Siêu oanh tạc cơ B-21 trị giá nửa tỷ USD của Mỹ có gì nổi trội?

Giới chức Không quân Mỹ khẳng định, siêu oanh tạc cơ B-21 sẽ sở hữu những tính năng nổi bật mà kẻ thù “chưa từng được chứng kiến”.

Bản cải tiến siêu việt của siêu oanh tạc cơ B-2?

Theo Christian Science Monitor, siêu máy bay ném bom tàng hình chiến lược tầm xa B-21 sẽ được hãng Northrop Grumman chế tạo và cho đến nay, hãng vẫn giữ bí mật tuyệt đối về những thông số kỹ thuật chi tiết của loại máy bay này.

Siêu oanh tạc cơ B-21 trị giá nửa tỷ USD của Mỹ có gì nổi trội? ảnh 1
Bức ảnh đầu tiên và cũng là duy nhất về B-21 do các kỹ sư thiết kế phác thảo. Ảnh AP

Đến ngày 26/2 vừa qua, Không quân Mỹ mới tiết lộ bức ảnh đầu tiên về loại máy bay ném bom thế hệ thứ 5 này do các kỹ sư thiết kế phác thảo.

Theo Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah James: “B-21 sẽ cho phép Không quân Mỹ hoạt động trong những môi trường chiến đấu khắc nghiệt nhất trong tương lai.

Chiếc máy bay ném bom có khả năng tấn công siêu chính xác thế hệ thứ 5 này sẽ giúp Mỹ xây dựng một hệ thống mạng lưới cảm biến cho phép chúng ta có thể tấn công các mục tiêu theo cách mà cả thế giới, bao gồm cả kẻ thù của chúng ta chưa từng chứng kiến”.

Theo bà James, B-21 có thiết kế tương đồng với B-2 và sẽ sở hữu những tính năng, công nghệ đã được cải tiến từ chính chiếc B-2.

Siêu oanh tạc cơ B-21 trị giá nửa tỷ USD của Mỹ có gì nổi trội? ảnh 2
Siêu máy bay ném bom chiến lược tầm xa tàng hình B-2- "người tiền nhiệm" của B-21. Ảnh Reuters

Tờ Washington Post cho biết, siêu máy bay ném bom chiến lược tầm xa tàng hình này sẽ thay thế các máy bay ném bom thế hệ cũ như B-1 và B-52.

Nghị sĩ Randy Forbes, thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, cho biết: “Tôi hài lòng khi biết rằng, sau nhiều năm bị trì hoãn, chúng ta lại có thể mua được loại vũ khí có năng lực chiến đấu cực kỳ quan trọng này. Mỹ đang cần một hạm đội máy bay ném bom thế hệ mới có quy mô lớn”.

Con đường chông gai để đi đến hoàn thiện

Để đi đến quá trình hoàn thiện, B-21 đã phải trải qua một quá trình rất chông gai và vấp phải rất nhiều sự phản đối.

Dù tập đoàn Northrop Grumman đã trúng thầu sản xuất B-21 từ hồi tháng 10/2015, cả Boeing và Lockeed đề phản đối việc này và khẳng định, quá trình chỉ định thầu “có nhiều gian lận”. Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO) đã xem xét vụ việc này nhưng không thay đổi quyết định ban đầu.

Theo đó, Northrop Grumman sẽ nhận được khoảng 80 tỷ USD để sản xuất 100 máy bay B-21. Không quân Mỹ cho biết, họ dự định chi số tiền 500 triệu USD/1 chiếc B-21 [do chi phí sản xuất hàng loạt sẽ rẻ hơn nhiều so với chi phí nghiên cứu, phát triển và sản xuất những chiếc máy bay đầu tiên- ND].

Siêu oanh tạc cơ B-21 trị giá nửa tỷ USD của Mỹ có gì nổi trội? ảnh 3
Thượng Nghị sĩ John McCain đã chỉ trích rất nhiều về chương trình phát triển máy bay B-21. Ảnh AP

Thượng Nghị sĩ John McCain từng tuyên bố sẽ ngăn cản việc hợp đồng này bị đội chi phí nếu nó được trình lên Quốc hội Mỹ.

“Tôi không ủng hộ những hợp đồng bị đội chi phí. Họ sẽ bao biện rằng việc này là do họ chưa rõ mình sẽ cần gì đó trong quá trình nghiên cứu và phát triển. Việc Lầu Năm Góc cho rằng, quan điểm đó có thể chấp nhận được là rất đáng lên án”, ông McCain nói.

Trong khi đó, Không quân Mỹ cho rằng, việc phải dự toán chi phí phát sinh sẽ chỉ áp dụng đối với giai đoạn nghiên cứu và phát triển ban đầu của B-21 chứ không phải là giai đoạn sản xuất.

Ngoài ra, ông McCain cũng chỉ trích việc giữ bí mật quá mức cần thiết những tính năng kỹ thuật của B-21.

Không chỉ giữ bí mật tên của những đơn vị cung cấp vật liệu chế tạo, Không quân Mỹ còn không chịu tiết lộ giá trị của bản hợp đồng với tập đoàn Northrop Grumman cũng như kích thước, trọng lượng, tải trọng và tầm hoạt động của siêu oanh tạc cơ tầm xa chiến lược tàng hình này.

Ông McCain không phải là người đầu tiên chỉ trích Không quân Mỹ về sự thiếu minh bạch trong việc phát triển các mẫu máy bay ném bom chiến lược tầm xa.

Trước đó, Tướng John Michael Loh Tư lệnh Bộ Chỉ huy Lực lượng Chiến đấu trên Không đã nghỉ hưu đã hối thúc Không quân Mỹ công bố thêm một số thông số kỹ thuật của B-21 để chương trình này có thể nhận được sự ủng hộ của người dân và các nghị sĩ Mỹ.

“Các bạn sẽ phải chiến đấu cho chương trình phát triển các mẫu máy bay ném bom chiến lược tầm xa của mình hàng ngày, ngày tuần, hàng tháng và hàng năm bởi có rất nhiều người đang muốn dập tắt chương trình này.

Không quân càng sớm công bố nhóm phát triển chương trình này bao nhiêu thì các bạn sẽ càng nhận được nhiều sự ủng hộ bấy nhiếu. Nếu các bạn không làm như vậy, chương trình này sẽ khó có thể tồn tại”, Tướng Loh nói.

Mỹ vẫn cần hiện đại hóa Không quân

Trong khi đó, Trung tướng Mike Holmes, Phó Tổng tham mưu phụ trách các kế hoạch chiến lược của Không quân Mỹ, cho biết, chi tiết về chương trình phát triển B-21 đầy bí mật này sẽ được công bố vào đầu tháng 3.

Không quân Mỹ đã yêu cầu một khoản ngân sách lên đến 120,4 tỷ USD cho năm tài khóa 2017.

Trong bài phát biểu trước Không quân Mỹ, bà James tuyên bố: “Chúng ta đã phải giảm bớt lực lượng của mình trong nhiều năm và điều này sẽ phải dừng lại ngay lập tức”.

Không quân Mỹ cũng nhận thức được rằng, họ đang cần phải hiện đại hóa. Hồi đầu tháng 2, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ Mark Welsh thừa nhận: “Số trang thiết bị vũ khí làm nên tên tuổi vĩ đại của Mỹ trong 50 năm qua sẽ không thể khiến Mỹ vĩ đại trong 50 năm tiếp theo”./.

Theo Trần Khánh/VOV.VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast