Số phận hẩm hiu của oanh tạc cơ hạt nhân đầu tiên trên thế giới

Được thiết kế để tấn công trả đũa hạt nhân vào lãnh thổ Mỹ, oanh tạc cơ hạt nhân Myasishchev M-4 lại là một dự án thất bại với quá nhiều lỗi.

Vào thập niên 1950, Liên Xô nuôi tham vọng phát triển một oanh tạc cơ có năng lực phi thường để trả đũa hạt nhân vào lãnh thổ Mỹ, nhằm khắc phục sự thua kém đối thủ về quy mô vũ khí hạt nhân, theo RBTH.

so phan ham hiu cua oanh tac co hat nhan dau tien tren the gioi

Một chiếc M-4 còn nguyên vẹn. Ảnh: RBTH.

Nhiệm vụ thiết kế chiếc oanh tạc cơ trả đũa hạt nhân này được giao cho Vladimir Myasishchev, người được bổ nhiệm làm trưởng phòng thiết kế thử nghiệm V.M. Myasishchev (OKB-23) để phát triển dự án này.

Sau 6 tháng miệt mài làm việc, Myasishchev ra mắt bản thiết kế oanh tạc cơ tương lai có tầm hoạt động 11.000 – 12.000 km, đạt tốc độ hành trình 900 km/h.

Nguyên mẫu đầu tiên ra đời vài tháng sau đó. Chiếc oanh tạc cơ này được đặt tên là M-4, dài gần 49 m, sải cánh hơn 50 m, tốc độ tối đa 947 km/h, tầm hoạt động 8.100 km, trần bay 11.000 km và phi hành đoàn 8 người, có thể mang 9-24 tấn vũ khí.

Vũ khí chính của oanh tạc cơ M-4 được cho là bom nhiệt hạch RDS-37 với đương lượng nổ 2,9 Mt (tương đương sức nổ của 2,9 triệu tấn TNT), đủ khả năng phá hủy hoàn toàn một thành phố hay khu vực công nghiệp. Ngoài ra, máy bay này cũng có thể mang thêm các vũ khí thông thường như ngư lôi, thủy lôi và các loại bom dẫn đường. Vũ khí phòng thủ trên oanh tạc cơ M-4 gồm 9 pháo NR-23 hoặc 6 pháo AM-23 23 mm.

Sau các chuyến bay kiểm tra, M-4 trở thành oanh tạc cơ liên lục địa mang vũ khí hạt nhân đầu tiên được đưa vào biên chế trên thế giới, trước vài tháng so với đối thủ B-52 Mỹ.

Lỗi thiết kế

Tuy nhiên, khi mới vận hành, oanh tạc cơ này bộc lộ nhiều lỗi thiết kế. Hệ thống lái thường gặp trục trặc, đặc biệt khi cất hoặc hạ cánh, và cần lái rất khó điều khiển, khiến phi công rất dễ phải trả giá nếu phạm sai lầm.

Hệ thống điều hòa không khí trong khoang máy bay thường hoạt động dưới công suất, khiến các phi công phải mặc áo ấm khi thực hiện nhiệm vụ, bởi nhiệt độ trong cabin có thể xuống dưới 0 độ C khi máy bay cao.

so phan ham hiu cua oanh tac co hat nhan dau tien tren the gioi

Một chiếc M-4 nâng cấp được trang bị hệ thống tiếp liệu Konus. Ảnh: Aerospaceweb.

Trong ba năm vận hành đầu tiên, một loạt tai nạn xảy ra, trong đó có 6 vụ gây chết người. Đã có lúc những người vợ của các phi công kéo đến đường băng căn cứ M-4 Engels để ngăn cản máy bay cất cánh.

Ngoài ra, các kỹ sư còn phát hiện ra rằng M-4 cần được thiết kế lại một cách triệt để mới có thể mang theo bom nhiệt hạch, buộc Liên Xô phải sử dụng oanh tạc cơ Tu-95 trong các cuộc thử nghiệm ném loại bom này.

Có tổng cộng 32 chiếc M-4 đã được Liên Xô sản xuất, trong đó ba chiếc bị rơi khi bay thử nghiệm làm toàn bộ phi hành đoàn thiệt mạng. Vấn đề nghiêm trọng hơn là tầm hoạt động tối đa của nó không vượt quá 9.500 km, chỉ bằng một nửa so với dự tính. Với tầm hoạt động như vậy, M-4 không thể nào tiếp cận lục địa Mỹ để thả bom và quay trở về.

Cách duy nhất là phải tiếp liệu trên không cho nó, và Liên Xô đã phát triển hệ thống tiếp liệu Konus dành riêng cho oanh tạc cơ M-4. Ngày 8/1/1957, một chiếc M-4 đã bay chặng đường 14.500 km trong 17 giờ với hai lần tiếp liệu trên không.

so phan ham hiu cua oanh tac co hat nhan dau tien tren the gioi

Phiên bản 3M tỏ ra vượt trội hơn hẳn so với M-4. Ảnh: buran.ru

Sau khi phiên bản cải tiến 3M hiện đại hơn của loại oanh tạc cơ này được phát triển, Liên Xô quyết định biến tất cả oanh tạc cơ M-4 thành máy bay tiếp liệu trên không. Những máy bay này vẫn nằm trong biên chế đến đầu thập niên 1990, trước khi nghỉ hưu vào tháng 8/1997 và bị tháo dỡ làm sắt vụn.

Theo Duy Sơn/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast