SPS - “siêu súng” bảo vệ Tổng thống Putin

Khẩu Serdyukov (SPS) cải tiến - mẫu súng lục được xem là mạnh nhất thế giới, sẽ sớm được chuyển tới tay các đặc vụ chuyên bảo đảm an ninh cho Tổng thống Vladimir Putin.

Viện nghiên cứu Trung ương về công nghệ chính xác Liên bang Nga (TsNIITochMash) mới đây ra thông báo cho biết, hai mẫu súng lục tiêu chuẩn được sử dụng bấy lâu trong quân đội Nga là PM (Makarov) và MP-443 Grach sẽ được “loại ngũ”. Tuy TsNIITochMash không nói rõ loại súng nào sẽ được lựa chọn để thay thế, nhưng thông tin chi tiết rò rỉ cho thấy nhiều khả năng đó là SPS phiên bản cải tiến.

Siêu sao phim hành động Steven Seagal (đeo kính) cầm khẩu SPS, bên cạnh là Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin tại một cuộc triển lãm. Ảnh: RIA Novosti

Siêu sao phim hành động Steven Seagal (đeo kính) cầm khẩu SPS, bên cạnh là Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin tại một cuộc triển lãm. Ảnh: RIA Novosti

SPS là súng ngắn đeo sườn an toàn và mạnh nhất của Nga, một trong những mẫu súng lục tốt nhất trên thế giới mà chỉ có giới chuyên gia vũ khí trong ngành mới hiểu hết. SPS được chuyên gia Petr Sedyukov thuộc TsNIITochMash nghiên cứu, phát triển vào những năm đầu thập niên 1990, một thời kỳ biến động của Nga, khi mà tỷ lệ tội phạm tăng vọt, bọn tội phạm thậm chí còn được trang bị cả áo giáp. Cảnh sát và các lực lượng an ninh nội địa rất cần một loại vũ khí mới có thể thay thế súng Makarov đã lỗi thời. Sự ra đời của SPS đáp ứng được nhu cầu cấp thiết này, khẩu súng nhanh chóng được Cơ quan an ninh Liên bang (FSB), Bộ Nội vụ và lực lượng cận vệ liên bang tin dùng. Ngay từ khi mới “ra lò”, SPS đã chứng tỏ được những ưu thế nổi trội của mình.

Súng có thể hoạt động tốt trong các điều kiện thời tiết, từ -50°C đến 50°C. Nhờ thiết kế thu gọn nòng súng, loại vũ khí này có độ chính xác cực cao. Một người bình thường vẫn có thể bắn 10 phát vào trúng bia với độ chụm trong giới hạn tầm 7cm2. Ở khoảng cách 100m, độ chụm là vùng diện tích tầm 32cm2 nằm trên bia, cũng với loạt bắn 10 viên. Kích thước và kiểu dáng nhỏ gọn nhưng SPS không hề nhẹ, giúp xạ thủ có cảm giác đầm tay.

Súng nặng gần 1 kg (995gr), khi nạp đủ đạn (18 viên) sẽ tăng thêm 180gr; chiều dài 225 mm, cỡ nòng 9mm. Tầm bắn hiệu quả trong khoảng cách 200m đổ lại. Sử dụng đạn kích cỡ 9mmx21mm, SPS đủ sức khoan thủng lớp titan dày 1,4mm, hoặc một lớp thép dày 4mm. Chính điều này khiến SPS được đánh giá là loại súng ngắn có độ sát thương mạnh nhất thế giới. Theo thời gian, súng không ngừng được cải tiến. Tháng 8/2012, TsNIITochMash trình làng phiên bản nâng cấp SR1MP được gắn ray Picatinny, giúp có thể lắp được ống ngắm ngắm laser, kính phản quang, ống giảm thanh cũng như các loại đèn rọi sáng chiến thuật lên súng.

Vật bất ly thân của cận vệ bảo vệ yếu nhân

Dù chưa được lục quân Nga đặt hàng trang bị đồng loạt, nhưng các mẫu SPS do nhà máy Mayak ở Kirov sản xuất từ lâu đã trở thành vật bất ly thân đối với các binh sĩ đặc nhiệm thuộc FSB, Bộ Nội vụ, Biên phòng Liên bang và đương nhiên là đội quân chuyên bảo vệ cho các yếu nhân. Các binh sĩ cận vệ này thuộc biên chế FSB, chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh cho Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Ngoại giao, Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống, Trợ lý Tổng thống. Các đối tượng khác sẽ được bảo vệ khi có sắc lệnh đặc biệt từ Tổng thống.

Đội cận vệ của ông Putin có khoảng 12 người và họ luôn theo sát ông chủ Điện Kremlin. Mỗi khi nhà lãnh đạo Nga đi công cán, lực lượng bảo đảm an ninh có thể lên đến cả trăm người trên toàn bộ hành trình. Các thành viên của đội đều được trang bị một khẩu SPS và điều họ tâm đắc nhất chính là ở chỗ loại súng này có kết cấu chắc chắn, đạn bắn xuyên thủng mọi lớp áo giáp ở khoảng cách 50m.

Ông Putin rất tin tưởng đội cận vệ của mình và luôn làm theo mọi chỉ dẫn khi được cảnh báo về các mối nguy tiềm tàng. Đây là điều không thừa, bởi các lực lượng an ninh đã phá 3 âm mưu tấn công nhằm vào nhà lãnh đạo Nga. Vụ thứ nhất là khi ông Puin xuất hiện tại đám tang cựu Thị trưởng St. Petersburg Anatoly Sobchak (tháng 2/2000), tiếp đó là vụ ở Hội nghị thượng đỉnh các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) tại Yalta (8/2000) và cuối cùng là khi ông có chuyến thăm tới Baku, Azerbaijan hồi năm 2002. Trưởng thành từ ngành tình báo - an ninh nên Tổng thống Putin có mối quan hệ tốt với các cận vệ, hay trò chuyện và nhớ tên từng người.

Theo baotintuc.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast