Mỹ nâng cấp toàn diện F-22 Raptor

Những nỗ lực nâng cấp không quân của Nga đã khiến Bộ Quốc phòng Mỹ bất ngờ. Do đó, Lầu Năm Góc đang cân nhắc khởi động lại chương trình Chiến đấu cơ chiến thuật hiện đại (ATF), nhằm nâng cấp các tiêm kích tàng hình F-22...

Mỹ nâng cấp toàn diện F-22 Raptor ảnh 1

Tiêm kích thế hệ 5 F-22 Raptor của Không quân Mỹ. Ảnh: Getty

Theo Sputnik News, Không quân Mỹ vừa quyết định chi số tiền lên đến 6,9 tỷ USD để hiện đại hóa toàn bộ tiêm kích thế hệ 5 F-22 Raptor. Trong một phiên điều trần trước Ủy ban Quốc phòng thượng viện Mỹ vào hôm 8-3, Phó tham mưu trưởng phụ trách lên kế hoạch chiến lược cho không quân Mỹ, ông Giêm Hôm (James Holmes) cho biết: “Bộ Quốc phòng và quốc hội Mỹ đã quyết định đánh giá lại những mối nguy hiểm trên không. Chúng tôi đang nhìn thấy Nga và Trung Quốc phát triển máy bay với tốc độ nhanh hơn tưởng tượng”.

Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay, Nga đã giới thiệu 3 mẫu máy bay mới bao gồm máy bay tấn công và huấn luyện hạng nhẹ Yakovlev Yak-130, chiến đấu cơ Sukhoi Su-34 và tiêm kích đa nhiệm Sukhoi Su-35S. Ngoài ra, Nga cũng đang phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 PAK FA. Không quân Nga có kế hoạch nhận lô PAK FA đầu tiên vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017. Đây là mẫu máy bay được ra mắt để thay thế chiến đấu cơ MiG-29 và Su-27. Nếu biên chế được PAK FA vào năm 2016 theo đúng kế hoạch thì tức là Nga chỉ mất 6 năm để phát triển mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 5 đầu tiên, trong khi con số này của Mỹ đối với F-22 là 15 năm. Ngoài ra, tập đoàn MiG của Nga cũng được cho là đang nghiên cứu một mẫu chiến đấu cơ thế hệ 5 khác.

Về phía Mỹ, tổng cộng 187 chiếc F-22 Raptor của Mỹ đã được sản xuất trong giai đoạn 1996-2011. Lầu Năm Góc hiện không có ý định sản xuất thêm, tuy nhiên, đang cân nhắc nâng cấp các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này. Hợp đồng được trao cho công ty Lockheed Martin. Theo hợp đồng được ký kết, công ty Lockheed Martin sẽ nâng cấp các máy bay F-22 Raptor lên phiên bản Increment 3.1, sau đó là Increment 3.2A và Increment 3.2B. Thời hạn hoàn tất hợp đồng sẽ kéo dài tới ngày 20-3-2023.

Trong khuôn khổ hiện đại hóa F-22 lên thành phiên bản Increment 3.1 - hiện đã được Lockheed Martin thực hiện (bắt đầu từ tháng 3-2012), các máy bay sẽ được trang bị ra-đa cải tiến có khẩu độ tổng hợp có khả năng thiết lập bản đồ địa hình, độc lập phát hiện các mục tiêu mặt đất và dẫn bắn. Ngoài ra, phiên bản mới còn được trang bị thêm 8 bom SDB 113kg.

Từ năm 2014, chương trình nâng cấp F-22 lên phiên bản Increment 3.2A bắt đầu được thực hiện. Trên phiên bản này dự kiến sẽ được lắp đặt các hệ thống tác chiến điện tử và nhận biết mục tiêu mới. F-22 phiên bản Increment 3.2A cũng có thể đối chiếu thông tin nhận được qua máy thu chuẩn Link 16 (trên F-22 máy này chỉ thực hiện chức năng tiếp nhận thông tin) với các thông tin có trong cơ sở dữ liệu cũng như kết hợp với các thông tin nhận được từ các cảm biến riêng.

Chương trình nâng cấp F-22 lên phiên bản Increment 3.2B sẽ bắt đầu từ năm 2017. Chương trình này kéo dài 6 năm, tới năm 2023. Dự kiến, các máy bay F-22 phiên bản này sẽ được trang bị các hệ thống dẫn đường và tác chiến điện tử hiện đại. Hệ thống tự động hóa và chương trình tin học hóa trên máy bay cũng được cải tiến. Nhờ đó, F-22 có thể sẽ được trang bị các tên lửa AIM-120D AMRAAM và AIM-9X Sidewinder lớp không đối không.

Ngoài gói hợp đồng nâng cấp trên, không quân Mỹ dự kiến sẽ chi thêm tiền nhằm cải tiến F-22 lên phiên bản Increment 3.3. Trước đó, vào tháng 2-2011, có thông tin cho biết không quân Mỹ sẽ chi tổng cộng 16 tỷ USD để hiện đại các máy bay này từ năm 2012, tuy nhiên thông tin này không được Mỹ xác nhận.

F-22 Raptor của Không quân Mỹ được mệnh danh là máy bay tiêm kích đắt nhất hành tinh và siêu chiến đấu cơ nguy hiểm nhất thế giới. F-22 Raptor có mức giá ngất ngưởng vào khoảng 200 triệu USD, có thiết kế vượt trội so với các loại phản lực chiến đấu khác với khả năng tấn công mặt đất, trinh sát, chiến tranh điện tử và chiếm ưu thế trên không. Theo Không quân Mỹ, F-22 không giống bất kỳ máy bay chiến đấu nào từng được thiết kế trước đây. Nó đắt đến mức... chính nước Mỹ cũng không thể chịu đựng nổi. Tuy nhiên, chiếc chiến cơ đắt đỏ này lại chủ yếu làm nhiệm vụ hộ tống và bảo vệ các máy bay ném bom trong các cuộc không kích phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) từ cuối tháng 9-2014.

Việc trang bị tên lửa tầm nhiệt AIM-9X lên F-22 vốn rất kén vũ khí giúp tiêm kích thế hệ 5 này mở rộng đáng kể phạm vi tác chiến. Phải mất khá nhiều thời gian không quân Mỹ mới có thể bắt đầu tích hợp được tên lửa tầm nhiệt tầm gần góc lệch trục đạn lớn (HOBS) đầy uy lực AIM-9X Sidewinder vào tiêm kích tàng hình tối tân F-22 Raptor, theo National Interest.

Từ khi chính thức biên chế vào năm 2005 đến nay, Không quân Mỹ luôn vỗ ngực tự hào F-22 Raptor là tiêm kích tàng hình tối tân nhất thế giới và không có đối thủ xứng tầm. Tuy nhiên, việc quảng cáo F-22 mạnh nhất thế giới có lẽ chỉ đúng phần nào ở khía cạnh tàng hình, ra-đa. Là một trong những dòng tiêm kích tàng hình thế hệ 5 hiện đại nhất thế giới, F-22 lại rất kén chọn các loại vũ khí mới, bởi hệ thống điều khiển và kiểm soát của nó được phát triển cách đây hàng chục năm, không phải là hệ thống mở và rất khó tích hợp các loại tên lửa mới. Trước đây, chiếc tiêm kích hàng đầu này của Mỹ chỉ được trang bị tên lửa "cổ lỗ sĩ" AIM-9M không có góc lệch trục đạn lớn.Việc không được trang bị tên lửa HOBS khiến chiếc tiêm kích này gặp bất lợi lớn trong tình huống không chiến tầm gần với chiến đấu cơ đối phương.

AIM-9X Sidewinder là một trong những loại tên lửa không đối không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Đây là loại tên lửa tầm nhiệt dẫn đường bằng hồng ngoại, có thể tự hiệu chỉnh trong lúc bay nhờ dữ liệu cung cấp từ máy bay, giúp tăng đáng kể độ chính xác trong tiêu diệt mục tiêu. Tên lửa AIM-9X do hãng Raytheon sản xuất, có tầm bắn 1-35,4km, được sử dụng trong không quân 40 nước, chủ yếu là các thành viên của NATO.

“Khi trang bị tên lửa AIM-9X, sức mạnh của F-22 được tăng cường đáng kể”, Trung tá Đ.Xca-lích-ki (David Skalicky), chỉ huy phi đội tiêm kích số 90 ở căn cứ không quân hỗn hợp Elemendorf-Richarson, A-la-xca nói. “Chúng tôi có thể sử dụng tên lửa này trong nhiều kịch bản tác chiến ở tầm xa hơn và bao quát được hoạt động trong phạm vi tác chiến. Chúng tôi đã mất nhiều thời gian hơn để tích hợp được tên lửa AIM-9X vào F-22. Tên lửa AIM-9X sở hữu những tính năng trội hơn các tên lửa Sidewinder trước đây, giúp tăng uy lực cho tiêm kích F-22", ông Xca-lích-ki giải thích.

Theo NGỌC HÀ/qdnd.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast