng, điều mà Brúc-xen lo ngại nhất chính là quan điểm xa rời châu Âu của Ba Lan khá giống với quan điểm của Anh. Trong khi không hề tin tưởng EU và chủ trương ủng hộ lập trường mạnh mẽ của NATO với Nga, PiS phản đối việc Ba Lan gia nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong thời gian tới và hứa hẹn sẽ chi tiêu nhiều hơn cho phúc lợi đối với người nghèo. Đảng bảo thủ này còn muốn lưu giữ các giá trị Công giáo La Mã trong luật Ba Lan. Trong chiến dịch tranh cử, PiS đã tìm cách khai thác tình cảm dân tộc gắn liền với những lo ngại về nhập cư, đặc biệt từ các cử tri trẻ.

Đối với EU, “con thuyền” châu Âu vốn đang chòng chành vì các thành viên EU mải xô đẩy trách nhiệm trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, giờ đây lại bị chủ nghĩa ly khai đục thêm một lỗ thủng lớn. Điều mà châu Âu lo ngại là PiS thắng cử không chỉ tạo ra một sự thay đổi lớn trên chính trường Ba Lan mà còn tác động đến kế hoạch tiến hành trưng cầu dân ý của Anh về quy chế thành viên của nước này trong EU, dự kiến vào năm sau.

Còn nhớ năm ngoái, cả châu Âu đã thở phào nhẹ nhõm khi cử tri Xcốt-len nói “không” trong cuộc trưng cầu ý dân về việc tách khỏi Vương quốc Anh trở thành quốc gia độc lập. Tuy nhiên, chiến thắng của phe ly khai ở Tây Ban Nha trong cuộc bầu cử nghị viện địa phương ngày 27-9 vừa qua lại đang làm trầm trọng thêm cuộc tranh cãi đòi ly khai tại lục địa này.

Không chỉ đối mặt với làn sóng ly khai, cuộc chiến chống “thắt lưng buộc bụng” cũng khiến cả châu Âu nhiều lần phải “đứng tim”. Dù rằng, kịch bản Grexit (Hy Lạp ra khỏi Khu vực sử dụng đồng ơ-rô) tạm gác lại nhưng điều đó không có nghĩa sẽ không xảy ra trong tương lai. Vẫn còn đó nỗi ám ảnh Brexit (Anh ra khỏi EU) nếu như Luân Đôn tiến hành trưng cầu dân ý về quy chế thành viên của nước này trong EU vào năm sau. Việc nền kinh tế mạnh thứ hai châu Âu ra khỏi EU có thể dẫn đến sự sụp đổ của cả khối. Vì thế, với EU, nếu bài toán Grexit là nỗi đau quá khứ, thì “cơn thủy triều” PiS ở Ba Lan là nỗi đau hiện tại và Brexit là một thách thức trong tương lai.

Trở lại với câu chuyện thắng cử của PiS ở Ba Lan. Con số đón 2 triệu người di cư trong hai năm tới của Ba Lan quả là quá ít ỏi so với những gì mà Đức, Pháp, I-ta-li-a đang tiếp nhận. Song nếu Vác-sa-va khăng khăng không tiếp nhận người nhập cư theo kế hoạch hạn ngạch của EU, đây sẽ không chỉ là nỗi lo mà còn là thách thức lớn đối với EU khi động thái này trở thành tiền lệ xấu, mở đường cho việc ngày càng có nhiều quốc gia thành viên bày tỏ xu hướng rời xa khỏi “lục địa già”.

Theo LINH OANH/qdnd.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast