Liệu Hàn Quốc có triển khai vũ khí hạt nhân để đối trọng Triều Tiên?

Với vụ thử hạt nhân dưới lòng đất lần thứ 5 gần đây của Triều Tiên và có tin chính quyền của Tổng thống Kim Jong Un đang tìm cách tiến hành một vụ nổ khác tương tự tại cơ sở thử hạt nhân Punggyeri, tại Seoul xuất hiện những lời kêu gọi về việc triển khai vũ khí nguyên tử tương tự để ngăn chặn.

lieu han quoc co trien khai vu khi hat nhan de doi trong trieu tien

Các vũ thử vũ khí hạt nhân liên tiếp của Triều Tiên đang trở thành mối đe dọa lớn đối với Hàn Quốc và khu vực.

Sau cuộc họp khẩn của Quốc hội Hàn Quốc tại Seoul vào ngày 12/9, một bộ phận thành viên Đảng Saenuri đang cầm quyền đã đề nghị chính phủ nước này cân nhắc phát triển và triển khai các vũ khí hạt nhân để ngăn chặn những khiêu khích mới và ngày càng gây hấn của Bình Nhưỡng.

Ông Won Yoo-chul, một nhà làm luật cấp cao của đảng cầm quyền, cho tờ nhật báo Korea JoongAng biết: "Để bảo vệ hoà bình, chúng ta cũng cần cân nhắc tất cả các biện pháp để ngăn chặn mọi khiêu khích của Triều Tiên, bao gồm trang bị vũ khí hạt nhân vì mục đích phòng vệ”.

"Cuộc khủng hoảng hạt nhân đang có chiều hướng gia tăng"

Ông Yoo-chul nhận định: "Với vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Triều Tiên, các vũ khí hạt nhân của nước này đang ngày càng trở thành mối đe doạ thực sự đối với nhân dân Hàn Quốc” và "cuộc khủng hoảng hạt nhân này đang có chiều hướng gia tăng” bởi Bình Nhưỡng đã phớt lờ sự lên án của quốc tế và lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và tiếp tục triển khai kho chứa đầu đạn hạt nhân và các tên lửa đạn đạo để mang đầu đạn hạt nhân.

Một nhóm 31 thành viên Đảng Seanuri đã ký một tuyên bố kêu gọi chính phủ áp dụng tất cả các biện pháp có thể, bao gồm trang bị vũ khí hạt nhân để bảo vệ sự an toàn cho nhân dân Hàn Quốc.

Và ngày càng có nhiều người dân Hàn Quốc tin rằng những nỗ lực không ngừng trong việc liên lạc và thương lượng với Triều Tiên chỉ là con số không tròn trĩnh và Bình Nhưỡng thực sự không mảy may có ý định làm dịu bầu không khí căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Kim Bum-soo, giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ Save North & Next Korea, cho hay: "Đây là lần thứ 5 Triều Tiên thực hiện thử vũ khí hạt nhân và với tất cả những gì mà các chính phủ Hàn Quốc kế tục đã làm cho thấy họ đã không thể ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân”.

Nhà phân tích này cho biết: "Lần này tôi không nghĩ sẽ có gì khác. Và mỗi lần cộng đồng quốc tế thất bại, thì điều đó càng cho Triều Tiên có thêm thời gian để phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa”.

Vũ khí của Mỹ sẽ được đưa quay trở lại Hàn Quốc?

Ônh Kim Bum-soo nhấn mạnh: "Tôi tin rằng đây là lúc chính phủ Hàn Quốc xem xét nghiêm túc về việc phát triển vũ khí hạt nhân của mình hay dàn xếp với Washington về đưa các vũ khí hạt nhân chiến lược đã được di chuyển ra khỏi Hàn Quốc vào thập niên 1990 quay trở lại. Đối với tôi, đó sẽ là chiến lược có ý nghĩa nhất để ngăn chặn sự gây hấn của Triều Tiên”.

Những lời kêu gọi chính phủ Hàn Quốc có một vũ khí ngăn chặn độc lập được đưa ra chỉ vài ngày sau khi các chính trị gia đưa ra đề xuất Hàn Quốc cần phát triển các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của mình để đối trọng lại tiềm lực tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) ngày càng mạnh của Bắc Triều Tiên.

Sau vụ thử SLBM gần đây nhất vào ngày 24/8, Bình Nhưỡng tuyên bố đã hoàn thiện hệ thống phóng, một diễn biến đã gây quan ngại đối với nhiều quốc gia vốn lo sợ rằng một tàu ngầm của Bắc Triều Tiên có thể tránh bị phát hiện và tiến gần mục tiêu trước khi phóng vũ khí.

Song vào ngày Chủ nhật (11/9) vừa qua, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã bác bỏ những khuyến nghị chính phủ cần xem xét triển khai các vũ khí hạt nhân đối trọng.

Lập trường phản đối của Tổng thống Park

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cho đến nay vẫn im lặng về vấn đề này kể từ vụ thử gần đây. Tuy nhiên, sau vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất trước vào tháng Giêng, bà đã cho các phóng viên biết rằng bà chắc chắn phản đối giải pháp trang bị vũ khí hạt nhân.

Bà đã từng nói: "Chúng ta đã cam kết với cộng đồng quốc tế. Nếu chúng ta phát triển vũ khí hạt nhân của mình, chúng ta sẽ thất hứa. Các vũ khí hạt nhân không được tồn tại trên bán đảo Triều Tiên”.

Phó Giáo sư chính trị học thuộc Trường đại học Cơ đốc Quốc tế Tokyo, Stephen Nagy, cho rằng cho dù có sự khiêu khích của Triều Tiên thì sẽ khó thuyết phục đại đa số nhân dân Hàn Quốc về sự cần thiết triển khai vũ khí hạt nhân. Ông nói: "Tôi không cho rằng đề xuất này sẽ có thể đạt được đủ sự ủng hộ của quần chúng vì họ hiểu hậu quả tiềm tàng của một cuộc chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Người dân Hàn Quốc cảm thấy rất yên tâm về sự trợ giúp của Mỹ đối với nền quốc phòng nước mình. Và có thể thấy rõ rằng cả Bắc Kinh hay Tokyo đều không thể vui vẻ nếu Hàn Quốc mở rộng năng lực quân sự bằng cách triển khai vũ khí hạt nhân”.

Người Trung Quốc lo ngại

Ông Nagy lập luận: "Đặc biệt, Bắc Kinh sẽ rất lo ngại nếu Nhật sẽ tiếp bước và điều đó đồng nghĩa với một cuộc chạy đua vũ trang phát triển mạnh trong khu vực".

Song tốc độ triển khai các vụ thử vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên có nghĩa là Seoul có lý do chính đáng để lo ngại. Ông Nagy nhận xét: "Rõ ràng rằng Bình Nhưỡng đã đạt nhiều tiến bộ về các dàn tên lửa đạn đạo và tên lửa phóng từ tàu ngầm cũng như chương trình hạt nhân của mình. Vì vậy, chiến lược cố gắng phản đối Triều Tiên phát triển các vũ khí này đã được chứng minh là không hiệu quả và đây là lý do Seoul đang tìm kiếm một giải pháp mới”.

Đối lập với những người tán thành chủ trương phát triển vũ khí hạt nhân là những người muốn Seoul thu phục Bình Nhưỡng, dỡ bỏ lệnh trừng phạt và hy vọng chính phủ Triều Tiên tiết chế hành vi của mình.

Song những người chỉ trích phương án này chỉ ra rằng "chính sách ánh dương” trước đây của Hàn Quốc đã làm chính xác điều đó song không đạt được kết quả gì cả. Ông Nagy cho hay: "Sự thực là Triều Tiên đã hoàn thiện "chính sách bên miệng hố chiến tranh” và họ hiểu rõ mối quan hệ giữa phô trương sức mạnh tấn công của mình và khả năng khai thác chúng để đạt được những nhượng bộ từ Mỹ, Trung Quốc và các nước khác”.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast