“Hoa cúc vàng” Khrizantema-S: Nỗi khiếp sợ của xe tăng thế giới

Tổ hợp tên lửa chống tăng tự hành Khrizantema-S của Nga là khắc tinh của mọi loại xe tăng nhưng lại mang cái tên của một loài hoa đẹp.

Tham số của hệ thống tên lửa chống tăng tự hành Khrizantema-S

Một số mẫu thiết bị quân sự được trang bị cho quân đội Nga có uy lực kinh hoàng nhưng lại được đặt theo tên gọi lãng mạn của các loại hoa. Một trong số đó là hệ thống tên lửa chống tăng tự hành Khrizantema-S (hay còn được gọi là “Hoa cúc vàng”).

Thực tế, hệ thống này là tổ hợp chống tăng tự hành, “đối thủ ưa thích” của chúng là các loại xe tăng, thiết giáp đối phương. Nhưng do nó còn có khả năng tấn công nhiều mục tiêu khác nên còn được gọi là hệ thống tên lửa đa năng chiến trường.

Sát thủ 9K123 Khrizantema-S là phương tiện do nhóm chuyên gia, đứng đầu là kiến trúc sư tài năng Sergei Nepobedimy thuộc Văn phòng thiết kế kĩ thuật KBM ở thành phố Kolomna (ngoại ô Moscow) nghiên cứu, phát triển từ giữa những năm 1990.

Nhóm chuyên gia dưới sự lãnh đạo của ông Nepobedimy trước đây đã tạo ra các hệ thống vũ khí huyền thoại như các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai Strela-2 và Igla, tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật OTR-21 Tochka, các tổ hợp tên lửa chiến thuật OTP -23 OKA và 9K720 Iskander.

Khrizantema-S là hệ thống tên lửa chống tăng duy nhất trên thế giới có khả năng làm việc suốt ngày đêm, trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt cả nóng lẫn lạnh như sương mù, tuyết rơi, bão cát.

Hai ống phóng tên lửa đặt trên ray phóng có thể gấp gọn giấu trong thân xe

Hai ống phóng tên lửa đặt trên ray phóng có thể gấp gọn giấu trong thân xe

Xe chiến đấu 9P157-2 của hệ thống Khrizantema-S được thiết kế trên khung gầm xe chiến đấu bộ binh BMP-3, nhở đó đã làm giảm đáng kể chi phí sản xuất và vận hành, cung cấp khả năng cơ động cao và khả năng vượt qua chướng ngại vật rất tốt.

Xe được trang bị động cơ diesel tua bin tăng áp UTD-29V10 công suất 500 mã lực với hệ thống treo thủy lực khí nén đem lại khả năng cơ động tốt trên mọi địa hình. Tốc độ tối đa lên đến 70km/h, dự trữ hành trình 600km. Xe có thể cơ động trên mặt nước với vận tốc 10km/h bằng hệ thống đẩy Waterjet.

Tổ hợp tên lửa chống tăng tự động này có phạm vi hành trình liên tục 600 km mà không cần tiếp nhiên liệu. Tốc độ tối đa 45 km/h trên địa hình gồ ghề và 70 km/h trên đường cao tốc. Thời gian triển khai tổ hợp vào trạng thái chiến đấu chỉ mất 20 giây.

Trong chiến đấu, khẩu đội 3-4 xe chiến đấu 9P157-2 có thể phối hợp tác chiến với xe chỉ huy 9P157-4 (cũng được thiết kế trên khung gầm xe chiến đấu bộ binh BMP-3), tích hợp nhiều hệ thống trinh sát, kiểm soát hiện đại tăng đáng kể hiệu quả tác chiến.

Các chuyên gia Nga khẳng định rằng, khả năng hiện đại hóa tổ hợp tên lửa chống tăng Khrizantema-S chưa được khai thác hết. Ví dụ như tổ hợp có thể được cài đặt trên tàu tên lửa cỡ nhỏ, tấn công các mục tiêu trên biển.

Tính năng của các loại tên lửa chống tăng

Với hệ thống dẫn hướng kép bằng radar và bằng laser, tổ hợp có thể bắn vào hai mục tiêu khác nhau cùng một lúc, đảm bảo tiêu diệt không chỉ các mục tiêu tĩnh và còn cả các phương tiện đang di chuyển với tốc độ cao.

Khrizantema-S mang được 15 đạn tên lửa, được bảo quản và vận chuyển trong các hộp kín chuyên dụng, mỗi tổ hợp tên lửa có hai ống phóng. Đạn tên lửa được nạp bằng máy nạp đạn tự động, ống phóng tự điều chính về vị trí nhận đạn, quá trình thao tác được điều khiển khiển từ xa.

Hệ thống tên lửa chống tăng Khrizantema-S được trang bị hai loại đạn chính gồm: 9M123 (dẫn đường laser) và 9M123-2 (dẫn đường radar). Hai kênh dẫn bắn này được bảo vệ chống mọi biện pháp gây nhiễu từ đối phương. Đây là khả năng mà hầu như không có hệ thống chống tăng nào trên thế giới có được.

Chúng được trang bị đầu nổ chống tăng kiểu tandem (đầu nổ kép). Khi tên lửa bắn trúng mục tiêu thì có hai vụ nổ xảy ra, đầu nổ thứ nhất (9M123, trọng lượng 8kg) vô hiệu hóa hệ thống chuyển động lực đẩy của xe bọc thép, còn đầu nổ thứ hai 9M123F (trọng lượng 6kg) phá vỡ vỏ giáp.

Các loại đạn của Khrizantema-S có khả năng xuyên giáp dày 1.100-1.200mm sau giáp phản ứng nổ ERA, tầm bắn 400m tới 6.000km với vận tốc bay 400m/s.

Ngoài đạn xuyên giáp tăng, tổ hợp tên lửa chống tăng của Nga có các đầu đạn nhiệt áp có khả năng tiêu diệt binh lực, phương tiện chiến đấu khác của đối phương ở khoảng cách đến 6 km.

Khrizantema-S được trang bị hệ thống dẫn đường kép gồm kiểu dẫn đường bán tự động laser và tự động hoàn toàn bằng radar

Khrizantema-S được trang bị hệ thống dẫn đường kép gồm kiểu dẫn đường bán tự động laser và tự động hoàn toàn bằng radar

Nếu cần thiết, Khrizantema-S có thể được sử dụng chống lại các mục tiêu trên không bay với tốc độ nhỏ, ở độ cao thấp, cũng như chống lại tàu cỡ nhỏ.

Với khả năng tự thu ống phóng vào trong xe, khi đang di chuyển hoặc trên bãi đậu xe, vẻ ngoài Khrizantema-S không có gì nổi bật, giống như mọi xe bọc thép trên khung gầm BMP được sử dụng rất nhiều trong quân đội Nga. Tuy nhiên, sự xuất hiện của nó có thể thay đổi hoàn toàn thế trận.

Theo các chuyên gia Nga, chỉ ba “xe bọc thép loàng xoàng” như vậy có thể nhanh chóng khai hỏa và trong vài phút biến một cụm tăng-thiết giáp cấp tiểu đoàn gồm tầm 20 xe tăng chiến đấu chủ lực thành “phế vật”, trong đó 60% (ít nhất 12 xe) bị phá hủy hoàn toàn.

Hiện nay, tổ hợp chống tăng tự hành 9K123 Khrizantema-S được coi là vũ khí chống tăng cơ động số 1 thế giới bởi các hệ thống phòng thủ chủ động kiểu gây nhiễu hiện không phá được tín hiệu điều khiển của nó.

Nó đủ khả năng tiêu diệt tất cả các loại xe tăng hiện đại nhất của phương Tây như M1 Abram của Mỹ, Leopard 2 của Đức.

Thậm chí loại tăng được bảo vệ tốt nhất thế giới hiện nay là Merkava Mk4 của Israel, với hệ thống phòng thủ chủ động Trophy rất hiện đại cũng không thể đánh chặn được khả năng tấn công cùng lúc 2 đạn và cơ số 15 quả đạn bắn tự động của Khrizantema-S.

Theo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast