Hải quân Mỹ lần đầu thử vũ khí Tấn công Chớp nhoáng Toàn cầu

Vũ khí siêu vượt âm do hải quân Mỹ thử nghiệm được cho là đủ sức tấn công mọi mục tiêu trên Trái Đất trong vòng một giờ.

hai quan my lan dau thu vu khi tan cong chop nhoang toan cau

Thiết kế đầu đạn siêu vượt âm trong dự án PGS. Ảnh minh họa: DARPA.

Hải quân Mỹ hôm 7/11 cho biết đã thử nghiệm hệ thống vũ khí siêu vượt âm trong đòn Tấn công chớp nhoáng toàn cầu (PGS) hồi cuối tuần trước. Đây là công nghệ vũ khí cho phép Washington tấn công bất cứ nơi nào trên Trái Đất trong vòng một giờ, hạn chế tối đa khả năng phát hiện và chống trả của đối phương, Popular Mechanic đưa tin.

Mỹ bắt đầu quan tâm về vũ khí dẫn đường chính xác tầm siêu xa từ năm 2001, khi chính quyền cựu tổng thống George W. Bush muốn đưa đầu đạn phi hạt nhân vào một tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình siêu tốc tầm xa. Bằng cách này, Mỹ có thể tấn công mọi mục tiêu trong thời gian ngắn, khi các vũ khí chiến lược khác như tàu sân bay và oanh tạc cơ không kịp phản ứng.

Khái niệm PGS được phát triển mạnh sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Chúng được coi là vũ khí hiệu quả để tấn công mục tiêu xuất hiện trong thời gian ngắn và khó phát hiện như các cuộc họp của lực lượng khủng bố. Trên thực tế, Mỹ từng dùng cách này để tấn công nơi ở của cựu tổng thống Iraq Saddam Hussein trước chiến dịch quân sự vào năm 2003, nhưng ông Hussein không có mặt ở địa điểm đó.

Các quan chức quân sự Mỹ cho rằng PGS có thể được dùng để phá hủy tên lửa hạt nhân trên bệ phóng ở Triều Tiên hoặc Iran, tấn công kho vũ khí hủy diệt hàng loạt trong tay các nhóm khủng bố, thậm chí đánh phủ đầu chớp nhoáng nếu xảy ra xung đột với Trung Quốc hoặc Nga.

Ban đầu, Mỹ triển khai nhiều loại vũ khí trong PGS, gồm cả biến thể mang đầu đạn thông thường của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident D-5. Tuy nhiên, các đối thủ sở hữu vũ khí hạt nhân rất khó phân biệt được quả tên lửa Trident D-5 vừa phóng lên là biến thể mang đầu đạn hạt nhân hay không. Điều này có thể buộc họ phải kích hoạt đòn tấn công trả đũa mang tính hủy diệt.

hai quan my lan dau thu vu khi tan cong chop nhoang toan cau

Cơ cấu hoạt động của tên lửa Trident mang đầu đạn thông thường. Ảnh: DARPA.

Hải quân Mỹ đang thử nghiệm công nghệ vũ khí siêu vượt âm có tốc độ 6.175-12.350 km/h, nhanh gấp 5-10 lần vận tốc âm thanh. Đầu đạn đặt trên một tên lửa đạn đạo, quả đạn sẽ lấy độ cao và tốc độ lớn trước khi tách đầu đạn, cho phép nó tự tăng tốc và lượn về mục tiêu. Vũ khí siêu vượt âm có quỹ đạo bay khác với tên lửa đạn đạo nên dễ phân biệt hơn trên màn hình radar.

Vụ thử cuối tuần trước là lần đầu tiên hải quân Mỹ thử tên lửa trong chương trình PGS. Tàu ngầm là nền tảng lý tưởng cho đòn đánh chớp nhoáng này, do chúng có thể ẩn mình gần mục tiêu, rút ngắn thời gian phản ứng khi đánh phủ đầu.

Tuy nhiên, Washington vẫn gặp khó khăn trong quá trình phát triển vũ khí siêu vượt âm, do chúng trở nên rất khó điều khiển và mất độ chính xác khi tốc độ tăng cao. Nhiệt độ vỏ đầu đạn có thể lên tới gần 1.000 độ C ở tốc độ tối đa, đòi hỏi sử dụng công nghệ và vật liệu tiên tiến. Đây là những thách thức công nghệ lớn, nhưng không hẳn là không thể khắc phục.

Mỹ không phải là quốc gia duy nhất đang nghiên cứu vũ khí siêu vượt âm. Trung Quốc từng thử nghiệm vũ khí mang tên mã DF-ZF, trong khi Nga cũng phát triển vũ khí lượn siêu thanh Yu-71 có tính năng tương tự.

Theo VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast