Đầu năm, Việt Nam nhận tin vui về tên lửa BrahMos

Theo giới chức lãnh đạo công nghiệp quốc phòng Nga, Việt Nam sẽ được cung cấp tên lửa BrahMos do liên danh Nga và Ấn Độ phát triển.

Việt Nam đứng số 1 trong danh sách ưu tiên xuất khẩu BrahMos

Ngày 27-1, Tổng giám đốc Tập đoàn Tập đoàn công nghiệp quốc phòng “chế tạo máy” (NPO Mashinostroyenia) là ông Alexandr Leonov cho biết, tên lửa "BrahMos" do Nga và Ấn Độ liên doanh sản xuất sẽ được xuất khẩu cho các nước thứ ba.

"Vâng, tôi và cả giới lãnh đạo liên danh BrahMos Aerospace luôn nói rằng việc cung cấp tên lửa hành trình siêu âm BrahMos cho các nước thứ ba là điều có thể thực hiện trong thời gian tới" - nhà lãnh đạo NPO Mashinostroyenia trả lời câu hỏi của nhà báo về khả năng xuất khẩu tên lửa.

Khi trả lời câu hỏi của nhà báo là liệu có khả năng trong tương lai sẽ xuất khẩu BrahMos tới các nước thứ ba, trong đó có Việt Nam và UAE hay không, ông Alexandr Leonov khẳng định điều này không có gì khó, bởi Nga và Ấn Độ đã xác định các khách hàng ưu tiên của mình.

Tuy nhiên, ông cũng nói rõ là, từ trước đến nay liên danh Nga-Ấn chưa thực hiện bất cứ hợp đồng xuất khẩu nào, bởi vì kế hoạch giao hàng hiện nay chủ yếu là phục vụ khách hàng là ưu tiên số 1 là quân đội Ấn Độ. Nhưng hiện giờ liên danh đã có thể tính đến các quốc gia khác.

Hồi tháng 8/2016, tạp chí quốc phòng nổi tiếng Jane’s Defence Weekly cho biết, được xếp vào vị trí số 1 trong danh sách ưu tiên xuất khẩu, Việt Nam đã sớm đặt vấn đề với Nga và Ấn Độ về việc mua sắm loại tên lửa hành trình chống hạm siêu âm, uy lực nhất thế giới này.

Theo Jane’s, các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Ấn Độ vể cung cấp tên lửa Brahmos đang trong giai đoạn tiến triển tốt, Bộ Trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đã thảo luận về hợp đồng mua sắm vũ khí với lãnh đạo Quốc phòng Việt Nam.

dau nam viet nam nhan tin vui ve ten lua brahmos

Tên lửa BrahMos được đánh giá là có tính năng số 1 thế giới

Các cuộc đàm phán đã tính đến phương án hợp tác rất mật thiết khi Ấn Độ một dự định cử một đội kỹ sư thường trú ở Việt Nam để giúp Hải quân Việt Nam nắm được quy trình sử dụng và vận hành hệ thống vũ khí. Theo đó, việc chuyển giao BrahMos có thể sẽ diễn ra trong thời gian ngắn tới.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar cùng tuyên bố rằng, Ấn Độ sẽ bán cho Việt Nam loại tên lửa diệt hạm siêu âm có tầm bắn xa 290 km này và Việt Nam sẽ là nước đầu tiên nhận được vũ khí tiên tiến do Nga và Ấn Độ hợp tác sản xuất này.

Trước đó, chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu liên danh BrahMos Aerospace đẩy nhanh việc bán tên lửa cho 5 nước trong danh sách “các nước bạn bè của Ấn Độ”. Trong danh mục đặc biệt này, Việt Nam đứng ở vị trí ưu tiên số một. Tiếp theo mới đến Indonesia, Nam Phi, Chile và Brazil.

Tên lửa BrahMos sẽ không có đối thủ về cả tính năng lẫn xuất khẩu

Hồi cuối tháng 12/2016, Quốc vụ khanh phụ trách quốc phòng Ấn Độ Subhash Bhamre cho biết, nước này và Nga đã thống nhất kéo dài tầm bắn của tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos. Điều này cũng đã được Tổng thống Putin xác nhận trong chuyến thăm Ấn Độ vào tháng 10/2016.

Ông Bhamre tiết lộ vào hôm 16/12/2016 rằng, Nga và Ấn Độ đã quyết định triển khai quá trình hợp tác phát triển kĩ thuật tên lửa lửa mới, tăng tầm phóng của tên lửa BrahMos lên gấp đôi hiện nay là 600km, sau khi New Dehli gia nhập vào Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR) hồi tháng 6.

Trước đó, các điều khoản của MTCR quy định Moscow không được chuyển giao các hệ thống và công nghệ tên lửa có tầm bắn trên 300km cho các nước không tham gia hiệp ước. Điều này khiến tên lửa BrahMos mặc dù có vận tốc lên tới Mach 3 nhưng tầm bắn vẫn dưới 300km.

Theo Russia Beyond The Headlines, BrahMos được Moscow và New Dehli phát triển chung dựa trên nền tảng tên lửa P-800 Oniks. Công nghệ chế tạo tên lửa siêu việt của Nga đã giúp BrahMos thay đổi luật chơi trong ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu.

Theo BrahMos Aerospace, 65% chi tiết của BrahMos được cung cấp bởi Nga, bao gồm cả đầu dò radar và động cơ phản lực tĩnh siêu âm (Ramjet). Việc lắp ráp được thực hiện ở Ấn Độ, tuy nhiên, việc xuất khẩu mẫu tên lửa này sang nước thứ 3 cần sự chấp thuận bởi cả Nga.

Nếu mua BrahMos, tên lửa này sẽ cung cấp cho Việt Nam một lợi thế phi đối xứng rất lớn so với các đối thủ mạnh, nó sẽ là lợi thế lớn cho Việt Nam trong chiến lược phát triển một lực lượng hải quân hùng mạnh, có khả năng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.

dau nam viet nam nhan tin vui ve ten lua brahmos

Mô hình tấn công của máy bay chiến đấu Su-30 mang tên lửa BrahMos

Phiên bản xuất khẩu của dòng tên lửa này có tầm bắn lên tới gần 300km. Phiên bản chống hạm mới của BrahMos có thể di chuyển với tốc độ siêu vượt âm lên tới Mach3, ở tầm thấp chỉ cách mặt biển 3-4 mét. Đây là một vũ khí lý tưởng để tấn công hủy diệt chiến hạm địch.

Với tốc độ Mach3, nếu các tàu chiến của địch có hệ thống phòng thủ tên lửa thì họ cũng chỉ phát hiện ra BrahMos khi nó chỉ còn cách 26 km, vô phương đánh chặn và “thời gian để tàu địch phản ứng hoặc nói lời cầu nguyện chỉ còn tính bằng giây” - Russia Beyond The Headlines bình luận.

Với một đầu đạn lớn, có độ chính xác tuyệt vời, BrahMos được thiết kế để nhắm vào các mục tiêu có giá trị cao, bao gồm các chiến hạm chủ lực, có lượng giãn nước lớn của đối thủ như tuần dương hạm, khu trục hạm, tàu đổ bộ cỡ lớn và thậm chí là cả tàu sân bay.

Nếu được trang bị BrahMos, các tàu chiến của Hải quân Việt Nam có thể trở thành một mối đe dọa đối với nhiều mục tiêu lớn và có giá trị chiến lược, có thể tấn công các mục tiêu cần thiết ở khu vực ven biển đối phương mà không cần phải đi quá xa căn cứ.

Ngoài ra, BrahMos có thể dùng để phá hủy các căn cứ quân sự, sân bay, bến cảng; điểm tập trung binh lực, kho hậu cần, vũ khí, đạn dược hoặc các hệ thống vũ khí quan trọng…, của đối phương; đập tan các nguồn lực phục vụ cho chiến tranh, nằm sâu trong hậu phương địch, ngay từ khi mới chuẩn bị hoặc trong giai đoạn bắt đầu chiến tranh.

Theo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast