"Mắt thần" mới giúp chiến đấu cơ Nga chiếm thế thượng phong

Hệ thống xử lý hình ảnh mới cho phép máy bay Sukhoi PAK FA T-50 của Nga tăng gấp 2,5 lần khoảng cách phát hiện mục tiêu địch.

Ngày 30/7, Công ty Cổ phần Vô tuyến-Điện tử Kret trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Quốc gia Rostec tuyên bố đã tạo ra hệ thống xử lý hình ảnh có tên gọi Hunter (Thợ săn) cho tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 Sukhoi PAK FA T-50 của Nga.Hunter dự định sẽ được kết hợp với hệ thống dò tìm quang học-điện tử của máy bay chiến đấu/ném bom và trực thăng tấn công để phát hiện vũ khí, binh lính và thiết bị quân sự đặc biệt của kẻ thù.

  moi giup chien dau co nga chiem the thuong phong

Hunter sẽ giúp máy bay chiến đấu Nga săn mục tiêu tốt hơn

“Công nghệ này sẽ giúp không quân Nga ổn định hình ảnh điện tử, tự động phát hiện và theo dõi mục tiêu cũng như tăng gấp 2,5 lần phạm vi phát hiện trong điều kiện tầm nhìn khó khăn, chẳng hạn khói bụi”, thông cáo báo chí của Kret cho biết.

Kret hãnh diện tuyên bố trong những năm qua, công ty đã tạo ra hàng loạt thiết bị dò tìm, theo dõi mục tiêu cho trực thăng Mi-28, Ka-52, dòng chiến đấu cơ Su, hệ thống pháo cao xạ, tàu chiến cũng như đối với một số hệ thống tên lửa và súng chống máy bay.

“Hiện công ty đang phát triển thiết bị xử lý video tăng cường khả năng hoạt động của hệ thống dò tìm quang học-điện tử dành cho PAK PA Sukhoi”, Kret cho biết thêm.

Các chuyên gia quân sự nhận định rằng, T-50 ngày càng được trang bị thêm nhiều hệ thống thiết bị rất tiên tiến, trợ giúp đắc lực cho các hệ thống vũ khí mạnh mẽ, khiến không chỉ sức mạnh của nó được nâng cao mà còn trở thành một chiến đấu cơ rất “thông minh”.

Sukhoi PAK FA được các chuyên gia Nga đánh giá có những đặc điểm nổi bật sau: Siêu cơ động, linh hoạt, bay với tốc độ siêu âm không cần đốt sau; có khả năng tàng hình tốt, tiết diện phản xạ radar siêu nhỏ; có khả năng cất, hạ cánh trên đường băng ngắn.

Nó được cài đặt hệ thống điều khiển bay thông minh được mệnh danh là “phi công thứ 2 ảo”, các hệ thống radar và thiết bị đo đạc, trinh sát đa chủng loại, có phạm vi phát hiện mục tiêu rất xa, cùng với hệ thống vũ khí đa dạng, mạnh nhất thế giới.

"Bộ não điện tử" của máy bay là hệ thống tiếp nhận và quản lý thông tin có khả năng trao đổi dữ liệu với những máy bay khác hay với trạm chỉ huy và hệ thống tình báo của lực lượng mặt đất hoặc lực lượng Hàng không-Vũ trụ và cả lực lượng Hải quân.

Các chuyên gia Nga đánh giá, chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của nước này thực sự là “cỗ máy chiến đấu thông minh có cánh”, được thiết kế để chiếm thế thượng phong trên bầu trời trước các chiến đấu cơ phương Tây và triệt hạ các mục tiêu dưới mặt đất và trên mặt biển.

Dự kiến đến năm 2017, T-50 sẽ chính thức được biên chế cho lực lượng không quân. Tuy nhiên, với việc được trang bị thêm những hệ thống thiết bị rất tiên tiến, các chuyên gia đánh giá rằng, phải đến năm 2018 T-50 mới được sản xuất hàng loạt.

Chuyên gia quân sự đồng thời là Tổng biên tập của một trang tin quốc phòng Nga, ông Said Aminov từng so sánh khả năng của hai máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm PAK FA T-50 của Nga và F-22 Raptor Mỹ và cho rằng, những thông số của T-50 sẽ vượt trội "người tiền nhiệm" F-22 Raptor.

"F-22 Raptor của Mỹ được chế tạo nhằm chống lại các cuộc tấn công bằng lên lửa tầm xa của đối phương. Máy bay có hệ thống radar tầm xa, quan sát theo dõi được các mục tiêu ở tầm thấp nhất, kết hợp với với tên lửa tầm trung. Nhờ đó, F-22 Raptor đảm bảo khả năng đánh chặn các mục tiêu trên không ở những cự ly có thể chấp nhận một cách hiệu quả và không cần tham gia vào một trận không chiến", chuyên gia Said Aminov giải thích.

Tuy nhiên, PAK FA T-50 của Nga kết hợp việc sử dụng công nghệ cao trong đó có công nghệ tàng hình vì vậy T-50 có khả năng cơ động "siêu phàm".

"Nhờ có khả năng cơ động "siêu phàm", máy bay chiến đấu T-50 PAK FA của Nga đảm bảo luôn chiếm ưu thế và sẽ giành thắng lợi trong các trận không chiến trước đối thủ", ông Said Aminov nhấn mạnh.

Đáng lưu ý, T-50 được trang bị loại động cơ và các thiết bị mới, hiện đại vì thế nó có khả năng cơ động cao và tàng hình tốt (giảm thiểu hệ số bức xạ trong tầm hồng ngoại). T-50 được trang bị dàn vũ khí hiện đại vì thế tuyệt nhiên F-22 Raptor không có cơ hội trong các cuộc không chiến với T-50.

Ở một phạm vi nhất định, T-50 có thể không chỉ phát hiện được mục tiêu mà còn khóa các mục tiêu hộ tống và khai hỏa trước khi F-22 Raptor có thể tấn công đáp trả bằng tên lửa. Các tên lửa trang bị trên T-50 có tầm bắn trên 150 km, trong khi tên lửa của F-22 chỉ có tầm bắn 120 km.

"Với dàn vũ khí hiện đại và các thông số vượt trội của PAK FA T-50, chiến đấu cơ F-22 Raptor của Mỹ sẽ không có cơ hội trong cuộc không chiến trực tiếp với tiêm kích Nga", chuyên gia quân sự Said Aminov kết luận.

Theo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast