Nước nào gây nổ hạt nhân trên vũ trụ?

Những quốc gia nào tiến hành các vụ nổ trên vũ trụ? Các chương trình vũ trang trên vũ trụ

Ngoài việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa, chính quyền Mỹ còn đưa ra các khái niệm về một "cuộc tấn công toàn cầu", trong đó ấp ủ kế hoạch triển khai vũ khí chiến lược trong không gian vũ trụ và các hệ thống phi hạt nhân chiến lược của loại vũ khí có độ chính xác cao.

nuoc nao gay no hat nhan tren vu tru

Ngày 24/1/1978 vệ tinh "Cosmos-954" của Liên Xô, được trang bị lò phản ứng hạt nhân, đã bị nổ tung trong khí quyển vùng phía bắc Canada.

Sự kiện này đã gây ra một vụ xì căng đan quốc tế nghiêm trọng. Đây không phải là vụ việc xảy ra lần đầu và cũng không phải là lần cuối.

Hoa kỳ cũng đã đạt được những kết quả to lớn về những bước đi nguy hiểm trên không gian vũ trụ. Và gần đây, Trung Quốc cũng đã gia nhập vào đội ngũ hai cường quốc trên.

Đây là những quốc gia có những hoạt động trong không gian vũ trụ không phải chỉ có mục đích hoà bình.

Những vụ nổ hạt nhân

Các hoạt động lớn và nhiều nhất trong không gian liên quan đến nỗ lực chế tạo vũ khí chống vệ tinh, là mối nguy hiểm cho cả môi trường sinh thái trên mặt đất, cũng như sự an toàn của các chương trình vũ trụ khác.

Mỹ là nước đầu tiên khai phá con đường này. Ngày 27/8/1958, lần đầu tiên trong lịch sử, người Mỹ đã cho nổ một đầu đạn hạt nhân có công suất 1,7 kt ở độ cao 161 km. Đầu đạn này được đưa lên bằng tên lửa X-17A, phóng từ tàu hải quân Mỹ AVM-1 Norton Sound.

Rõ ràng, một đầu đạn có công suất nhỏ như vậy không thể gây gây ra mối đe dọa nào đáng kể cho các vệ tinh. Cần phải có sự điều khiển có độ chính xác cao của tên lửa, mà lúc đó Hoa Kỳ chưa có.

Và thế là các nhà thí nghiệm quân sự bắt đầu tăng dần công suất của đầu đạn hạt nhân và tiến tới phóng tên lửa ngày càng cao hơn. Kỷ lục của hàng loạt thí nghiệm (gọi là The Argus) này là vụ nổ tiến hành ở độ cao 750 km. Và kết quả là gây nên các dải bức xạ nhân tạo hẹp quanh Trái đất.

Các vụ nổ liên tục diễn ra, nhưng sau đó đã bị đình chỉ bởi một lệnh cấm các vụ thử hạt nhân trong vũ trụ. Song lệnh cấm đó tồn tại chẳng được bao lâu. Cuộc khủng hoảng ở Caribe đã tạo điều kiện cho các bên “xé rào”. Lần này thì Liên Xô lại là quốc gia có bước đi trước.

Với mục đích nghiên cứu ảnh hưởng của các vụ nổ trong vũ trụ và những thiết bị phòng thủ chống tên lửa, ngày 27/10/1961 từ bãi phóng tên lửa Kapustin Yar hai tên lửa đạn đạo R-12 mang đầu đạn hạt nhân có công suất 1,2 kt được phóng lên, sau đó được cho nổ phía trên bãi thử nghiệm Sary Shagan ở độ cao 150 km và 300 km.

Mỹ đã đáp trả bằng dự án Starfish Prime được mệnh danh là "chú voi trong cửa hàng bát đĩa".

Ngày 09/7/1962 ở độ cao 400 km, Mỹ đã kích nổ một quả tên lửa đầu đạn nhiệt hạch "Thor" có công suất 1,4 megaton, được phóng từ đảo san hô Johnston.

Kết quả của cuộc thử nghiệm này là gần như tất cả các đèn đường ở thành phố Oahu- Hawaii đều bị cháy sạch.

Và quầng sáng của ngọn lửa có thể nhìn thấy từ tận New Zealand (nơi cách tâm chấn của vụ nổ 7.000 km).

Trong một thời gian dài, một vành đai bức xạ đáng kể được hình thành. Đó cũng chính là lý do vì sao trong suốt 2 năm trời, người ta đã phải điều chỉnh thông số các chuyến bay có người lái của các con tàu vũ trụ "Rạng đông" và "Sao Thủy".

nuoc nao gay no hat nhan tren vu tru

Quầng sáng sau vụ nổ của Chương trình Starfish Prime / Ảnh: wikipedia

Còn về mục tiêu chính của cuộc thử nghiệm thì phải nói là đã vượt quá xa so với dự kiến. 7 vệ tinh, cả của Mỹ lẫn Liên Xô bị vô hiệu hóa. Đó là 1/3 số lượng các thiết bị vũ trụ nằm trong quỹ đạo thấp vào thời điểm đó. Cuối cùng, người ta cũng ngộ ra rằng phương pháp đối đầu bừa bãi như vậy có khả năng gây ra nhiều thiệt hại cho chính bản thân Hoa Kỳ.

Vụ nổ này gây ra một vụ bê bối chính trị lớn. Cuối cùng, người ta lại đưa ra một lệnh cấm tạm thời việc tiến hành các vụ nổ hạt nhân ở ngoài vũ trụ.

Trong những năm 50-60, Mỹ đã tiến hành 9 vụ nổ vũ trụ, còn Liên Xô là 5 vụ.

Những vụ tai nạn của các lò phản ứng hạt nhân quỹ đạo

Những vụ bê bối quốc tế nghiêm trọng không chỉ liên quan đến các vụ nổ hạt nhân trong không gian đã được lên kế hoạch từ trước. Có cả những vụ tai nạn xảy ra, đe dọa đến môi trường nói chung và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của những người dân thuộc các quốc gia khác.

Từ đầu những năm 70, Liên Xô đã lên kế hoạch và sau đó triển khai Hệ thống do thám không gian trên biển và hệ thống định vị mục tiêu "Legend".

Hệ thống này bao gồm hai nhóm vệ tinh - thụ động và tích cực. Để nhóm vệ tinh thứ 2 (Tích cực-ND) có thể hoạt động bình thường, cần phải có một nguồn cung cấp điện liên tục với công suất cao, vì vậy, các vệ tinh này được trang bị một lò phản ứng hạt nhân ngay trên boong.

nuoc nao gay no hat nhan tren vu tru

Một vụ nổ trên vũ trụ

Nguồn năng lượng dự trữ đảm bảo cho vệ tinh hoạt động trong vòng 1080 giờ, trong đó một phần dành cho việc chỉnh đổi vị trí của vệ tinh và tạo ra nhiên liệu. Và lò phản ứng cứ thế tiếp tục hoạt động.

Để không phải thải xuống mặt đất một “tài sản quý giá” như vậy, người ta đưa vệ tinh vào "quỹ đạo mai táng" ở độ cao 1.000 km. Theo tính toán, vệ tinh phải nằm trong “nghĩa trang” đó ít nhất là 250 năm.

Tuy nhiên, trong quá trình các vệ tinh “tích cực” hoạt động, đôi khi cũng xảy ra những tình huống bất ngờ. Tháng 1/1978, vệ tinh "Cosmos-954" mang lò phản ứng hạt nhân đã hoàn toàn bị tê liệt và trở nên không thể kiểm soát nổi. Mọi nỗ lực đưa nó vào "quỹ đạo mai táng" đều không thành công. Chiếc vệ tinh không thể kiểm soát bắt đầu hạ dần độ cao.

Tin tức trên được thông báo cho Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ NORAD, và ngay lập tức, trên các phương tiện thông tin đại chúng phương Tây đã loan truyền về mối đe dọa thực sự do chiếc "Vệ tinh-giết người" của Nga sắp gây ra.

Tất cả đều sợ hãi chờ đợi và tự hỏi "ngôi sao chiếu mạng" này sẽ rớt xuống nơi đâu?

Vào ngày 24/1, chiếc vệ tinh này đã tự phá hủy trong bầu khí quyển trên lãnh thổ Canada. Các mảnh vụn phóng xạ của nó rơi xuống Alberta- một vùng thưa dân cư. Tổng cộng, Canada đã tìm thấy hơn 100 mảnh vỡ với tổng khối lượng lên tới 65 kg dưới dạng các thanh, đĩa, ống và các bộ phận nhỏ hơn, với mức phóng xạ đạt 200 roentgen/ giờ.

May mắn, không có người dân địa phương nào bị thương vong, vì thực tế gần như không có cư dân trong khu vực này. Mặc dù mức độ ô nhiễm phóng xạ trên mặt đất không đáng kể, nhưng Liên Xô đã phải bồi thường thiệt hại cho phía Canada.

Do vụ xì căng đan quá ầm ĩ nên Liên Xô đã phải đình chỉ việc phóng loại tàu US-A (viết tắt của chữ “vệ tinh tích cực có điều khiển”- loạt vệ tinh của Liên Xô thuộc hệ thống trinh sát không gian biển "Legend"- ND) trong 3 năm, để cải thiện mức độ an toàn cho loại vệ tinh này.

nuoc nao gay no hat nhan tren vu tru

Một thiết bị đánh chặn trên vũ trụ

Tuy nhiên, nếu nói đến những tai nạn liên quan đến các thiết bị hạt nhân được sử dụng trên vũ trụ thì chính Mỹ cũng đã từng dính trước Liên Xô nhiều.

Ngày 21/4/1964, vệ tinh định vị "Transit-5B" do Mỹ phóng lên đã tự phá hủy, kết quả là bầu khí quyển của Trái đất đã phải hứng chịu 1 kg plutonium-238, dẫn đến sự gia tăng phóng xạ tự nhiên. Tuy nhiên, phía Mỹ đã lẩn tránh bồi thường thiệt hại và chỉ "xin lỗi nhẹ nhàng".

Tai nạn thứ ba thuộc dạng này xảy ra vào năm 1988. Vệ tinh "Cosmos-1900" của Liên Xô thuộc hệ thống "Legend" vừa được cải tiến đã "không phục tùng" sự điều khiển của mặt đất.

Cuối cùng nó bị cháy trong khí quyển. Nhưng may mắn là trước đó, lò phản ứng hạt nhân của nó đã được tách ra khỏi vệ tinh và được đưa sang “quỹ đạo mai táng”.

Bãi rác vũ trụ ngày càng bành trướng

Còn một lý do nữa khiến cho những vụ bê bối quốc tế ngày càng trở nên phức tạp: các vệ tinh của các quốc gia khác nhau thường xuyên xả “rác” trên vũ trụ. Rác ở đây, nói chính xác hơn, là những mảnh vụn của các vật thể trên vũ trụ.

Phần lớn các mảnh vỡ này phát sinh do việc thực hiện các chương trình quân sự nhằm tiêu diệt vệ tinh của đối phương.

nuoc nao gay no hat nhan tren vu tru

Rác vũ trụ

Chương trình thử nghiệm hệ thống chống vệ tinh của Liên Xô do Hội đồng Thiết kế- Thử nghiệm-51 của viện sỹ V.N. Chelomei (Vladimir Nikolayevich Chelomei- nhà thiết kế tên lửa Liên Xô- lãnh đạo Hội đồng Thiết kế- Thử nghiệm trong những năm 1961-1964- ND) thực hiện cũng là 1 trong những hoạt động đó.

Theo chương trình này, vũ khí đánh chặn là một thiết bị hình cầu, có trọng lượng 1,5 tấn, bao gồm khoang động cơ và khoang chứa 300 kg chất nổ. Khoang động cơ có lắp động cơ quỹ đạo sử dụng nhiều lần. Tổng thời gian hoạt động của nó là khoảng 300 giây. Trong quãng thời gian này, thiết bị đánh chặn sẽ di chuyển, tiến gần tới khoảng cách cần thiết để tiêu diệt mục tiêu.

Người ta tính toán rằng, khoảng cách này không được xa quá 1 km. Vỏ bọc của thiết bị cũng được thiết kế sao cho khi bị phát nổ, một lượng lớn các mảnh vỡ sẽ bắn ra với tốc độ cao.

Lần thử nghiệm đánh chặn đầu tiên đã thành công. Ngày 01/11/1968, vệ tinh đánh chặn "Cosmos-249" đã tiêu diệt vệ tinh "Cosmos-248", được đưa lên quỹ đạo làm “quân xanh” vào đêm hôm trước. Kể từ đó, hầu hết các cuộc thử nghiệm (khoảng hơn hai chục- ND) đều thành công. Có thể suy ra, những cuộc thử nghiệm này đã góp phần tăng thêm số lượng “rác thải” trên quỹ đạo.

Do đó, từ năm 1976, để hạn chế lượng mảnh vỡ của các thiết bị phát nổ, người ta đã có sáng kiến tiến hành thử nghiệm bằng cách chỉ cho mục tiêu với thiết bị đánh chặn tiếp xúc với nhau, rồi sau đó đưa chúng rời quỹ đạo bằng chính những động cơ vốn có.

Hệ thống hóa ra đơn giản, thực tế là không hề rắc rối mà chi phí lại rẻ. Vào giữa những năm 70, hệ thống này đã được đưa vào trang bị cho lực lượng vũ trụ của quân đội Xô Viết.

Cũng vào giữa những năm 70, Liên Xô và Hoa Kỳ đã chấm dứt những cuộc thử nghiệm xả nhiều “rác vũ trụ”. Nhưng thực ra, Hoa Kỳ có 1 lần "vi phạm".

Đó là vào năm 1986, với sự trợ giúp của tên lửa, người Mỹ đã tiêu diệt 1 vệ tinh do thám của Liên Xô.

Ở Liên Xô lúc đó đang tiến hành công cuộc “Cải tổ”, quan hệ giữa Liên Xô và Mỹ đang hồi thân mật, nên người ta cũng không để ý lắm đến sự việc này.

nuoc nao gay no hat nhan tren vu tru

Hình ảnh đồ họa tấn công từ vũ trụ

Trung Quốc đang tiếp tục cuộc chạy đua

Trong khi đó, Trung Quốc lại có quan điểm khác về vấn đề này. Họ đang lên kế hoạch một cách nghiêm túc để đuổi kịp và vượt Mỹ, Nga.

Năm 2007, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công vũ khí chống vệ tinh. Tên lửa đạn đạo CT-1, được trang bị đầu đạn động năng (chỉ là lõi thép thông thường, không chứa chất nổ) đã phá hủy vệ tinh khí tượng lỗi thời "Fengyun-1C".

Hoa Kỳ đã hết sức không hài lòng về sự việc này. Nhưng năm 2008, họ (Mỹ) cũng tiếp tục phá hủy vệ tinh quân sự USA -193 của mình bằng nửa tấn nhiên liệu độc hại. Đúng như người ta vẫn thường hay nói: “Chó chê mèo lắm lông”.

Theo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast